| Hotline: 0983.970.780

Ông Trần Bắc Hà chết, các đại án liên quan sẽ ra sao?

Thứ Năm 18/07/2019 , 16:25 (GMT+7)

Trao đổi với NNVN, các luật sư cho rằng, việc ông Trần Bắc Hà chết trong thời gian tạm giam sẽ có những thay đổi đến các đại án liên quan đến bị can này.

Theo quy định, có thể hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản đã áp dụng đối với bị can đã chết (nếu có).

Ông Trần Bắc Hà sinh ngày 19/8/1956, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), bị bắt ngày 29/11/2018 về hành vi vi phạm các hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng và hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo điều 206 Bộ luật Hình sự 2015.

Ngày 18/7, đại tá Đỗ Quang Mão, Chính uỷ Bệnh viện quân y 105 (Sơn Tây, Hà Nội) cho biết sáng cùng ngày bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Trần Bắc Hà từ trại giam quân pháp ở huyện Ba Vì chuyển đến.

Theo ông Mão, ông Hà đã tử vong ngoại viện từ trước đó nên đơn vị chỉ chuyển thi thể vào bảo quản ở nhà tang lễ, không can thiệp gì thêm về mặt lâm sàng.

Ông Trần Bắc Hà là bị can trong đại án xẩy ra tại BIDV và liên can đến hàng loạt đại án của các đại gia khác như Trầm Bê, Phạm Công Danh... Vì vậy, dư luận quan tâm, sau khi bị can này chết, các vụ án liên quan sẽ như thế nào?

Trao đổi với NNVN, Luật sư Trịnh Anh Dũng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trịnh cho biết: Trường hợp bị can chết, CQĐT căn cứ quy định tại khoản 1, Điều 230, khoản 7, Điều 157 BLTTHS năm 2015 ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can đã chết. Trong trường hợp có nhiều bị can, CQĐT tiếp tục điều tra đối với các bị can khác trong vụ án theo quy định. Ngoài ra, trong trường hợp này, căn cứ quy định tại Điều 130 BLTTHS 2015, CQĐT phải huỷ bỏ biện pháp kê biên tài sản, phong toả tài khoản đang áp dụng với bị can đã chết (nếu có).

Tháng 6/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng sau khi xác định ông Hà có những vi phạm rất nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật, trong đó có việc vi phạm quy trình, thủ tục phê duyệt một số khoản cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), nơi Phạm Công Danh từng là Chủ tịch HĐQT.

Tuy nhiên, tại phiên xét xử vụ án này vào tháng 1/2018, khi được triệu tập đến toà với tư cách “người có nghĩa vụ liên quan”, ông Hà đã vắng mặt với lý do “xin ra nước ngoài chữa bệnh”. Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định, những quyết định của người đứng đầu BIDV gián tiếp giúp Phạm Công Danh rút tiền trái phép của VNCB, gây thiệt hại 2.550 tỷ đồng.

Ông Hà còn được xác định liên quan tới đại án Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàng Sacombank, với 2 tư cách: người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, là người làm chứng.

Đối với vụ án xẩy ra tại BIDV, ngày 10/1, Bộ Công an khởi tố bổ sung đối với ông Hà về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng với hành vi sai phạm liên quan đến việc phê duyệt cấp tín dụng cho Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng.

Cơ quan điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét đối với Đoàn Ánh Sáng, nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV;  Ngô Duy Chính, nguyên Giám đốc BIDV, Chi nhánh Hà Thành; Nguyễn Xuân Giáp, nguyên Phó Giám đốc BIDV, Chi nhánh Hà Thành;  Phạm Hồng Quang, nguyên Trưởng Phòng Khách hàng doanh nghiệp 1 BIDV, Chi nhánh Hà Thành; Đặng Thanh Nam, nguyên cán bộ Phòng Khách hàng doanh nghiệp 1 BIDV, Chi nhánh Hà Thành.

Cũng trong vụ án BIDV, con trai ông Trần Bắc Hà là Trần Duy Tùng (34 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn An Phú) bị khởi tố và bắt tạm giam về hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng xảy ra tại BIDV và Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà.

Cùng bị bắt với Trần Duy Tùng còn có 3 vị can khác gồm: Đinh Văn Dũng (nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà), Trần Anh Quang (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà) và Thái Thành Vinh (Cổ đông Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà). Cả ba người này bị khởi tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, riêng Đinh Văn Dũng bị khởi tố thêm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hiện cơ quan chức năng đang làm rõ nguyên nhân tử vong của ông Trần Bắc Hà.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm