| Hotline: 0983.970.780

Ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất

Thứ Tư 25/12/2013 , 09:30 (GMT+7)

Ngày 24/12, Chính phủ tiếp tục phiên họp trực tuyến với các địa phương bàn giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2014. Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, mục tiêu của năm 2014 rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.

Hôm qua (24/12), Chính phủ tiếp tục phiên họp trực tuyến với các địa phương bàn giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2014. Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, mục tiêu của năm 2014 rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.

Hỗ trợ DN, mở rộng thị trường

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh, năm 2014, Việt Nam vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, để đạt được mục tiêu đặt ra cho năm 2014, cần cố gắng rất nhiều, với sự thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp.

Đầu tiên là phải vực dậy được sản xuất ở tất cả các cấp, các ngành trong xã hội, nhất là lực lượng DN, các hộ sản xuất trong nông nghiệp. “DN có định hướng tốt, sản phẩm tốt… cần tạo điều kiện để được tiếp cận với vốn lãi suất thấp. Phải có chủ trương chỉ đạo rạch ròi về điều này. Nguồn tiền phải bơm thẳng vào các DN này để họ đầu tư vào các mặt hàng XK cũng như tiêu thụ. Cùng với đó dành ưu tiên tín dụng vào khu vực sản xuất các mặt hàng truyền thống, các hộ sản xuất nông nghiệp có thị trường tốt”, ông Vinh đề xuất.


Ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là mục tiêu lớn của năm 2014

Song song với đó, phải khai thác tốt hơn nữa nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước, đó là các DN tư nhân trong nước và khu vực tư nhân của nước ngoài. Theo ông Vinh, nếu khôi phục được tiềm lực, sự trỗi dậy của khối DN tư nhân trong nước và nước ngoài chúng ta sẽ có nguồn lực tốt.

Còn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, mở rộng thị trường ngoài nước là nhân tố hết sức quan trọng, có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước. “Nếu có thị trường ngoài nước, sản xuất trong nước sẽ có đầu ra, sản phẩm sẽ có nhiều thị trường để tiêu thụ. Nếu chúng ta càng mở rộng thị trường XNK thì công tác hội nhập với đời sống kinh tế khu vực và thế giới ngày càng tăng lên, góp phần quan trọng vào nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”, người đứng đầu ngành Công thương nói.

Ngoài ra, cũng theo một số lãnh đạo địa phương, cần thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính và có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thu ngân sách. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cho rằng, phải công khai, minh bạch trong chỉ đạo, điều hành, cũng như sử dụng nhân lực một cách có hiệu quả, thiết thực.

Vẫn phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, năm 2013, Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, trong đó khủng hoảng kinh tế thế giới tiếp tục tác động mạnh đến kinh tế vĩ mô và các chỉ tiêu như XNK, công nghiệp dịch vụ... “Tuy nhiên, bằng các giải pháp thiết thực, chúng ta đã cơ bản đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, hoàn thành nhiều chỉ tiêu mà Đảng, Quốc hội giao”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, kinh tế vĩ mô năm 2013 tiếp tục ổn định, vững chắc hơn, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương đã từng bước tháo gỡ khó khăn cho sản xuất; các khu vực kinh tế như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ... tiếp tục đạt được nhiều thành tựu. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Cải cách hành chính, công tác chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí đạt được những kết quả cụ thể.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, một số chỉ tiêu kinh tế năm 2013 chưa đạt. Ví dụ như tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ đạt 5,42%, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao là 5,5%; tổng đầu tư xã hội chỉ đạt 29,5% (chỉ tiêu là 30%); tạo việc làm cho 1,54 triệu lao động (chỉ tiêu là 1,6 triệu)...

Ngoài ra, sản xuất kinh doanh trong nước còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ nợ xấu cao nên tăng trưởng tín dụng chậm; việc tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng chưa đáp ứng được yêu cầu. “Về chỉ đạo điều hành, chúng ta chậm hoàn thiện thể chế, chậm ban hành nghị định, thông tư để đưa chính sách vào cuộc sống. Có chính sách không sát với thực tế”, Thủ tướng nhìn nhận.

Theo Thủ tướng, nhiệm vụ năm 2014 rất nặng nề, đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải rốt ráo thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu. Với 9 nhóm giải pháp của Chính phủ đã đề ra, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải triển khai một cách đồng bộ, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm trong từng lĩnh vực, từng thời gian cụ thể.

“Cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Rà soát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong đó tập trung giải quyết nợ xấu, giảm thiểu thủ tục hành chính, phấn đấu đạt tăng trưởng GDP bằng hoặc cao hơn mục tiêu 5,8% năm 2014. Ngoài ra, chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong năm tới”, Thủ tướng đề nghị.

Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2014: Phấn đấu đạt tốc độ tăng GDP khoảng 5,8%; kim ngạch XK tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch XK; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7 - 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động...

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tăng hơn 20% điện năng cung cấp tháng cao điểm nắng nóng

Bộ trưởng Bộ Công thương quyết định điều chỉnh tăng điện năng cung cấp 4 tháng mùa khô (4, 5, 6, 7) năm 2024 từ 109,183 tỷ kWh lên 111,468 tỷ kWh.