Nhưng làng quê bây giờ đang trở nên ô nhiễm nặng nề từ chính việc làm của người dân…
Từ nhiều năm nay, năm nào tôi cũng dăm ba lần về quê khi việc họ, lúc cưới hỏi. Quê tôi làng Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội, một làng quê bình dị nằm cạnh quốc lộ 32 lên thị xã Sơn Tây. Trong ký ức tuổi thơ, làng tôi có rất nhiều ao. Những dãy ao nằm dọc con đường vào làng, phía trước, phía sau xung quanh làng dày đặc ao. Tôi cũng không hiểu vì sao làng lại nhiều ao như thế. Sau này tôi mới hiểu các cụ ngày xưa đào ao lấy đất để tôn làng lên cao, tránh ngập lụt mùa mưa bão.
Tháng tư khi những trận mưa đầu mùa trút xuống, ao làng trong veo tôi buộc chiếc rổ con vào cây sào vớt ốc nhồi nổi lập lờ trong những đám bèo tây. Vào mùa hạ lũ trẻ ngụp lặn trong ao làng đội bèo tây vùng vẫy trong nước hò hét vang động cả góc làng. Những bậc ao xây bằng đá xanh mòn nhẵn do bao bàn chân cả ngàn năm xuống rửa ra, múc nước.
Những dãy ao chạy dọc đường vào làng và cả những ruộng rau muống đã không còn nữa, thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng, với đủ kiến trúc Tây, Tàu đèn nhấp nháy hoa cả mắt. Phố trong làng, các cửa hàng dịch vụ làm tóc gội đầu, spa, karaoke, photocopy, hàn xì, sửa chữa xe máy… không thua gì thành phố. Trên con đường vào làng bây giờ, tôi chỉ còn thấy cái giếng đầu làng xây bằng đá ong và cái ao trước cửa chùa, còn lại đã biến mất sau nhiều năm làng tôi đã hóa phố.
Cái giếng đầu làng gọi là giếng Vương Điện, tôi không rõ điển tích các cụ đặt tên cái giếng đó, nhưng vào ngày hội làng mùng 8 tháng Giêng, làng tôi có tục rước tượng phật Thích Ca Mâu Ni từ trong chùa ra giếng Vương Điện tắm rửa. Ngày xưa, giếng Vương Điện có rất nhiều bèo ong nước trong vắt nhìn thấu tận đáy thấy cả những con cá bống bán vào bờ đá ong vây óng ánh. Nhưng bây giờ, nước giếng đục lờ nhờ có rất nhiều váng màu vàng. Đó là chỉ số của sự ô nhiễm do dân số đông đúc, nhà cao tầng vây quanh.
Ao đình thì đã lấp còn lại ao chùa, nước thải của tất cả các nhà đều đổ ra rãnh nước hai ven đường rồi chảy vào ao chùa, khiến nước đen kịt. Vào những ngày trở trời, mùi hôi thối bốc lên từ rãnh nước và ao làng nhức cả đầu.
Làng tôi dường như nhà nào cũng nuôi chó, vườn tược chẳng còn mấy, các con đường vào các ngõ đều đã đổ bê tông hoặc lát gạch đỏ, lũ khuyển phóng uế dọc các con đường, những ngày trời mưa nước phân nhầy nhụa. Buổi tối tôi muốn đi thăm nhà mấy người anh em, em chú của tôi Nguyễn Đình Tuệ bảo: Bác đi phải mang đèn pin nhé, phân chó đầy đường nhiều vô kể…
Thủ bói là bãi tha ma, nằm cách làng độ trăm mét, những gia đình làm may thường mang vải vụn ra đây đốt khói mù mịt, khét lẹt. Những đống vải ni lông không cháy hết két lại từng mảng vương vãi khắp nơi nom rất kinh hãi.
Nghĩa trang, nơi linh thiêng cũng bị đổ trộm rác thải |
Về quê bây giờ sợ nhất vẫn là ruồi, ngày xưa nhà nào cũng chăn nuôi lợn gà, trâu bò nên ruồi nhiều như đỗ đen. Bưng mâm cơm ra vừa đặt xuống chưa kịp ăn ruồi đã bu đen. Bây giờ làng tôi không mấy nhà chăn nuôi, nhưng ruồi vẫn nhiều như chưa bao giờ giảm. Hỏi ra mới hay, ruồi từ các trại chăn nuôi ở ngoài đồng bay về, diệt không xuể đành sống chung với ruồi.
Phàn nàn về cái sự ô nhiễm làng quê, cháu tôi Nguyễn Đình Nguyên cười bảo: Ôi giời, bây giờ làng nào cũng thế cả thôi. Làng mình còn đỡ chán, bác xuống Hiệp Thuận hay vào những làng nghề xem, ruồi nhiều vô kể, mùi hôi thối kinh khiếp hơn ở đây. Biết làm sao được, đất chật người đông ô nhiễm là phải thôi…
Xã Y Can là quê vợ tôi, một xã miền núi của huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái nằm ven bờ sông Hồng. Tôi cũng ít khi về vì giao thông cách trở bởi phải đợi đò qua sông Hồng. Hơn hai chục năm trước, đò bằng thuyền nan người chèo bằng tay, đợi một chuyến đò mất cả tiếng. Bây giờ là đò sắt, chở được hơn chục xe máy, thuận tiện hơn nhiều, nhưng cũng ngại lắm. Còn nhớ, năm 1993 tôi xắm được cái ti vi màu cho chiếc ti vi đen trắng cho bố vợ tôi, do Y Can chưa có điện phải chạy bằng ắc quy, ngày ấy truyền hình Việt Nam đang chiếu bộ phim "Người giàu cũng khóc", để tiết kiệm điện, bố vợ tôi chỉ đến giờ phim mới mở, dân trong xóm đến trải chiếu khắp sân nhận chỗ từ 7 giờ tối. Có hôm đang chiếu dở, điện ắc quy hết mọi người ồ lên tiếc rẻ.
Con đường vào xã Y Can |
Bây giờ Y Can đã có điện lưới quốc gia, nhạc xập xình mở inh om. Có lần về mấy cậu em mở nhạc, hàng xóm cũng mở nhạc, mọi nhà thi nhau mở nhạc như chẳng ai chịu kém, khiến tôi nhức hết cả đầu. Đó là ô nhiễm âm thanh, bây giờ chỉ khi nhà có việc hay ngày tết họ mới mở nhạc to nên cũng đỡ nhức đầu. Hôm rồi về Y Can thấy ruồi đậu đen cột nhà, cậu em vợ tôi là Nguyễn Tiến Giao nhà ở thôn Thắng Lợi bảo: Bác ơi, vây quanh xã Y Can bây giờ là trại chăn nuôi lợn mấy ngàn con đặt ở bên kia suối cách nhà em chừng hơn một cây số và 5 trang trại gà. Vào hôm ẩm trời mùi phân lợn đặc quánh, khiến gia đình em không ngủ nổi. Ruồi sinh ra từ các trang trại đó…
Trang trại gà nhà Tuấn - Nền nằm ngay đỉnh dốc trên con đường vào nhà Nguyễn Tiến Giao, cạnh đó là trang trại gà Đồng - Hồng, phía dưới chân dốc là trại gà của vợ chồng Tùng - Huế, tiếp đến là trại gà Long - Hằng, còn trang trại lợn nhà Thắng - Lan gần cầu Gùa. Các trang trại chăn nuôi ở xã Y Can và các xã khác đều tự phát, không theo quy hoạch nào cả. Gia đình nào có đất, có khả năng thì lập trang trại. Vì thế, ô nhiễm trở nên kinh khủng. Lợn gà chết chẳng gia đình nào chôn, họ cho vào bao tải đêm tối mang ném ra ngoài sông suối. Giao bảo tôi: Bác đi xuống cuối con mương trước cửa nhà em đây, có lần em thấy mấy bao tải gà chết của các trang trại ném xuống. Mùa lũ nước cuốn đi, còn mùa cạn, các bao tải gà thối rữa thối kinh khủng, ruồi sinh ra từ đó…
Về quê bây giờ cũng ngại lắm, chốn bình yên cuối cùng cũng đang bị ô nhiễm nặng nề.