| Hotline: 0983.970.780

Ông Hưng "khùng" tỷ phú

Thứ Sáu 15/07/2011 , 11:22 (GMT+7)

Cái sự “khùng” năm nào đã khiến ông Hưng trở thành một trong số ít những nông dân sản xuất giỏi nhất, giàu nhất nhì ở Cát Tiên từ mô hình nông – lâm kết hợp.

Hơn 10 năm trước, bà con ở thôn 1, xã Phù Mỹ, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng đặt cho ông Huỳnh Ngọc Hưng biệt danh là Hưng “khùng” vì thấy ông cứ lặng lẽ làm việc quên ăn quên ngủ.

Đặc biệt, những việc người khác không thích làm, hoặc bỏ vì làm không hiệu quả thì ông “ôm”. Nay thì hình ảnh lão nông Huỳnh Ngọc Hưng cởi trần với chiếc quần ống thấp ống cao, lấm lem bùn đất đã khiến nhiều người phải nể phục. Cái sự “khùng” năm nào đã khiến ông trở thành một trong số ít những nông dân sản xuất giỏi nhất, giàu nhất nhì ở Cát Tiên từ mô hình nông – lâm kết hợp.

“Khùng” vì chẳng giống ai

Từ UBND xã Phú Mỹ đến nhà ông Hưng chỉ chừng 2 cây số. Căn nhà khá đơn sơ, nhưng xem ra chủ nhân của nó cũng hiểu đôi chút về phong thủy khi xây nhà dựa lưng vào đồi Độc Lập, sau nhà là vườn điều đang bắt đầu ra trái, trước mặt là 4 hồ nuôi cá, ba ba. Thấp hơn phía dưới là đồng lúa xanh rì, mùa lũ về, cánh đồng lúa này trở thành một vùng nước mênh mông với rất nhiều loại tôm cá…

 Lúc chúng tôi đến, cả hai vợ chồng ông Hưng đang ở ngoài ruộng, căn nhà vắng lặng không một bóng người. Anh Thạch, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện, người dẫn đường cho chúng tôi phải đi tìm quanh nhà một hồi mới thấy cậu con út ông Hưng đang chăn dê cách nhà vài trăm mét. Thằng bé tức tốc chạy đi gọi cha mẹ. Khoảng 30 phút sau, ông Hưng cởi trần, quần ống thấp ống cao cùng vợ vác cuốc trên vai bước vào nhà. Xoa 2 chân lấm lem bùn đất mấy cái rồi khoanh tròn trên salon, ông Hưng thong thả nhét thuốc lào vào điếu cày, châm lửa rít một hơi dài. Khoan khoái ngửa cổ phà khói lên mái nhà xong ông mới bắt đầu câu chuyện.

Năm 1986, dù chỉ mới 23 tuổi và “tài sản” duy nhất là hai bàn tay trắng, chàng trai trẻ Huỳnh Ngọc Hưng vẫn quyết định dắt vợ và 2 con dời xa mảnh đất khốn khó ở xã Mỹ Hoa, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định để vào Cát Tiên lập nghiệp. Hai năm đầu, do không có đất nên vợ chồng ông chỉ biết đi làm thuê. Tích cóp được ít tiền ông mua ngay mấy sào ruộng. “Sau 2 năm định cư ở đây, gia sản của gia đình tôi chỉ mới có vài sào đất nằm cheo leo giữa lưng đồi. Cũng may là hồi đó ruộng ở đây bị bỏ hoang khá nhiều nên mua cũng dễ. Đến nay gia đình tôi đã có 10 ha đất đồi trồng điều, mít, 10 ha đất ruộng trồng lúa. Đây là diện tích đất có sổ đỏ, ngoài ra vợ chồng tôi cũng khai hoang được hơn 2 ha ngoài sổ nữa”.

Chúng tôi hỏi vì sao mọi người lại gọi ông là “khùng”, ông cười: “Vì họ thấy tôi mua lại hết những gì họ bỏ, làm hết những gì họ không làm. Họ thấy vợ chồng tôi ban ngày thì bất kể nắng mưa, ban đêm thì đốt đuốc lên cày cuốc, đào ao”. Thời gian trôi qua, diện tích lúa của gia đình ông không chỉ tăng dần từ vài sào lên vài ha mà còn cho năng suất cao nhất. Lúc này, bà con trong vùng vẫn gọi ông là Hưng “khùng”, nhưng với thái độ thân mật, trìu mến và nể phục chứ không mỉa mai như trước.

Do siêng năng chịu khó nên ruộng lúa của ông Hưng vụ nào cũng cho năng suất cao nhất vùng. Vụ đông xuân có thể đạt 9 tấn/ha, hè thu cũng khoảng 6- 7 tấn/ha. Chỉ tính riêng tiền bán lúa 2 vụ, một năm ông thu ngót 800 triệu đồng. Theo ông Hưng, đất ở Cát Tiên có độ phèn rất cao, phải thường xuyên theo dõi để rải lân, vôi giảm phèn kịp thời. Còn lại các yếu tố về thời tiết, độ màu mỡ của đất đều rất thuận lợi.

Cát Tiên là vùng chiêm trũng, đất lại được phù sa bồi đắp mỗi năm, so với các vùng khác thì trồng lúa ở Cát Tiên ít phải sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hơn mà năng suất vẫn cao.

Tỷ phú đa năng

Buổi chiều, ánh nắng gay gắt đã ngả vàng, ông Hưng dẫn chúng tôi đi thăm ruộng, cánh đồng lúa mênh mông đang thì con gái mơn mởn của ông Hưng khiến chúng tôi đi một hồi lâu, ai nấy ướt đẫm mồ hôi, thở hổn hển mà chưa hết. Mặc dù vậy, ai cũng tỏ ra hào hứng bởi đi giữa cánh đồng lúa nước mà đôi giày dưới chân không dính một chút bùn nào. Ấy là do chúng tôi đi trên những mương dẫn nước bằng bê tông chắc chắn, đồng thời cũng là bờ ruộng.

Những mương nước này có đáy cao hơn mặt ruộng và tỏa đều khắp cánh đồng. Ông Hưng cười cho biết: “Công trình này do cán bộ Phòng NN- PTNT huyện tư vấn xây dựng chứ không phải sản phẩm của tôi đâu. Mặc dù đầu tư khá tốn kém, hết gần 1 tỷ đồng, nhưng đây có thể gọi là con mương “đa nhiệm”, vừa làm đường đi, làm giảm hẳn cỏ và tình trạng sụt lún bờ. Quan trọng nhất là khi dẫn nước đi xa mà không bị thất thoát”.

Đang nói chuyện thì cậu con út chạy ra báo có thương lái đến mua cá, ông Hưng tất tả chạy về. Dù rất cố gắng, mọi người vẫn không thể theo kịp bước chân thoăn thoắt của ông. Khi chúng tôi về đến nơi đã thấy hai vợ chồng ông Hưng đầm mình dưới hồ, dùng xô nhựa xúc cá trong lưới đổ lên xuồng. Những con cá mè, cá chép, trắm nặng chừng 1 kg giẫy giụa làm nước văng tung tóe. Ông Hưng cho biết, tùy từng loại cá, thương lái mua với giá từ 25 – 40 ngàn đồng/kg. Mẻ lưới vừa rồi ông cân được hơn 4 tạ.

"Bà con ở đây rất thương, rất quí cái tính “khùng” của ông Hưng, bởi ông không chỉ làm giỏi mà còn không tiếc công, tiếc của giúp đỡ bà con khi cần”, ông Đào Duy Mai, Trưởng Phòng NN- PTNT huyện Cát Tiên cho biết như vậy và nói thêm: “Ổng làm ra nhiều vậy chứ không được hưởng bao nhiêu đâu. Vì ăn chay trường từ 15 năm nay nên ổng quên hẳn mùi cá thịt rồi”.

Trang trại của ông Hưng hiện có 4 hồ, tổng diện tích hơn 2 hécta, trong đó có 3 hồ nuôi cá và 1 hồ nuôi ba ba. “Những hồ này không chỉ đơn thuần là nuôi cá đâu. Vào mùa mưa, hồ sẽ là nơi chứa những dòng nước từ trên đồi cao trút xuống, giảm úng khi nước dưới ruộng chưa thoát kịp. Mùa khô đến, hồ lại cung cấp nước chống hạn cho khoảng 15 ha lúa ở phía dưới. Nhờ có những hồ nước này mà năng suất lúa của tôi và một số ruộng lân cận luôn ổn định”, ông Hưng khoe.

Không chỉ có những ruộng lúa cho năng suất cao, ông Hưng còn có một đàn bò 15 con, trong đó 9 con đang trong giai đoạn sinh sản, mỗi năm ông có 9 con bò con, nuôi 1 năm sau bán từ 6- 7 triệu đồng/con. Chỉ vào đàn dê gần 200 con, ông Hưng cười nói: “Đàn dê này ban đầu chỉ có hơn 2 chục con, của một người trong xóm bán lại cho tôi. Hồi đó thịt dê chưa có giá, lại khó tìm đầu ra, lãi không nhiều nên họ bỏ không nuôi, tôi mua đại. Sau này tôi mới thấy nuôi dê rất dễ. Nếu chăm sóc tốt và thời tiết mát mẻ, một con dê mẹ có thể đẻ 3 lứa/năm, mỗi lứa đẻ từ 1-3 con. Sau 4 tháng, dê con có thể đạt trọng lượng gần 20 kg. Với giá bán khoảng 80 ngàn đồng/kg thịt hơi, một con dê mẹ có thể cho thu từ 6-10 triệu đồng/năm”.

Đàn dê của ông Hưng phát triển khá nhanh, đến nay đã có hơn 80 con đang đẻ.

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm