| Hotline: 0983.970.780

Ông thủ kho liêm khiết

Thứ Hai 31/08/2015 , 09:04 (GMT+7)

Từ thời đại nhà Trần (thế kỷ 13) một ngôi làng ở vùng chiêm trũng thuộc xã La Sơn, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam ngày nay đã xin triều đình được đổi tên làng thành tên một ông thủ kho. Làng Ông Cân. 

Và làng mang tên này đã gần chục thế kỷ.

I.

Cạnh công sở xã La Sơn có một ngôi đình tên là đình Ông Cân. Nghe bảo, trước thời kỳ Cách mạng văn hóa, đó là ngôi đình to vào loại bậc nhất huyện Bình Lục, nhưng năm 1987 bị người ta dỡ bỏ đi nên bây giờ chỉ còn lại một vài dấu tích cũ và một ngôi đình nhỏ do nhân dân phục dựng.

Theo tục lệ, giống như rất nhiều làng xã ở vùng đồng bằng chiêm trũng, đình làng này thờ Đông Hải Đại Vương Nguyễn Phục, một vị quan phụ trách quân lương thời Lê Sơ, nhưng dân làng lại quen gọi là đình Ông Cân.

Đằng sau cách gọi lạ lùng này là những câu chuyện về làng xã ẩn chứa rất nhiều điều lý thú.

Thủ từ ngôi đình là ông Đặng Văn Xuân, một người đã hơn 80 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Khi nghe tôi nói muốn tìm hiểu về ngôi làng, ông bảo: Để tôi dẫn cậu sang nhà cụ Cấn, vì so với các bác ấy tôi chỉ là bậc... hậu sinh.

Cụ Đặng Văn Cấn đã hơn 93 tuổi, là một cán bộ Trung ương về hưu. Từ hàng chục năm nay, ông cụ cùng với một vài bậc cao niên khác trong làng bỏ công sức ra tìm hiểu, nghiên cứu về làng. Đặc biệt là tên gọi "làng Ông Cân".

15-19-29_nh1
Cụ Đặng Văn Cấn

“Tôi đi nhiều nơi lắm, nhưng không thấy ở đâu người ta đặt tên làng như Ông Cân. Từ xa xưa, các bậc cha ông khi đặt tên làng ở vùng chiêm trũng thường lấy tên các dòng họ, các sản vật để đặt. Trường hợp tên người như làng tôi có lẽ là duy nhất”, cụ Cấn hào hứng kể.

Theo cụ Cấn, mặc dù đã dày công mày mò, nhưng sử chép về chuyện đặt tên làng Ông Cân không có.

Ngay đến cuốn "Địa dư huyện Bình Lục" của Ngô Vi Liễn, một nhà nghiên cứu sử học khá danh tiếng từng làm Tri huyện Bình Lục cũng chỉ nhắc đến làng Ông Cân với vài dòng ngắn ngủi: "Làng Ông Cân, trước thời Trần Triều (thế kỷ thứ 13) có tên Nôm gọi là làng La hoặc La Hào, một vùng chiêm trũng thuộc tổng Bồ Xá. Tên của làng được đặt theo tên của một ông thủ kho là Ông Cân".

Vậy ông Cân là ai? Vì sao tổ tiên dân làng lại lấy tên ông để thay cho tên làng cũ khá đẹp và ý nghĩa? Bằng những dấu tích và truyền miệng, những người như cụ Cấn gói gọn tên gọi làng Ông Cân qua câu chuyện sau.

Rằng từ đời nhà Trần, làng La là trung tâm của xã La Hào, có ba mặt giáp Đông, Tây và Đoài thuộc tổng Bồ Xá. Đó là vùng “chiêm khê mùa thối” nhưng lại là một trong những điểm đặt kho quân lương vô cùng quan trọng của triều đình.

 Xưa nay các triều đại phong kiến cực kỳ coi trọng vấn đề xây dựng kho quân lương. Đó là số lương thực, nhu yếu phẩm nhằm phòng khi giang sơn xã tắc xảy ra binh biến.

Thủ kho trông coi kho quân lương thường được tuyển chọn cực kỳ khắt khe. Nhất thiết phải là người trung thực, dũng cảm. Người ấy còn có thể huy động được cả binh lính mỗi khi cần.

Kho quân lương ở làng La đặt ở cánh đồng chua Nấm Đốt, ngay dưới nền đình làng bây giờ. Thủ kho bấy giờ là một người đàn ông tên là ông Cân.

Có thể do chiến tranh loạn lạc, sử chép bị đốt cháy, mất mát nên những thông tin về người thủ kho này không còn gì cả. Không ai biết quê quán, gia thế, cuộc đời ông Cân ra sao, thậm chí đến cả họ của ông cũng không ai nhớ. Chỉ biết đó là một người thủ kho vô cùng thanh liêm, minh bạch và cực kỳ dũng cảm.

Tương truyền, trong 30 năm Triều Trần chống quân Nguyên Mông xâm lược, ông Cân là người thủ kho tổ chức cung ứng và vận chuyển quân lương cho các đạo quân đánh thắng giặc ngoại xâm.

Ông dũng cảm bảo vệ kho lương trước đám lục lâm thảo khấu ngày đêm nhăm nhe đòi cướp, xuất nhập rõ ràng, vận chuyển đầy đủ, không hề thiếu, dù chỉ một hạt thóc phục vụ quân lính.

Gặp những năm thiên tai, mất mùa, ông Cân đề đạt quan trên xin được miễn thu ở vùng này, thu thêm ở vùng khác bằng hình thức hỗ trợ lẫn nhau lúc khó khăn.

Song song với công việc canh giữ quân lương, ông Cân huy động binh lính hỗ trợ dân làng khai hoang, cải tạo đồng ruộng, mở rộng thêm diện tích cày cấy cho nhân dân sản xuất.

Danh tiếng người thủ kho ở làng La vang đến tận triều đình. Quân thần Trần Triều đều cho rằng, đó là một bậc hiền tài của đất nước. Khi thiên hạ thái bình, triều đình tổ chức luận công ban thưởng cho những người có công đóng góp.

Nhớ đến công lao người thủ kho ở làng La, triều đình ban thưởng cực hậu và dự định thăng quan cho ông, nhưng ông Cân từ chối. Nghe các cụ kể lại, những phần thưởng vua ban cực kỳ hậu hĩnh, ông Cân nhận hết nhưng sau đó ban phát lại hết cho dân chúng, còn bản thân tiếp tục làm người thủ kho liêm chính.

Sau khi ông Cân mất, để tưởng nhớ công lao người thủ kho thanh liêm, người dân làng La đệ đơn lên tận triều đình xin được đổi tên làng mình thành làng Ông Cân. Nguyện vọng của dân làng được triều đình chấp thuận. 

15-19-29_nh3
Đình làng Ông Cân

Trải qua hàng mấy thế kỷ, vật đổi sao dời, lịch sử biến động, vậy mà tên làng không bao giờ thay đổi. Ngay chỗ đặt kho quân lương mà ông Cân làm thủ kho ngày trước, nhân dân trong làng dựng lên một ngôi đình rất to, gọi là đình Ông Cân, một biểu tượng về phẩm chất thanh liêm, chính trực, công bằng.

Cụ Cấn kể thêm: Thời kỳ cách mạng, nhiều lần huyện Bình Lục tổ chức sáp nhập các xã, các thôn. Có những tên làng, tên xã bị mất, nhưng làng Ông Cân không có gì thay đổi.

Kể cả khi xã La Hào sáp nhập với xã La Sơn, Tập Mỹ, Đồng Rồi thì làng Ông Cân vẫn giữ nguyên, thậm chí còn được chọn làm trung tâm của xã.

II

Có một sự trùng hợp đến nay vẫn chưa ai giải thích được. Không hiểu vì nguyên do gì mà mỗi lần đất nước có chiến tranh thì làng Ông Cân lại được chọn làm địa điểm đặt kho quân lương.

Từ thời phong kiến cho đến thời chống đế quốc. Khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, làng Ông Cân tiếp tục trở thành kho quân lương khổng lồ phục vụ cho bộ đội ta. Những năm tháng ấy, trong ký ức của các bậc cao niên trong làng "tinh thần ông Cân" được phát huy tối đa trong công cuộc sản xuất, bảo vệ lương thực phục vụ chiến tranh.

Trong cuốn "Lịch sử Đảng bộ xã La Sơn" có đoạn: Năm 1944, trước thực trạng sưu cao thuế nặng của bọn hào lý địa phương, người họ Đặng và họ Nguyễn ở làng Ông Cân, đứng đầu là hai tộc trưởng xin gặp tri phủ Bình Lục Dương Cự Tẩm vạch mặt bọn tổng lý địa phương và đòi nộp thẳng thóc vào kho của huyện. Tri phủ phải thực hiện yêu cầu, dân làng giảm được mấy tấn thóc.

Từ năm 1952 đến năm 1954, làng Ông Cân, xã La Sơn được nhận giao nhiệm vụ tiếp nhận thóc ở các nơi tập kết xay xát, vận chuyển phục vụ vùng tự do và vùng chiến dịch.

Đội thuyền của nhân dân được lập, mỗi thuyền chở 800-1.000kg gạo, tổng cộng có hàng ngàn tấn gạo từ làng "đêm đi ngày nghỉ" phục vụ các chiến dịch chống ngoại xâm.

Đồng chí Trần Thị Đũi với một chiếc thuyền nan chở lương thực cho bộ đội bị địch bắn chết giữa đồng. Bà Tuyết chỉ đạo xát gạo cho bộ đội bị cụt mất một tay...

"Những ngày ấy, nhân dân trong làng ngày đêm tiếp nhận lúa, bảo quản, xay xát nhộn nhịp, hàng trăm cối xay, giã gạo, huy động đến cả cụ già, em nhỏ. Có những gia đình gặp khó khăn, thiếu thốn lương thực lúc ngày ba tháng tám nhưng cũng tham gia nhiệt tình.

Họ chỉ nhận phần trấu, cám về ăn, còn gạo để phục vụ chiến dịch. Ai làm vụng, không đủ chỉ tiêu đã tự nguyện lấy gạo của gia đình để bù vào.

Ông Cân trở thành ngôi làng hứng chịu mưa bom bão đạn nhiều nhất bởi địch phát hiện đây là kho lương thực của bộ đội. Cấp trên thí điểm làng theo mô hình "rào làng kháng chiến", thực chất là để bảo vệ lương thực. Giặc điên cuồng ném bom, đốt cháy 7 thương binh và một cụ già khi họ đang cố thủ kho lương...", cụ Cấn kể tiếp.

Sau những năm tháng bị tàn phá, người làng Ông Cân muốn phục dựng lại ngôi đình để tưởng nhớ công ơn người thủ kho thuở trước. Phương án phục dựng được đưa ra bàn bạc, tổng cộng hết khoảng một tỷ đồng.
Nhân dân hưởng ứng đóng góp ngay, nhưng các bậc cao niên trong làng, sau khi suy nghĩ kỹ đã quyết định lùi thời hạn phục dựng, chờ đời sống người dân thực sự khấm khá mới làm.
Cụ Cấn nửa đùa nửa thật: Chúng tôi nghĩ, với tính cách ông Cân thì chắc ông sẽ đồng ý với quyết định này. Đời sống người dân quan trọng hơn là đền đài miếu mạo.

Cụ Cấn khi ấy là Bí thư Chi bộ La Hào. Năm 1952 là năm đầu thực hiện thuế nông nghiệp, đúng vào năm thời tiết không thuận, hạn hán kéo dài, vụ chiêm xuân thất bát, nhưng nhân dân trong làng vẫn thắt lưng buộc bụng, hi sinh bản thân mình nuôi giấu cán bộ, giúp đỡ đồng bào tản cư.

Họ tự mình mò cua bắt ốc sinh sống để chắt chiu, cất giấu từng hạt gạo, bổ sung vào kho lương thực để có từng đợt, từng thuyền chở hàng trăm tấn gạo vượt quan đồn bốt, phục vụ các chiến dịch, không thiếu một cân.

III

Dấu tích về người thủ kho năm xưa còn lại cực ít, nhưng "tinh thần ông Cân" còn nguyên vẹn cho đến hôm nay ở ngôi làng được đặt theo tên ông.

Làng Ông Cân bây giờ có khoảng 150 hộ dân, thuộc vào loại trù phú nhất ở vùng chiêm trũng La Sơn. Bí thư chi bộ thôn Ông Cân, Phan Đình Ngự, một cán bộ huyện về hưu nói với tôi, cuộc sống tương đối no đủ của dân làng này đều phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và máu.

Nếu không tin hãy đi dọc cánh đồng của làng. Những cánh đồng mà tên gọi còn hằn in rất đậm sức vóc người làng bỏ ra để cải tạo thiên nhiên không thuận lợi: Đồng Vỡ, Ao Vượt, Hồ Cả, Sóng Bạc, Rộc Quýt…

Làng Ông Cân còn là nơi sinh ra nghề thợ thổ. Đó là lớp người sức vóc, gan dạ, cực kỳ sòng phẳng. Họ hành nghề làm thuê cho những ngôi làng có nhu cầu cải tạo đất vùng chiêm trũng.

Làm đồng theo kiểu mùa nước về, lặn sâu xuống 1-2 mét để cải tạo đất. Mà phải cải tạo được ruộng sâu cấy hái được mới lấy tiền công.

15-19-29_nh4

Thợ thổ chính là hình ảnh rõ nét nhất về người làng Ông Cân: Lam lũ, vất vả, chẳng hề từ nan. Dân làng Ông Cân không giỏi "ân Chương Cói, nói Đồng Canh", giống những ngôi làng bên cạnh. Trong làng có hai dòng họ lớn là họ Ngô và họ Đặng. Họ Ngô giỏi ruộng đồng, làm ăn kinh tế. Họ Đặng lại giỏi về cách mạng.

Có ông họ Ngô bây giờ là chủ một tiệm vàng lớn ở Thủ đô Hà Nội. Có ông họ Đặng từng làm Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam. Nhưng cốt cách người làng Ông Cân muôn đời nay dường như bất biến. Đúng như Ngô Vi Liễn đúc kết trong cuốn Địa dư Bình Lục: "Những người gan sắt ai bì/ Gặp cơn hoạn nạn ngán chi cường quyền".

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.