| Hotline: 0983.970.780

Ở nơi ruộng quý như vàng

Thứ Sáu 27/09/2019 , 09:29 (GMT+7)

Trong khi ở nhiều nơi, nông dân quay lưng lại với ruộng, bởi dẫu mướt mồ hôi trên thửa ruộng mình sở hữu nhưng chẳng thu nhập được là bao. Thế nhưng ở xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước (Bình Định) nông dân quý ruộng như vàng.

Ngoài diện tích gia đình mình được cấp quyền sở hữu, họ còn đấu giá ruộng 5% do xã quản lý hoặc thuê lại ruộng của những gia đình neo đơn để canh tác.
 

2 vợ chồng già với hơn 22 sào ruộng

Vừa thu hoạch xong vụ lúa hè thu, vợ chồng ông Nguyễn Bá Tư (65 tuổi) và bà Nguyễn Thị My (60 tuổi) ở thôn Lương Lộc, xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) có phần thơi thả. Do chỉ làm 2 vụ lúa/năm nên thời gian này vợ chồng ông Tư thoải mái nghỉ ngơi và làm việc nhà. Lúc tôi và anh cán bộ HTX Phước Hưng đến thăm, ông Tư đang ngồi bên chiếc máy vi tính xem bóng đá, còn bà My thì chơi với cháu. Nhìn không khí sinh hoạt của gia đình, khó có ai nghĩ cặp vợ chồng này đang làm đến hơn 22 sào ruộng (500m2/sào).

16-00-57_1
Bà Nguyễn Thị My kể chuyện thuê đất làm lúa giống.

Thấy nhà có khách, bà My lên sửa nước trà, tiếp chuyện. Nông dân chân chất, nên câu chuyện giữa chúng tôi và vợ chồng ông Tư cởi mở, thân tình ngay từ đầu. “Nói thiệt chuyện ruộng nương trong nhà 1 tay bà vợ tôi quán xuyến hết. Bà ấy bảo tôi đi vãi phân đám ruộng này, tôi đi; bảo tôi đi thăm bệnh đám ruộng kia, tôi đi; nói chung là tôi làm theo “chỉ đạo”, chứ họp hành, tập huấn bà vợ tôi đi hết”, ông Tư vui vẻ nói.

Gia đình ông Tư có 5 nhân khẩu, 2 vợ chồng 3 đứa con, được Nhà nước chia 5 sào ruộng. Xác định làm ruộng với diện tích nhỏ lẻ thì thu nhập chẳng là bao, ngay từ rất sớm, vợ chồng ông Tư đã thuê thêm ruộng của những hộ dân neo đơn ở địa phương để làm.

Từ vụ ĐX 2009 – 2010, HTX Phước Hưng tạo được mối liên kết với Cty CP Tổng Cty Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed) để sản xuất lúa giống, gia đình ông Tư được HTX vận động tham gia làm lúa giống sẽ đạt hiệu quả kinh tế hơn làm lúa thương phẩm, sẵn máu mê nghề nông, vợ chồng ông gật đầu ngay.

“Lúa giống mình được công ty hỗ trợ từ đầu vụ, đến thu hoạch mới trả lại. Phân bón thì HTX bán nợ cũng đến vụ mới trả không tính lãi. Quy trình canh tác thì được cán bộ kỹ thuật của công ty và HTX theo dõi, hướng dẫn suốt vụ sản xuất, nhờ đó năng suất lúa tăng rất cao so với trước đây. Đến khi công ty thu mua thì sản phẩm của mình được tính cao hơn lúa thương phẩm từ 1.300 – 1.500đ/kg. Lợi đủ bề!”, bà My chia sẻ.

Sau vài vụ sản xuất giống, vợ chồng ông Tư thấy rõ lợi ích, vậy là bàn nhau thuê thêm ruộng của những hộ dân neo đơn để làm thêm. Hiện nay, ngoài 5,2 sào ruộng được cấp quyền, vợ chồng ông Tư còn thuê thêm 17 sào nữa để sản xuất lúa giống.

16-00-57_2
Thu hoạch xong vụ hè thu, ông Nguyễn Bá Tư (chồng bà My) thảnh thơi xem bóng đá.

“Những hộ nhà không có lao động cho thuê ruộng vợ chồng tôi thuê hết. Hiện ruộng vợ chồng tôi thuê với giá 200kg lúa/sào/năm, quy ra tiền là 1,2 triệu đồng/sào/năm, thuê thời gian 5 năm, đưa tiền 1 lần. 17 sào ruộng tôi thuê làm lúa giống đã 10 năm nay, khi hết hạn thì ký hợp đồng thuê tiếp”, bà My cho biết.

Điều đáng khâm phục là hơn 22 sào ruộng nhưng chỉ 2 vợ chồng ông Tư làm, bởi 2 đứa con gái đã xây dựng gia đình riêng, con trai út chưa vợ thì ở nhà làm nghề cắt tóc. Chuyện ruộng nương vợ chồng ông túc tắc làm, những công đoạn nặng nhọc thì thuê máy móc. Qua 10 năm làm lúa giống, vợ chồng ông Tư dành dụm được khoản tiền lớn để xây lại ngôi nhà khang trang.

