| Hotline: 0983.970.780

Ở chung trong nước, việc em làm bạn với người 70 tuổi ấy nghe có vẻ thuận hơn

Thứ Hai 10/09/2018 , 06:50 (GMT+7)

Một người từng là thầy của người chồng trước năm nay 70 tuổi bỗng dưng gặp lại em. Anh ấy vừa tiễn vợ, cũng vì ung thư. Anh có hai đứa con, các cháu đều ngoan...

Chị quý mến!

Em năm nay đúng lục tuần, đồng hành với chuyên mục và chị đã lâu. Bỗng dưng hôm nay em chính là người cần đến chị.

Chị ạ, một người đàn bà hai lần đò, chẳng hay hớm gì ngoài việc thấm mệt. Cuộc hôn nhân đầu trên cơ sở tình yêu, chung trường nhưng khác ngành khác khóa, cưới hỏi ngây ngất, về mới biết người này sắt thép với vợ. Nghiêm, lạnh, gia trưởng và hay ghen.

Đứa con trai mới ba tuổi, em bỏ nhà, ôm con ở riêng, tuyên bố ly thân. Anh ấy sốc nặng, rồi cũng hồi phục, chịu ra tòa nhưng nhà không chia. Em kệ, bỏ của chạy lấy người.

Người chồng sau không ngây ngất nhưng thâm trầm, chu đáo. Con em và con anh, không có con chúng ta. Anh ấy có hai con, vợ đi Mỹ, anh không chịu đi, họ ly dị, chị ta lấy chồng để đưa con sang. Hạnh phúc của chúng em được mười năm thì anh bị ung thư phổi chị ạ. Em thờ anh ấy cũng đã mười năm.

Một người từng là thầy của người chồng trước năm nay 70 tuổi bỗng dưng gặp lại em. Anh ấy vừa tiễn vợ, cũng vì ung thư. Anh có hai đứa con, các cháu đều ngoan, một đứa con trai lớn ở Úc, chưa chịu lập gia đình, đứa con gái hơn con gái em 1 tuổi cùng bố chăm mẹ, đâu ra đó chị ạ. Nó ở gần bố chứ không ở chung.

Thời nay con cái vậy cũng hiếm đấy chị. Chúng nó nhớ đến em là từ bức ảnh ngày cưới của em hồi đó, có bố mẹ nó với chúng em. Chắc bố mẹ nó hay nhắc em nên nó có biết em đã hai lần lận đận. Nó chủ động tìm em trên facebook và nó đã đến thăm em, kể chuyện mấy bố con trần ai nuôi mẹ bị ung thư như thế nào.

Em đến thăm, đàn ông góa vợ ươn yếu đáng thương quá chị ạ. Đến nhiều lần rồi thương cảm. Cô con của anh gần xa rằng hãy thương bố nó và hai anh em nó với. Làm bạn nhau thì dễ chứ làm gì hơn được nữa, đúng không chị?

Em nhớ lại thời ấy, thầy của chồng cũ, còn phong độ, sau cú sốc về vợ, đã dần hồi tỉnh. Đứa con trai vừa về chơi, ý nó muốn em kết hôn với bố nó và bảo lãnh sang rồi sau đó sẽ đưa cả con gái em sang. Đứa em gái của nó do nhà chồng là quân nhân, sẽ không đi, sẽ ôm bàn thờ mẹ nó và mồ mả.

Em cân nhắc nhiều chị ạ. Có nên không, lấy nhau để đi xa vậy ư? Anh ấy có cần lấy vợ và mang đi không, hạnh phúc nếu có thì mươi năm nữa là cùng. Con gái em nói thích giải pháp đó, đi mà có mẹ, vui. Chị cho em ý kiến với.

------------------

Em thân mến!

Thật ra hai lần đò như em cũng không có gì ghê gớm. Yêu nhau rồi cưới, khám phá, sợ hãi, ly thân và ly dị. Người sau yên ổn nhưng bệnh tật cướp người ta đi chứ em có bỏ đâu. Hai lần mà chỉ sinh một, không nghe thư nhắc con riêng của người sau, chắc chúng ổn, đúng không?

Một quãng dài mấy mươi năm em đã sống và cũng đã biết thế nào là hạnh phúc trước khi người sau bị ung thư qua đời. Nghĩ, sáu mươi năm cuộc đời, vậy cũng tạm đủ. Mặc dù em đã ôm bàn thờ 10 năm, em trọn đạo với bố của hai đứa con riêng của người ấy rồi. Bây giờ em có nghĩ cho em cũng không ai nỡ trách.

Nhưng, ở chung trong nước, việc em làm bạn với người 70 tuổi ấy nghe có vẻ thuận hơn. Không kết hôn chi cả, bạn trai và bạn gái, bạn già với nhau, nhà ai nấy ở, tự do, không ràng buộc. Vẫn vui, chia sẻ, đỡ đần, thậm chí ăn và ngủ, nhưng không thề bồi giao ước gì cả. Có được không?

Nhưng một phương án vui mà con cái hai bên muốn em và người ấy gắn bó. Để đi ra nước văn minh và sống, có an sinh tốt, an toàn. Vẫn vui nhưng phải biết hình dung, tiếng Anh ra sao, có thể khỏe mạnh để tận hưởng nhau mươi năm nữa không hay là…

Cần cân nhắc kỹ em ạ, giờ không chỉ là thương, mà là một bài toán cần giải, ẩn số nhiều, không đơn giản. Cần hy sinh để con gái đi ra sống ở nước ngoài, có cần không?

Nói chung, muốn thì phải quyết tâm. Cái gì giờ cũng phiên phiến rồi, tình yêu vừa vừa, tình dục của người cao tuổi khi có khi không, một bối cảnh mới, khí hậu khác, bắt đầu lại muộn…

Đứa con của người ấy có vững không, có mạnh không, có dễ chịu không, nếu em dựa vào nó như con trai của chính em? Phải thảo luận kỹ, như chiến dịch, như trận đánh, như một cuộc di cư qui mô. Chị tin em đủ sáng suốt và giỏi giang và cả lòng tốt để có cuộc sống mới tươi đẹp bù đắp cho nhiều năm trống trải, lận đận.

Xem thêm
Gia đình - Nơi hạnh phúc bắt đầu

Gia đình - Nơi hạnh phúc bắt đầu là cách nhấn mạnh rằng gia đình chính là nguồn cội của mọi niềm vui và sự bình yên trong cuộc sống.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?