| Hotline: 0983.970.780

Ổi xá lị vùng đất sỏi

Thứ Năm 01/01/2015 , 08:13 (GMT+7)

Nông dân xã Bình Lộc (huyện Long Khánh, Đồng Nai) nhờ trồng ổi xá lị đã có của ăn của để. 

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, xã Bình Lộc đẩy mạnh diện tích trồng, chăm sóc ổi theo quy trình VietGAP trên vùng đất sỏi cơm cho quả to, thơm, ngọt...

THU TRĂM TRIỆU/HA

Những ngày cuối năm 2014, chúng tôi tìm đến ấp Cây Da, xã Bình Lộc đều nghe người dân nơi đây nói về cây ổi xá lị cho trái bốn mùa. Ông Đào Xuân Tiến, một người bản địa nhiệt tình dẫn chúng tôi đến thăm các vườn ổi điển hình.

Chỉ vào những vườn ổi sum xuê trái, ông Tiến giới thiệu: “Ở đây, có đến 80% số hộ trồng ổi, thậm chí có những vườn ổi rộng cả vài héc ta. Giống ổi xá lị cho trái quanh năm nên bà con phải chăm bón, thu hái hàng ngày không ngơi nghỉ để kịp cung ứng cho thương lái vào thu mua. Người dân ở đây sống khấm khá lên được là nhờ vào cây ổi xá lị này đấy!”.

Anh Phan Văn Sinh, tổ 4, ấp Cây Da đang cùng vợ bọc ni lông và giấy báo cho những trái ổi non mới nhú to bằng đầu ngón chân cái trong vườn nhà.

Anh phấn khởi khoe: “Trước kia gia đình tôi trồng 5 sào chôm chôm nhưng cho năng suất thấp, giá cả lại bấp bênh, thu nhập chẳng được bao nhiêu khiến cuộc sống rất khó khăn. Hơn nữa, ở vùng này nguồn nước rất hiếm không đủ tưới cho vườn chôm chôm nên tôi quyết định đốn bỏ để chuyển sang trồng ổi xá lị”.

Từ năm 2005, anh Sinh bắt đầu tìm hiểu kỹ thuật trồng ổi và lặn lội đi khắp nơi để “săn” cây giống tốt về trồng, thay thế vườn chôm chôm kém hiệu quả. Đến nay, vườn ổi của anh Sinh phát triển tốt, cứ mỗi tuần hái một đợt trái, thương lái vào tận vườn thu mua.

Ông Trần Như Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lộc cho biết: "2 năm về trước diện tích ổi của xã chỉ khoảng 60 ha, chủ yếu được trồng ở đất sỏi cơm của các ấp 3, 4, Cây Da. Tuy nhiên, gần đây khi thấy cây ổi cho năng suất cao, sản lượng cao nên người dân đã chuyển sang chuyên canh trồng ổi.
Hiện trên địa bàn xã Bình Lộc đã phát triển được gần 200 ha ổi, năng suất trung bình đạt khoảng 35 - 40 tấn/ha/năm, ở giai đoạn cây từ 4 - 5 năm tuổi. Đặc biệt, để nâng cao giá trị kinh tế và tạo dựng thương hiệu ổi Bình Lộc hướng đến nông sản sạch, an toàn, hiện xã Bình Lộc đã hình thành được 2 tổ hợp tác SX ổi sạch theo mô hình VietGAP, giúp hỗ trợ về kỹ thuật và phổ biến phương pháp trồng, chiết cũng như chăm sóc cây ổi cho năng suất cao, phòng tránh được sâu bệnh.
Hiện cây ổi đang giúp nông dân có thu nhập quanh năm, nếu đẩy mạnh phát triển theo VietGAP giá bán tốt hơn, thì người nông dân có thể vượt qua mức lãi 100 triệu đồng/ha".

Theo anh Sinh, nhờ chuyển sang trồng ổi trên 5 sào vườn cũ, mỗi năm gia đình thu nhập khoảng 80 triệu đồng, thay vì giữ lại cây chôm chôm chỉ cho thu khoảng 20 triệu đồng.

Hiện thời điểm này, anh đang tập trung chăm sóc vườn ổi thật tốt để chuẩn bị cung ứng cho thị trường Tết.

Tương tự, gia đình ông Diệp Thanh Sơn cùng ở ấp Cây Da cũng đã từng đốn cả ha cà phê và chôm chôm để chuyển sang trồng hơn 500 gốc ổi xá lị.

Đến nay, cứ cách tuần ông lại thu hoạch cả tấn trái, nhất là vào lúc rộ thì có khi thu được vài tấn với giá bán cũng ổn định 6.000 đồng/kg, tính ra mỗi năm, gia đình ông thu hơn 200 triệu đồng từ trồng ổi.

Chỉ tay ra vườn ổi đang vào đợt thu hoạch, ông Sơn hào hứng nói: “Từ khi trồng ổi, nói thật gia đình tôi đã… đổi đời, kinh tế khấm khá nên cũng không phải chạy ngược xuôi “vay nóng” tiền đóng học cho con cái như trước nữa!”.

Cùng ngồi trò chuyện, ông Phan Văn Tám, người trồng ổi nổi tiếng ở xã Bình Lộc với 1 ha ổi xá lị, cũng phấn khởi khoe: “Gia đình tôi khấm khá như bây giờ cũng nhờ cây ổi. Lúc giá ổi tăng cao, thu nhập có thể hơn 30 triệu đồng/tháng.

Đây là vùng đất sỏi cơm, rất hợp với cây ổi, hơn hẳn cây chôm chôm hay cây trồng khác. Cánh thương lái vẫn khẳng định ổi miền Tây trồng cũng không đọ nổi ổi Long Khánh đâu!”.

ĐẦU TƯ, LIÊN KẾT CHIỀU SÂU

Theo những người dân trồng ổi lâu năm ở Bình Lộc, giống ổi này được đưa về từ Tiền Giang từ những năm 1980.

Thời gian đầu, do chưa có kỹ thuật bà con chỉ trồng ổi theo kinh nghiệm dân gian nên năng suất và chất lượng không cao.

Tuy nhiên, sau một thời gian vừa trồng vừa rút kinh nghiệm, học hỏi thêm kỹ thuật trên sách báo, người nông dân đã rút tỉa được kinh nghiệm nên năng suất, chất lượng ổi cải thiện đáng kể.

Khác với nhiều loại cây ăn quả khác, từ khi trồng phải mất vài ba năm mới cho thu hoạch, giống ổi xá lị chỉ mất hơn 3 tháng đã cho quả.

Nhờ vậy, cây ổi không chỉ giúp xóa nghèo mà hiện đang giúp các hộ dân vươn lên làm giàu hiệu quả.

Dẫn chúng tôi ra vườn ổi, ông Trần Một, Tổ trưởng Tổ hợp tác ổi Bình Lộc chia sẻ: “Cho đến nay ổi Bình Lộc bước đầu đã xây dựng được thương hiệu nên bà con nông dân không lo chuyện đầu ra cho sản phẩm.

Ổi thu hoạch đến đâu, thương lái cho xe vào chở hết đến đó, tính ra giá trị kinh tế từ cây ổi cao hơn gấp mấy lần một số cây trồng khác.

Nếu được chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh tốt, mỗi ha ổi có thể cho lợi nhuận cả trăm triệu đồng/năm.

Thực tế, 7 sào ổi nhà tôi, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng”.

16-16-53_nh-4
Các thành viên trong tổ hợp tác giúp nhau chăm sóc ổi

Theo ông Một, cây ổi xá lị rất thích hợp với thổ nhưỡng ở Bình Lộc, nhưng vì ổi cho thu hoạch quanh năm nên nhà vườn cũng phải liên tục chăm bón, ít khi được nghỉ ngơi. Nhờ được chăm sóc cẩn thận từ khâu chiết cành, trồng tưới, bón phân đến cách xử lý sâu rầy, đặc biệt không dùng chất kích thích nên ổi Bình Lộc rất ngon, ngọt.

Từ khi trái ổi còn nhỏ xíu đã được nhà vườn bọc kín bằng bao ni lông để tránh sâu bọ và ruồi vàng phá hoại. Ngoài ra, trong bọc còn được lót một lớp giấy báo để giúp trái ổi không bị rám nắng.

Nhờ vậy đến mùa thu hoạch, ổi sẽ chín một cách tự nhiên, trái vừa to vừa đẹp. Cây ổi ở đây cho sản lượng từ 60 - 65 tấn trái/ha, giá ổn định từ 4.000 - 6.000 đồng/kg, vào thời điểm Tết giá ổi tăng cao đạt từ 9.000 - 10.000 đồng/kg.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.