| Hotline: 0983.970.780

Ông Thực ưu tú

Thứ Tư 08/10/2014 , 08:25 (GMT+7)

Ông Thực bảo đời mình có việc làm ý nghĩa nhất, đó là lần “hiến thận cho cách mạng” và “hiến đất xây dựng NTM”.

3 sào đất không chỉ là “bờ xôi ruộng mật”, là miếng cơm manh áo của đôi vợ chồng già, nó còn là mồ hôi, giọt máu mà ông Phùng Mạnh Thực (thôn Hòa Trúc, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội) đã đánh đổi trong công cuộc bới đất lật cỏ khai hoang mới có được. Thế mà, khi Nhà nước cần, ông trao cả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất  cho cán bộ địa chính xã.

Quả thận và mảnh đất

Tôi cứ nghĩ, người không mảy may tính toán hơn thiệt khi hiến 1.080 m2 đất canh tác, để thôn làm đường giao thông nội đồng như ông Thực thì phải là một đại gia. Thế nhưng, cuộc sống đơn sơ lại bủa vây quanh ngôi nhà cấp bốn của ông Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Hòa Thạch.

“Mấy gian nhà này tôi dựng từ năm 1981, toàn gỗ tự tay mình trồng. Giờ nó xập xệ rồi. Vài bữa trước, Hội Cựu Chiến binh và Mặt trận Tổ quốc huyện Quốc Oai về thăm, các anh bảo sẽ hỗ trợ khoảng 50 triệu đồng để tôi sửa sang căn nhà tươm tất, nhưng tôi từ chối. Tôi bảo nhường phần ấy cho anh em TNXP có hoàn cảnh khó khăn hơn mình”, ông Thực kể.

Ông Thực bảo đời mình có việc làm ý nghĩa nhất, đó là lần “hiến thận cho cách mạng” và “hiến đất xây dựng NTM”.

Câu chuyện thứ nhất diễn ra vào năm 1965. Khi ấy, ông là TNXP thuộc đơn vị C227, Tổng đội TNXP 79. Một lần tham gia sửa chữa cầu Đò Đông (huyện Diễn Châu, Nghệ An), đế quốc Mỹ đánh phá dữ dội, ông đã bị một mảnh bom xuyên thủng da, cắt đứt quả thận phải. Ông may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An cứu sống.

“Bác sĩ hỏi tôi có lo lắng khi trong người chỉ còn một quả thận không? Tôi bảo, ngoài mặt trận có biết bao nhiêu người hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, mình không chết là may lắm rồi”, ông Thực nhớ lại.

Trở về quê năm 1970, ông Thực lấy vợ rồi sinh 5 người con. Cuộc sống khó khăn đeo bám cựu TNXP. Thời ấy, đất hoang còn nhiều. Hai vợ chồng hì hục bới đất lật cỏ để trồng sắn. Có khu đất cỏ dại mọc um tùm, cầm tay nhổ tứa cả máu. Đôi bàn tay của ông chai sạn thêm bao nhiêu thì đồng đất càng thêm dài rộng. Cả gia đình vẫn bám vào đó để sống.

Mấy năm nay phong trào xây dựng NTM được triển khai, mặc dù giữ chức Chủ tịch Hội Cựu TNXP của xã nhưng ông Thực thú nhận: Lúc đầu tôi cũng chả hiểu mô tê 19 tiêu chí NTM ra sao, chỉ đến khi cán bộ xã xuống thôn tiếp xúc cử tri và phát tài liệu cụ thể thì chúng tôi mới hình dung ra.

Tôi chỉ nghĩ đơn giản, làm NTM trước tiên phải dồn điền đổi thửa và cứng hóa đường nội đồng. Nhà tôi có 7 mảnh ruộng, nằm rải rác khắp làng. Đất trũng, mỗi năm chỉ cấy thuận vụ chiêm xuân. Vụ mùa đường đất lầy lội, lúc gặt phải lội bì bõm mấy trăm mét mới vác được bó thóc lên bờ. Lúc nào nước dâng cao, bà con chỉ còn cách đưa thuyền ra đồng kéo lúa cho đỡ nhọc.

Là Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã, ông Thực nằm trong ban khảo sát các tuyến đường nội đồng và vận động nhân dân thôn Hòa Trúc hiến đất xây dựng NTM. Nói đến chuyện mở rộng đường xá, dồn ô đổi thửa bà con gật gù đồng ý, nhưng khi vận động hiến đất, góp của thì đa số đều xoa đầu, gãi tai. Có người bảo: “Đất của tôi đến đây, gỗ của tôi đến kia, giờ thôn muốn lấy đi thì phải có cái gì bù đắp chứ?”.

Một lần, tôi tự hỏi: Mình là người đứng đầu một tổ chức Hội, nhưng đã làm được gì thực sự có ý nghĩa cho quê hương? Nhà mình cũng có ruộng, có đất như bà con trong thôn xóm. Mình chưa hiến thì dân làm sao tin?

Nghĩ thế, ông Thực bàn với vợ hiến 3 sào ruộng cho Nhà nước. Bà Thiết, vợ ông Thực, sống tần tảo quen rồi, bữa cơm cũng chỉ thích ăn con tép, đĩa rau nên ủng hộ chồng nhất mực. Cùng đăng ký xin hiến đất với ông Thực còn có trưởng thôn Hòa Trúc Hoàng Hồng Quân, hiến 400 m2 đất và 3 bụi tre lâu năm.

Từ ấy, dân tin tưởng cán bộ. Đường nội đồng mở rộng bao nhiêu, bà con vui vẻ góp đất bấy nhiêu. Có ông Hoàng Văn Ngàn (79 tuổi) còn xin hiến thêm 500 m2. Đoạn nào vướng tường bao, bờ dậu, chủ nhà tự động phá, xây lùi vào trong.

“Ngày nay ô tô, máy gặt, máy bừa có thể đi tới bất cứ thửa ruộng nào trong thôn Hòa Trúc. Ruộng đồng trước đây chỉ cấy vụ chiêm, giờ được chỉnh trang lại để gieo thêm vụ mùa. Đời sống của bà con cũng khấm khá hơn”, ông Thực vui vẻ kể.

15-45-53_nh-1
Ông Thực chăm sóc vườn bưởi Diễn

Hiến kế dẹp đám tang linh đình

Khoảng 3 năm trở về trước, mỗi khi có người trong thôn Hòa Trúc qua đời, gia chủ phải chi 6-7 triệu đồng đón gánh hát “khốc thập ân” (cách khóc gọi hồn, dẫn hồn, biết cách vừa khóc vừa kể công dưỡng dục sinh thành) về khóc thuê náo động. Có gia đình bày cả trăm mâm cỗ tiếp đón người đưa tang.

Ông Thực nhìn thấy “chướng mắt” nên đề xuất với Hội Người cao tuổi thôn thành lập tổ nhạc hiếu, phục vụ nghi thức tang lễ theo phong tục của địa phương. Ý tưởng của ông Thực chưa trình bày hết, các cụ già đã vỗ tay hưởng ứng.

Những ngày đầu mới thành lập, để có nguồn kinh phí mua nhạc cụ và duy trì hoạt động, mỗi gia đình tổ chức tang ma chỉ phải đóng góp ủng hộ 1 triệu đồng. Nhận thấy tính hiệu quả của tổ nhạc hiếu thôn Hòa Trúc, 4 thôn khác trong xã Hòa Thạch cũng học tập làm theo. Chuyện cỗ bàn linh đình trong đám hiếu cũng được dẹp. Đời sống văn hóa của làng quê chuyển biến tích cực.

Với những đóng góp thiết thực cho cộng đồng, ông Phùng Hữu Thực đã được xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2014.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất