| Hotline: 0983.970.780

Ông Nhẫn “điên”

Thứ Tư 11/12/2013 , 10:40 (GMT+7)

Người làng Chi Ngôn (xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) vẫn gọi ông Phạm Văn Nhẫn (50 tuổi) là Nhẫn "điên". Cái cách gọi ấy không có nghĩa người ta nghĩ ông có vấn đề đầu óc, ngược lại đó là cái cách dân làng khâm phục những việc làm cao quý của ông.

Người làng Chi Ngôn (xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) vẫn gọi ông Phạm Văn Nhẫn (50 tuổi) là Nhẫn "điên". Cái cách gọi ấy không có nghĩa người ta nghĩ ông có vấn đề đầu óc, ngược lại đó là cái cách dân làng khâm phục những việc làm cao quý của ông. 

>> Hiệp sĩ ở làng

20 năm gom nhặt người điên 

Buổi chiều mùa đông. Trong sân vườn của một ngôi nhà cấp 4 xập xệ, một người đàn ông trung niên ngồi thẫn thờ nhìn vào khoảng không vô định. Tay dính đầy đất đá, miệng không ngừng lẩm bẩm: Bắt con gà, bắt con gà. Cho dù, trước mặt ông chỉ là những cục đá nằm vương vãi. Đợi người đàn ông ấy “bắt gà” xong, ông Nhẫn chạy đi lấy khăn mặt, múc nước lau rửa sạch sẽ rồi dìu vào nhà nằm nghỉ ngơi. Trông qua sẽ tưởng họ là máu mủ ruột rà. Không. Hai người họ hoàn toàn xa lạ.

Người đàn ông không bình thường ấy tên là Trần Văn Cường, không xác định được tuổi, bị bệnh tâm thần từ bé. Còn ông Nhẫn là chủ căn nhà, nơi mà dân làng vẫn gọi là “trại tâm thần Chi Ngôn”. 


Ông Nhẫn và ông Cường

Quê ông Cường tận miền núi tỉnh Bắc Giang, chỉ có một cô em gái đang làm công nhân ở Sài Gòn, không có điều kiện chăm sóc nên gửi nhờ ông ở “trại tâm thần” đặc biệt này. Ông Cường chỉ là một trong hàng trăm trường hợp đã được bàn tay vợ chồng lão nông tốt bụng cưu mang. Nếu tính bình quân, cứ khoảng hai tháng thì ông bà lại đón một người về chăm sóc và tìm địa chỉ giúp họ đoàn tụ với gia đình.

Làng Chi Ngôn là vùng thuần nông chiêm trũng nằm cạnh QL 1A. Nhà ông Nhẫn nghèo lắm. Hai vợ chồng già, 4 đứa con, một đứa đã mất, hai đứa xây dựng gia đình, còn ông bà với thằng út đang thất nghiệp. Cuộc sống trông vào một mẫu ruộng và tiền làm đủ thứ nghề như sửa xe đạp, chạy xe ôm, làm thuê làm mướn của ông. 

Vậy mà, căn nhà chật chội, nghèo nàn ấy có những lúc chứa hàng chục người điên không ruột rà, máu mủ, thân thích gì. Thậm chí, việc làm trượng nghĩa của họ bắt đầu từ thời điểm gia đình khốn khó nhất.

Đó là những năm 1984, khi ông vừa xuất ngũ, lập gia đình, con cái nheo nhóc, không có việc làm… Miếng ăn, cái mặc lúc có lúc không, vậy mà bà Đào Thị Lan (vợ ông Nhẫn) thỉnh thoảng lại thấy chồng dắt về một người điên, chăm sóc họ như thể chịu ơn từ kiếp trước.

Tất cả cứ như ông trời sắp đặt sẵn vậy. Chính công việc sửa xe đạp, chạy xe ôm khiến ông có điều kiện tiếp xúc với nhiều người điên đầu trần chân đất lang bạt trên đường.

“Từ Nam chí Bắc, có người ở Cao Bằng, có người ở tận Cà Mau đi lang thang qua xứ này. Ngày ngày chạy xe ôm trên QL1A, tôi gặp rất nhiều trường hợp đi lang thang như vậy. Có người thậm chí còn không có cả quần áo để mặc. Nghĩ đến hoàn cảnh tội nghiệp của họ tôi cứ đưa về nhà mình chăm sóc rồi tìm cách liên lạc với gia đình. Người nào tìm được thì gia đình đón về, người nào không tìm được thì vợ chồng tôi giữ lại chăm nuôi”, ông Nhẫn giải thích việc mình làm.

Trường hợp đầu tiên là một người đàn bà quê ở miền Trung đi lạc đến xứ này. Ông Nhẫn gặp bà ta trong hoàn cảnh đói khát, rách rưới đến mức gần ngất xỉu bên vệ đường. Lúc ông đưa về nhà, bà Lan tá hỏa vì tưởng chồng mình chạy xe tông phải. Chăm sóc được một thời gian ông bà phải tìm một trại tâm thần nhờ nuôi hộ vì bệnh tình quá nặng, suốt ngày lên cơn, chửi bới, đập phá lung tung.

Gửi người đàn bà ấy đi hôm trước thì hôm sau lại thấy ông đón về một người khác rồi người khác nữa. Những người đưa về, ông Nhẫn vừa chăm sóc vừa tìm cách tâm sự với người điên đi lạc, tìm hiểu thông tin của họ rồi gửi lên Công an xã Thanh Hải nhờ tìm cách liên lạc với gia đình. Cứ đều đặn như thế trong suốt 20 năm qua. Thông tin về những người điên ông đóng thành một cuốn sổ dày cả trăm trang.

Chỉ riêng năm nay, vợ chồng ông Nhẫn đón hơn 20 trường hợp người điên đi lang thang về chăm sóc. Người điên từ Hải Dương, Thanh Hóa, Ninh Bình, Lạng Sơn, TP Hồ Chí Minh… đều có cả. Hôm tôi đến, ông Nhẫn đang chuẩn bị đưa anh Bế Ích Mông về quê ở xã Độc Lập (huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng). 

Anh Mông là người Tày, bị ngẩn ngơ từ bé, đi lạc gia đình 17 năm trời. Một đêm năm ngoái, ông Nhẫn trên đường chạy xe ôm về thấy Mông đang nhảy cà tưng trên đường rồi đột nhiên lao xuống ruộng tối om. Bật đèn đuổi theo ông thấy Mông nằm lăn lộn giữa ruộng bùn. Mồm miệng ú ớ còn hai chân sưng vù, rỉ máu. Đưa về nhà tắm rửa, cho ăn cơm rồi lân la hỏi chuyện nhưng Mông chẳng chịu mở lời. Lắm bận ông Nhẫn hỏi nhiều, Mông vác điếu cày đuổi đánh. 

Suốt một năm trời, nhờ được chăm sóc nên Mông lành tính hẳn đi, thỉnh thoảng thấy lẩm bẩm một mình “Độc Lập”. Nghi đó là tên quê quán của Mông, ông Nhẫn nhờ người điện thoại đến Công an xã Độc Lập hỏi han, người ta xác định có một người tên là Bế Ích Mông nhưng đã bỏ nhà đi 17 năm rồi. 

Từ ngày Mông đi, gia đình cũng bỏ luôn nhà cửa vào tận Tây Nguyên để đi tìm nhưng không thấy. Cuối cùng họ nản chí, tưởng rằng Mông đã chết nên ở lại Đắk Lắk làm kinh tế mới. Khi biết Mông đang được ông Nhẫn cưu mang họ tìm đến xin đón về. Mông không chịu, một hai đòi “bố Nhẫn” phải về cùng. 

Làm ơn há dễ mong người trả ơn

Ông Nhẫn nói rằng bây giờ gia đình ông bà có gần 50 người con nuôi rải rác khắp cả nước. Và ông sẽ tiếp tục nhận người điên về chăm sóc.

Nhìn vào gia cảnh ông bà, tôi thấy hơi chạnh lòng và hoài nghi về khả năng của họ. Thu nhập chỉ ở mức đủ sống qua ngày, tiền bạc tích cóp hầu như không có, trong khi mỗi một người đưa về chăm sóc, ngoài tiền ăn uống còn phải chi phí điện thoại, xăng xe đi lại để dò la tin tức… 


Ông Nhẫn với cuốn sổ ghi thông tin về những người điên mà mình cưu mang

Tốn kém không phải là ít nhưng dường như vợ chồng ông chưa bao giờ tính toán. Thậm chí có nhiều gia đình, sau khi tìm lại được người thân, ngoài tấm lòng cảm tạ khôn xiết còn muốn hỗ trợ ông bà chi phí nuôi dưỡng, liên lạc nhưng tuyệt nhiên ông chưa hề nhận của ai một đồng nào. 

Mấy hôm trước, một người thân của anh thanh niên được ông cưu mang quê ở Khánh Hòa ra tận nơi cảm tạ. Họ đặt vấn đề hỗ trợ tiền nhưng ông từ chối nên lẳng lặng để lại phong bì dưới chiếc gối ông nằm. Hôm sau phát hiện, ông ra bưu điện gửi trả ngay.

Bởi, tất cả những việc ông làm đều xuất phát từ tấm lòng. Cứu người là việc phải làm và ông bà thấy hạnh phúc. Cho dù, trong câu chuyện, nhiều lần ông Nhẫn nói rằng, ông mất đi người con trai đầu chỉ mới 19 tuổi, đứt lìa ngón tay cái cũng chỉ vì cứu người.

Năm 2005, ông Nhẫn cưu mang một cậu bé chỉ mưới 11 tuổi quê ở Quảng Ngãi. Sau khi tìm hiểu và liên lạc được với gia đình cậu bé ra đón về, vợ chồng ông làm bữa cơm để chia tay. Cơm nước xong xuôi, cả gia đình ông đưa mấy người họ ra bắt xe quay về Quảng Ngãi. Trong lúc đứng chờ xe, một chiếc xe khách mất lái tông phải con trai cả Phạm Văn Kiên khiến anh Kiên mất mạng. 

Sau chuyện ấy, bẵng đi mấy tháng trời ông bà không còn tâm trí nghĩ đến việc giúp người. Nhưng rồi, khi trở lại với công việc mưu sinh, lại chứng kiến những mảnh đời bất hạnh, ông không đành lòng.

“Có những lúc trong nhà nuôi 5 người điên một lúc. Đó là những trường hợp chưa liên lạc được với gia đình, chưa có người đến đón. Nửa đêm đang ngủ, cả năm ông đồng loạt kéo nhau dậy rồi lao tùm xuống ao để tắm. Hò hét, chọc phá nhau ầm ĩ. Ban đầu thì sợ, nhưng dần dần cũng quen”, bà Lan tâm sự.

Hiện, gia đình ông bà chỉ còn nuôi có 3 người. Sau khi Bế Ích Mông về Cao Bằng và Phan Văn Thọ về Vĩnh Phúc thì chỉ mỗi Trần Văn Cường. Trường hợp của ông Cường có lẽ sẽ sống cùng ông bà nốt phần đời còn lại. Năm năm rồi ông bà xem ông Cường như người trong gia đình. Ông Cường có một người em gái tên là Trần Thị Hạnh nhưng chị Hạnh không có khả năng chăm sóc. 

“Một người làng phát hiện ông Cường nằm bên vệ đường, tay chân bê bết máu vì dẫm phải mảnh chai. Vợ chồng tôi hay tin đưa về băng bó rồi giữ lại chăm sóc. Khổ. Ông ấy còn đi đâu được nữa, thôi thì ở đây, có cơm cùng ăn, được ngày nào hay ngày đó. Chừng nào chúng tôi sống được thì ông ấy cũng sống được”, giọng ông Nhẫn buồn buồn.

Đang ngồi trò chuyện với tôi, điện thoại ông Nhẫn đổ chuông liên hồi. Một người làng báo tin phát hiện một người điên đi lang thang ở bên xã Thanh Nghị. Ông bảo: Chú ngồi chơi để tôi chạy sang đó xem có đón họ về được không.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc liên tiếp ở Yên Bái làm 150 nhà dân bị sập đổ

Mưa lớn, kèm theo dông lốc, gió giật mạnh trong đêm 19, rạng ngày 20/4 làm 2 người bị thương và hơn 150 ngôi nhà ở tỉnh Yên Bái bị thiệt hại, sập đổ.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm