| Hotline: 0983.970.780

Ông Bình Thành cổ - 'Ân nhân' của các thân nhân liệt sĩ

Thứ Ba 25/07/2017 , 14:30 (GMT+7)

Gần 30 năm nay, ông Nguyễn Thanh Bình, 63 tuổi, thương binh ở thị xã Quảng Trị dành hết tâm lực đi tìm kiếm cất bốc được hơn một trăm hài cốt liệt sĩ, góp phần xoa dịu nỗi đau cho các gia đình thân nhân trên cả nước.

Quý ông, người ta gọi ông với cái tên trìu mến: Ông Bình Thành cổ.

1. Ông Bình Thành cổ! Một cái tên gọi quá đỗi thân thương và trân quý mà gia đình các thân nhân liệt sĩ ở miền Bắc thường gọi như vậy mỗi lần nhắc đến ông và họ nhắc nhở nhau mỗi lần vào Quảng Trị tìm kiếm nơi an nghỉ con em mình thì nhớ tìm đến ông nhờ giúp đỡ.

08-13-27_binh_1_jpg
“Ông Bình Thành cổ”

Đúng như tôi mường tượng về ông, đó là một con người hiền lành, phúc đức, giọng nói ấm và nhẹ nhàng. Bấy lâu nay ngôi nhà của ông Bình nằm ở số 23, Ngô Thì Nhậm, thị xã Quảng Trị, trở thành nơi che chở, chia sẻ cho hàng ngàn gia đình thân nhân liệt sĩ khắp các tỉnh thành miền Bắc mỗi khi họ đến Thành cổ Quảng Trị tìm kiếm hài cốt con em mình.

Cũng như bao chàng trai khác của thời chiến tranh, mười tám tuổi, tạm biệt quê hương ở xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, ông Bình vào bộ đội, được biên chế là lính trinh sát của Tiểu đoàn 808 (K8 Quảng Trị). Đơn vị ông tham gia chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa 1972. Chính Tiểu đoàn 808 là một trong những đơn vị đầu tiên nổ súng bảo vệ Thành cổ và giữ ngôi thành này cho đến ngày cuối cùng, 16/9/1972.

Tổng tất cả các đợt bổ sung quân của chiến dịch thì Tiểu đoàn 808 có một ngàn quân, ngày cuối cùng rút ra chỉ còn lại 30 người lành lặn, trong đó có ông Bình. Máu xương đồng đội đã đổ xuống trong chiến dịch Thành cổ thành sông, chất thành đống. Đó mới là chỉ riêng con số mất mát của đơn vị của ông!

Ông Bình nhớ lại, ngày đó để mất thị xã Quảng Trị, quân Mỹ và quân của chính quyền miền Nam cũ đã điên cuồng mở cuộc phản kích tái chiếm. Trong đó mục tiêu số một là phải chiếm được Thành cổ Quảng Trị. Trong lịch sử chiến tranh, chưa có một cuộc hành quân nào mà mục tiêu chủ yếu là đánh chiếm một toà thành có chu vi hơn 2.000m mà đối phương huy động một lực lượng hùng hậu với sự hỗ trợ của hạm đội tên lửa Mỹ trên biển Đông, hàng loạt máy bay ném bom B52, một khối lượng bom đạn khổng lồ như ở chiến dịch tái chiếm Thành cổ Quảng Trị.

Thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm từ 28/6 đến 16/9 được ví như một túi hứng bom đạn. Trung bình mỗi ngày đối phương huy động 140 máy bay B52, hơn 200 máy bay phản lực chiến đấu, 12 đến 16 tàu khu trục, tuần dương hạm bán phá, ném bom huỷ diệt thị xã Quảng Trị và thị xã. Với diện tích chỉ hơn 3 km2, trong 81 ngày đêm Thành cổ và thị xã Quảng Trị phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, sức công phá của lượng bom đạn này bằng 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hirosima. Trung bình mỗi chiến sỹ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo. Trong một tương quan chênh lệch lực lượng mà mỗi mét vuông đất các chiến sỹ ta giành được ở Thành cổ Quảng Trị thực sự là một mét vuông máu.
 

2. Là lính trinh sát nên ông Bình biết khá tường tận nơi trú quân của các đơn vị trong chiến dịch bảo vệ Thành cổ. Ông nói: "Tôi là lính trinh sát, có nhiệm vụ nắm tình hình địch trước trận đánh và kiểm tra trận địa khi trận đánh kết thúc. Cũng bởi vậy mà phải luôn làm cái việc đau đớn nhất đời là vuốt mắt, chôn cất đồng đội. Xung quanh Thành cổ có những đồng đội tôi vừa chôn cất xong lại bị pháo bắn trúng, xương thịt tung tóe khắp nơi. Nhiều đồng đội kém may mắn, chôn cất tới lần thứ tư, thứ năm vẫn bị trúng pháo chẳng còn lấy mảnh thi thể". Vừa kể chuyện, đôi mắt ông đỏ hoe.

Vì vậy, năm 1991, khi phục viên, nghỉ chế độ, ông từ chối cơ hội ở lại thành phố Huế có điều kiện hơn, mà quyết định về thị xã Quảng Trị, nơi đồng đội mình còn nằm lại, dựng nhà ngay sát bên Thành cổ cùng gia đình sinh sống để thỏa nguyện tập trung tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ.

