| Hotline: 0983.970.780

Ông Nguyễn Thọ Cảnh, GĐ Sở NN-PTNT Nghệ An: Chính sách, kế hoạch chăn nuôi phải rõ ràng, khả thi

Thứ Năm 30/06/2011 , 10:15 (GMT+7)

Ông Nguyễn Thọ Cảnh, GĐ Sở NN-PTNT Nghệ An

Là một tỉnh có đàn gia súc, gia cầm thuộc tốp đầu của cả nước, trong nhiều năm qua, Nghệ An đã rất nỗ lực để phát triển, đưa chăn nuôi lên thành một ngành sản xuất chính. 

Sau những trồi sụt tưởng chừng mục tiêu sẽ đổ bể, đến nay chăn nuôi Nghệ An đã đạt được những thành quả bước đầu. Để làm rõ hơn những vấn đề mà tỉnh này đã gặp phải trong quá trình đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung, công nghiệp trên địa bàn, PV NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thọ Cảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An.

Để phát triển các dự án chăn nuôi tập trung, quy mô công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, tỉnh đã có những quyết sách gì, thưa ông?

 Phát triển các dự án chăn nuôi tập trung, quy mô công nghiệp chúng tôi xem đó là yếu tố quan trọng số 1 để giúp địa phương thực hiện mục tiêu đưa chăn nuôi lên thành một ngành sản xuất chính. Bởi thế, trong thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã rất quan tâm đến vấn đề này, trong đó Nghệ An tập trung xử lý một số vấn đề chính sau đây:

Thứ nhất là đưa ra một định hướng quy hoạch phát triển chăn nuôi hợp lý. Tập trung mũi nhọn vào các loại vật nuôi từ đại gia súc, nhất là đàn bò sữa, đến con gia cầm. Quy hoạch rõ quỹ đất cho từng loại gia súc nuôi ở địa bàn nào phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, thời tiết cũng như đặc điểm sinh lý của từng vật nuôi mà không tác động xấu đến môi trường.

Thứ 2 là việc đưa ra các chính sách thu hút đầu tư hợp lý, hấp dẫn nhằm "trải thảm" lôi kéo nhà đầu tư vào Nghệ An. Tuy nhiên, do Nghệ An không nằm trong trục phát triển kinh tế thuận lợi của đất nước nên các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp không nhiều, lĩnh vực chăn nuôi lại càng thưa thớt. Cách đây 5 năm, tỉnh đã phải đưa ra chiến lược kêu gọi đầu tư mới, công bố với các nhà đầu tư thuộc lĩnh vực nông nghiệp, trong đó đặc biệt là các nhà đâu tư vào lĩnh vực chăn nuôi là tỉnh sẵn sàng tạo điều kiện về quỹ đất, cải cách thủ tục hành chính, tập trung mọi nỗ lực để ủng hộ các nhà đầu tư; cam kết nhất quán là từ người đứng đầu tỉnh đến ngành và các địa phương trong việc xử lý, tháo gỡ các vướng mắc để nhà đầu tư yên tâm khi vào làm ăn tại Nghệ An.

Thứ 3, để các dự án chăn nuôi tập trung, quy mô công nghiệp vào được Nghệ An, lãnh đạo tỉnh đã mạnh dạn chuyển mục đích sử dụng đất sản xuất nông nghiệp không hiệu quả sang cho các dự án đầu tư chăn nuôi có hiệu quả hơn. Trong đó chuyển đổi cả một số diện tích cam, chè, cà phê, cao su hiệu quả thấp sang lĩnh vực chăn nuôi cho một số dự án chăn nuôi có quy mô lớn, hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 Cuối cùng là, thông qua các phương tiện thông tin, tuyên truyền, báo chí, để tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội, không ca ngợi thái quá, cũng không làm nhà đầu tư nản lòng để họ yên tâm đầu tư cho lĩnh vực này.

 Vậy kết quả của các chính sách "trải thảm đỏ" này, đến nay như thế nào?

Chúng tôi đã thành công trong một số lĩnh vực sau đây:

Thứ nhất, cho đến nay, toàn tỉnh đã có tổng cộng trên 230 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, quy mô công nghiệp. Trong đó riêng đàn trâu, bò có 118 trang trại. Đặc biệt là 2 dự án chăn nuôi bò sữa tập trung của Cty CP sữa Vinamilk (1.200 con) và của Cty CP thực phẩm sữa TH (15.000 con). Đến năm 2015, Vinamilk sẽ nâng tổng đàn bò sữa của họ lên 5.000 con, còn Cty CP thực phẩm sữa TH sẽ có 45.000 con, trong đó có 20.000 con cho sữa thường xuyên.

