| Hotline: 0983.970.780

OM 8017, giống lúa thuần triển vọng

Thứ Tư 16/04/2014 , 07:00 (GMT+7)

Giống này cho cây lúa khỏe, cứng cây, chống chịu sâu bệnh, thời tiết bất lợi tốt. Lúa chín rất đều, hạt sáng trưng, bông dài, đóng hạt dày, tỷ lệ chắc cao.

Hiện các giống lúa thuần trong cơ cấu SX của huyện Tuy Phước (Bình Định) đã qua sử dụng nhiều năm, có biểu hiện thoái hóa, nhiễm nặng sâu bệnh, năng suất thấp. Muốn giữ vững vị thế của cây lúa, huyện chỉ có cách chọn giống mới phù hợp.

Từ thực tế trên, vụ ĐX 2013-2014, Trạm Khuyến nông huyện Tuy Phước đã phối hợp với HTXNN Phước Thắng xây dựng mô hình SX thử giống lúa OM 8017 tại thôn Khuôn Bình với diện tích 1 ha.

OM 8017 là giống lúa thuần được Viện lúa ĐBSCL tuyển chọn từ tổ hợp lai OM 5472/Jasmine 85, nhượng quyền khai thác, kinh doanh cho Tổng công ty CP Giống cây trồng Thái Bình vào cuối năm 2013. Đây là loại giống mới được chọn trong 10 giống lúa tốt nhất của Viện Lúa ĐBSCL năm 2012.

“Mô hình nhằm tăng cường mối liên kết 4 nhà, áp dụng canh tác tổng hợp "3 giảm 3 tăng" để nâng tầm thâm canh cho nông dân SX lúa. Theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển, tính thích nghi của OM 8017 với điều kiện thời tiết; tính chống chịu sâu bệnh, năng suất và hiệu quả để tuyển chọn, bổ sung vào cơ cấu giống của địa phương”, ông Nguyễn Bay, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, cho biết.

Giống OM 8017 được cắm xuống đồng đất thôn Khuôn Bình, xã Phước Thắng vụ ĐX 2013-2014 này trong điều kiện vô cùng bất thuận. Giống vừa sạ đã gặp rét lạnh kéo dài, nhiệt độ thấp ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây lúa.

Thêm vào đó tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, nhất là ốc bươu vàng, bọ trĩ, sâu cuốn lá, rầy, bệnh khô vằn, đạo ôn… bủa vây cây lúa. Trước giờ, nông dân ở đây đã quen với tập quán sạ dày, từ 8 - 10 kg giống/sào (500 m2), nay cũng là giống lúa thuần nhưng chỉ sạ 5 kg giống/sào nên khi gặp thời tiết khắc nghiệt và sâu bệnh tấn công, những hộ tham gia mô hình cứ sợ sẽ mất mùa. Thế nhưng nhờ những ưu điểm chống chịu và kháng sâu bệnh tốt nên đã cho kết quả khả quan.

Chú Ba, 1 trong 8 hộ tham gia mô hình SX giống lúa thuần chất lượng cao OM 8017 tại thôn Khuôn Bình phấn khởi cho biết: “Mặc dù thời tiết trong đầu vụ diễn ra không có lợi cho cây lúa phát triển, nhất là trong giai đoạn đẻ nhánh. Đến khi bón phân lần 2, lúa phát triển đồng đều, đẻ nhánh tập trung tôi mới thấy yên lòng. Giống này cho cây lúa khỏe, cứng cây, chống được đổ ngã và thời tiết bất lợi; bộ lá giữ được màu xanh, chống chịu sâu bệnh tốt. Lúa chín rất đều, hạt sáng trưng, bông dài, đóng hạt dày, tỷ lệ chắc cao”.

“Qua mô hình SX thử giống lúa thuần OM 8017 đã cho thấy tính vượt trội về khả năng đẻ nhánh, cứng cây hạn chế đổ ngã và có năng suất khá cao chẳng thua kém lúa lai. Đặc biệt về sâu bệnh chưa thấy đối tượng nào gây hại đáng kể; giống lúa này có thời gian sinh trưởng từ 90 - 95 ngày, rất thích hợp cho SX 2 vụ/năm”, ông Hồ Ngọc Hùng, Phó GĐ Sở NN-PTNT Bình Định nhận xét.

Theo tính toán, những hộ nông dân tham gia trong mô hình SX thử giống lúa OM 8017 có thu nhập cao hơn so với những đám ruộng ngoài mô hình nhờ giảm giống, giảm sử dụng thuốc BVTV nhưng lúa lại cho năng suất cao.

Điều trông thấy trước mắt là trong khi ruộng ngoài mô hình bị bệnh đạo ôn, thối gốc, khô vằn, rầy nâu và sâu cuốn lá nhỏ gây hại thì những đám ruộng SX giống OM 8017 vẫn “bình chân như vại”, phát triển ổn định, cho năng suất đến hơn 80 tạ/ha.

Chú Ba nhẩm tính: “Toàn bộ chi phí đầu tư cho 1 ha lúa OM 8017 trong mô hình chỉ có 15,8 triệu đồng, trong khi đó 1 ha lúa làm giống khác có mức đầu tư đến hơn 17 triệu đồng, năng suất lúa OM 8017 lại tăng hơn ruộng ngoài mô hình đến 4,6 tạ/ha. Do đó, những hộ tham gia SX OM 8017 có lãi tăng hơn so với những hộ khác hơn 4 triệu đồng/ha”.

Mô hình SX giống OM 8017 không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, mà còn tạo được mối gắn kết giữa 4 nhà; nâng cao nhận thức của bà con nông dân về áp dụng các tiến bộ KHKT vào SX, nhất là ý thức sử dụng các giống lúa chất lượng cao và làm tăng hiệu quả kinh tế trong liên kết SX.

“Trong quá trình SX được cán bộ kỹ thuật theo sát bám đồng theo dõi phát triển của cây lúa, những lúc đi thăm đồng tụi tui có điều kiện học hỏi kinh nghiệm từ các cán bộ kỹ thuật về cách phát hiện sâu bệnh và cách phòng trừ nên sau vụ SX này, trình độ thâm canh của những hộ nông dân tham gia mô hình được tăng lên rõ rệt”, chú Ba bộc bạch.

Để có sơ sở khẳng định và đưa giống lúa OM 8017 vào SX đại trà trong thời gian tới, huyện Tuy Phước kiến nghị TCty CP Giống cây trồng Thái Bình trong thời gian tới cần xây dựng thêm nhiều mô hình SX thử trên nhiều chân đất, mùa vụ khác nhau để rút kinh nghiệm, xây dựng quy trình kỹ thuật thâm canh phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.