| Hotline: 0983.970.780

Ông Bụt của trẻ tật nguyền

Thứ Năm 10/11/2011 , 11:50 (GMT+7)

Ở tuổi 82 nhưng hằng ngày ông Hà Xuân Định vẫn rong ruổi đi khắp các tỉnh phía Bắc tìm những đứa trẻ tàn tật đưa về HTX Sơn khảm Ngọ Hạ dạy nghề cho các cháu.

Ông Định kể về hành trình tìm những đứa trẻ tật nguyền

Ở tuổi 82 nhưng hằng ngày ông Hà Xuân Định (thôn Thượng, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) vẫn rong ruổi trên chiếc xe đạp cà tàng đi khắp các tỉnh phía Bắc tìm những đứa trẻ tàn tật đưa về HTX Sơn khảm Ngọ Hạ dạy nghề cho các cháu.

 

Đồng cảm

Tính đến nay, ông Định đã giúp được hơn 2.000 đứa trẻ tàn tật học nghề và có công ăn việc làm ổn định. Nể phục việc làm cao cả của ông, người dân nơi đây gọi ông là "ông Bụt của những trẻ em tật nguyền".

Tuổi thơ của ông Định cũng thăng trầm như những đứa trẻ mà ông đi tìm về. Sinh ra, ông cũng như bao đứa trẻ khác, lớn lên trong sự đùm bọc yêu thương của gia đình. Nhưng khi lên bảy tuổi, ông đã mồ côi cha. Ngày đó gia đình ông nghèo khó, mẹ lại hay ốm đau bệnh tật, không thể lo được bữa ăn hằng ngày cho con cái nên đành để ông đi ở đợ (giúp việc cho nhà giàu). "Tôi đã khóc hết nước mắt trong sự tủi hờn. Thời gian về giúp việc cho nhà người ta, tôi sống thu mình như con rùa trong xó cửa”, ông Định nhớ lại.

Cũng chính vì lẽ đó, năm 2001 khi một tổ chức nước ngoài về làng tuyển tình nguyện viên đi tìm những đứa trẻ lang thang, tật nguyền để đưa về HTX Sơn khảm Ngọ Hạ (Cơ sở Dạy nghề cho trẻ khuyết tật và thanh thiếu niên nghèo Maryknoll - Ngọ Hạ) dạy nghề, ông đã đăng kí tham gia. 

Hình ảnh quen thuộc mà người ta thấy ở ông là cứ mỗi sáng sớm tinh mơ có người đàn ông dáng người gầy gò rong ruổi trên chiếc xe đạp cà tàng đi hàng chục, có khi đến hàng trăm cây số để tìm những đứa trẻ thiếu may mắn để về “ươm mầm sống cho đời”. Ông đã làm công việc này hơn chục năm qua.

Thay đổi 2.000 số phận

Lần đầu tiên tiếp nhận công việc, ông Định đi hầu khắp các tỉnh phía Bắc như: Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang… cả tháng trời mới về qua nhà một lần. “Gia đình tôi ngăn cản nhiều lắm, vợ tôi không muốn cho tôi đi bởi tuổi già sức yếu sợ không may có chuyện gì xảy ra thì khổ. Nhưng thấy tôi quyết tâm và thương cảm cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn thì bà ấy cũng xuôi lòng”, ông Định kể chuyện. 

Mười năm nay ông Định làm bạn với chiếc xe đạp này

Ông còn nhớ như in, những ngày đầu tiên đi khắp thôn xóm của huyện Phú Xuyên, cứ nghe nói nhà nào có người khuyết tật, mồ côi là ông lại tìm đến giới thiệu để đưa các cháu về Trung tâm dạy nghề. Nhưng không phải lúc nào công việc của ông cũng suôn sẻ. Nhiều người còn nghi ngờ ông là kẻ lừa đảo, đưa con nít về để buôn bán nội tạng gì đó. “Nếu có dạy nghề thì cũng dạy cho người lành lặn chứ nhận những trẻ khuyết tật về thì làm được gì?”, nhiều người đã vặn vẹo ông như thế.

