| Hotline: 0983.970.780

Ông Shane Emms - Tổng giám đốc Syngenta Việt Nam: Cam kết SX giống ngô chuyển gen tại VN

Thứ Ba 08/11/2011 , 13:49 (GMT+7)

Ông Shane Emms - Tổng giám đốc Syngenta Việt Nam

Đang có những đồn thổi về giá giống ngô chuyển gen, sẽ rất đắt bởi sự độc quyền của một số Cty đa quốc gia. NNVN đã có cuộc phỏng vấn ông Shane Emms - Tổng giám đốc Syngenta Việt Nam thực hư vấn đề này...

ĐỒN THỔI HOÀN TOÀN KHÔNG CHÍNH XÁC

Ngô chuyển gen đang chuẩn bị được thương mại tại VN. Một số người cho rằng giá của giống ngô chuyển gen sẽ vào khoảng 350.000đ/kg. Là một trong số các công ty đang hoạt động rất mạnh trong lĩnh vực ngô chuyển gen, kế hoạch của các ông về việc giá bán giống ngô chuyển gen tới người nông dân VN như thế nào?

Việt Nam là một trong số các nước có dân số tăng trưởng nhanh và theo báo cáo của các nhà kinh tế thuộc Citygroup dự tính dân số VN sẽ vào khoảng 112 triệu người vào năm 2050. Dự đoán về mức tăng dân số này sẽ tạo một sức ép rất lớn lên người nông dân để sản xuất thêm lương thực trên diện tích đất canh tác hiện tại và với nguồn cung nước ít hơn. Mọi công nghệ hiện có trong sản xuất nông nghiệp để bảo vệ và gia tăng năng suất cây trồng sẽ là cần thiết để đáp ứng được nhu cầu về lương thực, thực phẩm, bông sợi và nhiên liệu sinh học trong hiện tại và tương lai.

Là một trong số các công ty hàng đầu cung cấp công nghệ trong nông nghiệp, chúng tôi cam kết mang tới các giải pháp tiên tiến cho người nông dân VN trong đó có công nghệ chuyển gen để giúp họ nâng cao năng suất ngô và thu nhập. Về giá của giống chuyển gen, thành thật mà nói chúng tôi vẫn đang tính toán và chưa có quyết định cuối cùng, điều mà tôi có thể chia sẻ với các bạn lúc này là mức giá đồn thổi hiện nay hoàn toàn không chính xác. Công nghệ của chúng tôi được định giá dựa trên giá trị gia tăng mà chúng tôi có thể mang tới cho người nông dân so với rất nhiều các sản phẩm khác hiện có trên thị trường. Việc tăng trưởng kinh doanh của công ty Syngenta dựa trên khả năng này để có thể thường xuyên cung cấp được những giải pháp chất lượng cao nhằm mang đến nhiều giá trị cho người nông dân hơn là mức giá của các sản phẩm của chúng tôi.

Xin nhắc lại, công nghệ chuyển gen sẽ mang đến nhiều lợi ích cho nông dân. Chúng bao gồm tăng năng suất cây trồng nhờ vào việc kiểm soát được sâu đục thân ngô, giảm sức ép về lao động do tính linh hoạt trong việc lựa chọn cách kiểm soát cỏ dại, khả năng nâng cao hiệu suất sử dụng đất và nâng cao thu nhập của người nông dân. Chắc chắn rằng việc giảm bớt công lao động (nhờ vào việc hạn chế được công làm cỏ bằng tay) sẽ giảm bớt áp lực đáng kể của các gia đình nông dân và cho phép trẻ em có thời gian học tập nhiều hơn hoặc họ có thể giành thời gian vào làm những công việc khác để tăng thu nhập, thậm chí kể cả nghỉ ngơi. Kèm theo đó, việc giảm thiểu làm cỏ bằng tay cũng giúp cho việc hạn chế sự xói mòn đất, một trong những thách thức hiện nay khi rất nhiều diện tích ngô đang được canh tác trên nền đất dốc.

Trong năm 2010, 15,4 triệu nông dân trên 29 nước toàn thế giới đã trồng cây chuyển gen trên diện tích đất 148 triệu ha. Trên 90% nông dân trồng cây chuyển gen (hay 14,4 triệu nông dân) là các hộ nông dân nghèo, nhỏ lẻ ở các nước đang phát triển. Cây trồng chuyển gen đã giúp nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các nông dân nghèo nhỏ lẻ đó.

Một nghiên cứu vào tháng 4/2010 của Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dựng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) đánh giá kết quả sau 14 năm kể từ khi cây trồng chuyển gen được thương mại hóa đã cho thấy rằng năng suất bình quân của người nông dân ở các nước đang phát triển tăng khoảng 16% nhờ vào các loại ngô chuyển gen kháng sâu. Năm ngoái VN nhập khẩu 1,6 triệu tấn ngô thương phẩm từ các nước Achentina, Brazil và Mỹ. Tôi tin tưởng rằng với năng suất cao của ngô chuyển gen, sản xuất trong nước sẽ tăng, giúp giảm sự lệ thuộc vào nhập khẩu và tăng cường được an ninh lương thực của VN. Chúng tôi rất hoan nghênh VN vì VN là một trong số các nước đi đầu trong khu vực  ứng dụng công nghệ này.

KẾ HOẠCH SẢN XUẤT GIỐNG TẠI VN

Một số nhà khoa học lo ngại rằng nông dân sẽ ngày càng lệ thuộc vào các công ty đa quốc gia có công nghệ cao này. Ông suy nghĩ như thế nào về điều này và ông có kế hoạch gì để sản xuất giống ở VN hay không?

Không thể chỉ riêng Syngenta hay một cá nhân nào có thể có đầy đủ các câu trả lời cho những thách thức của toàn cầu về an ninh lương thực, mà chỉ có thể là chúng ta phải cùng nhau làm việc để tìm ra những giải pháp. Chúng ta cần một loạt các công nghệ và giải pháp, cây trồng chuyển gen chỉ là một công cụ cung cấp cho nông dân mà trong canh tác nông nghiệp còn tùy thuộc vào khả năng của họ để có thể lựa chọn giải pháp phù hợp với từng điều kiện cụ thể của mình.

Sự hợp tác rộng rãi giữa các bên có ảnh hưởng là cần thiết: giữa các tổ chức phi chính phủ với các nhà làm chính sách, giữa công ty sản xuất thức ăn với người nông dân, giữa nhân viên với cộng đồng nông thôn. Chúng tôi cần chính phủ chuyển giao công nghệ tại các thị trường đang phát triển và giúp đỡ trong việc triển khai các công nghệ hiện có nhằm nâng cao năng suất và kiến thức canh tác.

Tại Syngenta, mỗi năm chúng tôi đầu tư khoảng 1 tỷ đô la Mỹ trên toàn cầu vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển để mang đến những công nghệ mới trên toàn thế giới. Không có gì phải nghi ngờ trong các khoản đầu tư này và chúng tôi sẽ phát triển công nghệ chuyên biệt để các nhà canh tác lựa chọn công nghệ phù hợp với mình – giống như Amistar Top một sản phẩm hàng đầu về thuốc trừ bệnh trên cây lúa ở VN. Thêm vào đó trên toàn thế giới hiện chúng tôi cũng đang triển khai trên 400 các thỏa thuận hợp tác.

Tại VN chúng tôi đã xây dựng được mối quan hệ rất tốt với người nông dân trên toàn quốc - nó là sự quan hệ hợp tác mà chúng tôi dựa vào người nông dân để tiếp tục giúp họ phát triển năng suất lúa, ngô và cà phê bằng công nghệ mới. Nông dân tiếp tục được lựa chọn công nghệ tốt nhất phù hợp với điều kiện canh tác của họ.

Đối với việc sản xuất giống trong nước, chúng tôi đang thử nghiệm đánh giá khả năng sản xuất tại VN. Hiện tại chúng tôi đang nhập giống từ Ấn Độ, Thái Lan và chúng tôi đang xem xét lại kế hoạch cho thị trường VN ở tương lai gần. Công ty chúng tôi có cam kết mạnh mẽ với VN và với sự thành công của nông nghiệp trong tương lai, sản xuất và chế biến là điều những bước tiếp theo của chúng tôi. Điều này sẽ tạo thêm việc làm tại VN, tăng khả năng tự chủ trong cung cấp giống và tăng thu nhập cho người nông dân cùng sự hợp tác với Syngenta.

CÔNG NGHỆ TẤT YẾU

Chúng tôi được biết hiện Syngenta đang bán giống chuyển gen tại nhiều nước, ông có thể cho biết cụ thể hơn về điều này, kể cả những thành công về sự phát triển cây trồng chuyển gen ở các nước đó?

Công nghệ chuyển gen đã cho thấy đây là một công nghệ được ứng dụng nhanh nhất trong canh tác nông nghiệp từ trước tới nay. Sự phát triển từ 1,7 triệu ha cây trồng chuyển gen vào năm 1996 đến 148 triệu ha trong năm 2010 như đã nói trên (tăng 87 lần) là cấp số tăng chưa từng có. Quan trọng hơn điều này thể hiện niềm tin và sự tin tưởng của hàng triệu nông dân trên toàn thế giới, những người thường xuyên được hưởng lợi từ các lợi ích đặc biệt và gia tăng của công nghệ sinh học trong cây trồng mang lại trong hơn 15 năm qua, điều đó tạo thêm động lực và khuyến khích mạnh mẽ nông dân trồng thêm nhiều diện tích cây sinh học hàng năm kể từ năm 1996, gần như sự tăng trưởng là 2 con số mỗi năm.

"Tại Mỹ có 33 triệu ha ngô trong đó 90% là ngô chuyển gen. Năng suất ngô đã tăng bình quân 30% kể từ khi cây ngô chuyển gen được thương mại vào năm 1996. Nông dân ở Trung Quốc cũng thấy năng suất bông tăng 24% trong vòng 3 năm, và cũng không quên rằng một lượng lớn bông chuyển gen được sản xuất tại Ấn Độ, trong khi người nông dân Philippines thông báo rằng năng suất ngô của họ tăng 60%. Đây chính là công nghệ mà chúng tôi đang mang đến VN để người nông dân VN gia tăng năng suất và thu nhập của mình".

Là một công ty toàn cầu, Syngenta hoạt động tại mọi vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Trong công nghệ chuyển gen nói riêng chúng tôi đã thiết lập hoạt động toàn cầu tại nhiều nơi trong đó Mỹ, Canada, Achentia và Brazil là lớn nhất bởi vì các nước này đã ứng dụng và phát triển rộng rãi công nghệ này.

Ở châu Á chúng tôi đã đưa cây ngô chuyển gen vào Philipines từ 5 năm trước và mức độ ứng dụng rất cao (trên 80%). Điều này vì nông dân thấy rằng nó đáp ứng được vấn đề chính trong lao động mà họ gặp phải là kiểm soát cỏ dại đơn giản và hiệu quả đối với ngô chuyển gen. Thêm vào nữa gen Bt kháng sâu đã giúp kiểm soát được sâu đục thân giúp gia tăng năng suất, đây cũng là một đặc điểm quan trọng và VN cũng sẽ được hưởng lợi. VN và Indonesia có lẽ là những nước tiếp theo ứng dụng công nghệ mới này bởi vì họ cũng gặp phải những vấn đề giống nhau về chi phí tăng và suy giảm lao động trong khu vực nông nghiệp. Thêm vào đó gia tăng sự lệ thuộc vào việc nhập khẩu ngô thương phẩm cũng là một đòi hỏi thực tế cần phải tăng năng suất đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của đất nước.

 

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất