Sau 4 ngày làm việc, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã thành công tốt đẹp.
Đại hội đã bầu ra Bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ mới là ông Nguyễn Văn Nên với số phiếu tín nhiệm tuyệt đối (62/62 phiếu).
Đồng thời Đại hội cũng đã bầu ra 4 Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM và 61 đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025, và bầu Đoàn đại biểu của Đảng bộ TP.HCM đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng gồm 38 đại biểu chính thức và 4 đại biểu dự khuyết.
Đại hội đã biểu quyết tán thành thông qua những nội dung cơ bản về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố, xây dựng hệ thống chính trị thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong Báo cáo chính trị trình Đại hội.
"Làm Bí thư Thành ủy TP.HCM là một thử thách lớn"
Tại buổi họp báo thông tin kết quả Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ: "Được sự tín nhiệm của Ban chấp hành Đảng bộ và được giao trọng trách cho tôi là người đứng đầu Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM, cảm xúc đầu tiên là cảm thấy lo. Dù thế nào thì công việc trước mắt của mình đồ sộ và lớn lao. Tất cả đều là những công việc cực kỳ quan trọng để làm thế nào xứng đáng với vị trí, tầm vóc, vai trò, trách nhiệm của Đảng bộ Thành phố mang tên Bác.
Hơn thế nữa là trách nhiệm của TP.HCM là đầu tàu kinh tế, làm sao thực hiện bằng được khát khao chung của chúng ta là góp phần quan trọng cùng cả nước, vì cả nước, đưa sự nghiệp xây dựng, phát triển Tổ quốc nhanh hơn, bền vững hơn".
Ông Nên nhìn nhận, bản thân có thuận lợi khi được giao nhiệm vụ trong thời điểm Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Vì vậy, cần biến cái lo thành hành động cụ thể.
“Trách nhiệm của Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa mới là đưa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP.HCM sớm đi vào cuộc sống một cách có hiệu quả nhất.
Tôi không nghĩ đây là áp lực, mà là thử thách lớn. Những thành tựu lớn lao suốt thời gian qua mà TP.HCM có được là công lao to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM, trong đó có sự đóng góp của Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM các thời kỳ và vai trò của người đứng đầu.
Nhận nhiệm vụ trong điều kiện như vậy, tôi nhận thức sâu sắc rằng, làm được không chỉ riêng mình mà có tập thể, có nhân dân, sự đóng góp chung sức chung lòng của đồng bào TP.HCM và sự ủng hộ của cấp trên. Chúng ta cũng có niềm tin để chuẩn bị thực hiện những ước mơ, hoài bão, mong muốn bằng những chương trình hành động cụ thể của Đại hội đưa ra”, Bí thư Thành ủy TP.HCM nói.
Cam kết giải quyết dứt điểm vấn đề Thủ Thiêm
Trước câu hỏi của báo chí: “Trong nhiệm kỳ vừa qua, TP.HCM đã có nhiều động thái tích cực để tháo gỡ những vấn đề nổi cộm xảy ra khi triển khai xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2. Tuy nhiên, đến nay vấn đề mà người dân quan tâm vẫn chưa được xử lý triệt để. Trong nhiệm kỳ này, Thành phố có những giải pháp quyết liệt gì để giải quyết dứt điểm những tồn đọng này?”.
Ông Nguyễn Thành Phong, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay, ngày 11/10/2020 Thành ủy TP.HCM đã tổ chức Hội nghị lần thứ 51 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020 đã thông qua ban hành Nghị quyết về tập trung đầu tư, xây dựng hoàn thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm trước năm 2020.
“Đây là lần đầu tiên, sau 24 năm triển khai đầu tư phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành ủy TP.HCM ban hành Nghị quyết chuyên đề nhằm giúp cho Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025 có giải pháp rõ ràng để triển khai thực hiện quy hoạch, hoàn thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm”, ông Phong nói.
Với mục tiêu nhằm khắc phục dứt điểm những thiếu sót, khuyết điểm theo Kết luận của Ủ ban kiểm tra Trung ương và Thanh tra Chính phủ, đồng thời tiếp tục khắc phục những khó khăn, huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng hoàn thiện Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo đúng mục tiêu đặt ra: Khu đô thị mới Thủ Thiêm trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế, đồng thời là hạt nhân của khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố đến năm 2030.
Ông Phong cũng cho biết, Nghị quyết của Thành ủy cũng đặt ra mục tiêu trước tháng 6/2021 phải tập trung hoàn tất công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân để thu hồi đất với các trường hợp còn lại.
“Tập trung nguồn lực thực hiện các kết luận theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến kết quả kiểm tra 160 ha đất tái định cư phục vụ cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ngoài ra, thực hiện ngay việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật 3 lô đất tái định cư để bố trí cho các hộ dân trong khu đất 4,39 ha và tổ chức thực hiện chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư bổ sung cho các hộ dân trong khu đất 4,39 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, Quận 2 theo kết luận của Thanh tra Chính phủ đã được phê duyệt.
Trước mắt, tiến hành rà soát lại các trường hợp cần áp dụng chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư bổ sung và giải quyết dứt điểm các trường hợp chưa được bố trí tái định cư và các trường hợp có khiếu nại khiếu kiện.
Thành phố Thủ Đức - hạt nhân thúc đẩy kinh tế TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Cũng theo ông Phong, TP.HCM đã chủ động xây dựng các kế hoạch thi tuyển ý tưởng thiết kế quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố (bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 3 quận: quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức). Ba quận này cũng là 3 quận được tách ra từ huyện Thủ Đức cũ.
Tên gọi Thành phố Thủ Đức cũng được đại đa số cử tri, người dân của 3 quận đồng tình và được HĐND TP.HCM thống nhất về chủ trương tên gọi tại kỳ họp ngày 12/10/2020.
Trọng điểm của Khu đô thị phía Đông Thành phố là 8 trung tâm quan trọng trên cơ sở có sẵn của 3 cực phát triển: Trung tâm tài chính ở quận 2, Khu Công nghệ cao ở quận 9 và Khu Đại học Quốc gia TP.HCM ở quận Thủ Đức.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, với Đề án thành lập Thành phố Thủ Đức - đây sẽ là mô hình "thành phố trong thành phố", nhằm biến nơi đây thành "hạt nhân" thúc đẩy kinh tế TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ông Phong cũng cho biết, để Thành phố Thủ Đức thành một cực tăng trưởng mới, TP.HCM đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương xây dựng các kế hoạch triển khai ý tưởng thiết kế Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.HCM. Đây là cơ sở để tổ chức các hội nghị, chương trình xúc tiến, kêu gọi đầu tư.
Đồng thời, TP.HCM đầu tư các công trình phù hợp với quy hoạch và ý tưởng thiết kế được duyệt từ nguồn ngân sách nhà nước. Việc này nhằm làm tiền đề, nền tảng về hạ tầng, tăng sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển Thành phố Thủ Đức.
Đặc biệt, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, trong chiến lược 5 năm tới, TP.HCM đẩy nhanh xây dựng và hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, giải quyết ùn tắc và dần khép kín hệ thống hạ tầng giao thông đô thị trên địa bàn của Thành phố Thủ Đức nói riêng, kết nối với TP.HCM và các tỉnh, thành.
Đánh giá về thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025, ông Trần Lưu Quang, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, đó là thành công về việc chuẩn bị văn kiện, hoàn thành báo cáo chính trị, sắp xếp điều hành, phân công tại Đại hội.
Văn kiện đại hội đã nhìn nhận rõ kết quả của TP.HCM 5 năm vừa qua, chỉ rõ được điều gì làm được, chưa làm được, rút kinh nghiệm những phần việc chưa đạt. Từ những kết quả trên, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM đưa ra hệ thống giải pháp giúp TP.HCM tiếp tục đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước.