| Hotline: 0983.970.780

Ông chủ tịch Hội Nông dân "mê" điều

Thứ Tư 16/04/2014 , 06:55 (GMT+7)

Chủ tịch Hội Nông dân xã An Viễn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai Nguyễn Văn Rung là một người đến với cây điều như một cơ duyên từ năm 1999.

Đến nay, sau hơn 15 năm gắn bó với loại cây này, ông nhận thấy, điều là cây thích hợp với vùng đất bạc màu, thiếu dinh dưỡng ở địa phương. Hơn thế, nó còn là cây giúp nhiều nông dân thoát nghèo…

Dù đã hẹn trước, nhưng khi tôi tìm đến nhà ông, một căn nhà lầu khang trang, rộng rãi, con gái của ông nói: “Bố cháu không có nhà. Bố đang ở ngoài rẫy thu hoạch điều”. Nói rồi cô dẫn xe máy tình nguyện làm “hướng dẫn viên” ra rẫy, mặc cho tôi nói: “Chỉ cần chỉ cho chú đường đi, chú sẽ kiếm được”, vậy mà cô gái vẫn cương quyết: “Trăm người đều nói như chú, nhưng rồi đều lạc!”.

Nói rồi cô chạy xe trước dẫn đường, chỉ không đầy 15 phút là đến rẫy. Thấy tôi, ông Rung vội phân bua: “Hẹn với anh rồi nhưng đang thu hoạch vét nên phải đi làm. Anh đến đợt này cuối vụ thu hoạch, chứ nếu một vài tuần trước nhìn mát mắt luôn. Chỉ cần rung mạnh cành (dụng cụ rung cành là một cây sào bằng tre dài chừng 5 m) là dưới đất vàng ươm, đỏ au trái. Nhìn thích lắm”.

Gia đình ông Chủ tịch Hội Nông dân xã An Viễn trồng điều từ năm 1999. Lúc đó theo phong trào tự phát, không ai hướng dẫn kỹ thuật. Giống cao sản chưa có mà được gieo từ hạt, chừng 3 năm có trái, nhưng mùa được mùa thất. Đúng là trồng loại điều này thì nghèo thật.

Sau khi được cán bộ khuyến nông tổ chức nhiều lớp tập huấn và có giống cao sản là loại giống điều ghép, ông mạnh dạn đốn bỏ giống cũ và trồng giống mới trên diện tích 5 ha. Ông nói: “Với giống mới này chỉ cần 3 mùa mưa (tức hơn 2 năm) là đã cho trái”.

"Trồng điều có khó khăn vất vả hơn so với các loại cây trồng khác không?”, tôi hỏi. “Không, nhất là với những nơi đất bạc màu như xã chúng tôi thì cây điều có thể được xem là cứu cánh. Tuy là cây lâu năm, nhưng nhờ giống mới nên trồng hơn 2 năm đã cho thu hoạch. Điều của tôi đến nay đã 15 năm rồi nhưng anh thấy đấy, vẫn tươi tốt và cho năng suất bình quân 2 tấn/ha”.

CẦN CẢI THIỆN SỚM GIỐNG ĐIỀU

Theo Cục Trồng trọt, hiện chất lượng giống điều của VN chưa tốt. Diện tích điều sử dụng cây giống thực sinh chiếm 65,6%; diện tích điều ghép giống được Bộ NN-PTNT cho phép SX thử chỉ chiếm 34,4%.

Chương trình giống điều triển khai không liên tục, giai đoạn 2.000 - 2005 triển khai kém hiệu quả, giai đoạn 2005 - 2010 không triển khai, 2011 - 2015 bắt đầu triển khai trở lại, chất lượng giống điều phục vụ SX rất hạn chế là một trong các yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả SX điều.

Tôi hỏi tiếp: “Bí quyết nào giúp 5 ha điều của anh được như vậy?”. Ông Rung bộc bạch: “Thứ nhất là mình phải am hiểu kỹ thuật. Để được như hôm nay, tôi đã dự nhiều cuộc tập huấn kỹ thuật từ chọn giống đến trồng, chăm sóc, nhất giống nhì phân anh ạ. Giống phải có địa chỉ rõ ràng đúng tiêu chuẩn được cấp giấy chứng nhận.

Trước đây, gia đình tôi cũng tự lai ghép giống cao sản, nhưng vài năm trở lại đây không làm nữa vì thiếu nhân công. Về chăm bón thì tôi không lạm dụng phân hoá học, mà chủ yếu sử dụng phân chuồng như gà, bò”.

Ông Rung cũng khoe đã biết áp dụng mô hình điều - gà để gia tăng thu nhập. Ông nói: “Những khi nuôi nhiều phải có đến 2.000 con gà thả vườn. Thu hoạch điều và bán gà xong, tôi cho rải phân. Tán điều vươn đến đâu, cuốc rãnh bỏ phân chuồng đến đó. Ngoài ra còn phải phun xịt thuốc trừ sâu, tuân thủ 4 đúng (đúng lúc, đúng liều lượng, đúng cách và đúng thời điểm). Đặc biệt chú ý tỉa cành tạo tán để trái đủ nắng hấp thu cho ra năng suất cao, chất lượng tốt…”.

Ngoài việc trồng điều, ông Rung còn tổ chức thu mua hạt điều cho bà con nông dân xung quanh. “Đến nay tôi đã mua được 70 tấn rồi”, ông khoe. Từ loại cây thoát nghèo, ông Rung và vợ đã nuôi dạy được 4 đứa con nên người, trong đó 3 người đã có gia đình riêng và 1 con út đang học Cao đẳng Tài chính Ngân hàng ở TPHCM.

Trước khi bắt tay tôi ra về, ông cười lớn nói: “Anh hỏi tôi có gắn bó lâu dài với cây điều không ư? Nó vẫn đang cho gia đình tôi thu nhập đều đặn, đương nhiên là phải giữ vườn rồi!”.

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm