| Hotline: 0983.970.780

Ông lão đa tài ở vùng biên

Chủ Nhật 14/04/2019 , 13:35 (GMT+7)

Tại xã biên giới Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai), khi được hỏi ai là người giàu nhất, cán bộ ở đây đều thống nhất chỉ ra là gia đình cựu chiến binh Vi Xuân Hụy (SN 1959). Họ nói rằng, người cựu chiến binh kiên trung người dân tộc Thái này không chỉ làm kinh tế giỏi mà các con còn học hành tấn tới, đỗ đạt thành tài.

I.

Theo chân cán bộ xã mục tận sở thị, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng trước cơ ngơi của vị cựu chiến binh người dân tộc thiểu số. Một căn nhà lầu to, rộng với chiều ngang đến 20m, sàn ốp toàn gỗ, bên trong nhiều tiện nghi sinh hoạt hiện đại, đắt tiền.

12-36-00_nh_cn_nh_be_the_cu_ong_huy_voi_nhung_tien_nghi_sinh_hot_dt_tien_1
Căn nhà bề thế của ông Hụy với những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền

Thời điểm chúng tôi đến, ông Hụy đang loay hoay chuẩn bị cơm trưa cho chục người làm thuê nhặt điều. Vừa tạm xong việc cơm nước, chưa kịp bắt chuyện với khách thì lại có dân làng đến nhờ "bắt" bệnh. Ông lại xin lỗi chúng tôi: "Các chú thông cảm, mình lại dở tay tí nhé, vì mình là y tế thôn bản do Nhà nước đào tạo mà".

Khi mọi việc xong xuôi, ông Hụy bắt đầu kể về câu chuyện "Tây Nguyên tiến" của mình. Ông sinh ra ở mãi tận một vùng quê nghèo ở tỉnh Thanh Hóa. Năm 1979, ông đi bộ đội. Năm 1988, sau khi xuất ngũ, ông theo người chị gái rời quê hương lên Gia Lai tìm cơ hội lập nghiệp.

Tại vùng đất Ia O, đứng giữa mênh mông đất trời, ông cho rằng đây chính là chốn để dừng chân bởi đất đai hết sức màu mỡ, nước nôi bất tận, chính là cơ hội để đổi đời, làm giàu. Năm 1990, ông thành gia lập thất với một thôn nữ người Jrai. Ông nói rằng quyết định lập gia đình được đưa ra rất nhanh vì thấy vợ mình là người hiền lành, siêng năng cần cù, chịu thương chịu khó, rất hợp với bản thân ông. Sau khi ở nhà vợ được 1 năm, hai vợ chồng được nhà gái cho ra riêng với số vốn lận lưng là gần 6ha rẫy.

Thời điểm này, toàn bộ diện tích đất trên chỉ trồng toàn bời lời, điều, cà phê nhưng vì không được chăm sóc bài bản, lại chỉ dùng sức người, thiếu vốn và KHKT nên thu nhập chẳng được bao nhiêu. Quá trình canh tác, ông Hụy nhận thấy điều là cây cho thu nhập ổn định nhất, nhàn công và ít tốn kém nhất trong số ba loại cây trên.

12-36-00_nh_ong_huy_tro_chuyen_voi_phong_vien
Ông Hụy trò chuyện với phóng viên

Rồi gặp năm cà phê đại hạ giá càng khiến ông Hụy quyết tâm thực hiện hướng đi đã nung nấu bấy lâu nay. Thế là, sau nhiều đêm trằn trọc, ông Hụy đạp xe ra thị trấn Ia Kha gõ cửa cơ quan Nhà nước để tìm hiểu về cách thức Sx mới. Nhờ được cán bộ khuyến nông hướng dẫn tận tình, bên cạnh đó là sự ham học hỏi qua sách, báo, đài mà ông Hụy nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật canh tác để cây điều cho năng suất cao.

Ông Hụy cho biết, sau khi nhà máy thủy điện mọc lên, đất nhà ông bị ngập, chỉ còn khoảng 4ha. Năm 2006, trên số đất còn lại, ông từng bước thay thế cà phê, bời lời bằng những cây điều chuẩn, năng suất cao nhất lấy từ trong vườn nhà.

Ông Hụy cứ từng bước cắm cây điều vào chứ không làm một lần, cho đến khi trên rẫy được phủ hoàn toàn bằng loại cây này. Việc làm của ông khiến nhiều người trong bản tỏ ra nghi ngại, họ cho rằng chẳng có gì đảm bảo sẽ thành công cả. Nhưng rồi, lúc vườn điều đến giai đoạn đỉnh thu hoạch, lúc này lũ làng mới sáng mắt ra khi rẫy điều của họ chỉ cho thu nhập tối đa 40 triệu đồng/ha/năm còn của nhà ông Hụy thì lên đến 100 triệu đồng/ha/năm và năm sau luôn cao hơn năm trước.

 

II.

Ông Hụy cho rằng chả có bí quyết gì cả vì ông chỉ áp dụng đúng những gì được cán bộ chuyên ngành hướng dẫn cũng như chắt lọc từ những điều đọc trên sách báo. Cây điều có cái hay ở chỗ, là người dân chỉ tập trung sức và của cải trong vài ba năm đầu còn những năm sau đó thì việc chăm sóc không tốn kém nữa.

Bà con ở đây hay trồng điều mật độ dày, khoảng cách giữa hai cây hoặc hai hàng chỉ 4m đến 5m thì thân cây cứ nhong nhỏng mọc cao lên. Cây đã dồn lực cho chiều cao thì thân yếu ớt, gốc sẽ nhỏ, nhánh không thể vươn dài nên tán hẹp.

Còn trồng thưa như vườn nhà ông, khoảng cách cây với cây, hàng với hàng là từ 10m đến 12m. Lúc đầu, tuy thấy rất hao đất nhưng vài năm sau cây trưởng thành, tán lá của chúng vươn rộng ra thì mới thấy đó là sự hợp lý. Điều trồng với mật độ thưa thì cây nào cũng đủ đất sống mà phát triển cũng đều đặn.

12-36-00_nh_nhung_cy_dieu_triu_trit_qu_mng_ve_tien_trm_trieu_moi_nm_cu_ong_huy_2
Những cây điều trĩu trịt quả mang về hàng trăm triệu mỗi năm của ông Hụy

Cụ thể, bộ rễ của chúng không cạnh tranh nhau, hấp thụ được đầy đủ dinh dưỡng trong đất, cành lá sum suê tươi tốt do nhận được đầy đủ ánh sáng mặt trời nên cây nào cũng phát triển mạnh. Ngoài ra, trồng thưa thì các cây trong vườn không cao lắm, nhưng thân to, cành lớn, tán lá vươn rộng nên sẽ sai hoa, nhiều trái, năng suất cao là điều dễ hiểu.

Ông Hụy cho rằng mình luôn kiên định với cây điều là vì bao nhiêu năm nay, tiêu, cà phê cứ thăng trầm chứ điều thì không. Dù nó không cho thu nhập đột biến như các loại nông sản khác, song giá cả luôn ổn định mà năng suất thì cứ năm sau cao hơn năm trước, cây càng lâu năm, trái càng nhiều, hạt càng to.

Chỉ vào căn nhà bề thế, người cựu chiến binh này tự hào khoe rằng đây toàn bộ là tiền tích cóp từ rẫy điều bao lâu nay. "Trước đây, khi nuôi 3 thằng con ăn học nên vợ chồng mình ở nhà tuềnh toàng. Giờ chúng nó đã công thành danh toại, mình phải xây nhà lớn ở cho sướng cái cuộc đời chứ", ông lão nói giọng tự hào.

 

III.

Ngoài trồng điều, ông Hụy còn làm máy xay xát, nhờ mát tay nên công việc làm không xuể. Theo ông, thu nhập từ xay xát thừa sức chi tiêu ăn uống cho cả nhà cũng như đóng góp học hành của con cái. Phần cám bã, không để lãng phí, ông nhập giống heo địa phương lai heo rừng, gà bản địa, chim bồ câu... về thả rông dưới tán điều. Ngoài ra, ông còn chịu khó đi đốn cây chuối rừng về làm thức ăn thêm, gặp mùa có thêm trái điều nên thịt của chúng rất thơm ngon.

12-36-00_nh_cn_cu_com_hng_ngy_cu_gi_dinh_ong_huy
Cần câu cơm hàng ngày của gia đình

Ông nói, riêng về heo, hồi đầu ông bán giá 100.000 đồng/kg hơi, sau lên 150.000 đồng/kg, giờ là 200.000 đồng/kg mà vẫn không đủ hang và gà, bồ câu cũng vậy. Đàn vật nuôi rất khỏe, chóng lớn mà công chăm sóc ít, tận dụng thức ăn rẻ tiền nên mỗi năm ông cũng bỏ ống thêm hơn trăm triệu. "Mình không phải tìm người mua, dân phố cứ tấp nập kéo lên bắt, cân ký và giao tiền tươi thóc thật tại nhà", ông Hụy phấn khởi.

Đánh giá về ông Hụy, ông Siu Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Ia O cho biết đây là gia đình văn hóa điển hình của xã. Ông Hụy là một cựu chiến binh năng nổ, nhiệt tình với phong trào hội, hay cứu giúp bệnh nhân nghèo trong xã. Ông cần cù, siêng năng, SX giỏi nên được vinh dự đại diện cho xã đi dự đại hội cựu chiến binh SX kinh doanh giỏi toàn tỉnh.

Ngoài nhiệt tình hoạt động hội, ông cũng hay giúp đỡ địa phương hướng dẫn, vận động vốn cho hội viên vay không lấy lãi để phát triển kinh tế. Chưa hết, vườn điều nhà ông cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, lúc cao điểm lên đến 20 người.

"Ông Hụy có tài sản quý giá nhất là ba người con trai, tất cả điều chăm ngoan, học hành giỏi giang. Cụ thể, 1 con ông làm công an ở TP.HCM, 1 con làm công chức ở TP.HCM, 1 con làm công an huyện Ia Grai nên người ta nói ông Hụy là người "giàu nhất" ở xã này theo nhiều nghĩa", ông Nghiệp nói.

12-36-00_nh_dn_gi_suc_gi_cm_duoc_chn_nuoi_theo_huong_huu_co_cu_gi_dinh_ong_huy_1
Đàn gia súc, gia cầm được chăn nuôi theo hướng hữu cơ

Là một trong 10 hộ dân được ông Hụy hỗ trợ cây giống cũng như kỹ thuật canh tác cây điều, ông Rơ Châm Glel cho biết, trước đây gia đình ông trồng cà phê và một ít hồ tiêu. Do không nắm vững kỹ thuật canh tác cộng với giá cả lên xuống thất thường nên thu nhập rất bấp bênh.

"Cách đây 7 năm, gia đình mình được ông Hụy cho cây điều giống và hướng dẫn cách trồng điều xen canh trong vườn cà phê. Đến nay, gia đình mình đã có hơn 1ha điều với thu nhập ổn đỉnh hơn 70 triệu đồng/năm và cứ năm sau cao hơn năm trước nên mình rất phấn khởi", ông Glel kể.

 

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất