| Hotline: 0983.970.780

Nuôi và sinh sản rắn Long Thừa

Thứ Ba 01/11/2011 , 10:16 (GMT+7)

Những năm gần đây phong trào nuôi rắn long thừa (ráo trâu) ở xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh phát triển rất mạnh.

Những năm gần đây phong trào nuôi rắn long thừa (ráo trâu) ở xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh phát triển rất mạnh. Đặc biệt, do nguồn ếch ngoài thiên nhiên ngày một cạn kiệt, người dân đã thực hiện thành công việc nuôi ếch để làm thức ăn cho rắn.

Ông Nguyễn Văn Nhành - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh cho biết: Vài năm trở lại đây, con rắn long thừa không chỉ đơn thuần dùng để ngâm rượu mà thịt rắn còn là món ăn đặc sản, xuất hiện nhiều ở các nhà hàng lớn. Thị trường tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu ngày càng mạnh, khiến phong trào nuôi rắn phát triển rộng khắp trong địa bàn toàn tỉnh. Hiện rắn được tập trung nuôi nhiều nhất ở xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu. Để chủ động nguồn thức ăn cho rắn, người dân còn chủ động thực hiện nuôi ếch làm mồi, giúp giảm chi phí thức ăn, tăng lợi nhuận.

"BÀ ĐỠ" RẮN

Anh Nguyễn Văn Lực, ấp Lộc Trung, xã Lộc Ninh, người tiên phong nuôi và cho sinh sản rắn long thừa, cho biết: Năm 2005, tình cờ anh đi thăm một người bạn ở Chà Là, vô nhà thấy anh bạn đang vắt trên cổ mấy con rắn đen trũi, to bằng cổ tay, thoạt nhìn thấy cũng hơi rùng mình. Hỏi ra mới biết đó là rắn long thừa, ở miền Bắc gọi là rắn ráo trâu, Đông Nam bộ gọi là hổ vện, người dân đồng bằng sông Cửu Long kêu là hổ hèo…

 Đây là loài rắn lành, không có đôi răng nanh và nọc độc. Biết nuôi sẽ cho kinh tế cao, anh hỏi ngay kinh nghiệm và mua được 26 rắn con về nuôi thử. Anh Lực cho hay, lúc đầu do kém kỹ thuật, chưa có kinh nghiệm, đàn rắn bị chết dần. Không nản chí, anh lặn lội đi học hỏi kinh nghiệm nuôi. Nhờ làm chuồng trại và chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn rắn phát triển tốt. Chỉ sau mấy tháng, đàn rắn đã đẻ trứng lứa đầu.

Một lần nữa, anh lại mày mò nghiên cứu học hỏi cách ấp nở trứng rắn, và những cố gắng nỗ lực của anh đã được đền đáp bằng mẻ trứng nở đầu tiên với tỷ lệ đạt 80%. “Tâm trạng của tôi lúc đó mừng hết lớn”, anh Lực nói. Anh tiếp tục học, áp dụng KHKT vào chăn nuôi, nên không những nuôi tốt mà còn cho rắn đẻ và ấp nở đạt tỷ lệ cao. Đến nay, cơ sở của anh trở thành nơi chuyên sản xuất rắn giống và rắn thương phẩm. Hiện nay trại rắn của anh có trên 1.000 con, trong đó có 500 con rắn bố mẹ.

Anh Lực chia sẻ, rắn long thừa rất dễ nuôi, ít bệnh tật. Thức ăn chủ yếu là ếch, nhái, chuột… Muốn cho rắn sinh sản, trước hết phải biết phân biệt con đực và con cái bằng cách quan sát hình dáng bên ngoài: Con cái dáng tròn, màu sắc bóng mượt; con đực thân hình gần giống tam giác, đuôi to. Rắn nuôi được 1 năm bắt đầu đẻ, cần nhốt chung tỷ lệ 1 đực, 1 cái. Mỗi năm rắn đẻ 2 lứa, lứa đầu từ tháng 6 – 7 âm lịch; lứa thứ hai từ tháng 11 – 12 âm lịch, mỗi lứa con cái đẻ từ 15 – 16 trứng.

Trước đây anh ấp trứng bằng thùng xốp và cát, tỷ lệ trứng nở không cao lắm, bây giờ chuyển sang ấp bằng lu và đất cát tỷ lệ trứng nở cao hơn. Cách ấp cũng đơn giản, cho đất cát vào lu khoảng 20 – 30cm. Sau khi rắn đẻ thu trứng xếp vào lu, lấy miếng vải đậy và buộc kín miệng lu. Nhiệt độ thích hợp cho trứng nở từ 28 – 29oC, từ khi ấp tới khi trứng nở là 75 ngày. Lưu ý trong thời gian ấp phải kiểm tra nhiệt độ trong lu, nếu trời nắng nóng nhiệt độ cao, phải tưới nước vào đất hoặc dùng quạt để hạ nhiệt. Nếu trời lạnh có thể dùng đèn điện để tăng nhiệt độ, ấp theo phương pháp này trứng nở đạt từ 92 – 95%.

Sau khi rắn nở được 3 ngày, bắt đầu cho ăn nòng nọc, rắn lớn sẽ cho ăn ếch lớn dần theo ngày tuổi. Rắn nở sau 15 ngày là xuất bán được. Rắn thương phẩm (loại 1,6 kg trở lên) hiện bán 880.000đ/kg, rắn giống bán từ 180.000 - 200.000đ/con; rắn giống sản xuất ra chưa đủ bán.

NUÔI ẾCH LÀM MỒI

Mô hình “nuôi ếch làm thức ăn cho rắn” của anh Lực được chính quyền địa phương đánh giá rất cao và đã đoạt giải 3 trong hội thi sáng tạo KHKT tỉnh Tây Ninh năm 2009. Từ mô hình này, nhiều hộ chăn nuôi áp dụng rất thành công.

Anh Lực tâm sự, khi người nuôi rắn càng nhiều, thì tổng đàn rắn càng tăng. Nguồn ếch bắt ngoài thiên nhiên làm mồi ngày càng cạn kiệt. Để giải bài toán khó về thức ăn, anh Lực chạy ngược chạy xuôi tìm kiếm và mua được 1 cặp ếch bố mẹ (giống Thái Lan) mang về nuôi và cho sinh sản để làm thức ăn cho rắn.

Theo tính toán của anh Lực, trại rắn của anh chỉ cần mua 1 cặp ếch giống với giá 140.000đ, chúng đẻ được khoảng 2.000 trứng và nở ra ếch con. Ếch đẻ rất nhanh, cứ 15 ngày đẻ 1 đợt. Thịt ếch có hàm lượng đạm và canxi rất cao, rắn ăn mau lớn, phát triển tốt. Cách cho rắn ăn cũng rất đơn giản, trại rắn của anh 1 tuần cho ăn 2 lần, mỗi lần khoảng 20 kg ếch, 1 tháng 160 kg ếch. Giá ếch ngoài thị trường hiện nay là 40.000đ/kg, thì với việc nuôi ếch làm thức ăn cho rắn, 1 tháng anh tiết kiệm được 6,4 triệu đồng.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Tạm thời không xuống giống lúa do xâm nhập mặn

BẠC LIÊU Do tình hình xâm nhập mặn, UBND huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) có công văn gửi các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đề nghị tạm thời không xuống giống lúa vụ hè thu.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.