| Hotline: 0983.970.780

Ồ ạt đóng giếng cứu lúa màu

Thứ Tư 17/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

Chưa năm nào người dân các xã bãi ngang ven biển tỉnh Quảng Nam SXNN lại gặp khó như năm nay.

Hạn hán khốc liệt kéo dài khiến nguồn nước cạn kiệt, hàng trăm ha lúa, hoa màu có nguy cơ chết khô.  

Thiếu nước nghiêm trọng

Chúng tôi có mặt tại cánh đồng thôn Bản Long, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành vào 11 giờ trưa, trời nắng như đổ lửa nhưng lão nông Nguyễn Văn Len đứng giữa đồng túc trực bên máy bơm đang hoạt động dẫn nước vào ruộng.

Ông Len chua chát: “Chưa năm mô mà hạn hán như năm ni, hơn một tháng rồi mà không có hạt mưa. Hiện nguồn nước nhĩ đã cạn kiệt, ruộng thiếu nước trầm trọng. Nếu không kịp thời đóng giếng (khoan giếng) thì cây lúa chỉ sống được hơn 1 tuần rồi chết héo, sau đó cắt cho bò ăn. Các năm trước đóng sâu 2 - 3 m nước bơm không hết, còn năm nay đóng 8 - 10 m nhưng vẫn thiếu nước”.

Gia đình ông Len có 5 sào đất trồng lúa nhưng từ đầu vụ HT, hạn hán xảy ra nên ông chuyển 3 sào sang trồng sắn, thế nhưng cây sắn không sống nổi. Từng ruộng sắn của ông thiếu nước nghiêm trọng. Để cứu lấy số diện tích này, ông Len thuê người đóng giếng tại ruộng.

Mỗi cái giếng ông phải thuê người đóng mất tiền công 550 ngàn đồng, cộng với máy bơm 750 ngàn đồng, tổng số tiền 1,3 triệu đồng là quá lớn đối với người nông dân, nhưng không đầu tư thì 3 sào sắn cùng 2 sào lúa bị chết cháy.

Tại xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, hạn hán cũng gay gắt, hàng trăm nông dân trồng hoa màu đối diện cảnh mất mùa. Để vớt vát nhiều hộ dân đóng giếng bơm nước ngầm tưới cho cây trồng.

17-31-44_nh-3
Bơm nước cứu sắn

Ông Nguyễn Văn Nam, thôn 3, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình buồn rầu: “Hơn 1 tháng nay trời chẳng “nhả” cho giọt nước nào. 3 sào mè (vừng) của tôi đang thời kỳ cho quả non có nguy cơ chết khô”.

Ông Lê Muộn, PGĐ Sở NN-PTNT Quảng Nam: Vụ HT 2015, toàn tỉnh gieo trồng khoảng 43.000 ha lúa (trong đó hơn 5.000 ha không chủ động nước tưới) và 6.000 ha rau màu. Hiện các hồ chứa thuỷ lợi và thuỷ điện trên địa bàn có mực nước cao hơn cùng kỳ năm 2014. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài đến tháng 9/2015 thì nguy cơ thiếu nước ở một số hồ nhỏ là điều không tránh khỏi.

Để cứu mè, ông Nam thuê người đóng giếng tại ruộng và mua máy bơm kéo vòi tưới nước, nhưng ở đây ban ngày điện yếu, nên ông phải canh khi nào điện mạnh thì bơm nước. Cứ 5 ngày 1 lần, ông lại thức dậy từ 3 giờ sáng ra ruộng tưới cây.

Ao hồ trơ đáy, ruộng đồng bỏ hoang

Ông Nguyễn Văn Luận, Phó Chủ tịch xã Tam Tiến cho biết: Toàn xã có 230 ha đất trồng lúa, trong đó chỉ 30 ha chủ động nguồn nước, nhờ nguồn nước từ hồ Phú Ninh. Tuy nhiên, ở cuối hạ nguồn con kênh nên nước lúc có, lúc không.

Còn 200 ha trông chờ vào nước trời, nguồn nước nhĩ, tuy nhiên, mưa không xuất hiện, những trũng nước (hồ nước) đều trơ đáy. Người dân thi nhau đóng giếng, nhà ít đóng một giếng, nhà nhiều vài ba cái.

17-31-44_nh-5
Hồ chứa nước Trủng Nghềnh xã Tam Tiến trơ đáy

“Vụ HT toàn xã bỏ hoang hơn 15 ha, cứ đà này không có mưa thì chắc chắn 200 ha lúa của người dân thu hoạch sớm cho bò ăn, bởi chi phí tiền điện bơm nước, người dân chịu không nổi! Đối phó hạn hán, những năm qua xã thực hiện chuyển lúa sang màu nhưng năng suất thấp nên lại trồng lúa, cậy nhờ ông trời”, ông Luận cho hay.

Ông Phan Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết: Riêng cánh đồng thôn 1 của xã SX hơn 60 ha lúa nhưng vụ HT chỉ mới gieo trồng được 10 ha, còn lại bỏ hoang. Còn 130 ha canh tác vụ HT hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời; việc đào ao, hồ thu gom nước nhĩ phục vụ tưới tiêu chỉ đáp ứng một phần diện tích ít ỏi.  

Vì phụ thuộc vào nước trời nên vụ HT năm nay hàng chục ha lúa đã chuyển sang cây trồng cạn. Trong khi đó, diện tích trồng các loại rau màu tiếp tục giảm như cây đậu phụng từ 160 ha giảm còn 134 ha, khoai lang từ 220 ha giảm xuống 180 ha.

17-31-44_nh-6
Một số diện tích cánh đồng Vặt, xã Tam Tiến thiếu nước, người dân bỏ hoang

“Nguyên nhân diện tích giảm là thiếu nước nghiêm trọng. Nhiều sào ruộng thanh toán tiền hóa đơn điện do bơm nước còn cao tương đương tiền bán nông sản. Bản thân tôi canh tác vụ này chỉ vì tiếc ruộng bỏ hoang, chứ lãi lời gì đâu”, ông Sơn nói.

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.