| Hotline: 0983.970.780

Ở cực Nam miền Bắc

Thứ Năm 07/02/2019 , 14:30 (GMT+7)

Kim Đông, Kim Trung (Kim Sơn, Ninh Bình) - những xã nơi cực nam của miền Bắc ngày nay ba mặt hướng biển. Quốc lộ 12B thênh thang chạy sát chân đê Bình Minh III, với những bến xe, chợ đầu mối thủy sản tấp nập.

Bóng dáng một khu kinh tế biển năng động đã mang hình hài ở vùng bãi ngang đặc biệt khó khăn trước đây của huyện Kim Sơn.

Ít ai ngờ rằng chỉ hơn 20 năm trước, đây còn là một vùng lau sậy ngập đầu, đầy muỗi vắt.
 

Một thời quay quắt

Kim Trung bây giờ, đường bê tông đã tới sát ngõ từng hộ dân. Nhà cao tầng san sát. Những hộ nuôi thủy sản như tôm, ngao sở hữu tiền tỉ trong nhà, ô tô con đắt tiền không còn là chuyện hiếm. Nhìn lại tuổi đời non trẻ của một xã mới chỉ tròn 25 năm (Kim Trung thành lập năm 1993), tất cả cứ như một giấc mơ.

17-05-30_nh2
Một góc nông thôn ở xã Kim Trung

Cuối năm 1993, cùng với việc thành lập xã Kim Trung, hàng trăm hộ dân đến từ 7 tỉnh (gồm Nam Định, Thái Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình) về vùng bãi triều ven biển huyện Kim Sơn khai hoang vỡ hóa, lập vùng kinh tế mới. Họ đa số là những gia đình nghèo, những mong tìm cuộc đổi đời ở vùng đất mới.

Nhâm nhi li trà giữa cái rét ngọt cuối đông, hướng ánh mắt ra vùng ao đầm nuôi thủy sản với những ô thửa vuông vức, ký ức về một thời gian khó cứ ùa về như một cuốn phim trong câu chuyện của lão nông Phạm Văn Minh. Gia đình ông với 7 miệng ăn, đứa lớn 15 tuổi, bé nhất mới 7-8 tuổi dắt díu nhau xuống Kim Trung cuối năm 1993 khi dải đất bãi ngang ven biển suốt từ đê Bình Minh III trở vào chỉ là bạt ngàn rừng sậy, muỗi nhiều vô kể. Hệ thống đường giao thông xương cá tỏa về các thôn là những bờ ruộng luồn giữa rừng sậy, chỉ lọt thỏm một người đi. Ban ngày, ra khỏi xóm, lúc quay về không nhớ kỹ là lạc đường như chơi. Hơn 500 hộ dân đầu tiên về Kim Trung lập xã, mỗi hộ được hỗ trợ 3 tháng gạo cùng chưa tới 1,5 triệu đồng. Số tiền ấy chỉ đủ mua cột kèo cho những ngôi nhà tạm. 100% nhà vách đất, mái lợp bằng lá sậy kết lại.

Những cân gạo hỗ trợ giắt lưng ban đầu nhanh chóng cạn dần, chuỗi tháng ngày bĩ cực bắt đầu... Nếu như ở xã Kim Đông, việc khai hoang được bộ đội của Đoàn 500 (thuộc Quân khu 3) đảm trách thì ở Kim Trung, tự tay các hộ dân phải khai phá. Sậy, thứ cỏ dại cao tới 3 - 4m, rễ ken đặc, lá sắc như dao, đụng nhẹ cũng có thể đứt tay. Người ta phải dùng cuốc, gỡ từng gốc một, rồi lật rễ, chờ nước mưa xuống dầm cả năm vẫn có thể mọc lại. Phá sậy tới đâu, cây cói được trồng tới đó.

Phải mất 2 - 3 năm, cây cói mới có thể soán dần cây sậy. Cói lúc ấy là cây trồng chính theo định hướng quy hoạch của chính quyền, tiêu thụ chủ yếu cho các làng nghề thủ công. Nhưng nó không nuôi nổi miệng ăn, và cói cũng chỉ được mùa họa hoằn một vài vụ, còn thì bị chết la liệt vì hạn. Bởi chân đất bãi bồi ở Kim Trung vốn cao hơn các xã, nước từ trạm bơm từ cửa sông Đáy không thể đẩy lên, trong khi mương dẫn nước ngọt từ các xã nằm sâu trong đất liền như Kim Hải, Bình Minh lại không thể vươn tới...

Ông Vũ Trường Thu, Chủ tịch UBND xã Kim Trung nhớ lại: Suốt từ năm 1993 đến 1997, cái đói càn quét ở Kim Trung, đến nỗi năm nào tỉnh cũng phải cứu trợ khẩn cấp. Cái đói lên tới đỉnh điểm vào năm 1996, khi hàng loạt cơn bão đổ bộ vào địa phận Ninh Bình. Người ta vẫn không thể nào quên cơn bão số 6 năm 1996, khiến cho những ngôi nhà tranh vách đất tạm bợ bị san phẳng, đẩy những người dân vùng kinh tế mới vào cảnh màn trời chiếu đất.
 

Đổi đời nhờ thủy sản

Thứ đất nhiễm mặn ở Kim Trung, gần như chỉ có cây cói, cây sậy là mọc nổi. Tiếng là nông dân, mỗi hộ kinh tế mới được cấp 2,5 sào/khẩu, nhưng đến một cọng rau cũng không thể trồng nổi vì đất nhiễm mặn. Người ta bảo rằng, cứ ra chợ, thấy ai mua rau mà chỉ dám mua nổi bó rau muống đã vàng úa, thì biết ngay là người ở Kim Trung. Từ khoảng năm 1997 - 1998, bất chấp chủ trương quy hoạch trồng cói, một phong trào tự phát chuyển cây cói sang trồng lúa để kiếm cái ăn trước mắt bùng lên ở các vùng bãi ngang như Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải...

17-05-30_3
Vùng bãi triều ven biển Kim Sơn đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng, mang lại sinh kế đa dạng cho người dân

Thế nhưng đất nhiễm mặn, cộng với thủy triều dâng cao theo mùa khiến mỗi năm, lúa chỉ cấy được một vụ (đông xuân). Để đưa được cây lúa xuống chân đất ken đầy rễ cói, rễ sậy, mỗi người đi cấy phải mang theo một chiếc cọc nhọn cỡ bắp tay để thọc lỗ mới có thể cắm được cây lúa xuống. Cơ cực là thế, nhưng năm được mùa, mỗi sào cũng chỉ được 50 - 70kg, còn lại đa số mất mùa, mỗi sào 30 - 40kg thóc. Cái đói cứ mãi đeo đẳng người dân bãi ngang ở Kim Đông, Kim Trung cho tới khi con tôm xuất hiện...

Ông Phạm Văn Kiệm, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Thủy sản xã Kim Trung nhớ lại: Mùa nước kiệt, trong các rãnh cói xuất hiện những con tôm sú cỡ nửa lạng. Người ta bắt đầu nghĩ ra cách khoanh nuôi tự nhiên ở những chân ruộng trũng. Từ năm 2000, một số hộ trước đây bỏ vào Nam làm ăn, bắt đầu trở về, đào ao, đưa giống tôm sú về nuôi. Một cân tôm sú bán đi, ngang ngửa với một tạ lúa. Có hộ, một mẫu đầm chỉ đầu tư vài triệu đồng tiền giống, sau 5 - 6 tháng, đã cho thu 2 - 3 tạ tôm sú, cỡ 20 - 25 con/kg, thu 20 - 30 triệu đồng dễ ợt.

17-05-30_dscf6342
Người dân đổi đời nhờ thủy sản

Bất chấp chính quyền ngăn cản yêu cầu không được phá vỡ mặt bằng, người ta bắt đầu ào ạt bỏ lúa, bỏ cói, đào ao nuôi tôm. Phải tới năm 1998, Kim Trung mới có ngôi nhà tường xây - mái ngói đầu tiên. Những ngôi nhà tranh, vách đất bắt đầu được phá, thay bằng nhà ngói từ con tôm. Năm 2004, HĐND các xã Kim Trung, Kim Đông buộc phải ra nghị quyết cho phép chuyển đổi 100% diện tích đất lúa - cói sang nuôi thủy sản...

Hiện nay, Kim Trung - Kim Đông đã trở thành liên vùng nuôi thủy sản trọng điểm của huyện Kim Sơn, với diện tích gần 800ha, chủ lực là tôm. Bên cạnh con tôm sú truyền thống, từ 2 - 3 năm trở lại đây, các mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh trên ao nổi nở rộ với hàng trăm hộ dân đầu tư thâm canh. Anh Phạm Văn Thảo (xóm 5, xã Kim Đông) phấn khởi cho biết: Năm 2017, anh mạnh dạn đầu tư chuyển từ nuôi tôm sú quảng canh sang thâm canh, ngay vụ đầu đã cho tổng thu trên 700 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư ao, giống, lãi ròng trên 200 triệu đồng.

Ông Phạm Văn Kiệm, Giám đốc HTX Nông nghiệp – Thủy sản xã Kim Trung từ tháng 8/2018 đến nay đã SX thành công hàu giống để cung cấp cho các tỉnh lân cận. Tại Kim Đông – Kim Trung, ngoài nuôi thương phẩm, hàng chục cơ sở ươm giống ngao, hàu, cua đã được hình thành, với trình độ SX không thua kém các DN lớn... Khu vực quai đê từ đê Bình Minh II đến đê Bình Minh III, diện tích hàng nghìn ha, đã trở thành vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của huyện Kim Sơn. Cùng với đó, khu vực bãi triều chạy từ đê Bình Minh III ra tới Cồn Nổi, hiện thu hút hàng trăm hộ nuôi ngao thương phẩm, mỗi năm thu sản lượng trên 2.000 tấn...

17-05-30_dscf6341
Từ một vùng đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang huyện Kim Sơn đã vươn mình nhờ nuôi trồng thủy sản (trong ảnh: Mô hình nuôi hàu giống tại xã Kim Trung)

Kim Đông, xã cực nam của miền Bắc, cũng là xã trẻ nhất của tỉnh Ninh Bình (thành lập năm 1998), nhưng lại là xã về đích nông thôn mới đầu tiên của huyện Kim Sơn từ năm 2014. Theo quy hoạch của tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, Kim Sơn sẽ trở thành thị xã, trong đó các xã vùng bãi ngang ven biển như Kim Đông - Kim Trung - Kim Hải sẽ là vùng kinh tế biển trọng điểm, kết hợp nuôi trồng thủy sản với thương mại, du lịch biển...

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm