Tại sao lại Iowa?
Trên thực tế không phải ai cũng lạc quan với triển vọng Mỹ và Trung Quốc sớm đạt được thoả thuận về thương mại, dù chỉ ở giai đoạn đầu tiên.
Lý do thì quá dễ nhận ra, Bắc Kinh cũng như Washington đã quá nhiều lần đưa ra các tuyên bố “có cánh” sau các lần đàm phán giữa đôi bên, nhưng mọi thứ rốt cuộc vẫn bế tắc.
Một thoả thuận thương mại ký kết tại Iowa có thể được xem như chiến thắng đối với ông Trump |
Lần này cũng không phải ngoại lệ. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết sau khi Chile huỷ kế hoạch tổ chức Hội nghị cấp cao APEC, giới chức Mỹ-Trung đã lập tức thảo luận để định thời gian cũng như địa điểm mới cho cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập.
Một nguồn tin cho biết, Nhà Trắng đã đưa ra lời mời ông Tập Cận Bình tới Mỹ, cụ thể tại Iowa, một bang miền tây nước Mỹ. Hai nơi khác được cân nhắc là Alaska hoặc Hawaii. Tuy nhiên, Bắc Kinh hiện chưa đưa ra xác nhận chính thức có nhận lời mời hay không.
Theo Reuters, không phải ngẫu nhiên Washington lại nghĩ tới Iowa. Đây là bang có mối quan hệ lâu dài với ông Tập Cận Bình. Năm 1985, ông Tập từng đến Iowa để tham dự một hội nghị về nông nghiệp với tư cách một quan chức địa phương của Trung Quốc.
Từ đây, ông Tập đã có mối quan hệ bằng hữu với ông Terry Branstad, người sau này trở thành Thống đốc Iowa rồi Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc. Iowa sẽ là cái tên dễ khiến ông Tập Cận Bình gật đầu với lời mời từ phía Mỹ hơn trong trường hợp đôi bên đã hoàn toàn nhất trí các điều kiện của thoả thuận.
Tuy nhiên quan trọng hơn, một lễ ký kết thương mại diễn ra tại Iowa sẽ đem lại cho Tổng thống Trump chiến thắng mang tính biểu tượng quan trọng về mặt chính trị.
Bang nông nghiệp miền tây này đã chịu thiệt hại nặng nề do cuộc chiến thương mại ông Trump phát động nhằm vào Trung Quốc. Nếu thoả thuận giai đoạn 1 được công bố với các điều khoản có lợi cho Mỹ, ông Trump sẽ giành điểm đáng kể trong mắt cử tri Iowa trước cuộc bầu cử năm sau. Theo Reuters, thực tế thoả thuận thương mại giai đoạn 1 được chờ đợi sẽ giúp Mỹ tăng sản lượng đậu nành, thịt lợn và các sản phẩm khác vào thị trường Trung Quốc. |
Và tính toán của Trung Quốc
Các đòn “ăn miếng, trả miếng” với Mỹ đã khiến kinh tế Trung Quốc thiệt hại nặng nề, theo các số liệu thống kê. Cộng thêm tình hình chính trị căng thẳng tại Hong Kong, ông Tập đang chịu sức ép rất lớn cần đạt được một thoả thuận.
Tuy nhiên sau 16 tháng đối đầu, cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn bị nhìn nhận như kẻ thất bại. Đây là lý do việc chọn nơi nào làm địa điểm ký kết thoả thuận trở nên nhạy cảm với cả đôi bên.
Iowa là bang trồng nhiều đậu tương, mặt hàng nông sản chủ lực của Mỹ |
Reuters cho biết đã có cả gợi ý về khả năng Hy Lạp được lựa chọn làm nơi ông Tập và ông Trump gặp nhau. Một khả năng khác là ông Tập sẽ chọn Mỹ làm điểm dừng chân trong chuyến công du tới Brazil để tham dự hội nghị với các nền kinh tế mới nổi, thay vì một chuyến đi chính thức tới Mỹ.
Tuy nhiên ngay cả với khả năng nay, SCMP cho biết đôi bên khó lòng “chốt hạ” được thoả thuận kịp thời gian trên, do vẫn còn quá nhiều khác biệt chưa được giải quyết.
Các nguồn thạo tin cho hay, Trung Quốc muốn Mỹ cần đưa ra cam kết chắc chắn về việc cắt giảm thuế nhập khẩu, ít nhất là đối với kế hoạch tăng thuế lên một khối lượng hàng hoá Trung Quốc từ ngày 15/12 tới. Đồng thời, Washington phải thể hiện “thiện chí” bằng việc dừng “dán nhãn” thao túng tiền tệ đối với Trung Quốc.