| Hotline: 0983.970.780

“Ốc đảo” ngựa bạch giữa cao nguyên

Thứ Hai 12/08/2019 , 12:50 (GMT+7)

“Ốc đảo Ia Rsai” là nơi chàng trai Nguyễn Văn Hậu ấp ủ mô hình nuôi ngựa bạch lớn nhất khu vực Tây Nguyên.

Anh Hậu tự hào về con ngựa bạch Tây Tạng do mình chăm sóc.

“Ốc đảo Ia Rsai” (huyện Krông Pa, Gia Lai) được bao bọc bởi con sông Ba huyền thoại. Phương tiện duy nhất để qua “ốc đảo” là những chiếc xuồng máy. Việc chọn nơi đây để nuôi ngựa bạch được chàng trai trẻ Nguyễn Văn Hậu (SN 1989, trú tại phường Đoàn Kết, thị xã A Yun Pa) giải thích, nơi đây có sông có núi, phong cảnh hữu tình sẽ làm cho mọi con vật có thể sinh trưởng và phát triển tốt.

Nuôi ngựa bạch trên “chảo lửa” 

Từ chân đèo Tô Na, men theo con đường mòn sỏi đá xuống bến sông Ba, chúng tôi được chàng trai Nguyễn Văn Hậu chờ sẵn. Sau 15 phút di chuyển bằng xuồng máy, cả đoàn cũng đến được với “ốc đảo Ia Rsai”.

Gọi là “ốc đảo” bởi nơi đây khá biệt lập và không có nhiều người biết đến. Từ bờ sông, đi qua hàng dừa xanh mát, hình ảnh về những chú ngựa bạch cũng dần hiện ra, khung cảnh thật bình yên và thơ mộng. Hơn chục con ngựa bạch đang nhởn nhơ gặm cỏ. Thỉnh thoảng một, hai con cất tiếng vó giòn tan làm cho nhiều người thích thú.

Chỉ tay về phía xa hướng bờ sông, anh Hậu khoe với chúng tôi về con ngựa bạch Tây Tạng được anh mua về từ Trung Quốc. Anh Hậu cho biết, ngựa bạch Tây Tạng là loài vật quý hiếm, sống trên độ cao trên 3.000m, ăn các loại thảo dược quý, nên thịt và xương đều có giá trị cực cao.

Trong đàn ngựa bạch đang nuôi hiện có 2 con Tây Tạng được anh Hậu nuôi dùng để nhân giống, còn lại là những con ngựa bạch giống Việt Nam. Khi được hỏi, cơ duyên nào đưa anh đến với mô hình nuôi ngựa bạch?

Anh Hậu tâm sự, trước đây anh bươn trải nhiều nơi, kinh qua nhiều nghề để mưu sinh nhưng cuộc sống vẫn rất cơ cực. Tình cờ anh lên mạng tìm hiểu và thấy mô hình nuôi ngựa bạch khá hay, nhất là cao ngựa bạch được biết đến như một loại thần dược có thể chữa được rất nhiều bệnh. Bản thân bố anh cũng bị tai biến nhiều năm rất cần thuốc để điều trị. Từ những suy nghĩ đó, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Hậu quyết tâm đem giống ngựa bạch về nuôi tại vùng “chảo lửa” Krông Pa.

Để hiện thực hóa giấc mơ ấy, anh tìm đến các địa phương trong cả nước, nơi nào có nuôi ngựa bạch là anh đến học hỏi.  Rồi anh ra Hà Nội, Thái Nguyên, Cao Bằng tìm các chuyên gia để “tầm sư học đạo” cách thuần phục, nuôi dưỡng ngựa bạch.

Trang trại ngựa bạch của anh Hậu là mô hình đầu tiên ở Gia Lai.

Đến năm 2016, khi kinh nghiệm đã vững vàng, anh quyết định sang Trung Quốc mua 1 con ngựa bạch đực Tây Tạng với giá hơn 200 triệu đồng và 2 con ngựa bạch cái Tây Tạng để nhân giống với giá hơn 200 triệu đồng.

Chưa dừng lại, anh tiếp tục đến các trung tâm giống ngựa bạch lớn trong cả nước để mua thêm 5 con ngựa giống Việt Nam với giá mỗi con khoàng 70 -80 triệu đồng. “Lúc đó, nhiều người tỏ vẻ nghi ngờ tôi vì chưa có mô hình ngựa bạch nào được nuôi ở Gia Lai. Tuy nhiên, qua nghiên cứu và được sự hướng dẫn của các chuyên gia ở Viện Chăn nuôi, tôi đã nuôi và cho sinh sản thành công giống ngựa bạch ngay trên vùng “chảo lửa” Krông Pa này” - anh Hậu tâm sự.

Sau 3 năm nuôi dưỡng và nhân giống, đến nay đàn ngựa bạch của anh Hậu đã phát triển lên gần 20 con.

Nhân rộng mô hình để nhiều người biết đến

Sau khi đưa ngựa bạch về vùng “chảo lửa” cao nguyên, anh Hậu đã dành nhiều thời gian chăm sóc và gần gũi đàn ngựa xem có biểu hiện gì khác thường do thay đổi về khí hậu, môi trường.

Anh Hậu cho biết, nuôi ngựa bạch không khó nhưng phải dành hết tâm trí và tình cảm cho chúng vì giống này rất khôn. Thức ăn dành cho ngựa đơn giản, chỉ cần ăn cỏ và uống nước. Với những con ngựa cái đang mang thai thì cho ăn thêm cám và mật mía.

Đàn ngựa bạch của anh Hậu được nuôi dưỡng trong môi trường tự nhiên.

Trong quá trình nuôi, ngựa bạch thường mắc phải bệnh đau bụng. Đây là bệnh nguy hiểm nhất vì ngựa có ruột thẳng. “Khi nó đau bụng, việc đơn giản nhất là ngừng cho ăn, tiêm thuốc liều cao. Phần lớn người nuôi lầm tưởng bệnh đau bụng của ngựa là cảm, nên càng bồi dưỡng cho ăn nhiều. Điều này rất nguy hiểm vì khi con ngựa đang đau bụng mà ăn vào, bụng càng trướng to và chết càng nhanh” anh Hậu chia sẻ.

Đến nay, sau 3 năm chăm sóc, đàn ngựa của anh Hậu phát triển khá tốt. Các con ngựa bạch cái Tây Tạng cũng được anh nhân giống thành công khi đẻ thêm nhiều con ngựa con.

Ông Dương Ngọc Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Gia Lai cho biết, ông hơi bất ngờ khi anh Nguyễn Văn Hậu là người đâu tiên đem mô hình này về Gia Lai. Điều đáng khích lệ là nuôi trên vùng "chảo lửa" Krông Pa. Tuy nhiên qui trình nấu cao ngựa đòi hỏi qui trình nghiêm ngặt. Nếu anh Hậu làm được sẽ tạo dựng được thương hiệu uy tín thì hiệu quả kinh tế rất cao.

Theo tính toán của anh Hậu, ngựa cái đẻ mỗi năm một lứa, giá thị trường hiện nay 1 con ngựa bạch con khoảng 25 triệu đồng, sau một năm thì có giá 40 triệu đồng, từ 2 năm trở lên thì giá trên 60 triệu. Nếu nấu cao, một con ngựa Tây Tạng trưởng thành có thể nấu được 7kg cao, trong khi ngựa bạch giống Việt Nam chỉ nấu được 4kg cao. Hiện 1 kg cao ngựa bạch trên thị trường có giá 20 triệu đồng. Anh Hậu cho biết, mình đã bước đầu nấu thành công hơn 30 kg cao ngựa để đem ra thị trường tiêu thụ và làm quà biếu.

Thấy mô hình có hiệu quả, nhiều người đã đến trang trại của anh mua ngựa về gây giống. Tuy nhiên, anh chưa bán vì muốn nhân giống đàn ngựa lên nhiều hơn nữa nhằm biến trang trại thành điểm du lịch sinh thái để du khách có thể ngắm nhìn đàn ngựa, hòa mình vào thiên nhiên thơ mộng.

Anh Hậu cho biết, trong thời gian tới anh sẽ nuôi thêm một số loài động vật như cừu, lạc đà, hươu, nai... Đồng thời trồng thêm cây ăn quả ở để làm sinh động hơn cho điểm du lịch sinh thái của mình. “Còn gì tuyệt vời hơn cho các gia đình vào mỗi dịp cuối tuần, đến ốc đảo đắm mình vào thiên nhiên, cỏ cây và muông thú”, anh Hậu chia sẻ.

Xem thêm
Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất