| Hotline: 0983.970.780

Ông Sang xứ Thanh

Thứ Tư 31/08/2011 , 10:28 (GMT+7)

Ba mươi năm qua, cùng với tập thể, cán bộ của ngành, ông Sang đã đóng góp công sức, trí tuệ của mình cho nền nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa phát triển.

Ông Nguyễn Xuân Sang vừa nhận quyết định nghỉ chế độ và thôi đảm nhiệm chức vụ PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa. Ba mươi năm qua, cùng với tập thể, cán bộ của ngành, ông đã đóng góp công sức, trí tuệ của mình cho nền nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa phát triển. Một ngày thu tháng 8, tôi đến gõ cửa nhà ông!

Ông Nguyễn Xuân Sang (bên trái) kiểm tra tình hình sản xuất hạt giống lúa lai tại huyện Yên Định (Thanh Hóa)

Ông Nguyễn Xuân Sang (bên trái) kiểm tra tình hình sản xuất hạt giống lúa lai tại huyện Yên Định (Thanh Hóa)

Nhận 3 sào ruộng Liên Xô

Ông sinh ở phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) trong một gia đình thuần nông, bố mẹ có 12 người con. Cuộc sống khó khăn, chật vật nhưng quyết tâm để học giỏi đã được ông xác định ngay từ đầu. Tốt nghiệp trường cấp 3 Đông Sơn, cậu học trò Sang được gọi vào học ở Khoa toán, Trường ĐHSP Vinh. Lúc bấy giờ mẹ ông chạy đôn chạy đáo kiếm thêm ít tiền cho con đi học. Áo quần, cơm nắm và một ít tiền, mẹ đã chuẩn bị đầy đủ. Nhưng thật bất ngờ Sang thay đổi ý định, làm đơn đi bộ đội. Trằn trọc một đêm dài, cuối cùng bố mẹ cậu đồng ý. Thế là ngày 14/8/1969, Sang lên đường vào Nam chiến đấu.

Tháng 2/1973, hiệp định Pari được ký kết, tư lệnh Sư đoàn 324 cho phép Sang trở lại quân khu Hữu Ngạn tiếp tục ôn thi đại học và Sang trúng tuyển vào Trường ĐH Y khoa Thái Nguyên với tổng điểm 26,5. Với kết quả này, Bộ Đại học đề nghị Sang đi học Đại học Nông nghiệp ở Liên Xô. “Việc này đáp ứng được khát khao của tôi là muốn làm một điều gì đó cho cây lúa, củ khoai ở quê nhà vì đời sống dân quê tôi ngày đó chật vật lắm” - ông Sang nói.

Trong câu chuyện của mình, ông Sang luôn nhắc đến đất nước Liên Xô. Ông tâm sự: “Chính tinh thần giảng dạy trách nhiệm cao của các thầy cô giáo và tình bạn bè, tình đồng chí trong lớp càng hun đúc thêm ý chí nghị lực cho mình là phải học giỏi. Thời gian này tôi nhận 3 sào ruộng của Trường Đại học nông nghiệp Tastken để kết hợp vừa học lý thuyết vừa thực hành. Tôi học ngành di truyền chọn giống cây trồng nên rất say mê tìm hiểu các tập đoàn giống, đặc biệt là giống bông. Ngoài thời gian học trên lớp, tôi thường mò ra ngoài ruộng để theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của các giống cây. Niềm đam mê của tôi "lây" sang nhiều sinh viên khác, nên họ cũng mạnh dạn nhận ruộng làm như tôi”.

5 năm học ở Liên Xô, với kết quả đỗ Tốt nghiệp loại xuất sắc, ông Sang đã được hội đồng khoa học chấm thi có văn bản đề nghị nhà nước Việt Nam đồng ý cho tiếp tục ở lại trường làm nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, theo ông Sang có hai lý do đã khiến ông không ở lại mà muốn về nước ngay. Đó là vì ông muốn được về Việt Nam làm việc và vì sau ông còn... 11 người em ruột.

Xin hai chữ kinh tế

Đầu năm 1983, ông Sang nhận công tác ở Trung tâm Giống cây trồng Đông Tân trực thuộc Cty Giống cây trồng Thanh Hóa. Được giao làm tổ trưởng đến PGĐ phụ trách kỹ thuật - kinh tế của trung tâm, ông Sang đã cùng với tập thể ra sức lao động, tìm tòi lựa chọn những bộ giống mới có nhiều phẩm chất tốt được lấy từ các địa phương và ở các Cty có uy tín đưa vào khảo nghiệm rồi tiến hành cung ứng cho nông dân thông qua các HTX.

Ông Sang nhớ lại: “Chính những lần lội ruộng cùng với nông dân các huyện ven biển Hậu Lộc, Nga Sơn... tôi đã thấm thía được những mùa vụ thất bát của bà con nông dân do đồng đất chua mặn. Đến chứng kiến những trận mưa bão làm ngập hàng ngàn ha lúa ở các huyện đồng bằng làm tôi xót xa. Từ đó, trung tâm đã tìm được các tập đoàn giống lúa ngắn ngày dùng cho vụ hè thu nhằm né mưa bão; tập đoàn giống chống chịu chua mặn để bố trí cho các huyện ven biển”.

Những năm 1980 nói đến làm kinh tế và liên kết các nhà trong sản xuất là một điều không tưởng vì cơ chế lúc ấy bó buộc lắm. Song điều đó đã được thực nghiệm một cách có hiệu quả ngay chính tại Trung tâm Giống cây trồng Thanh Hóa, nơi mà ông Sang và các cộng sự thời gian ở ruộng và các HTX nhiều hơn ở trung tâm. Cứ vào vụ, cán bộ kỹ thuật xuống tận các xã trọng điểm để liên kết xây dựng mô hình sản xuất giống mới gồm lúa và cây ăn quả. Việc đó, theo ông Sang, một mặt là để khẳng định những giống do trung tâm chọn tạo, mặt khác sau khi thu hoạch, việc đầu tiên là HTX đứng ra thu mua và đến vụ sản xuất thì cung ứng giống cho nhân dân.

Ông Phạm Hữu Diện - Bí thư Đảng ủy xã Trường Sơn (Nông Cống) lúc bấy giờ là Chủ nhiệm HTX Trường Sơn nhớ lại: “Cứ một tuần là anh Sang vào kiểm tra ruộng một lần và hướng dẫn dân các biện pháp kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh. Nhờ giống tốt nên lúa ở đây năng suất luôn cao hơn hẳn các địa phương khác. Những năm đó câu nói "Được mùa Nông Cống sống mọi nơi" không còn là thách thức với xã viên HTX chúng tôi nữa”.

Với cách liên kết đó, việc đánh giá chất lượng sản phẩm giống trên các đồng đất ngày càng sát thực tế hơn, nhân dân thấy được hiệu quả thiết thực và có quyền lựa chọn giống để đưa vào sản xuất. Cách làm của Trung tâm Giống Thanh Hóa thời bấy giờ là “to gan” vì thực tế điều này mới được thừa nhận vào năm 2002 khi Chính phủ ban hành Quyết định 80 về hợp đồng bao tiêu sản phẩm và liên kết 4 nhà. Nhớ lại việc ấy, ông Sang kể chuyện xin chữ trước khi nhận quyết định bổ nhiệm của cấp trên: “Khi biết sắp được đề bạt làm PGĐ trung tâm, tôi đã đề nghị lãnh đạo cho thêm hai chữ kinh tế sau kỹ thuật. Và đề nghị đó được chấp thuận”.

Đi cùng nông nghiệp xứ Thanh

Tháng 8/1993, ông Sang được điều lên làm việc ở VP UBND tỉnh. Gần 10 năm làm việc văn phòng, ông Sang có điều kiện được tháp tùng lãnh đạo tỉnh đi chỉ đạo sản xuất, phát triển KT-XH. Đây là khoảng thời gian ông tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm sống và cách thức tổ chức sản xuất với nhiều cách làm rất mới, có hiệu quả. Đầu năm 2001, do nhu cầu công tác, tỉnh đã điều động ông Sang về làm việc tại Sở NN-PTNT với cương vị PGĐ Sở, phụ trách trồng trọt và một số công việc khác.

Có thể nói ông Sang là người mê giống mới, nhất là giống lúa lai. Thời ông làm PGĐ Sở cũng là giai đoạn Thanh Hóa đón nhận nhiều giống lúa lai mới nhất. Có người sợ lắm giống, sinh loạn. Ống Sang nghĩ khác, nhiều giống mới chính nông dân là người được nhờ, được hưởng lợi...

Việc đầu tiên khi về Sở, ông Sang đã tham mưu cho GĐ Sở tạo bước đột phá nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích bằng cách chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, mùa vụ đến nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa có tính cạnh tranh cao, bền vững. Thị trường giống cây trồng và phân bón ở Thanh Hóa được mở cửa cho tất cả các Cty, DN ngoài tỉnh vào làm ăn.

Chỉ trong một thời gian ngắn các Cty đã mang đến cho nông dân tỉnh Thanh nhiều tập đoàn giống tốt nhất. Từ chỗ sản lượng lương thực toàn tỉnh chỉ đạt 80-90 ngàn tấn/năm bao gồm cả hạt mít, cây dong riềng, khoai lang, hạt kê thì đến nay lên trên 1,66 triệu tấn/năm, chỉ tính riêng lúa và ngô.

Không chỉ có vậy, nhiều chính sách khuyến khích, kích cầu cho nông nghiệp tỉnh Thanh phát triển thời kỳ này cũng được ra đời. Trong số đó phải kể đến các chương trình mà ông Sang trực tiếp tham gia và chỉ đạo, đó là phát triển 70.000ha lúa vùng thâm canh năng suất, chất lượng cao; chương trình 1.000ha lúa lai F1; chương trình DA cạnh tranh nông nghiệp… làm thay đổi mạnh mẽ tư duy và tạo đột phá mới trong sản xuất. Đó là tập huấn KHKT cho hàng ngàn lượt nông dân, bê tông hóa kênh, mương, đường nội đồng, cơ giới hóa trong sản xuất…

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất