| Hotline: 0983.970.780

Nuôi vịt sinh thái

Thứ Tư 03/03/2010 , 10:10 (GMT+7)

Nuôi vịt tập trung bảo đảm an toàn dịch bệnh, nhất là dịch cúm gia cầm. Ưu điểm thứ hai là đỡ vất vả hơn, mỗi trại nuôi chỉ cần một vài lao động theo dõi chăm sóc...

Từ khi dịch cúm gia cầm hoành hành đến nay, không ít người nuôi vịt đã rơi vào hoàn cảnh trắng tay, nhưng riêng anh Nguyễn Thanh Bình ở ấp Mỹ Á, xã núi Voi, huyện Tịnh Biên – An Giang, từ một gia đình nghèo ít ruộng rẫy nhờ ý chí năng động và tinh thần vượt khó “ thua keo nầy gầy keo khác” nên chỉ sau vài năm nuôi theo mô hình an toàn sinh học, anh đã vươn lên thành một chủ trang trại có tầm cỡ ở An Giang, mỗi năm thu trên một tỷ đồng.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở nông thôn miền núi, từ nhỏ anh Bình đã theo cha chăn vịt và làm thuê cho một chủ lò ấp trứng nên đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu. Lập gia đình, ra riêng với hai bàn tay trắng, anh quyết chí đi lên từ con vịt.

Bước đầu khởi nghiệp khá thuận lợi, đàn vịt phát triển nhanh chóng nên cuộc sống gia đình ngày càng ổn định. Nhưng kể từ năm 1997, dịch cúm gia cầm bắt đầu lan rộng, nhiều đàn gia cầm xung quanh bị thiêu hủy, đàn vịt của anh cũng không ngoại lệ. Năm 2002, gần 2.000 con vịt đang trong thời kỳ rớt trứng buộc phải đem chôn để bảo đảm dịch cúm lan tràn.

Lần đó anh bị thất thoát trên 200 triệu đồng, nhưng may mắn, anh còn giữ được 700 con vịt khỏe mạnh. Từ đó anh bắt đầu gầy dựng lại cơ nghiệp, tích lũy vốn và lần hồi góp gió thành bão. Đặc biệt là từ khi được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các chuyên gia ngành thú y, anh đã tập trung toàn bộ vốn liếng và công sức của mình mua 2 ha đất hoang hóa để đào ao thả cá và nuôi vịt theo mô hình an toàn sinh học do Trung tâm khuyến nông An Giang triển khai thí điểm. Chỉ vài tháng sau, 2 ha đất ruộng của anh đã được lên bờ, xung quanh được bao bọc bằng một dãy hàng rào lưới B.40. Một trang trại được hình thành, lấy tên là “Trang trại Thuận Lợi.

Mọi người đi ngang đều không khỏi ngỡ ngàng vì mới ngày nào nơi đây còn là vùng đất hoang vu, phèn nặng, tất cả sinh hoạt rất khó huống chi nói đến việc trồng lúa. Bây giờ mảnh đất của anh được bao lưới thả vịt lội tung tăng trên mặt ao, dưới ao anh tận dụng thả cá rô, chép, mè vinh, rô phi, cá trê lai… anh Bình cho biết: Mô hình nuôi vịt khép kín, phía trên thả vịt tận dụng phân vịt làm thức ăn cho cá, cách làm đó tránh được ô nhiễm môi trường. Anh cho biết: Nuôi vịt tập trung bảo đảm an toàn dịch bệnh, nhất là dịch cúm gia cầm. Ưu điểm thứ hai là đỡ vất vả hơn, mỗi trại nuôi chỉ cần một vài lao động theo dõi chăm sóc. Tỉ lệ hao hụt, mất mát cũng thấp hơn nhiều và dễ kiểm soát được tật bệnh so với nuôi vịt chạy đồng. Đặc biệt vịt giống cải tiến cho năng suất cao hơn giống cũ từ 5 – 10%, trứng thu đều đặn với tỉ lệ đẻ đạt trên 80%.

Hiện nay, nhiều tỉnh ở ĐBSCL đang hướng tới nuôi vịt cho ăn thức ăn công nghiệp, một mô hình hấp dẫn và sản xuất bền vững. Tuy nhiên, nuôi vịt an toàn sinh học cũng dễ xảy ra rủi ro và bất trắc, nếu như môi trường vệ sinh không bảo đảm, tiêm chủng không đầy đủ. Về mặt khoa học, các nhà chăn nuôi đang hoàn thiện qui trình chăn nuôi vịt – cá kết hợp và nghiên cứu biện pháp xử lý nước ao sao cho không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Ông Nguyễn Sơn Bằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Núi Voi nói: Phải là người có vốn, giàu kinh nghiệm, giỏi kỹ thuật và đầy bản lĩnh như anh Bình mới có thể tạo dựng được một trang trại như thế nầy, đây cũng là điểm mô hình lớn của huyện Tịnh Biên. Anh Bình cho biết vịt nuôi nhốt điều quan trọng hàng đầu là phòng dịch và vệ sinh an toàn chuồng trại. Vịt nuôi tập trung lâu ngày vi trùng tích lũy cao, mầm bệnh có thể phát sinh bất cứ lúc nào nên người nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch chích ngừa các loại vacxin, tuyệt đối không để cho sai sót.

Hiện nay, trang trại anh Bình có trên 3.000 vịt đẻ và 5.000 con vịt tơ. Toàn bộ trứng được ấp để cung ứng con giống cho các trại chăn nuôi với giá từ 10.000 – 12.000đ/con.

Ngoài lợi nhuận từ con vịt, hằng năm anh còn thu 250 triệu đồng tiền bán cá. Theo anh, nuôi vịt trên ao cá sẽ giải quyết được chất bẩn từ phân vịt thải ra. Theo tính toán của anh, năm nào giá thức ăn ổn định, tiền lời có thể đạt mức 700 - 900 triệu đồng. Từ kết quả tốt đẹp đó, ông Phù Văn Tuấn, Phó Chủ tịch xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên đã đánh giá cao về anh Bình: “Đây là một mô hình rất có hiệu quả, chúng ta cần nhân rộng thêm để phát triển kinh tế nông hộ".

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Một xã ở Bắc Giang có hơn 4.000 cây trám, thu 5-6 tỷ đồng/năm

Xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 4.000 cây trám đen đang ở độ tuổi cho thu hoạch, riêng ở thôn Vân Xuyên có gần 3.000 cây.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.