Về đàn lợn hiện có 82 trang trại chăn nuôi lợn quy mô từ 20 con nái (100 con lợn thịt) đến 3.000 con. Trong đó các huyện Đô Lương, Nam Đàn, Yên Thành, Nghi Lộc là những địa phương có những trang trại chăn nuôi lợn khá lớn. Về đàn gia cầm cũng có 30 trang trại, quy mô từ 7.000 đến 8.000 con/lứa (mỗi năm 4-5 lứa)…

Tuy nhiên để có được thành tựu trên, chúng tôi cũng đã phải trả "học phí" khá đắt trong 3 năm với tổng số tiền đầu tư từ ngân sách 7,3 tỷ đồng cho việc triển khai chương trình nuôi bò sữa của tỉnh. Bù lại, từ bài học của tỉnh, các nhà đầu tư đã vững tin khi đưa 2 dự án chăn nuôi bò sữa lớn nói trên vào Nghệ An sau đó.

Quá trình thực hiện các dự án chăn nuôi tập trung, quy mô công nghiệp tại Nghệ An đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì?

 Vướng mắc thứ nhất là việc bố trí quỹ đất cho nhà đầu tư là hết sức khó khăn. Gần như 100% đất nông nghiệp, lâm nghiệp đã được giao cho người dân quản lý. Bởi thế công tác GPMB, nhất là việc thu hồi đất nông nghiệp đã giao cho nông dân theo Nghị định 64/CP phải đền bù rất cao. Đây là một yếu tố khiến nhà đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi lo ngại. Ở Nghệ An, dự án nuôi bò sữa của Cty CP thực phẩm sữa TH đã phải đền bù rất cao mà vẫn vướng mắc ở một số nơi.

Vướng mắc thứ 2 là công tác quản lý dịch bệnh ngày càng trở nên nan giải, luôn tiềm ẩn và có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Thời gian qua, do cơ quan thú y thực hiện chưa tốt công tác quản lý dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nên Nghệ An đã phải liên tục đối phó với các loại dịch như lở mồm long móng, tụ huyết trùng trâu bò, dịch tai xanh, dịch tả lợn…

Vướng mắc thứ 3 là công tác quản lý nhà nước của các địa phương cơ sở đối với các dự án chăn nuôi tập trung còn lỏng lẻo nên các nhà đầu tư tự ý nâng tổng đàn lên quá mức quy định, công tác xử lý ô nhiễm môi trường tại các dự án chăn nuôi tập trung vì vậy gặp rất nhiều khó khăn. Đã có trường hợp tình trạng ô nhiễm môi trường không khí khiến người dân sống quanh các trang trại chăn nuôi tập trung bức xúc, thậm chí có những hành vi quá khích, buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc, còn nhà đầu tư cũng không yên tâm khi làm ăn.

Để phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô công nghiệp, từ thực tiễn ở Nghệ An, theo ông chúng ta cần phải lưu ý những vấn đề gì?

Như tôi đã trình bày ở trên, muốn lĩnh vực chăn nuôi, nhất là các dự án chăn nuôi tập trung, quy mô công nghiệp phát triển thuận lợi, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho cả nhà đầu tư và xã hội thì yếu tố quan trọng đầu tiên khi triển khai mô hình này là, các địa phương phải có chính sách, kế hoạch phát triển chăn nuôi rõ ràng, cụ thể, và chính sách đó phải nhận được được sự đồng thuận từ phía người dân.

Thứ hai là sự quyết tâm và thái độ của người đứng đầu cấp tỉnh ra sao. Nếu lãnh đạo tỉnh không quyết tâm, và quyết liệt trong công tác chỉ đạo thì sẽ không thể huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc để cùng giải quyết các vướng mắc cho nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

Thứ 3 là trước khi ký quyết định cho phép nhà đầu tư vào làm ăn tại địa phương, lãnh đạo tỉnh phải thẩm định chính xác năng lực tài chính của nhà đầu tư ra sao? Sự quyết tâm đầu tư của họ đến đâu nếu không sau khi lấy được đất, nhà đầu tư sẽ chuyển sang lĩnh vực khác thì dự án sẽ đổ bể.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên

Chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2024 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 23 – 24/5.

Bình luận mới nhất