Cựu Bí thư tỉnh Hải Dương thừa nhận có nhận lợi ích của Việt Á
Phiên xét xử ngày thứ hai vụ Việt Á xét hỏi cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng về việc để Công ty Việt Á độc quyền bán test xét nghiệm và các vật tư, sinh phẩm y tế trên địa bàn tỉnh này.
Tại cáo trạng, trong năm 2020 khi xảy ra các đợt dịch Covid-19 (diễn ra từ tháng 1 đến tháng 9/2020), tỉnh Hải Dương đã mua và sử dụng 3 loại test xét nghiệm, trong đó có test xét nghiệm của hãng Thermofisher Mỹ, đơn giá 185 nghìn đồng/test để phục vụ công tác xét nghiệm chống dịch.
Ngày 27/1/2021, UBND tỉnh Hải Dương công bố dịch đợt 3. Để được tiêu thụ test xét nghiệm tại Hải Dương, Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) đã nhờ Nguyễn Huỳnh - cựu Thư ký của cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và ông Nguyễn Thanh Long tác động, sau đó được bị cáo Phạm Xuân Thăng - cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đồng ý.
Ông Thăng đã chủ trì các cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, bệnh cấp tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã vào các ngày 29/1/2021, 1/2/2021 và ra 3 thông báo kết luận chỉ đạo cho Công ty Việt Á tham gia xét nghiệm Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Hải Dương và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh này cũng ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, trong đó đều có nội dung giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương (CDC Hải Dương) ký hợp đồng với Công ty Việt Á trong việc tổ chức xét nghiệm sàng lọc Covid-19.
Ngoài ra, theo đề nghị của Việt, ông Thăng còn kết luận, chỉ đạo tại cuộc họp ngày 22/2/2021 để Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, bệnh ban hành kế hoạch 570, giúp Công ty Việt Á được mở rộng phạm vi xét nghiệm, độc quyền bán test xét nghiệm và các vật tư, sinh phẩm y tế khác trên địa bàn tỉnh Hải Dương…
Cáo trạng xác định, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ của ông Thăng đã tạo điều kiện cho Công ty Việt Á thu lời bất chính, gây thiệt hại 73,8 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.
Ông Thăng bị cáo buộc nhận lợi ích vật chất từ Công ty Việt Á (nhận của Phan Quốc Việt 100.000 USD, nhận của Phạm Duy Tuyến - cựu Giám đốc CDC Hải Dương 600 triệu đồng và 50.000 USD).
Trình bày tại tòa, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương thừa nhận các quy kết mà cơ quan truy tố thể hiện với mình là xác đáng. Ông Thăng cho biết, năm 2021, dịch bùng phát lần 3 tại Hải Dương nhưng thời gian này ông đang dự đại hội Đảng ở Hà Nội. Ông Thăng gặp ông Nguyễn Thanh Long ở đại hội. Ông Long nói với ông Thăng cho Công ty Việt Á về Hải Dương hỗ trợ phòng, chống dịch.
Ông Thăng khai trước HĐXX, sau khi nhận đề nghị của ông Nguyễn Thanh Long đã không có tác động nào với các cơ quan tham mưu mà trả lời lại rằng phải bàn với tập thể. Sau đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương trao đổi vấn đề của Công ty Việt Á với cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương Phạm Mạnh Cường.
Về lý do đồng ý cho Công ty Việt Á về xét nghiệm tại địa bàn Hải Dương, ông Thăng khai, ông Nguyễn Thanh Long là Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia, là người giỏi chuyên môn, vì vậy ông Thăng tin tưởng sự giới thiệu này. Ông Thăng thừa nhận đã nhận lợi ích vật chất từ Công ty Việt Á.
Nước mắt ân hận của hai nữ bị cáo
Liên quan đến vụ Việt Á, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thủy (cựu chuyên viên Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam) và Nguyễn Bạch Thùy Linh (cựu Giám đốc Công ty TNHH MTV SNB Holdings) bị truy tố tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Theo cáo trạng, cuối tháng 3/2020, bà Trần Vũ Mai Hoàng (là em họ bị cáo Thủy), nhân viên Công ty Capitaland (Công ty thuộc Chính phủ Singapore) trao đổi thông tin với bà Thủy và Linh về việc công ty này sẽ ủng hộ Chính phủ Việt Nam hàng hóa phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trị giá 1 triệu USD.
Lúc đó bà Thủy và Linh nói, Công ty Giang San của bà Linh là Đại lý cấp 1 của Công ty Việt Á, đồng thời gợi ý cho bà Mai Hoàng báo cáo lãnh đạo Công ty Capitaland mua test xét nghiệm Covid-19 do Công ty Việt Á sản xuất với trị giá 1 triệu USD để tặng Chính phủ Việt Nam.
Sau khi bà Mai Hoàng báo cáo, được lãnh đạo Công ty Capitaland đồng ý mua test xét nghiệm tặng Chính phủ Việt Nam nhưng phải kèm theo điều kiện có Thư cảm ơn của Chính phủ Việt Nam hoặc đại diện Chính phủ Việt Nam phải có mặt tại buổi lễ tiếp nhận ủng hộ, nhằm tăng uy tín cho Công ty Capitaland trên thị trường Việt Nam.
Do có mối quan hệ cá nhân với lãnh đạo cấp cao trong Chính phủ nên bà Thủy cho biết có thể can thiệp, tác động để có Thư cảm ơn của Chính phủ Việt Nam hoặc đại diện Chính phủ Việt Nam có mặt tại buổi lễ tiếp nhận ủng hộ của Công ty Capitaland. Vì vậy, Phan Quốc Việt đồng ý chi 40% giá trị hợp đồng cho bị cáo Thủy, Linh để bà Thủy thực hiện tác động, can thiệp theo đề nghị của Công ty Capitaland.
Ngày 2/4/2020, Công ty Việt Á ký hợp đồng bán 40.000 test xét nghiệm Covid-19 cho Công ty Capitaland, giá trị hợp đồng 23,58 tỷ đồng (tương đương 1 triệu USD).
Để hoàn thành hợp đồng và nhận được số tiền trên, bà Thủy đã lợi dụng mối quan hệ cá nhân với lãnh đạo cấp cao thuộc Chính Phủ để can thiệp, tác động ông Nguyễn Thanh Long (khi đó là Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế) có mặt tại buổi lễ trao test xét nghiệm Công ty Capitaland ủng hộ Chính phủ Việt Nam, theo đúng yêu cầu của công ty này.
Cáo buộc xác định bị cáo Thủy và Linh được hưởng lợi 8,085 tỷ đồng tiền % ngoài hợp đồng trên, trong đó bà Thủy hưởng lợi 2 tỷ đồng, bà Linh hưởng lợi 6,085 tỷ đồng.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, cả hai nữ bị cáo đều không cầm được nước mắt và nói lời ân hận. Bà Thủy khai: Để đáp ứng yêu cầu của Công ty Capitaland, Mai Hoàng có làm công văn gửi Bộ Y tế và một số nơi nhưng chưa có trả lời. Lúc đó, bị cáo Thủy gọi cho Nguyễn Huỳnh (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) xem công văn mà Mai Hoàng gửi Bộ Y tế đã tới chưa. Sau đó bị cáo tiếp tục gọi cho ông Nguyễn Thanh Long và được ông Long nói, sẽ nhận tại MTTQ. Theo lời bà Thủy, sau đó ông Long có nhắn cho bị cáo số điện thoại của một người ở MTTQ.
Bị cáo Thủy tiếp tục gọi điện cho ông Huỳnh để nhờ xem lịch làm việc của ông Long và được biết ông Long có lịch trao tặng kit test bên MTTQ. Bị cáo Thủy thừa nhận được bà Linh mang đến cảm ơn 2 tỷ đồng. Khi vụ Việt Á xảy ra, bị cáo lo sợ nên đem trả lại tiền vào 9/2022.
Trước tòa, bị cáo Nguyễn Thùy Linh cũng nức nở khóc, nói lời ân hận. Bị cáo khai, ngay cả khi Việt Á bị điều tra, bị cáo vẫn cho rằng mình không có sai phạm gì, đó chỉ là hợp đồng kinh doanh bình thường. Bị cáo chỉ nhận ra sai phạm của mình sau khi làm việc với CQĐT. Bị cáo Thủy sau đó cũng nộp hơn 8 tỷ đồng vào kho bạc nhà nước để khắc phục sự cố.