| Hotline: 0983.970.780

Ở vùng lũ cắt

Thứ Năm 17/10/2013 , 08:32 (GMT+7)

Chúng tôi lòng vòng mãi mới rời khỏi được thành phố Huế bởi nhiều tuyến tỉnh lộ dẫn về các huyện đã bị chia cắt, ngập sâu. Những chiếc thuyền nhỏ giờ trở nên quen thuộc hơn với người dân phố thị...

Sau bão số 11, nhiều vùng thấp trũng của tỉnh TT-Huế vẫn ngập lụt, chia cắt. Chúng tôi lòng vòng mãi mới rời khỏi được thành phố Huế bởi nhiều tuyến tỉnh lộ dẫn về các huyện đã bị chia cắt, ngập sâu. Những chiếc thuyền nhỏ giờ trở nên quen thuộc hơn với người dân phố thị...

Về huyện Quảng Điền, xóm vạn chài nơi xã Quảng Phước dường như đang gồng mình trước cơn bão dữ. Ông Lê Đức Ưa - Chủ tịch UBND xã cập nhật cho chúng tôi những thông tin sơ bộ của địa phương vùng trũng này: “Toàn xã có 500 hộ dân với gần 4.000 nhân khẩu tập trung ở các thôn Mai Dương, Thủ Lễ, Phước Long, Phước Lý, Khuôn Phò bị ngập từ 0,5 đến 1m, trong đó có 60 nhà bị tốc mái, nhiều nhà sụp đổ. Giữa các khu dân cư gần như tê liệt, một bộ phận người dân xóm Rào (thôn Khuôn Phò) đi lại được bằng thuyền, còn đa số phải cố thủ trong nhà vì nước sông Diên Hồng vẫn còn cao, cuộn chảy”.

Chần chừ chưa biết tìm cách gì đến với bà con vùng lũ, tìm những ngư dân dày dạn kinh nghiệm sông nước nơi xóm chài Quảng Phước với đề nghị được “vượt lũ” về với bà con, đều nhận được cái lắc đầu: “Nước còn lớn, gió to lắm, không đi lại được đâu”.

May thay, đến giờ trưa, anh Nguyễn Bá Phước - Trưởng thôn Khuôn Phò dùng chiếc thuyền chở chúng tôi vào với bà con vùng lũ. Những tuyến đường ven mép sông vẫn bị ngập sâu, bờ tre che chắn cho bà con thôn Khuôn Phò dường như quá sức chịu đựng trước cơn bão. Nước lũ trắng cả một vùng của nhiều xóm chài nơi xã Quảng Phước.


Cây cối đổ ngổn ngang vì bão

Anh Phước cho biết: “Từ bên này sông Diên Hồng, bà con còn đi lại được chứ 15 hộ dân ở xóm Chùa dường như bị chia cắt hoàn toàn, bởi mực nước sông bây giờ sâu, chảy xiết từ sáng đến giờ. Từ sau trận bão năm 1985 đến nay, chưa thấy trận bão nào nước dâng nhanh như thế này cả”.

Ghé thuyền vào nhà một hộ dân. Đang lúi húi dùng cào lúa “néo” lại chiếc tấm tôn prô ximăng gió đang quật, sắp nơi xuống đất, anh Lê Đình Hào nói qua tiếng gió rít: “Từ sáng tới giờ, hết ra giữ mái tôn nhà bếp lại chạy lên nhà trên chận tôn lại không rơi vỡ hết. Rơi mất 9 tấm rồi, đêm nay nếu gió to nữa cả nhà không biết chạy đi đâu”.

Theo anh Hào, mặc dù đã chằng chống nhà cửa từ trước khi bão đến, cán bộ đi kiểm tra, loa truyền thanh thôn ra rả những ngày trước, nhưng bão lớn quá, lớn chỉ sau trận năm 1985 mà thôi nên dù nhà khá kiên cố vẫn không chống chịu nổi trận cuồng phong của cơn bão dữ. Đi thuyền dọc con đường liên thôn - mà nay đã biến thành sông với dòng nước cuộn xiết, ghi nhận những hình ảnh nhói lòng khi từng hộ dân nơi xóm chài đang ra sức chống cơn bão dữ. Nhà tốc mái, nhà vỡ cửa kính, nhà lại lũ lượt bưng bê lúa gạo, chằng chống lại lồng cá...

Anh Hào thuộc hộ khó khăn của xã, trong gia đình có bốn người con, duy chỉ một đứa còn được đến trường. Năm nay, dù may mắn là thủy sản bà con nuôi trồng đã thu hoạch hết, nhưng những hộ nuôi, vuông lưới còn lại “gửi gắm” cho đầm phá để bán cá tôm trong dịp tết thì trôi hết theo bão. Nhiều hồ nuôi thủy sản bị vỡ đê, tôm cá trút theo dòng lũ.


Người dân vận chuyển, lúa gạo trâu bò chạy lũ

Cạnh nhà anh Hào là gia đình chị Hồ Thị Phương. Chị Phương có chồng đi phụ hồ, hôm nay đường sá cách trở vẫn chưa về được. Chỉ riêng chị cùng ba người con nhỏ quay quắt trong cơn bão. Ra vác lúa, cột lại mái tôn, người ướt sũng, chị nói như mếu: “Không biết bão to như ri. Gió chi ác quá, từ sáng sớm cho đến chiều tối vẫn chưa ngớt. Trong nhà được mấy bao lúa, không có đàn ông, bưng bê không kịp cũng ướt sạch”.

Đến thôn Mai Dương là vùng ngập sâu nhất của xã đầm phá Quảng Phước, đang đi giúp bà con chống lũ trở về, ông Nguyễn Khôi - Trưởng thôn buồn buồn: “Chưa khi nào thấy bão lớn, bà con bị ngập nhiều như ri. Thường thì sống gần đầm phá rất khó ngập, nhưng trận lụt này toàn thôn có 240 hộ bị ngập sâu từ 0,8-1m. Nhiều nơi bà con nước vào nhà, chỉ biết ngồi co cụm chờ nước xuống mà thôi”.

Theo ông Khôi, ngập lụt đối với bà con vùng đầm phá như Mai Dương đã “quen”, nhưng năm nay thiệt hại về thủy sản thì khiến hàng trăm hộ rơi vào cảnh bi đát. Toàn thôn có 195 hộ nuôi trồng thủy sản với gần 100 ha mặt nước trên đầm phá Tam Giang thì có đến 95% hộ dân bị thiệt hại, nhiều nơi bà con sau một ngày bão về, nhìn mực nước họ lại ngán ngẩm bởi chắc chắn rằng, ngoài đầm phá mênh mông họ không còn một chút tài sản nào cả. Thôn Mai Dương với số diện tích thủy sản chiếm 60% diện tích nuôi trồng thủy sản toàn xã, là thế mạnh của địa phương, giờ trôi hết theo dòng nước lũ đã khiến hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh lao đao.

Ông Lê Thuận, một ngư dân vừa lội ra đầm phá xem vuông lưới trở về, mắt đỏ hoe: “Thế là hết rồi, bão chỉ vào từ đêm qua, đến ngày hôm nay, cả trăm triệu bạc trôi ra biển. Xót xa lắm chú à. 2 chiếc ghe (loại thuyền nhỏ, dùng đi lại, đánh bắt hải sản của bà con vùng đầm phá), 200m lưới, 2 bè lồ ô bị cuốn trôi sạch. Vợ tôi khi biết tin, gần như ngất giữa vũng nước. Vụ cá năm nay nhà tui nuôi với hy vọng bán sau trận lũ giờ tan theo bọt nước hết rồi”.

Thiệt hại về thủy sản đã đẩy nhiều hộ dân đến chỗ khó khăn về sinh kế. Với người dân thôn Mai Dương, không có đất đai trồng trọt, bao nhiêu hy vọng chỉ dựa vào đầm phá, mỗi ngày ngư dân dầm mưa dãi nắng cũng kiếm được 70-100 nghìn đồng “bòn mót” từ tôm cá trên đầm phá, vuông lưới nuôi, giờ xem như mất hết hy vọng.


Biển nước mênh mông

Rời “biển nước” xã Quảng Phước khi trời về chiều. Gió vẫn quăng quật khắp mọi nơi. Dòng Diên Hồng có lẽ mấy chục năm rồi chưa bao giờ thấy hung tợn hơn thế. Cùng nằm trên tuyến vùng trũng, các xã là vùng đất lúa của huyện Quảng Điền như Quảng Thành, Quảng An…cùng chung số phận trong mưa lũ. Theo báo cáo nhanh của UBND xã Quảng Thành, toàn xã có 520 hộ bị ngập, chia cắt. Nước lên nhấn chìm nhiều cụm dân cư trong xã.

Hơn 20 ha rau màu của địa phương cũng bị hư hại do lũ. Đi dọc miền phá Tam Giang, về với hạ nguồn sông Hương, các xã Phú Mậu, Phú Thanh (huyện Phú Vang), Hương Phong (thị xã Hương Trà) cũng bị ngập sâu từ 1-2m. Nước lũ trắng xóa cả một vùng, không còn biết nơi nào là sông, nơi nào là đường cái quan nữa...

Theo thống kê ban đầu, toàn tỉnh TT- Huế có 3 người mất tích, 11 người bị thương. Có 20 nhà bị sập và gần 700 nhà bị tốc mái. Sau bão, đã gây ngập lụt cho một số vùng thấp trũng, với 1.686 nhà bị ngập lũ, trong đó thị xã Hương Trà 450 nhà, huyện Phong Điền 350 nhà, Quảng Điền 756 nhà và Phú Vang 130 nhà...

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm