| Hotline: 0983.970.780

Ở nơi nghèo nhất Hà Tĩnh

Thứ Sáu 26/08/2011 , 10:30 (GMT+7)

Toàn xã có 937 hộ dân nhưng tới 68,05% hộ nghèo. Đó là xã Đức Hương, huyện Vũ Quang. Chứng kiến cảnh sống đói khổ của người dân nơi đây thấy thực sự xót xa.

Toàn xã có 937 hộ dân nhưng tới 68,05% hộ nghèo. Đó là xã Đức Hương, huyện Vũ Quang. Chứng kiến cảnh sống đói khổ của người dân nơi đây thấy thực sự xót xa. 

1. Bí thư Đảng uỷ xã Đức Hương Nguyễn Mậu Thân nói với chúng tôi: Đức Hương rất yên tâm về công tác an ninh trật tự bởi cả xã không có quán xá nên lớp thanh niên, trung niên không có rượu để mà uống. Thỉnh thoảng trong xã có đám tang, giỗ chạp hay cưới hỏi gì đó mới kiếm được một vài chén nên không có chuyện say xỉn, không xảy ra cãi vã, xô xát. Vì không có quán xá nên mỗi khi có khách xa về làm việc lỡ bữa chúng tôi phân công nhau đưa khách về nhà Bí thư, Chủ tịch… bởi xã nghèo, không có bất kỳ nguồn thu nào.  

Nhiều người dân ở Đức Hương sống nghèo khổ như thế này

Ông Bí thư lật quyển sổ công tác, đọc cho chúng tôi biết thông tin sơ lược về tình hình của xã: “Đức Hương hiện có 937 hộ, 4.300 nhân khẩu. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 là 5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn chiếm đến 68,05%. Thu ngân sách xã chủ yếu là các khoản đóng góp của học sinh xây dựng trường lớp...”. Số liệu này đủ nói nên cuộc sống nghèo khổ của người dân.

Chủ tịch UBND xã Lê Văn Lợi tâm sự với chúng tôi về những khó khăn của xã: Toàn xã có 249 ha đất canh tác, trong đó 130 ha lúa, còn lại là đất màu. Đất màu chỉ cho năng suất ở mức trung bình; đất lúa được cơ cấu theo kiểu “nhờ trời” là một vụ trồng màu, vụ kia trồng lúa; đất hai lúa chỉ vỏn vẹn khoảng 20 ha. Thấy chúng tôi thắc mắc về cách "cơ cấu" này, chủ tịch Lợi giải thích: Sở dĩ cơ cấu như vậy là vì đất ruộng của chúng tôi không có nước để cấy vụ hè thu nên đa số đều chuyển sang trồng cây màu, mà trong số diện tích chuyển lúa sang trồng màu này, đa số mất mùa vì cứ hễ mưa là ngập úng, trong khi đầu vụ, muốn cấy lúa thì lại không có nước.

2. Ông Nguyễn Mậu Thân trầm ngâm: Dân chúng tôi đói khổ cũng là vì không có nước để sản xuất. Mà nói chính xác là không phải không có nước mà là không có cách để đưa nước về đồng. Nước thì dân chúng tôi có dư bởi có đập Rú Nón trữ lượng gần triệu m3. Công trình này được dự án IFAD đầu tư xây dựng từ năm 2002. Trớ trêu thay họ đầu tư lên đến 2 tỷ đồng nhưng lại không có hệ thống kênh mương dẫn nước nên ruộng đồng vẫn trong tình trạng nứt nẻ, dẫn đến “thượng điền tích thuỷ, hạ điền khan” như cũ. Bây giờ, chỉ cần có tiền xây dựng 7km kênh mương từ hồ dẫn về ruộng là dân chúng tôi có thể chuyển được tổng diện tích gần 200 ha sang sản xuất lúa 2 vụ.  

Nguy cơ mất làng vì sông lở

Chị Phan Thế Vinh, ngụ ở xóm Hương Phùng, ngậm ngùi: “Dân Đức Hương chúng tôi khổ đủ bề, không hiểu chính quyền các cấp bàn tính cách gì mà người dân đã di dời, bàn giao mặt bằng 3 năm rồi đường vẫn còn trên giấy. Chúng tôi phải đi lại trên con đường lầy lội”. 

Còn chị Nguyễn Thị Loan, một hộ dân nghèo nhất xã tâm sự: Mặc dù được xã xây dựng cho ngôi nhà tình nghĩa để trú mưa nhưng cái ăn, mặc vẫn thiếu thốn trăm bề. Cả xã nghèo làm sao tui khá lên được?  

Không chỉ người dân mà Bí thư Nguyễn Mậu Thân cũng đặt ra một câu hỏi nghe thật buồn: Không biết đến bao giờ người dân nơi đây mới trút bỏ được cái đói, cái nghèo vươn lên để xây dựng nông thôn mới? Hồ nước cứ đầy ắp lên đấy, trong khi ruộng đồng thì cứ cháy khô, đúng là cảnh “cám treo, heo bỏ đói”. Nguyện vọng có hệ thống kênh mương dẫn nước từ đập về ruộng để chuyển đổi cơ cấu sản xuất lúa nước là ước mơ bao đời cháy bỏng của Đảng bộ và nhân dân Đức Hương. 

Ngoài cái nghịch lý “cám treo, heo bỏ đói” như ông Thân nói còn có thêm một chuyện lạ ở Đức Hương, đó là tuyến đường dài hơn 2 cây số bao đời lầy lội, đã được Chính phủ bố trí vốn nhưng mùa mưa bão đến nơi vẫn lình xình mãi chưa thể thi công được. Con đường liên xã Đức Hương - Hương Thọ, từ trước đến nay đã bị lầy lội, năm ngoái lại bị trận lũ lịch sử tàn phá nặng nề nên dân chúng đi lại vô cùng khổ sở, mùa mưa đến đi trên đường tệ hại hơn cả lội ruộng, lội bộ cũng khó chứ đừng nói gì đến các loại phương tiện khác.  

Trước khó khăn đó, Sở KH – ĐT tỉnh Hà Tĩnh đã bố trí vốn khắc phục bão lụt cho công trình này từ đầu mùa khô, chỉ cần huyện kịp thời tiến hành các thủ tục triển khai xây dựng thì có lẽ đến mùa mưa năm nay người dân đã thoát được cảnh lội bùn nhưng không hiểu vì sao, vốn đã được bố trí từ lâu nhưng nhùng nhằng mãi đến tận bây giờ, khi mùa mưa lũ đến cận kề nhưng công trình vẫn chưa được thi công.  

Một người dân địa phương bức xúc: “Đi khắp nơi trên đất nước này, có lẽ không có đoạn đường nào khổ ải như đường liên xã đoạn qua Đức Hương. Vì vậy, sản xuất được các sản phẩm nông nghiệp cũng chủ yếu là để ăn chứ có trao đổi, mua bán gì được đâu. Chúng tôi đã tình nguyện, tiên phong trong công tác GPMB và hành lang đường đã được giải phóng từ 3 năm nay nhưng vẫn chưa thấy đường mới mô cả. Nghe bảo có vốn rồi nhưng không hiểu sao đường vẫn chưa được làm. Không biết họ còn chờ đợi cái gì, trong khi lụt bão sắp đến…”. 

3. Đức Hương có trên 3km sông Ngàn Sâu chảy qua với bao nguồn phù sa bồi đắp. Tuy nhiên, khoảng mấy năm trở lại đây, khi rừng thượng nguồn bị tàn phá cạn kiệt, nước lũ từ vùng Hương Khê, vùng thượng Vũ Quang và cả một phần Quảng Bình chảy về theo sông Ngàn Trươi, Ngàn Sâu mang theo sự tàn phá khắc nghiệt nặng nề nên sông Ngàn Sâu mùa lũ trở thành thứ của nợ đáng ghét. 

Đường liên xã lầy lội như ruộng cấy

Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Mậu Thân nói: “Khi xưa, tại đây nguồn đất trù phú, khuôn viên văn hóa xã hội nguy nga nhưng bây giờ đã bị sông Ngàn Sâu nuốt chửng, đời sống người dân trong vùng nghèo khó hơn. Hàng năm sông lại tiếp tục rượt đuổi làm xói chân đê, nhiều hộ dân trong vùng cũng đang nằm trong tình trạng mất nhà kể cả trụ sở xã, trường học, trạm xá, bưu điện, chợ…nếu không có giải pháp nguy cơ sẽ bị xóa sổ, trôi theo sông về biển cả”. 

Hàng ngàn hộ dân Đức Hương mong lắm vài cây số kè chống sạt lở bờ sông, lúc đó người dân không còn cảnh mất đất, mất vườn, mất nhà. Ba tiêu chí: Điện, trường, trạm vẫn là nỗi lo canh cánh của đội ngũ cán bộ và người dân nơi đây.

Chúng tôi đi thực tế dọc bờ sông thấy nhiều đoạn sông đã ngoạm sâu vào tận vườn, thậm chí là sát móng nhà của người dân như ở xóm Hương Phùng. Nhiều hộ gia đình như: Đường Công Liệu, Thân Viết Phương, Thân Lĩnh Mai… bị lở đến vườn, tệ hại hơn, hộ ông Nguyễn Ngọc Cầm, sông đã “ăn” đến tận móng nhà. Ông Cầm lo lắng: “Toàn xã có 25 ngôi nhà ảnh hưởng nghiêm trọng do lở đất. Mấy năm gần đây, cứ mỗi mùa lũ là sông ngoạm sâu vào làng thêm mấy mét. Có nhiều hộ dân phải dằn lòng chuyển nhà đi nơi khác sinh sống”. 

Cán bộ lão thành cách mạng Lê Sinh Cung ngụ tại xóm Hương Phố tâm sự: “Tôi sống đã đến gần cuối đời rồi mà vẫn hàng ngày chứng kiến cảnh cái nghèo đeo bám toàn xã mà không có cách gì gỡ được. Nguyện vọng thiết tha nhất là được Chính phủ cho địa phương kinh phí để xây dựng hệ thống kênh mương dẫn nước về đồng. Đem lại mùa vàng no ấm cho dân”. 

Không chỉ đe doạ làng xóm và các công trình xây dựng, cảnh sông mỗi năm lở thêm một ít đã cướp đi ít nhất là 30 ha đất canh tác của xã trong vòng một vài năm nay. Riêng trận lũ năm 2010, sông đã nuốt đứt của xã 18 ha đất canh tác, tập trung ở các vùng như: Trưa Trào, Đồng Biên, Bàu Trè….

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).