| Hotline: 0983.970.780

Ông trùm chuối tiêu

Thứ Tư 18/02/2015 , 06:16 (GMT+7)

Chuối tiêu Việt Nam thơm ngon hơn chuối Dole của Philippines. Trong khi chuối Dole tràn sang các siêu thị ở Hà Nội bán giá tới 40 nghìn đồng/kg thì chuối tiêu VN chỉ bán xô được có 5-7 nghìn đồng/kg.

Anh Phạm Năng Thành, “ông trùm chuối tiêu” (sinh năm 1979, xã Đại Tập, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) mang đầy trăn trở như vậy khi tâm sự về kế hoạch đưa quả chuối tiêu hồng Hưng Yên ngang tầm thế giới.

14-39-12_dsc_0136
Chân dung “trùm chuối tiêu” Phạm Năng Thành

Đưa chuối tiêu sang trời Tây

Từ đê sông Hồng luồn qua những cánh đồng chuối ngút tầm mắt, cuối cùng cũng tìm được tới nhà anh Phạm Năng Thành. Chiếc xế hộp cáu cạnh đỗ xịch trước căn biệt thự 3 tầng thênh thang, người đàn ông với dáng người rắn rỏi, tóc cua ngắn bước xuống bắt tay chúng tôi.

Anh Thành cho biết, vừa đi đàm phán xong với một đối tác ở Lương Sơn (Hòa Bình) để thuê khoảng 60 ha trồng chuối. Tham vọng của anh không chỉ dừng lại ở vùng chuối khoảng hơn 30 ha tại quê hương huyện Khoái Châu, mà sắp tới sẽ đưa cây chuối “tây tiến” lên ven trục đường Hồ Chí Minh.

Dự án lớn này của anh sẽ bắt đầu khởi động từ năm 2015, với dự định từng bước hình thành vùng SX chuối tập trung quy mô lớn, quy trình SX, công nghệ thu hoạch và đóng gói ngang tầm với các tập đoàn SX chuối lớn trên thế giới.

Dẫn chúng tôi ra khu xưởng sơ chế đóng gói chuối XK với hệ thống xử lí bảo quản sơ chế hiện đại, những thùng chuối xếp đều tăm tắp, nải nào cũng nung núc quả, anh Thành cho biết sau một thời gian SX chuối theo quy trình sạch VietGAP, toàn bộ diện tích chuối 30 ha của anh tại xã Đại Tập đã được cấp chứng nhận.

Cách đây hơn 3 tháng, anh cũng đã tìm được một đối tác của Ảrập Xêút để XK chuối và trở thành DN đầu tiên ở miền Bắc đưa chuối đi Tây.

Anh Thành tâm sự: "Có lần đi dự hội nghị về nông dân tiên tiến, mặc dù đã rất khiêm tốn tiết lộ doanh thu từ cây chuối của mình mỗi năm hơn 7 tỉ đồng, nhưng đại biểu ai nấy đều tròn mắt nghi ngờ, không ai nghĩ trồng chuối thôi lại có nguồn thu lớn thế. Bởi lâu nay ở miền Bắc, nhắc tới cây ăn quả người ta chỉ thấy nhắc nhiều tới vải, nhãn, bưởi, cam… chứ chuối thì chẳng mấy ai ngó ngàng".

Thực tế diện tích, sản lượng chuối ở phía Bắc hiện nay còn bát ngát, nhưng 70% diện tích ấy là được trồng nhỏ lẻ, phân tán, không hình thành được vùng SX lớn và đủ tiêu chuẩn XK.

Vì vậy có chăng, chuối VN lâu nay chỉ XK được sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên với “ông trùm chuối”, mục tiêu hướng tới lại không phải thị trường Trung Quốc mà phải vươn ngang tầm tiêu chuẩn chuối quốc tế.

“Tôi đã tìm hiểu điều kiện tự nhiên của nhiều nước XK chuối lớn, đặc biệt là Philippines, điều kiện trồng chuối của họ kém hơn cả VN, vậy nhưng họ có cả một tập đoàn SX thương mại chuối lớn như Dole.

Chuối Dole của họ tràn sang cả siêu thị tại Hà Nội, bán giá tới 39 - 40 nghìn đ/kg, trong khi chuối bà con ta trồng bán mớ chỉ 5-7 nghìn đ/kg. Điều này cho thấy không phải chúng ta không trồng được chuối, mà vấn đề nằm ở cách trồng và thương mại ra sao”, anh Thành so sánh.

Bằng chứng cho lợi thế này, mới đây, phía đối tác Ảrập Xêút sau khi sang tận vùng nguyên liệu chuối SX theo quy trình VietGAP của anh tại Khoái Châu đã không chê vào đâu được về chất lượng.

14-39-12_dscf1757
Kho sơ chế chuối trước khi XK của anh Thành

"Thực ra chuối ở VN đang bị thiếu nước rất nhiều, mỗi buồng ra 10 nải nhưng vì thiếu nước, thiếu quy trình chăm sóc đầu tư nên không bao giờ thu được cả 10 nải. Vì vậy trồng chuối thì nhất định phải chủ động tưới, nếu đầu tư được công nghệ tưới nhỏ giọt thì càng tốt. Năm 2015, tôi sẽ đầu tư quy trình tưới tiết kiệm nhỏ giọt để giảm bớt chi phí tưới.
Tuy nhiên, để đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm sẽ không rẻ và không phải ai cũng có vốn đầu tư. Vì thế nếu nhà nước có chính sách đầu tư, hỗ trợ khâu tưới nhỏ giọt cho người trồng chuối, sẽ hình thành được các vùng chuối hàng hóa tập trung để XK”. (Anh Phạm Năng Thành)

Cụ thể, họ chỉ yêu cầu mỗi thùng chuối 6 nải, trọng lượng mỗi nải phải đạt trên 2 kg, tối thiểu phải đạt 13,5 kg/thùng. Tuy nhiên đa số các thùng chuối do anh Thành SX chỉ cần đóng 5 nải/thùng cũng đã vượt 13,5 kg, vượt xa tiêu chuẩn yêu cầu, mẫu mã chuối cũng rất đẹp, đồng đều.

Về dư lượng các chất tồn dư và BVTV, sau khi đối tác lấy 4 mẫu đất và chuối phân tích, tất cả đều đạt yêu cầu do chuối được trồng theo đúng quy trình VietGAP.

Đánh giá rất cao chất lượng chuối của VN, phía đối tác đã đề nghị cơ sở anh Thành cung cấp nguồn hàng 1 container/ngày, vận chuyển bằng đường biển qua cảng Hải Phòng.

Để đáp ứng nhu cầu, ngoài diện tích hơn 30 ha của mình, anh Thành còn sẵn sàng tư vấn kỹ thuật miễn phí và nhận bao tiêu chuối cho tất cả các hộ dân tại địa phương với diện tích thường xuyên khoảng trên 30 ha.

Để chủ động kiểm soát kỹ thuật, đặc biệt là tránh dính tồn dư thuốc BVTV, khi chuối bắt đầu trổ buồng, chủ cơ sở này sẽ “mua non” toàn bộ diện tích nếu hộ dân nào có nhu cầu bằng cách ứng trước 30% giá trị. Mặc dù vậy, do nguồn hàng đáp ứng đủ yêu cầu XK còn rất hạn chế nên hiện tại, mỗi tuần cơ sở của anh chỉ đủ cung cấp cho đối tác 2 container, tương đương khoảng 40 tấn.

Ngoài XK, cơ sở của anh hiện đã đăng ký bản quyền thương hiệu “Chuối 3T” cung cấp cho hệ thống siêu thị, cửa hàng, nhà ăn tại khắp Hà Nội với sản lượng hàng chục tấn/ngày.

“Chuối Dole của Philippines chất lượng còn thua chuối Khoái Châu, nhưng bán giá tới 40 nghìn đ/kg vẫn tiêu thụ tốt. Nếu chuối 3T của tôi chỉ cần bán với giá bằng ½ của họ cũng đã siêu lãi. Vì vậy ngoài XK, chiến lược trước hết của tôi vẫn sẽ là giành cho được thị trường nội địa bằng các phương án phát triển thương mại, rút ngắn tối đa khâu trung gian.

Lợi thế của thị trường chuối VN là đặc thù nhu cầu lễ Tết, chuối lại là loại hoa quả lành tính, rất giàu chất dinh dưỡng nên tương lai thị trường chuối tại VN sẽ còn thênh thang”, anh Thành tính toán.

Chuối "xơi" đậu tương

Theo anh Thành, với mật độ khoảng 80-90 cây chuối/sào, tính ra mỗi năm trừ tất cả chi phí cho thu nhập bèo bọt nhất cũng không dưới 7 triệu đồng, nếu chăm sóc tốt có thể tới 20 triệu đồng/sào, cao gấp hàng chục lần trồng dong riềng.

Đối với nông dân vùng bãi, chưa có loại cây trồng nào đầu tư ít, dễ trồng mà lại có thể giúp họ làm giàu nhẹ nhàng như cây chuối.

Từ chỗ đất nông nghiệp cho không ai sử dụng, hiện nay dân trồng chuối ở Khoái Châu (Hưng Yên) đã tỏa đi thuê đất trồng chuối khắp nơi ở miền Bắc với giá từ 1,5 - 2 triệu đồng/sào/năm, góp phần làm cho thị trường đất nông nghiệp rất sôi động.

Sở dĩ vì thế mà diện tích chuối không chỉ vùng bãi mà đang mở rộng ra toàn huyện Khoái Châu. Riêng các xã vùng bãi ở huyện này thì gần như cây chuối đã phủ xanh 90%. Mỗi ha chuối một năm, trừ chi phí nông dân thu lãi từ 200 - 250 triệu đồng là không phải bàn, tuy nhiên, để trồng được chuối bền vững, đủ tiêu chuẩn XK thì không phải nông dân nào cũng làm được.

Nhiều người nghĩ trồng chuối theo VietGAP tốn kém, nhưng thực ra lại không hề. Đơn cử như việc sử dụng phân bón, hiện đa số người dân sử dụng phân hóa học quá nhiều. Bón phân hóa học chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, nhưng lại lợi bất cập hại.

Ở miền Bắc, nếu bón phân hóa học thì chuối vào tháng 7, tháng 8 nhìn vườn chuối rất đẹp, mướt mắt, nhưng về cuối năm khi thời tiết rét, hanh khô, sương muối, đa số vườn chuối bón phân hóa học bị cằn cỗi, không còn chiếc lá xanh nào ra hồn.

Trong khi để chuối tiêu đạt yêu cầu XK, tiêu chuẩn mỗi cây chuối lúc nào trên cây cũng phải có từ 8-12 tàu lá xanh cho tới lúc thu hoạch buồng.

Để khắc phục điều này, bên cạnh phân chuồng, tro bếp… anh Thành còn sử dụng cả đậu tương để bón cho chuối. Anh phân tích, trong đậu tương có tới trên 50% đạm hữu cơ. 1 kg NPK hay đạm hóa học hiện giá tới 15 nghìn đồng, nhưng bón xuống thực ra cây trồng chỉ hấp thu được tỉ lệ % rất nhỏ, còn lại đều hao phí.

Trong khi đó, 1 kg đậu tương hiện nay cũng chỉ có giá 15 nghìn đồng, nếu đảm bảo độ ẩm, cây chuối sẽ “ăn” đạm hữu cơ dần dần, hiệu quả cao hơn rất nhiều so với đạm vô cơ và lại không làm cằn đất.

Để tận dụng tốt nhất đạm hữu cơ từ đậu tương, trước mỗi vụ xuống giống chuối, anh đều vãi trước một vụ đậu tương trên đất trồng chuối, khi chuối trưởng thành cũng là lúc đậu tương cho thu hoạch.

“Việc vãi đậu tương xen canh trên đất trồng chuối tôi không đặt vấn đề thu hoạch, mà sẽ vùi luôn vào gốc chuối để tận dụng đạm hữu cơ từ đầu tương. Bên cạnh đó, tôi đang nghiên cứu dần việc sử dụng bột cá để bón chuối bởi đây cũng là sản phẩm rất giàu đạm hữu cơ”, anh Thành tiết lộ.

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm