| Hotline: 0983.970.780

Nuôi vịt trời vừa dễ vừa không lo đầu ra

Thứ Ba 10/05/2016 , 07:15 (GMT+7)

Từ năm 2015, ở Hải Phòng bắt đầu xuất hiện một số trang trại, gia trại nuôi vịt trời. Trong bối cảnh người dân ngày càng “sành ăn” đồng thời đề cao cảnh giác với thực phẩm bẩn thì sản phẩm vịt trời ngon, sạch đang hút khách.

Nuôi vịt trời dễ như vịt nhà

Trên cái ao rộng của ông Vũ Trọng Thắng ở đội 2 phường Tràng Cát, quận Hải An, đàn vịt trời gây huyên náo cả một góc trang trại. Nhìn chúng thi nhau quẫy, bơi, lặn, “trồng cây chuối”… trên mặt ao, nhiều người thắc mắc sao loài hoang dã này lại không bay đi mất? Chủ trang trại cho biết, khi đã quen và hiểu được đặc tính của vịt trời thì giữ được chúng và nuôi rất dễ, “như là nuôi vịt thường vậy”.

Không chỉ nghịch nước rất hăng, chúng còn bay khỏe. Vịt hơn 2 tháng tuổi có thể bay được.Nhưng chúng chỉ bay xa chừng nửa cây số lại bay về. Chúng không bay đi vì trang trại cho ăn đầy đủ.

Chủ trang trại cho biết, tuy vịt trời có sức đề kháng cao hơn hẳn vịt thường nhưng người nuôi vẫn cần tiêm vacxin phòng bệnh thường gặp như dịch tả, cầu trùng, H5N1, viêm gan… Thịt vịt trời rất ngon, từ lâu đã là đặc sản. Giá bán cao gấp đôi gấp ba vịt thường. Hiện gia đình ông Thắng bán 170 - 190 nghìn đồng/kg vịt thịt. Trang trại đang định hướng nuôi vịt thịt và vịt đẻ, đầu tư máy ấp nở để sản xuất con giống.

Không suôn sẻ như gia đình ông Thắng, anh Nguyễn Minh Trường và anh Trần Thành Luận ở tổ dân số Đồng Tử 3 (phường Phù Liễn, quận Kiến An) bắt đầu nuôi vịt trời khá gian nan. Sau khi thăm trang trại vịt trời ở Bắc Giang về, tháng 10/2015, hai anh mua 500 con vịt giống với giá 32 nghìn đồng/con.

Anh Trường kể: “Chúng tôi nuôi 3 lứa đầu không có lãi. 500 con đầu tiên thì chết mất gần 300 con. Mới đầu tôi để nuôi 3 tuần trên cạn, thế là vịt bị khô chân, cho xuống nước thì chúng bị rét, chết như ngả rạ, có ngày chết đến 45 con. Rút kinh nghiệm, lứa thứ hai tôi chỉ “gột” 15 ngày là cho vịt xuống ao. Đàn vịt sống tốt nhưng lại gặp phải cái họa: Chuột.

Dần dần, quá trình nuôi đã cho nhiều kinh nghiệm. Đến nay hai ông chủ trang trại đã nuôi hàng nghìn con vịt trời thương phẩm trên tổng diện tích 7 nghìn m2. Trò chuyện với chúng tôi, hai ông chủ trang trại tỏ ra rất phấn khởi vì tìm được giống vật nuôi mới phù hợp và cho hiệu quả kinh tế cao. “Giống này khỏe lắm, trời rét 6 độ C mà chúng vẫn tắm ao bình thường trong khi vịt thường lăn ra chết!”, anh Trường nói.

Anh quây lưới riêng một góc ao cho vịt tắm, lúc ăn thì chúng lên bờ chứ không thả rông vịt trời trên ao như lúc đầu nữa vì chúng sẽ ăn hết cá. Chuyện thu hoạch cũng khởi đầu không dễ. Mới đầu, anh quây một ô nhỏ bằng lưới, lùa vịt vào để bắt đem bán. Chúng rất khôn, lùa bắt 1,2 lần là chúng biết, đến lần thứ 3 mà lùa vào ô lưới là chúng không chịu vào nữa.

Về sau, vịt đến tuổi trưởng thành, bay được, tức khoảng 80 ngày tuổi là anh quây lưới giữ để thu hoạch cho dễ, nếu không thì hầu như không thể bắt được chúng. Hoặc chúng bay đi xa đến nửa cây số, hoặc chúng lặn xa đến 30m mới ngoi lên hoặc lặn chui qua đất bùn dưới chân lưới ra ngoài. Vì thế, chúng được gọi vui là “đặc công nước”.

Tự chế thức ăn giàu dinh dưỡng

Cũng theo anh Trường, lúc vịt còn nhỏ thì cho ăn cám công nghiệp. Từ lúc 1 tuần tuổi trở đi thì bắt đầu cho ăn thức ăn viên mà gia đình tự chế biến. Anh đã nghiên cứu để pha trộn một dạng thức ăn tổng hợp cho vịt gồm tép biển, cá, đỗ tương, cám ngô, cám gạo.

Trong đó, nguồn cá, tép biển rất phong phú và rất rẻ chỉ 4 - 5 nghìn đồng/kg . Tép biển và cá phải nấu chín trước khi phối trộn nguyên liệu, vì vịt trời đặc biệt không chịu ăn cá tép đã chết. Cứ 2 tạ ngô, thóc thì trộn với vài chục kg cá và tép biển, nhiều nhất có thể trộn tới 60kg. Hỗn hợp này sau khi đưa vào máy ép thành viên, phơi khô thì để được 4 - 5 ngày.

Máy ép cũng do anh Trường tự chế, có công suất 150kg hỗn hợp thức ăn/giờ. Tính ra, chi phí mỗi kg thức ăn viên tự làm là 7.200 đồng, nếu mua ngoài thị trường là 9.500 - 10.000 đồng, chất lượng không đảm bảo bằng gia đình tự chế biến.

“Hơn nữa, điều tôi lo ngại nhất là chất tăng trọng trong cám mua sẵn sẽ không tốt cho đàn vịt trời. Chúng ăn vào mà lớn nhanh, nặng vượt mức thông thường của vịt trời hoang dã thì chúng chẳng còn là “vịt trời” nữa rồi! Vịt thường mới cần số lượng cân nặng để bán được nhiều tiền, còn với vịt trời, tôi xác định tiêu chí đầu tiên là đạt chất lượng ngon, sạch”, anh Trường tâm sự.

Theo hai ông chủ trại, vịt trời ăn ít, chỉ bằng 4/10 khẩu phần của vịt thường. 100 con vịt trời mỗi ngày chỉ ăn hết 6kg cám viên ép, tức chi phí thức ăn chỉ khoảng 4 nghìn đồng/con/ngày. Ngoài ra, nên cho vịt ăn thêm một số loại rau xanh như bắp cải, su hào, muống…

img-5257105936790
Đàn vịt trời của gia đình ông Vũ Trọng Thắng

Đến lúc trưởng thành, con to nhất đạt 1,7kg, còn bình thường chỉ 1,2 - 1,5kg. Các anh chia sẻ, để biết con vịt trời đã đạt chất lượng thịt tốt nhất chưa thì chỉ cần rút lông ở đầu cánh, nếu thấy chân lông khô thì vịt đã ăn ngon, nếu chân lông còn ướt, màu hơi hồng thì thịt chưa ngon và khó làm lông. Lúc vịt trưởng thành mà không bán thì càng nuôi càng tóp đi.

Hiện trang trại của gia đình ông Thắng, anh Trường và anh Luận đều không đủ vịt trời để bán. Họ thường giao vịt cho các khách sạn, nhà hàng, siêu thị quanh vùng, ngoài ra các hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp mua lẻ cũng nhiều. Các chủ trang trại nuôi vịt trời đều nhận định, thị trường vịt trời còn rất rộng lớn. Cách đây ít năm, giá vịt trời hoang lên tới cả triệu đồng mỗi con, nay những trang trại nuôi vịt trời đã giúp nhiều người có thể ăn đặc sản với giá bình dân.

Xem thêm
Biến phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn thức ăn chăn nuôi chính

Thay đổi thói quen canh tác, nhiều nông dân ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã biến những phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thành thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả cao.

Tiêm vacxin bao vây ngăn bệnh viêm da nổi cục lây lan

Quảng Bình Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường tiêm vacxin, ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò lây lan.

Xây dựng dữ liệu số phục vụ quản lý sản xuất lúa

Ngày 22/4, Cục Trồng trọt phối hợp cùng IRRI tổ chức hội thảo tham vấn, đánh giá và xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số phục vụ quản lý sản xuất lúa hiệu quả.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.