| Hotline: 0983.970.780

Ông Chủ tịch huyện "hô biến" không thành có

Thứ Ba 17/04/2012 , 10:22 (GMT+7)

Đến Đăng Hà, chỉ cần quan sát toàn cảnh là có thể thấy ngay cuộc sống cả vật chất lẫn tinh thần của người dân nơi đây ở mức nào.

Ngày 22, 23/2/2012, báo NNVN đăng loạt bài “Bất công đến thế là cùng”, nội dung phản ánh việc người dân xã Đăng Hà (huyện Bù Đăng, Bình Phước) đang phải sống trong cảnh khốn cùng sau khi mảnh đất họ xâm canh nhiều năm trước bị chính quyền thu hồi.

>> Sau loạt bài ''Bất công đến thế là cùng'': Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Phước kiểm tra, làm rõ
>> Bất công đến thế là cùng

Ngày 28/3/2012, trả lời phỏng vấn trên báo địa phương, ông Nguyễn Anh Hoàng, Chủ tịch huyện Bù Đăng cho rằng bài viết trên báo NNVN sai sự thật! PV đã cất công quay lại Đăng Hà một lần nữa.

DÂN MONG TRUNG ƯƠNG… THỊ SÁT ĐĂNG HÀ

Gặp lại chúng tôi, hàng chục người dân ở Đăng Hà cùng nói như cầu cứu: “Nếu chúng tôi có nhà xây, nhà gỗ kiên cố, có đất sản xuất ổn định như lời ông Chủ tịch huyện nói thì làm gì phải đi phát rừng trái phép mấy năm trời để bị thu hồi trắng như thế này? Các anh có cách gì để lãnh đạo tỉnh, trung ương về Đăng Hà, xem thực tế cuộc sống của bà con ở đây thế nào thì may ra chúng tôi mới bớt khổ. Chứ cứ nghe qua báo cáo thì không biết đến bao giờ người dân Đăng Hà mới thoát cảnh bần cùng này”.


Người dân Đăng Hà đang trình bày với PV

Ngày 28/3/2012, trả lời phỏng vấn trên báo Bình Phước, ông Hoàng nói: “Qua kiểm tra cho thấy, xã Đăng Hà có 91 hộ lấn chiếm đất lâm nghiệp sẽ bị cưỡng chế. Trong đó có 35 hộ có đơn kiến nghị không có đất sản xuất”. (Không như trong báo cáo số 54 ngày 29/3/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước về kết quả xử lý thông tin trên báo NNVN gửi Thủ tướng Chính phủ, lại nói: “Cho đến nay, UBND huyện Bù Đăng chưa nhận được bất cứ đơn khiếu nại nào của các hộ dân cư trú tại xã Đăng Hà”). Cũng trong bài trả lời phỏng vấn đó, ông Hoàng nói: “Tuy nhiên, khi kiểm tra thì chỉ có 10 hộ không có đất sản xuất và 3 hộ chưa có nhà ở riêng, đang ở chung với cha mẹ. Số hộ còn lại đều có nhà xây, nhà gỗ kiên cố và có đất sản xuất ổn định”.

Thực tế không giống như lời ông Chủ tịch huyện. Đến Đăng Hà, chỉ cần quan sát toàn cảnh, từ những con đường liên ấp đất đỏ gập gềnh, bụi mịt mù, đến những mảnh ruộng bạc màu khô trắng, là có thể thấy ngay cuộc sống cả vật chất lẫn tinh thần của người dân nơi đây ở mức nào. Và, không cần đi hết xã Đăng Hà để có con số thống kê chính xác xã này có bao nhiêu căn nhà lụp xụp cỡ “lều chị Dậu”, chỉ đi vài cây số vào các thôn 1, thôn 2, thôn 4, trong vòng 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã có trong tay hơn 70 tấm hình chụp những căn “nhà” mà theo ông Chủ tịch huyện, là nhà gỗ, nhà xây kiên cố.

 



Theo ông Hoàng, Chủ tịch huyện Bù Đăng thì cả xã Đăng Hà chỉ có 3 hộ 
không có nhà ở, còn lại là nhà “gỗ” nhà “kiên cố” như thế này

Sau khi xem những tấm ảnh do PV cung cấp, ông Nguyễn Văn Khánh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Phước trầm ngâm: “Tôi nghĩ mỗi người có quyền đưa ra khái niệm khác nhau về “nhà kiên cố”. Nhưng tỉnh sẽ chỉ đạo cho kiểm tra lại, nếu thông tin đúng, sẽ xử lý ngay. Cán bộ dưới đó phải làm tốt nhiệm vụ này chứ hàng năm cứ đề xuất khen thưởng vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà việc này lại lo không “ngon”, lo không xong vậy đâu có được”.

Để xác minh điều ông Hoàng nói: “Khi triển khai thực hiện dự án, UBND huyện chỉ tiến hành thu hồi diện tích đất rừng bị xâm canh lấn chiếm từ tháng 12-2008 đến nay. Những diện tích có cây trồng trước tháng 12-2007 đang khoanh vùng chưa thu hồi”, chúng tôi đã tìm gặp gia đình anh Trần Văn Sơn, ở thôn 2, xã Đăng Hà.


Đây là phần đất gia đình anh Trần Văn Sơn khai phá từ năm 2003, nhưng 
cũng đã bị cưỡng chế trắng chứ không được "khoanh lại" như lời ông Hoàng nói

Anh Sơn cho biết: “Trong số hơn 11ha đất đồi của gia đình tôi đã bị cưỡng chế, thu hồi trắng có 2 ha trồng điều đã to cỡ bắp đùi người lớn được trồng năm 2004. Nghĩa là đất này đã được phát trước đó. Diện tích còn lại chúng tôi làm rải rác từ năm 2004 đến 2008. Nhiều hộ khác cũng khai phá đất rừng cùng thời gian với chúng tôi. Chứ từ 2009 trở lại đây, làm gì còn đất, còn rừng nữa mà phát? Toàn bộ đất đã bị cưỡng chế, thu hồi chứ không phải chỉ thu hồi diện tích khai phá từ sau năm 2008 như ông Chủ tịch huyện nói”. Một cán bộ địa chính xã Đăng Hà cũng khẳng định trên diện tích đất vừa bị cưỡng chế, thu hồi, có cả đất người dân xâm canh rải rác từ năm 2004 đến năm 2009.

“134” CHƯA VỀ ĐẾN ĐĂNG HÀ!

Theo ông Hoàng thì: “Cưỡng chế, thu hồi đất lâm nghiệp là để thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về triển khai các dự án an sinh xã hội; đồng thời tạo quỹ đất để thực hiện các dự án hỗ trợ cho các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, phục vụ cho chương trình xóa đói giảm nghèo của tỉnh và của địa phương”. Và: “Hiện tại, UBND huyện đang tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội để giải quyết nhu cầu đất sản xuất cho các hộ dân thực sự không có đất sản xuất, đất ở theo Chương trình 134 của Chính phủ…”.

Nhưng thực tế, trong tổng số 1.528 hộ (gần 7 ngàn nhân khẩu), khoảng 2/3 trong số này là người dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Mường, Dao… của xã Đăng Hà, chưa có người dân nào được hưởng chương trình 134! Theo ông Hoàng Đình Nhất, Chủ tịch xã Đăng Hà thì xã đã có “danh sách” 63 hộ người dân tộc thiểu số được hưởng chương trình 134 về đất sản xuất. Còn ông Thi, Phó Chủ tịch xã lại nói chỉ có 52 hộ. Nhưng, số hộ này mới chỉ hưởng... trên giấy.


Lán của dân dựng lên trồng mì bị lực lượng cưỡng chế dỡ xuống đốt ngày 15/7/2011

Đi về thôn 1, chúng tôi tìm gặp ông Triệu Văn Tích, Trưởng thôn, để tìm hiểu. Lật giở sổ tay ra xem, ông Tích nói: “Trong thôn cũng có một số hộ chỉ có nền nhà, không có đất canh tác. Còn lại đa số bà con cũng có… 1 – 2 sào ruộng cấy lúa, nhưng năng suất rất thấp, chỉ trên dưới 2 tạ/sào. Hệ thống thủy lợi không hoạt động nên có chỗ cấy được 2 vụ, có chỗ 1 vụ vì ngập úng hoặc khô hạn. Không ít năm nhiều hộ không cấy được vụ nào. Một hộ 5 – 6 khẩu mà có 1 – 2 sào ruộng với năng suất như thế thì làm sao đủ sống?”. Theo ông Tích, thôn 1 có 274 hộ, hơn 90% là dân tộc Tày, Nùng, Mường. Đến nay chưa có hộ nào được thụ hưởng Chương trình 134 về đất sản xuất! Còn ông Luân Văn Tuấn, Trưởng thôn 2 cho biết: “Thôn 2 có khoảng 10 hộ không có đất sản xuất, chỉ có nền nhà. Cả thôn chỉ có 2 hộ được cấp đất Chương trình 134, nhưng chỉ mới nằm trên danh sách chứ chưa có”.

Liên quan đến Quỹ An sinh xã hội, hiện có đến 3 số liệu về diện tích thu hồi khiến dư luận không khỏi thắc mắc. UBND tỉnh Bình Phước ra quyết định thu hồi 1.100 hécta. Nhưng, UBND huyện Bù Đăng lại thu đến 1.378ha. Chưa hết, ngày 4/4/2012, ông Chủ tịch huyện lại khẳng định với PV là thu 1.487ha! Phải chăng vì thu hồi đất trên địa bàn huyện Bù Đăng nên ông Chủ tịch huyện muốn nói thu bao nhiêu cũng được? Về việc này, ông Nguyễn Văn Khánh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Phước nói: “Quỹ an sinh của tỉnh chỉ thu 1.100ha, huyện Bù Đăng thu 1.378ha, số dư 278ha làm quỹ riêng của huyện (?). Còn số liệu 1.487ha ông Chủ tịch huyện nói thì chỉ có ông ấy mới trả lời được chứ tôi không biết”.

Chiều ngày 9/4, tôi đến UBND huyện Bù Đăng gặp ông Chủ tịch Nguyễn Anh Hoàng. Sau các thủ tục kiểm tra lai lịch của PV, có vẻ như không hứng thú với cuộc đối thoại này, ông Hoàng nói: “Anh có vấn đề gì cứ viết ra giấy, gửi cho tôi, tôi sẽ trả lời bằng văn bản chứ không nói trực tiếp ở đây”! Nói rồi ông Hoàng đứng lên. 

Báo cáo Kết luận (số 13 ngày 3/1/2012) của Thanh tra Chính phủ nêu: Việc cưỡng chế thu hồi đất lâm nghiệp bị xâm canh ở Bình Phước (trong đó có huyện Bù Đăng) có nhiều sai sót về trình tự thủ tục, phương pháp tổ chức thực hiện không đúng qui định, không ban hành quyết định cưỡng chế đến các hộ dân, khi cưỡng chế không kiểm đếm tài sản, cây trồng, không đền bù, hỗ trợ cây trồng trên đất, không lập biên bản khi cưỡng chế, không cấp đất sản xuất cho các hộ dân bị thu hồi đất.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Trận dông lốc kinh hoàng khiến hàng trăm hộ dân 'màn trời chiếu đất'

Bắc Kạn Rạng sáng ngày 18/4, dông lốc trên diện rộng làm hơn 580 ngôi nhà tại tỉnh Bắc Kạn hư hỏng, người dân và chính quyền địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả.