| Hotline: 0983.970.780

Ông già lẩn thẩn trên đất Cố đô

Chủ Nhật 31/08/2008 , 13:00 (GMT+7)

Nhiều người ngưỡng mộ gọi ông là “vua đồ cổ” nhưng cũng có những người lại gọi "ông già lẩn thẩn". Ông là Hồ Tấn Phan.

Bỏ đứng bục giảng để chạy theo niềm đam mê sưu tầm cổ vật, sau hơn 30 năm gia tài của ông là vô số đồ gốm, đồ đồng giá trị có niên đại hàng nghìn năm. Nhiều người ngưỡng mộ gọi ông là “vua đồ cổ” nhưng cũng có những người lại gọi "ông già lẩn thẩn". Ông là Hồ Tấn Phan (71 tuổi) phường Phú Hiệp, TP Huế.

Những đồ gốm thời Sa Huỳnh vô cùng giá trị trong gia tài ông Phan

Ấn tượng đầu tiên về ông là phong cách nói chuyện hài hước và lối sinh hoạt hết sức lộn xộn. Bủa khắp ngôi nhà cấp 4 của đôi vợ chồng già trong con hẻm nhỏ trên đường Cao Bá Quát đâu đâu cũng là đồ cổ. Rất nhiều thứ có giá trị, cũng có những cái với nhiều người là thứ bỏ đi nhưng với ông tất cả đều là "vàng ròng". Bởi đó thành quả từ cái duyên mà ông đã dồn hết công sức và cả tiền bạc.

Bỏ dạy học đi "săn" cổ vật

Năm 1977, đang là một giáo viên thành đạt đột nhiên thầy Phan làm đơn xin nghỉ mất sức dù đang khoẻ mạnh. Người thân và bạn bè không hiểu chuyện gì đang xẩy ra. Chỉ biết hôm trước rời bục giảng thì hôm sau ông đã khăn gói cho cuộc hành trình săn tìm cổ vật.

Nghe ở đâu có cổ vật là đôi bàn chân bước vào tuổi ngũ tuần ấy tìm đến. Thấy cổ vật rồi thế nào cũng tìm cách mang về cho bằng được. Bao nhiều tiền bạc mà bảy đứa con sống ở xa gửi về để bố mẹ dưỡng già ông lén bà “nướng” hết vào cổ vật. Đến ngay cả sổ lương hưu ông cũng mang đi thế chấp. Cứ thế tài sản trong nhà lần lượt ra đi, đổi lại những thứ mà với nhiều người là đồ bỏ đi thì ông lại mua về.

Đa số cổ vật ông Phan săn tìm được đều từ đội ngũ ngư dân vạn đò sống trên sông Hương. Ban đầu dân chài xem những thứ như chum, hũ sành, bình vôi đồng... là những thứ bỏ đi nên bán rất rẻ. Thời gian sau, chuyện dân vạn đò vớt được nhiều cổ vật tới tai những tay buôn bán đồ cổ. Họ đến đây săn lùng và mua lại với giá rất cao. “Khi những tay buôn đồ cổ nhảy vào, mình khó mà cạnh tranh được. Dân chài vớt được vật gì cũng đòi giá trên trời. Mình thì tiền đâu mà mua.

Có lúc nhìn thấy cổ vật là mình nổi cả gai ốc vì thứ này quá quý hiếm nhưng cũng đành chịu vì không có tiền”. Không bất lực nhìn cổ vật chảy vào túi tư thương cuối cùng ông Phan cũng chọn được cho mình cách để cạnh tranh được với những gã buôn đồ cổ là ngày ngày lặn lội về “sống chung” với người dân vạn đò. Nghe ai vớt được cổ vật là ông đến mua ngay. Lui tới thường xuyên nên quen, khi vớt được thứ gì họ cũng đem bán cho ông với giá vừa phải. Người dân Huế đã quen với hình ảnh một ông gì ngoài 70 suốt ngày lân la tại bờ sông, mạn thuyền cùng dân vạn đò "săn cổ vật". "Vua đồ cổ" đất cố đô và gia tài không phải để bán Những cuộc săn tìm không mệt mỏi qua thời gian đã mang lại cho ông một gia tài đồ cổ khổng lồ.

Do không có điều kiện nên hàng ngàn cổ vật quý giá của ông được trưng bày khắp nơi, từ trong nhà ra tới cả... ngoài vườn. Trong “bảo tàng” ngàn cổ vật của ông Phan hiện có nhiều loại quý hiếm, có giá trị lịch sử và khoa học khá cao. Đa số cổ vật của ông là đồ gốm Sa Huỳnh có niên đại hơn 2.500 năm.

Hiện ông chia “bảo tàng” của mình thành ba nhóm chính tương ứng với ba thời kỳ. Thứ quý nhất theo ông là cổ vật ở giai đoạn tiền và sơ sử, là các loại đồ dùng sinh hoạt hàng ngày của người tiền sử như chum, hũ, nồi niêu... Loại cổ vật thứ hai có niên đại từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ XIV. Còn loại thứ ba có niên đại từ thế kỷ XIV đến thời các vua chúa nhà Nguyễn. Loại này đa số bằng đồng như bình vôi, khăn nước, bình hoa... được chạm khắc những hoa văn rất tinh xảo. Những ai lần đầu bước vào cổng nhà ông Phan cũng choáng ngợp bởi từ ngõ đến sân đều la liệt cổ vật.

Hàng ngày ông đi khắp vườn nâng niu từng cái như người bạn. “Để cổ vật ngoài vườn tôi tiếc lắm. Nhưng vì điều kiện nên đành phải chấp nhận. Cả đời sưu tầm được những thứ mình đam mê giờ lại không có chỗ để, phải bỏ lăn lóc ngoài mưa nắng thế làm sao mà không xót được. Nhiều vị khách du lịch đến thăm cũng tiếc khi nhìn hàng loạt cổ vật bị hư hỏng. Tôi cũng chỉ cười và lắc đầu vì bao nhiêu tiền đổ mua hết rồi còn mô nữa”. Đã bao lần các tay buôn cổ vật tìm đến mua, sẵn sàng trả giá cao nhưng ông đều từ chối.

Ông Phan mê đồ cổ và ham đọc sách

Ông cho rằng “cái nghiệp đi tìm đồ cổ là cái duyên của đời ông”. “Những hiện vật này chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa. Nó phục vụ cho việc nghiên cứu, giải đáp những câu hỏi có tính lịch sử. Mình mà bán đi thì mất luôn. Quan trọng nhất là việc xác định được sự tồn tại của nền văn hóa Sa Huỳnh ở dọc phía hạ nguồn sông Hương” - ông Phan chia sẻ. Dường như ở ông Phan thú săn tìm cổ vật không hề bị chi phối bởi tiền bạc. Ông không bao giờ nói về giá trị bằng tiền của mỗi hiện vật mà mình có bởi: “Đằng sau mỗi hiện vật là những giá trị lịch sử, văn hóa tinh thần của cha ông. Là cả một giai đoạn lịch sử mà dòng sông Hương đã giữ lại”. Với ông những giá trị đó không tính bằng tiền.

Chơi cả sách cổ

Gia tài của ông Phan không chỉ là bộ sưu tập hàng ngàn cổ vật mà còn có cả một kho sách khoảng hơn ba vạn cuốn. Trong nhà ông hiện còn có rất nhiều loại sách lịch sử và văn hóa quý hiếm, trong đó có bộ sách “BAVH” (Tạp chí Những người bạn cố đô Huế) hơn 100 quyển, xuất bản năm 1914 bằng tiếng Pháp. Các bản Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc in trên giấy bổi từ thế kỷ 18, Souvenirs d'Annam của sĩ quan viễn chinh P. Beille, Souvenirs d'Hué của M. Đức Chaigneau bản in đầu tiên tại Paris năm 1867, Mỗi hoài ngâm thảo của Nguyễn Thuật, Ngục trung thư của Phan Bội Châu và Từ điển Hán - Anh xuất bản ở Trung Quốc...

Trong số đó có nhiều sách được xem là "của độc” như các châu bản giai đoạn "bốn tháng ba vua" (Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc) có chữ ký của các hoàng tử trình triều đình để phế vua và lập vua mới (trong kho lưu trữ có thể không có), Đại Nam thực lục từ thời Đồng Khánh đến Khải Định chép tay trên giấy bổi (chỉ chép có sáu bản và ông Phan có một), Việt Nam vong quốc sử bản chép tay của Phan Bội Châu, Dương Xuân Sơn chí của một nho sĩ Phật giáo chưa xác định được tên...

Cho đến tận bây giờ cơn lũ năm 1999 vẫn là “nỗi đau” với ông khi nó đã nhấn chìm, làm hỏng hơn 10.000 cuốn sách quí. Dường như đồ cổ và sách là hai thứ đã ăn vào máu thịt của ông. Sau một ngày rong ruổi “săn” cổ vật ông lại vùi mình vào đọc, nghiên cứu. “Tôi là người mê đồ cổ và ham đọc sách”, ông giải bày.

Cũng vì ham đọc sách mà ông đã phát hiện việc gọi nhầm niên hiệu thành đế hiệu của các vị vua của nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn. "Không có vua nào là vua Quang Trung trong lịch sử VN cả mà chỉ có vua Thái tổ Võ hoàng đế, tức Nguyễn Văn Huệ, lên ngôi năm 1789 lấy niên hiệu là Quang Trung. Thế tổ Cao hoàng đế thì gọi nhầm là vua Gia Long, Thánh tổ Nhân hoàng đế thì gọi nhầm là vua Minh Mạng (Gia Long và Minh Mạng là niên hiệu do hai vua này đặt ra khi lên ngôi)…

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

U23 Việt Nam hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan

Các cầu thủ và ban huấn luyện U23 Việt Nam bày tỏ sự hứng khởi trước trận gặp U23 Uzbekistan tại lượt trận cuối bảng D vòng chung kết U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.