“Vụ ĐX 2018 – 2019 vừa qua, sau khi trừ tất cả chi phí, 22 sào ruộng cho vợ chồng tôi khoản lãi ròng 43 triệu đồng, sắm được cả cây vàng. Vụ hè thu 2019 năng suất thấp hơn, nên khoản lãi ròng giảm xuống còn 28 triệu đồng. Với 2 vợ chồng nông dân già, đây là khoản thu nhập không nhỏ”, bà My bộc bạch.
 

Hiệu quả của mối liên kết

Câu chuyện của vợ chồng ông Tư chỉ là trường hợp đơn cử trong 1.800 hộ nông dân ở xã Phước Hưng đang tham gia sản xuất lúa giống cho ThaiBinh Seed. Chính mối liên kết sản xuất lúa giống với ThaiBinh Seed đã làm nên “tiếng tăm” cho HTX Phước Hưng, đưa đơn vị này trở thành “chim đầu đàn” trong hệ thống HTX nông nghiệp ở Bình Định.

Theo ông Trần Tăng Long, Giám đốc HTX Phước Hưng, trước đây, HTX này hoạt động các dịch vụ thủy lợi, điện, kinh doanh vật tư nông nghiệp và xăng dầu, tín dụng nội bộ. Riêng dịch vụ kinh doanh vật tư nông nghiệp luôn đối mặt với khó khăn vì phải cạnh tranh với tư thương. HTX phải đưa chất lượng sản phẩm mình làm mối quan tâm hàng đầu và mở thêm nhiều điểm giao dịch mới tạo được niềm tin trong nông dân và thu hút được khách hàng.

Nhờ địa thế “thuận canh thuận cư”, nhất là hệ thống giao thông nội đồng và hệ thống thủy lợi rất thuận lợi, nên vào vụ ĐX 2009 – 2019, ThaiBinh Seed đến đặt vấn đề với HTX về mối liên kết sản xuất lúa giống. Thời gian đầu, hộ nông dân tham gia rất dè dặt, càng về sau, nhận thấy hiệu quả rõ ràng khi tham gia làm giống nên số hộ tham gia ngày càng tăng.

16-00-57_4
Nông dân HTX Phước Hưng khử lẫn cánh đồng lúa giống.

“Tham gia làm lúa giống là phải thay đổi cả tư duy canh tác, từ mật độ sạ đến quy trình chăm sóc cho cây lúa. Đó là trắc trở ban đầu khi HTX vận động bà con tham gia, nên vụ ĐX 2009 – 2010 diện tích sản xuất giống chỉ có 84ha. Về sau, bà con nông dân thấy mô hình liên kết sản xuất lúa giống cho hiệu quả thiết thực, nên tham gia nhiều hơn, HTX ngày càng mở rộng diện tích, từ đó đến nay chúng tôi chỉ sản xuất 1 loại giống là BC15”, ông Trần Tăng Long, cho hay.

Từ 84ha vụ sản xuất đầu tiên, những vụ tiếp theo diện tích sản xuất lúa giống ở HTX Phước Hưng tăng vùn vụt, có vụ sản xuất giống đến 350ha, chiếm hơn 1/2 diện tích đất canh tác lúa của địa phương. Có những năm HTX Phước Hưng sản xuất đến 500ha/năm với 1.800 hộ nông dân tham gia. Xã này có 7 thôn thì thôn nào cũng có hộ tham gia làm giống, hộ làm nhiều đến 30 sào.

Hiện HTX Phước Hưng đã xây dựng thành công cánh đồng lớn sản xuất lúa giống BC15 với diện tích 100ha tại 2 thôn Lương Lộc và Tân Hội. Năng suất lúa BC15 luôn ổn định ở mức từ 75 - 80tạ/ha, 1kg lúa giống có giá trị cao hơn 1kg lúa thương phẩm là 1.500đ, cứ làm 1ha lúa giống bà con có lãi hơn làm lúa thương phẩm hơn 10 triệu đồng.

“Sản lượng HTX thu mua lúa giống của nông dân cung ứng cho ThaiBinh Seed hàng năm trên 1.500 tấn, cá biệt có năm đến 2.700 tấn, doanh thu hàng năm gần 14 tỷ đồng, giá trị gia tăng mang lại cho nông dân tham gia sản xuất giống khoảng 2,5 tỷ đồng/năm. Hiệu quả là vậy nên đất 5% do UBND xã bà con tranh nhau đấu giá để làm giống. Giá cao đến 300 – 400kg lúa/sào/năm bà con cũng tranh nhau đấu”, ông Long chia sẻ.

“Thực hiện liên kết chuỗi sản xuất lúa giống đã giúp nông dân tăng tính cộng đồng, khắc phục hạn chế chênh lệch đầu tư, chăm sóc cây trồng giữa các nông hộ, tạo sự đồng đều trên toàn bộ cánh đồng về năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó nâng cao thu nhập, giải quyết làm cho lao động tại địa phương, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới”, ông Phan Văn Khiêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, nhận định.

Xem thêm
Mang Yang là nơi rất tốt để phát triển đàn bò sữa

Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, nguồn nước sạch…, là những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển bò sữa ở Mang Yang, Gia Lai.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.