| Hotline: 0983.970.780

Ông cứ về, yên tâm chờ đợi...

Thứ Bảy 20/06/2020 , 07:10 (GMT+7)

Tôi vừa họp báo về, chưa kịp thay quần áo đã nghe tiếng người gọi dưới khu tập thể.

Minh họa: Nguyễn Trọng Toàn.

Minh họa: Nguyễn Trọng Toàn.

Tôi vội vàng xuống cầu thang… Trước mắt tôi là ông già tiều tụy, khắc khổ, chống đôi nạng gỗ đứng ở vỉa hè bên kia đường.

“Bác Đủ!” - Tôi kêu lên sửng sốt.

Bác Đủ nở một nụ cười khó nhọc rồi chậm chạp xốc lại chiếc bị cói đã sờn, nhảy lò cò sang bên đường. Bác Đủ là người cùng làng tôi, con một gia đình dòng dõi, có học nổi tiếng cả vùng.

Ngày nhỏ, tôi thường qua nhà bác mượn sách về đọc. Nhà bác có một kho sách truyện, từ Tam quốc diễn nghĩa, Đông chu liệt quốc, Thủy hử đến Kinh thi, Tứ thư, Kinh dịch, Nho giáo đủ loại...

Bác Đủ lên Hà Nội đã ba ngày rồi, còn phải ở lại vài ngày nữa gặp ông Vụ trưởng Vụ chính sách của Bộ Thương binh - Xã hội (cũ) vì ông ấy đi công tác.

Ở Ban thanh tra Chính phủ, người ta bảo: "Trường hợp thương tật của bác đủ tiêu chuẩn giải quyết chính sách".

Mấy hôm nay, bác đã chống nạng đi khắp thành phố, lên Bộ Thương binh - Xã hội không được việc, lại đến Ban thanh tra Chính phủ, đêm thì ra bến xe ngủ, chờ sáng hôm sau đi tiếp.

Trong túi bác chỉ có 2.000 đồng bạc, đã hết nhẵn. Suốt từ sáng tới giờ chưa có gì vào bụng. Đói, mệt, tuổi đã già, đi lại bằng một chân, vất vả quá!

Năm 1946, bác trốn gia đình tham gia Đoàn thanh niên Cứu quốc. Năm 1948, bác được kết nạp vào Đảng và chiến đấu ở đội du kích xã. Bác được giao nhiệm vụ cất giấu tài liệu mật và vận chuyển vũ khí. Một buổi chiều vào mùa thu 1951, cùng hai du kích đi thu hồi vũ khí cất giấu.

Sau khi kiểm tra xong, ba người mang vũ khí ra cầu ao rửa. Và bất hạnh đã xảy ra: Quả lựu đạn hoen rỉ, bất ngờ phát nổ. Cả ba người ngã vật xuống, máu lênh láng.

Bác Đủ bị thương nặng nhất, được chuyển ngay đến quân y viện dã chiến trong tình trạng mê man… Buổi sáng tỉnh dậy, bác thấy toàn thân trắng toát.

Bác bị cưa đi chân trái, cánh tay phải và hai ngón tay giữa của bàn tay còn lại. Bác bàng hoàng sợ hãi hét lên, lịm đi. Sau hòa bình lập lại, bác Đủ ra viện với tờ giấy chứng nhận thương tật đặc biệt…

Nhưng số phận bác còn khắc nghiệt hơn. Bác bị loại ra khỏi đội ngũ những người kháng chiến trước khi Nhà nước có chủ trương xếp hạng thương tật.

Một buổi sáng năm 1955, người bí thư chi bộ cùng làng đến tuyên bố: “Bố ông bị quy là địa chủ, vì vậy từ nay trở đi ông không được tham gia sinh hoạt Đảng nữa. Ông bị khai trừ vĩnh viễn!”.

Tin ấy như sét bổ xuống đầu. Bác ngã nhào xuống đất, nỗi đau quá lớn cộng với cơn xúc động mạnh làm vết thương tái phát. Bác cố gượng dậy nhưng bất lực, hai tai ù đặc, đầu nhức nhối…

Từ ngày ấy, không ai để ý tới bác nữa. Bác chỉ là người đáng thương hại do tai nạn chiến tranh và là con gia đình địa chủ.

Năm 1966, một người cùng hoạt động kháng chiến với bác, công tác ở miền núi về thăm quê, biết được bác lâm vào hoàn cảnh khó khăn đã một mực khuyên bác đi giám định thương tật.

Nghe theo, bác dè dặt viết đơn gửi lên Phòng Thương binh - Xã hội. Suốt những năm 1966, 1967, 1968, bác phấp phỏng chờ đợi. Đầu năm 1969, bác lại viết đơn lần nữa.

Đến cuối năm, bác nhận được một tấm giấy nhỏ của Phòng Thương binh - Xã hội đóng dấu đỏ, báo là “Chờ ý kiến cấp trên, cứ yên tâm chờ đợi”.

Hai năm trôi đi, bác vẫn không nhận được gì hơn. Rồi bác sao lục hồ sơ, cùng một lúc gửi gửi Ban Thương binh - Xã hội xã, Phòng Thương binh - Xã hội huyện. Tám tháng sau, bác lại nhận được mảnh giấy nhỏ là “Đang chờ chỉ thị tiếp, yên tâm chờ đợi”. Và cứ thế lại những ngày chờ, chờ mãi...

Đầu năm 1972, bác Đủ lại làm đơn gửi lên Quân ủy Trung ương và Cục chính sách Bộ Quốc phòng. Tháng chín năm đó bác nhận được công văn trả lời “Trường hợp của ông nếu chưa được xét thương tật thì phải tiến hành làm ngay các thủ tục gồm: Giấy chứng nhận trường hợp bị thương, giấy nhận xét của địa phương và xác minh của nhân dân cơ sở cũ”.

Mừng quá! Bác Đủ hoàn thiện đủ hồ sơ ngay trong năm mang lên Hà Nội giao tận tay nhà chức trách. Cuối năm đó, bác nhận được công văn ghi: “Theo phân công thì đồng chí mang hồ sơ đến Sở Thương binh - Xã hội tỉnh để được giới thiệu đi giám định thương tật và giải quyết quyền lợi”.

Ngày hôm sau, bác Đủ về Sở Thương binh - Xã hội tỉnh Thái Bình. Người ta trả lời ông “Cứ yên tâm chờ đợi”.

Thời gian sau nữa, Sở Thương binh - Xã hội gửi giấy yêu cầu bác tường trình chi tiết về trường hợp bị thương, phải có xác nhận của tập thể đảng viên, du kích cùng hoạt động năm 1950 - 1951.

Lại một lần nữa bác lọ mọ cùng những người bạn sống chết trong kháng chiến, tổ chức một hội nghị tập thể xác nhận thương tật.

Trong biên bản ghi: “Ông Đủ bị thương do thi hành mệnh lệnh chiến đấu. Hai người cùng bị thương với ông đã được xác nhận thương tật. Ông còn là chiến sĩ trung kiên. Sau này không được tham gia sinh hoạt đảng nhưng vẫn là một công dân tốt. Hội nghị chịu trách nhiệm trước Đảng, trước pháp luật về chữ ký của mình”.

Biên bản lập xong, bác lại lọc cọc chống nạng mang lên Sở Thương binh - Xã hội . Mấy tháng sau bác lại nhận được mảnh giấy nhỏ đóng dấu đỏ: “Cứ yên tâm chờ đợi”…

Thời gian trôi đi, sự việc của bác Đủ lặng lẽ rơi vào im lặng. Vợ con bác đã phải bán đi cả những thúng khoai cuối cùng để tiền tàu xe cho bác lên Hà Nội.

Lần thì đến Ủy Ban kiểm tra, lần qua Bộ Thương binh - Xã hội, rồi lại lọ mọ quay về tỉnh, ở đâu bác cũng nhận được lời hứa “Ông cứ về, yên tâm chờ đợi”.

Cho đến một ngày mùa đông năm 1986, khi từ Sở Thương binh - Xã hội ra, bác bị cảm lạnh đổ gục xuống đường. Những người hảo tâm đưa bác vào bệnh viện cấp cứu và may thay bác qua cơn nguy kịch, nhưng từ đấy không còn đủ sức gượng dậy đi đâu nữa.

Một lần, tôi về làng, bác Đủ cho cô con út ra gọi tôi vào. Bác còn đang ốm nhưng cố gượng dậy lấy trong tủ ra đống hồ sơ thương tật mà bác đã làm theo hướng dẫn của Bộ Thương binh - Xã hội và Cục chính sách - Tổng cục Chính trị với gần 200 lá đơn lưu, bác viết suốt từ năm 1966 đến 1987.

Tôi lướt qua tập hồ sơ dầy cộp, kín đặc những chữ ký ngoằn nghèo và những dấu son đỏ chói, bất giác thấy đau nhói tim mình. Đằng sau những chữ ký và dấu son kia là gì về số phận con người? Bác Đủ ngồi đấy, yên lặng, đầu gục xuống...

Tôi quyết định phải viết bài báo về câu chuyện này. Gặp nhà báo Ánh Hồng ở báo Văn hóa, tôi kể chuyện bác Đủ với anh. Anh Hồng bảo tôi chuyển bài báo cho anh.

Một tuần sau, bài báo “Người tàn tật khốn khổ” của tôi đăng kín 2 trang trên báo Văn hóa. Bài báo đã gây xôn xao các cơ quan tỉnh Thái Bình. Lãnh đạo Sở Thương binh - Xã hội mở cuộc họp khẩn.

Một tuần sau, theo chỉ thị của lãnh đạo tỉnh, Sở Thương binh - Xã hội kết hợp với địa phương và một số cán bộ lão thành còn sống, cùng thời bác Đủ về Đồng Châu,Tiền Hải, để tọa đàm xét lại toàn bộ sự việc, thay vì, từ trước tới nay chỉ ngồi một chỗ ký công văn với câu trả lời đơn điệu, quen thuộc: “Ông cứ về, yên tâm chờ đợi”…

Bây giờ thì bác Đủ đã là người thiên cổ. Người ta đã cho bác được hưởng ít tiền trợ cấp và mỗi tháng mươi cân gạo. Nhưng tôi biết, bác Đủ không cần những thứ ấy.

Cái mà bác cần là danh dự, để người làng và con cháu sau này không phải dị nghị về sự trung kiên và nhân cách của bác.

Hà Nội, tháng 6/2020

    Tags:
Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.