| Hotline: 0983.970.780

Ô sin thời vụ

Thứ Năm 23/09/2010 , 11:03 (GMT+7)

Quê tôi xưa kia có nghề đan lát rổ rá. Đến khi đồ nhựa tràn lan, thì mai một dần. Khi nghề phụ cũ mất đi, lại xuất hiện một nghề phụ mới. Đó là chị em đi làm “Ô sin”.

Có một cái khó. Đã làm nghề giúp việc thì phải chấp nhận đi xa hẳn và làm lâu dài. Đa số chị em có con cái mà công việc gia đình, đồng áng cũng không bỏ mặc được. Đó là cái khó khiến nhiều chị em đành chịu đói rách ở nhà, không “dứt áo ra đi” được.

Nhưng hồi đầu năm nay về quê họp họ, tôi rất ngạc nhiên khi biết gia đình bác Sót trước đây thuộc diện “rớt mồng tơi” thì nay lại khấm khá. Hỏi ra mới biết bác Sót đi làm Ô sin thời vụ và thậm chí rất…đắt hàng. Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy cụm từ “Ô sin thời vụ”, bèn dành thời gian đến thăm bác Sót.

Quả là có khác. Năm ngoái năm kia, nhà bác Sót còn lợp gianh, vách đất thì nay đã tường xây, mái ngói. Có điều lạ, là cả bác giai lẫn bác gái vẫn ở nhà, vẫn cấy cày mấy sào ruộng khoán. Thóc lúa rủng rỉnh trong bồ.

-Gớm! Nếu không có việc họ hàng, chắc thím chẳng bao giờ đáo thăm quê. Thế chú đâu, sao không về?

Tôi vừa vào tới ngõ, bác Sót đã chạy ra, xởi lởi. Rồi cũng chẳng cần để tôi “giải trình”, bác kéo tôi vào nhà, xăng xái rót một bát nước chè xanh nóng hôi hổi.

-Ở đây ăn cơm, rồi mai hãy về. Chả nhẽ thím lại không ăn được với gia đình tôi một bữa?

- Nhà em đi công tác xa, các chú ở nhà một mình. Đi đâu cũng không yên tâm. Bác thông cảm. Mà em nghe nói…Cứ ngỡ bác ra tỉnh làm?

Bác Sót cười:

- Thím nghĩ là tôi đi làm…cái gì nhỉ? À, Ô sin chứ gì. Thì vưỡn đấy chứ. Chả năm nào bỏ.

- Vậy đợt này, bác về…

- Không! Tôi tưởng thím đã biết? Là tôi đi làm thời vụ. Nó vừa hợp với gia cảnh mình, lại vừa kiếm được khá. Khá hơn nhiều cơ đấy.

- Em chưa hiểu.

Bác Sót lại cười hết cỡ. Nhưng câu chuyện mà bác Sót kể, lại khiến tôi mủi lòng…

- Thím không biết, chứ tôi đã đi làm Ô sin ròng rã hai năm. Các cháu còn dại, công việc chẳng đâu vào đâu. Bác giai nay ốm mai đau. Tôi đi làm, trông coi săn sóc người ta, mà không yên tâm ở nhà. Nhưng cứ hễ xin phép về nhà mấy ngày, là y như rằng, gia chủ mặt nhăn như bị. Thì cũng phải thôi. Người ta cần mình chăm sóc người thân. Nay mình nghỉ ba, bốn ngày, làm xáo trộn công việc người ta. Có lần về quê ít ngày, khi ra chủ nhà đã nhận người khác thay mình rồi. Thế là tiền công đập vào chuyện đi lại, có lúc hoà, có lúc “lõm”. Bởi vậy, tôi mới tính chuyện đi làm giúp việc kiểu thời vụ. Thì cũng tình cờ thôi. Một lần, tôi đang ở cho gia đình cụ Khuy, bà Bằng hàng xóm chạy sang rỉ tai:

-Tôi có đứa con gái, mẹ chồng nó ốm nặng, nhưng chăm sóc đơn giản, sạch sẽ. Nếu chị đồng ý thì Tết này, chị đừng về quê, sang trông cụ cho con gái tôi, kiếm lấy cái Tết. Cứ mỗi ngày, nó giả cho chị hai trăm. Trông mười ngày, có hai triệu. Chả sướng hơn à?

Tôi nghĩ bụng, thôi hy sinh cái Tết, kiếm được tiền sắm sửa cho gia đình, lại chả hơn ư? Thế là tôi đồng ý. Mà đúng trông cụ nhàn nhã thật. Tết nhất, gia đình nào cũng xởi lởi, vui vẻ. Ngoài tiền công, còn tiền thưởng, còn quà. Thấy tôi là người thật thà, nhanh nhẹn, sạch sẽ, nhiều gia đình mời tôi làm “Ô sin thời vụ” vào dịp Tết. Thậm chí, liên gia đình (cùng tầng trong chung cư) mời tôi trông nhà, trông trẻ, trông người già mấy ngày Tết, để họ về quê hoặc đi chơi. Tết năm ngoái, tính ra tôi kiếm được mấy triệu, gấp mấy làm Ô sin cả năm. Vậy là tôi chuyển hẳn sang làm thời vụ. Ngày dưng ở nhà. Ngày Tết đi ở. Đi làm Ô sin…

- Nếu cứ như vậy, thì hoá ra chả Tết nào bác ở nhà?

- Thôi thím ạ! Ở nhà để cả nhà vêu mõm, thì ở làm gì? Mà tôi cũng chỉ đi làm mấy năm nữa thôi. Các cháu lớn lên, có công ăn việc làm, là tôi nghỉ. Tôi ở nhà hẳn. Cho sướng!

Nói xong, bác Sót lại ngửa cổ cười. Tôi cũng cười theo. Một nụ cười gượng gạo.

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.

Bình luận mới nhất