Không một đồng trợ cấp, ngày ngày ông Bình miệt mài đi khắp các ngóc ngách của Thành cổ Quảng Trị đánh dấu thực địa, những nơi nghi có đồng đội mình nằm lại. Ông Bình có cái rất tài là chỉ cần thân nhân cung cấp thông tin về liệt sĩ là ông tìm ra ngay đơn vị chiến đấu vùng nào, địa điểm có thể hi sinh, được cất bốc hay chưa và cất công tìm cho bằng được đồng đội.

Để làm được công việc tìm kiếm này một cách khoa học, đầu tiên ông kết nối với anh em còn lại trong Tiểu đoàn 808 rồi từ đó nhân rộng ra các đơn vị chủ lực tham gia bảo vệ Thành cổ, mời những người còn sống trở về Thành cổ và thị xã Quảng Trị tìm lại những vị trí hầm, giao thông hào trước đây bộ đội trú ẩn và chiến đấu trong những ngày bảo vệ Thành cổ. Xác định xong bằng các bản đồ đánh dấu các địa điểm, trí nhớ của những đồng đội còn sống để tìm ra nơi ngã xuống của các chiến sĩ.

Ông Bình còn nhớ như in lần đầu tiên phát hiện ra một hầm trú ẩn của các chiến sĩ nằm tại khu phố 2, phường 2 của thị xã, ông và các đồng đội sau khi đối chiếu, kết nối các nguồn tin đã xác định trước khi bị sập, trong hầm có 7 chiến sĩ nên chắc chắn cả 7 chiến sĩ đã hy sinh. Cuộc tìm kiếm lập tức diễn ra, ông Bình cùng các cựu chiến binh cất bốc đầy đủ hài cốt của 7 liệt sĩ, trong đó 2 người hy sinh ngay trên miệng hầm, 5 người hy sinh trong hầm. Hài cốt của 7 liệt sĩ được ông đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Quảng Trị.

08-13-27_binh_2jpg
Cụ Nguyễn Đức Phiên, năm nay 82 tuổi đến nhờ ông Bình tìm hài cốt liệt sĩ cho em trai mình

Sau gần ba mươi năm bằng mọi nỗ lực và ước nguyện, ông Bình đã cùng các đồng đội, thân nhân tìm được trong khu vực Thành cổ và thị xã Quảng Trị 70 hài cốt liệt sĩ, tìm ở trong địa bàn tỉnh Quảng Trị thêm 39 hài cốt nữa. Trong số các liệt sĩ may mắn được ông Bình tìm thấy có nhiều người đã được gia đình đưa về quê hương, số liệt sĩ còn lại ông phối hợp với chính quyền địa phương đưa các anh về an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Quảng Trị.
 

3. Những ngày này ngôi nhà của vợ chồng ông Bình luôn đông khách đến ở lại nhờ ông đi tìm hài cốt liệt sĩ. Ông xây dựng một căn phòng riêng trong nhà dành cho những cựu chiến binh, các gia đình liệt sĩ làm điểm gặp gỡ liên lạc và làm chỗ ở cho họ trong những ngày tháng tìm kiếm hài cốt thân nhân. Nhiều khi khách đông, đến vài chục người ở lại nhưng vợ chồng ông rộng lòng giúp đỡ, không lấy của ai một cắc bạc nào.

Đồng lương thương binh nên cuộc sống gia đình ông cũng rất đạm bạc. Ông làm thêm công việc trồng cây cảnh bán kiếm tiền. Những năm trước, khi còn sức khỏe, ông Bình tự nguyện tranh thủ chăm sóc cây xanh trong khuôn viên Thành cổ Quảng Trị, làm cho nơi an nghỉ - nấm mồ chung của động đội mình ngày càng thêm xanh.

Cách đây mười năm, ông Bình đã xin ngành văn hóa trồng tặng đồng đội mình 81 cây vạn tuế trong Thành cổ Quảng Trị. Số cây nay được ông xếp thành bản đồ Việt Nam có hình chữ S. 81 cây vạn tuế là tượng trưng cho 81 ngày đêm kiên cường của chiến dịch bảo vệ Thành cổ. Nhìn vườn cây vạn tuế lên xanh, ý nghĩa, các cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ, các đoàn du khách đều cảm thấy ấm áp mỗi lần đến dâng hương ở Thành cổ Quảng Trị.

Không tham danh vọng, không cần một tờ giấy khen, “ông Bình Thành cổ” cứ lặng lẽ dâng cho đời những tháng ngày sống đẹp.

+ Khi tôi đề cập đến câu chuyện những người lính Thành cổ, ông Bình chùng giọng: Chiến tranh kết thúc, đất nước hòa bình, thống nhất hơn bốn mươi năm nhưng hôm nay vẫn còn nhiều gia đình không biết con em mình đang yên nghỉ tại đâu, quá xót xa cho các thân nhân liệt sĩ!

+ Hàng tháng hay mỗi dịp lễ tết gia đình ông Thành lại làm ba mâm cơm lớn đưa đến Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ Thị xã Quảng Trị và bàn thờ vọng liệt sĩ trong nhà ông để cúng các liệt sĩ với đầy đủ lễ nghi của người còn sống dành cho người đã khuất.

 

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm