Trước sức hút từ lợi nhuận mà cây chanh dây mang lại, nhiều hộ dân ở Gia Lai đang ồ ạt phá bỏ cà phê giá cỗi, kém năng suất để chuyển đổi cây trồng.
Nhà nhà trồng chanh dây
Huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) là một trong địa phương có diện tích cây chanh dây lớn nhất tỉnh Gia Lai. Từ vài chục ha những năm 2016 - 2017, đến nay, diện tích chanh dây đã tăng lên hơn 500ha, trong đó 400ha trồng xen trong vườn cà phê, 100ha trồng thuần.
Ghi nhận tại xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh), trước đây những con đường bê tông chạy vào khu sản xuất của người dân bạt ngàn cây cà phê thì nay đã dần phủ kín bằng những vườn chanh dây trĩu quả. Tại thời điểm phóng viên ghi nhận, hàng loạt những vườn cà phê già cỗi, năng suất kém đã bị người dân chặt bỏ để chuẩn bị xuống giống chanh dây.
Có lẽ, người dân nhìn thấy cái lợi trước mắt khi đầu tư một ha chanh dây tốn khoảng 150 triệu đồng, trong vòng một năm sẽ thu được khoảng 500 triệu đồng. Trong khi giá chanh dây luôn cao và ổn định trong nhiều năm qua khiến nhiều người càng bị kích thích để đầu tư trồng. Từ đó, những vườn cà phê đã bị chặt bỏ không thương tiếc để thay thế bằng chanh dây.
Đang chăm sóc vườn chanh dây hơn 1ha của gia đình, anh Phạm Văn Trường (làng Mơn, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) cho biết, nơi này trước Tết Nguyên đán vẫn là vườn cà phê, sau đó được chặt bỏ để trồng chanh dây, khoảng 2 tháng nữa sẽ cho thu hoạch.
"Vườn cà phê trước đó đã già cỗi, giống cũ nên năng suất thấp, chỉ đạt gần 20 tấn/ha. Nếu cứ giữ lại vườn cà phê sẽ không có lợi nhuận nên gia đình quyết định phá bỏ để tái canh trồng sang giống mới, cho năng suất cao. Trong thời gian cải tạo đất khoảng 1 năm, không biết làm gì, thấy dân tình đổ xô trồng chanh dây nên tôi cũng đầu tư theo. Đây cũng là cách lấy ngắn nuôi dài, giúp gia đình tăng thêm thu nhập”, anh Trường nói và cho biết, quanh khu vực này, hiện người dân chặt phá cà phê để trồng chanh dây rất nhiều.
Khi được hỏi lý do chọn cây chanh dây để trồng, anh Trường cho biết, giá chanh dây đang cao, cùng với thị trường tiêu thụ ổn định khi có nhiều nhà máy lớn ở Gia Lai và Đắk Lắk thu mua cho người dân. Chưa kể, thương lái và các HTX cũng thu mua cho người dân nên không lo sợ chanh dây không bán được.
Bà Trần Thị Minh (làng Mơn, xã Ia Mơ Nông) cho biết, nguyên nhân khiến nhiều hộ dân khu vực này đổ xô vào trồng chanh dây là do thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng luôn thông tin về xuất khẩu chanh dây, sầu riêng rất tốt, giá cao. Mặt khác, trồng chanh dây chỉ khoảng 6 tháng sẽ cho thu hoạch nên nhiều hộ dân bị lôi cuối.
Câu chuyện phá bỏ cà phê trồng chanh dây cũng đang đồng loạt diễn ra tại các huyện Đăk Đoa, Mang Yang, Ia Grai… Tại huyện Mang Yang, anh Ngô Văn Doanh (thôn Linh Nham, xã Đăk Djrăng) quyết định phá bỏ vườn cà phê 1,4ha để trồng chanh dây từ đầu năm 2022. Đến nay, anh thu hái được 3 đợt gần 60 tấn, bán với giá 14 - 17 ngàn đồng/kg. Năm nay, anh tiếp tục trồng thêm 6 sào chanh dây trên diện tích cà phê già cỗi.
Ông Võ Minh Quang, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mang Yang cho biết, hiện nhiều diện tích cà phê già cỗi trên địa bàn được người dân chuyển sang trồng chanh dây. Nếu như năm 2022, trên địa bàn huyện có 382ha chanh dây thì 3 tháng đầu năm nay, đã có 4 xã báo cáo tăng thêm 105ha. Các hộ dân trồng chanh dây theo chu kỳ 2 năm, đến năm thứ 3 thì trồng lại cây cà phê.
Sức hút lợi nhuận từ chanh dây
Giá chanh dây ở thời điểm hiện tại khoảng 14.00 đồng/kg, bình quân 1ha trồng chanh dây đạt 40 tấn quả, trừ chi phí sẽ lãi từ 350 - 400 triệu đồng/ha. Trong khi cùng diện tích trên trồng cà phê, với giá như hiện lại (46.000 đồng/kg) thì chỉ thu lãi từ 100 - 120 triệu đồng. Chính bởi sức hút lợi nhuận từ cây chanh dây đã khiến nhiều hộ dân quyết tâm phá bỏ vườn cà phê sau nhiều năm gắn bó.
Anh Phạm Đức Phương (thôn 2, xã Ia Ka, huyện Chư Păh) cho biết, gia đình có 1ha cà phê trồng từ năm 1999, nhưng hiện vườn cây đã già cỗi, cho năng suất không cao nên đã quyết định chặt bỏ để trồng chanh dây. “Dự kiến, vườn chanh dây sẽ cho thu hoạch vào tháng 10 năm nay, giá khoảng 14 ngàn đồng/kg, nếu giá cả duy trì ổn định trong thời gian tới thì gia đình sẽ thu lãi lớn. Đây là loại cây có giá trị kinh tế cao, đầu ra thuận lợi nên tôi dự định mở rộng thêm diện tích”, anh Phương chia sẻ.
Tương tự, gia đình anh Huyk (làng Ve, xã Hà Bầu, huyện Đăk Đoa) cuộc sống trước đây phụ thuộc hoàn toàn vào việc sản xuất cà phê. Do vườn cây già cỗi nên năng suất thấp, trong khi giá cà phê sụt giảm, phân bón lại tăng cao khiến gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2022, anh Huyk quyết định phá bỏ vườn cà phê, đồng thời tìm hiểu và nhập giống chanh dây của một đơn vị trong tỉnh về trồng. Sau nửa năm xuống giống, đến nay 6 sào chanh dây của gia đình đang phát triển mạnh và đang cho thu hoạch.
“Hiện mỗi tháng gia đình thu hoạch từ 5 - 6 tấn trái và bán cho một cơ sở tại địa phương với mức giá 14 ngàn đồng/kg. Nhờ chanh dây nên kinh tế của gia đình được cải thiện, tháng nào cũng có nguồn thu”, anh Huyk chia sẻ.
Chỉ tay về phía vườn cà phê 5 sào cách đó không xa vừa mới phá bỏ, anh Huyk cho biết thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục xuống giống trồng chanh dây để kiếm thêm thu nhập, đồng thời tích lũy để có tiền thực hiện tái canh cà phê trong năm sau. Bởi theo anh Huyk, cây cà phê dù sao cũng gắn bó với gia đình trong nhiều năm qua, mặt khác cà phê vẫn là cây trồng chủ lực phát triển bền vững nên không thể bỏ được.
Theo ông Nguyễn Kim Anh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đăk Đoa, từ khi chanh dây được Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch thì một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện tập trung đầu tư hoàn thiện các thủ tục để được chứng nhận mà vùng số trồng cũng như cơ sở đóng gói. Giá chanh dây trong mấy năm gần đây rất ổn định nên người dân trên địa bàn huyện đã tận dụng tối đa những diện tích tái canh cà phê để trồng xen cây chanh dây.
Ngoài ra, những diện tích không còn phù hợp với cây hồ tiêu cũng được người dân tận dụng chuyển sang trồng chanh dây. Cây chanh dây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương nên cho năng suất cao, bình quân khoảng 40 tấn/ha. Thời điểm hiện tại, so với một số cây trồng khác, chanh dây đang cho thu nhập ở mức cao, nhiều hộ cũng giàu lên từ loại cây trồng này. Chính vì vậy, không phải người dân phá bỏ cà phê để chuyển hẳn sang trồng chanh dây mà tận dụng tối đa thời gian cải tạo đất để trồng luân canh những cây ngắn ngày.
Sau khi trồng chanh dây được 1 - 2 năm thì người dân bắt đầu trồng xen cây cà phê tái canh để ổn định hơn. Hiện mô hình nay đang phát triện mạnh trên địa bàn huyện với diện tích trồng chanh dây trên địa bàn huyện trên 650ha, tăng khoảng 100ha so với năm ngoái.
Ông Nguyễn Kim Anh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đăk Đoa cho biết, huyện xác định chanh dây là một trong những cây phù hợp và nằm trong phát triển cây trồng chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, về góc độ của ngành, huyện chú trọng phát triển cây chanh dây không chạy theo giá thị trường mà định hướng người dân sản xuất theo hướng bền vững, có liên kết sản xuất chặt chẽ. Bởi hiện nay, nhiều diện tích chanh dây đang vào thời điểm kiến thiết cơ bản, các đại lý cạnh tranh mua, lựa chọn những quả tốt để xuất khẩu.