Thời gian đầu công việc của ông rất khó khăn, không ai tin rằng thời nay lại có một “ông Bụt” như vậy, nên suốt cả tháng trời ông không đưa được cháu nào về Trung tâm cả. “Lúc đó tôi thấy nản vô cùng, nhiều lúc nghĩ muốn bỏ quách cho rồi. Nhưng những hình ảnh của các cháu khuyết tật cứ ám ảnh khiến tôi phải làm điều này”, ông Định tâm sự.

Không ai tin ông, mỗi lần đến xã nào là ông lại phải vào đặt vấn đề với xã, nhờ can thiệp. Tiếng lành đồn xa, rồi các cháu mỗi ngày được ông đưa về một đông. Có những hôm ông đi một tuần đưa về được 20 cháu, tính đến nay số cháu ông đưa về Trung tâm đã lên đến con số hơn 2.000, các cháu được đào tạo nghề khảm trai, sau khi học xong đều có thể làm nghề để tự nuôi sống mình. Nhiều người khuyết tật sau khi học xong đã tự mở xưởng riêng, đến nay rất thành đạt.

Hầu hết những đứa trẻ được ông Định đưa về là trẻ lang thang cơ nhỡ, trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ. Mỗi cháu là một số phận, nhưng ông vẫn còn nhớ như in trường hợp của cháu Phan Thế Út (Thanh Oai, Hà Nội). Trong một lần ông về Thanh Oai tìm người tình cờ uống nước ở quán ven đường của nhà Út (bị liệt hai chân). Ông cháu nói chuyện, Út thấy ông làm việc tốt nên đã xin được theo ông học nghề.

“Ông cho con theo ông học nghề với, con muốn học nghề để sau này bố mẹ con mất đi không ai nuôi con được nữa thì con còn có cái nghề để nuôi sống mình nữa”, ông Định kể lại. Rồi ông đưa cháu về, đến nay Út đã thạo nghề và có thể tự nuôi sống bản thân mình.

Giúp vợ việc nhà

"Nghèo tiền nghèo bạc không gọi là nghèo, nghèo nhân nghèo nghĩa mới cho là nghèo. Đến nay tôi đã tự hào rằng, khi tôi có về với ông bà tổ tiên thì cũng đã có những đứa trẻ này cắm cho tôi mỗi người một bông hồng bạch", ông Định tâm sự.

Một trường hợp nữa mà ông Định còn nhớ mãi, đó là lần ông đang đi trên đường thì tình cờ gặp cháu Nguyễn Như Hà. Hà là người thiểu năng trí tuệ, được ông đưa về, đến nay em được giữ lại làm tại Trung tâm, một tháng cũng kiếm được 500-700 ngàn đồng.

Bà Nguyễn Thị Vui, Chủ nhiệm HTX Sơn khảm Ngọ Hạ cho biết, số các cháu học nghề ở đây sau mỗi khóa đào tạo đều được các Cty, xí nghiệp trên khắp cả nước về nhận người đi làm. Tính đến nay các cháu học xong đều đã có công ăn việc làm ổn định với mức lương thấp nhất là 500 ngàn, cao nhất là 1.200.000 - 1.500.000 đồng/tháng.

Giờ đây hình ảnh người đàn ông rong ruổi trên chiếc xe đạp đã quá thân quen với người dân. Không những thế, mỗi chuyến công tác liên tỉnh của ông dọc các tuyến đường cũng đã quá quen thuộc với cánh lái xe. Biết ông làm việc thiện, mỗi lần thấy ông đi đâu trên đường cánh lái xe đều dừng lại mời ông lên chở đi miễn phí. “Chỉ cần đời cho tôi sống thêm một ngày thì tôi sẽ tiếp tục hành trình đi tìm những đứa trẻ thiếu may mắn về để các cháu có công ăn việc làm vơi đi những tổn thương trong cuộc sống”, ông Định tâm sự.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất