| Hotline: 0983.970.780

Ông Trump muốn thương thuyết lại 'nguyên tắc một nước Trung Hoa'?

Thứ Sáu 16/12/2016 , 06:55 (GMT+7)

Chính sách đối ngoại “America First - nước Mỹ trước nhất” của Tổng thống đắc cử Mỹ D.Trump, cùng lời khẳng định khi tranh cử của chính ông...

Chính sách đối ngoại “America First - nước Mỹ trước nhất” của Tổng thống đắc cử Mỹ D.Trump, cùng lời khẳng định khi tranh cử của chính ông: “Nước Mỹ sẽ thay đổi” và “Chúng ta phải bắt đầu theo cách “không thể đoán định” ngay từ bây giờ”, đã làm các nhà phân tích và bình luận chính sách khó có thể khẳng định điều gì.

Chẳng hạn, nước Mỹ trong tương lai sẽ cư xử với Trung Quốc và Đài Loan ra sao? “Không thể dự đoán” ông Trump sẽ làm gì với Trung Quốc. Hôm 11/12, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nói rằng Hoa Kỳ không nhất thiết phải tuân thủ nguyên tắc lâu nay rằng Đài Loan là một phần của "một Trung Quốc".

16-41-15_trump
Ông Trump nói cuộc điện đàm với bà Thái Anh Văn chỉ là một “cuộc gọi xã giao”
 

Lập tức là những phản ứng đáp trả từ phía Bắc Kinh. Trong cuộc tiếp xúc với ngoại trưởng Thụy Sĩ Didier Burkhalter tại Bern hôm 12/12/2016, ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố: “Bất cứ một chính quyền nào, chính quyền Thái Anh Văn hay một đại cường nào trên thế giới, nếu âm mưu xâm hại nguyên tắc một nước Trung Hoa, thì hậu quả duy nhất là chân của họ bị tảng đá này dập nát” .

Trước đó vài giờ, từ Bắc Kinh, người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc cũng thúc giục “chính quyền mới tại Mỹ thông hiểu tính nghiêm trọng của vấn đề Đài Loan và tôn trọng nguyên tắc nền tảng không thể lay chuyển được trong bang giao Mỹ - Trung”.

Hai phản ứng trên đây của Bắc Kinh được đưa ra một ngày sau khi ông Donald Trump trả lời phỏng vấn của một đài truyền hình Mỹ, tuyên bố là ông “không cảm thấy bị trói buộc với chính sách một nước Trung Hoa”.

Trước đó hồi đầu tháng, cùng ngày 2/12, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger ở Bắc Kinh, thì Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump có cuộc điện đàm 10 phút với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Bắc Kinh khó chịu và phản ứng gay gắt.

Đối với ông Trump, cuộc điện đàm giữa ông với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 2/12 chỉ là một “cuộc gọi xã giao” của bà Thái chúc mừng ông thắng cử. Thực ra, cử chỉ này đã xóa bỏ một điều cấm kỵ kể từ năm 1979 kể từ khi tổng thống Mỹ Richard Nixon công nhận nước CHND Trung Hoa.

Ông Trump sau đó gởi tin nhắn qua Twitter nói rằng nhà lãnh đạo Đài Loan “gọi tôi hôm nay để chúc mừng tôi thắng cử” và “điều lý thú là Hoa Kỳ bán cho Đài Loan vũ khí trị giá hàng tỷ đô la mà tôi lại không nên nhận một cú điện thoại chúc mừng thắng cử hay sao?”.

Ông cũng thông qua mạng xã hội Twitter để đáp lại phản ứng của Bắc Kinh: Phải chăng Trung Quốc đã hỏi ý kiến Hoa Kỳ khi phá giá tiền tệ, khi đánh thuế nặng nề vào các sản phẩm của Mỹ hoặc khi xây dựng một căn cứ quân sự khổng lồ ở giữa Biển Đông?

Trung Quốc đã từng vui mừng khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống vì họ cho rằng nếu bà Hillary Clinton làm Tổng thống, thì sẽ "xoay trục mạnh sang vùng châu Á - Thái Bình Dương". Nhưng càng ngày, họ càng lo lắng khi nhận thấy rõ ràng hơn tính “khó đoán định” trong chính sách đối với thế giới nói chung, và Trung Quốc nói riêng, của ông Trump.

Các sự kiện trên đã cho thấy những dấu hiệu đầu tiên của sự “không thể dự đoán” đó.

Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi tiếp cựu Ngoại Trưởng Mỹ Henry Kissinger hôm 2/12 vừa rồi tại Ðại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, nói rằng Trung Quốc hy vọng sẽ có sự “ổn định và bền vững” trong mối quan hệ với Mỹ dưới thời tân Tổng thống.

Mặc dù ông Kissinger không có chức vụ nào chính thức trong chính quyền Mỹ hiện nay, đài truyền hình Trung Quốc cho thấy buổi tiếp ông có đầy đủ quan chức ngoại giao cao cấp nhất của Trung Quốc, bao gồm ông Dương Khiết Trì (hiện là ủy viên Quốc Vụ Viện đặc trách ngoại giao và là cựu Ngoại trưởng), ông Vương Nghị (Ngoại trưởng), và ông Thôi Thiên Khải (đại sứ Trung Quốc tại Mỹ).

Ông Kissinger, năm nay 93 tuổi, thường xuyên tới Trung Quốc, nơi ông rất được trọng vọng vì đã đặt nền tảng cho mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington qua những chuyến “đi đêm” thời thập niên 1970, dẫn tới việc Mỹ bỏ công nhận Ðài Loan và chuyển sang quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Ông Kissinger từng là cố vấn an ninh quốc gia và ngoại trưởng dưới thời Tổng Thống Richard Nixon. Ông cũng là cố vấn của ông Donald Trump trong thời gian tỷ phú này tranh cử, và có đến gặp vị Tổng thống tân cử tại Trump Tower vài ngày sau khi bầu cử kết thúc.

Thực ra, ông Trump muốn gì? Sau cuộc điện đàm với tổng thống Đài Loan, Donald Trump còn gây sức ép với Trung Quốc, qua việc chỉ trích chính sách tiền tệ, thương mại của Bắc Kinh và sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo nhận định của giới truyền thông, Tổng thống đắc cử Mỹ giữ nguyên giọng điệu cứng rắn đối với Trung Quốc, giống như trong giai đoạn tranh cử. Thậm chí, giờ đây, ông còn chỉ trích Bắc Kinh trên nhiều lĩnh vực khác.

Điều này không có nghĩa là Donald Trump sẽ có chính sách hoàn toàn chống Trung Quốc, mà chỉ muốn nhấn mạnh là ông ta cứng rắn và nhắc lại cho Bắc Kinh biết tất cả những phản kháng, đòi hỏi của Mỹ. Đó là phong cách của Donald Trump và đặc biệt phương pháp này nhằm tạo ra một vị thế mới trước khi bước vào các cuộc đàm phán.

Theo phân tích của một chuyên gia về Trung Quốc, Bắc Kinh cố gắng tránh rơi vào vòng xoáy leo thang căng thẳng. Nhưng giờ đây họ cảm thấy Tổng thống tân cử Mỹ có dụng ý muốn thương thuyết lại “nguyên tắc một nước Trung Hoa” để ép Trung Quốc nhượng bộ trong lãnh vực thương mại.

Ngày 15/12/1978, trong một trong những tuyên bố quan trọng của Chiến tranh Lạnh, Tổng thống Jimmy Carter thông báo rằng vào ngày 1/1/1979, Mỹ sẽ chính thức công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và cắt đứt quan hệ với Đài Loan.

Đạo luật Quan hệ với Đài Loan (The Taiwan Relations Act) đã được thông qua ngay sau đó, gần như đã cho Đài Loan địa vị tương tự như bất kỳ quốc gia nào được Mỹ công nhận. Nó cũng chứa các quy định về việc tiếp tục bán vũ khí cho vùng lãnh thổ này.

Tại Đài Loan, Mỹ có một cơ quan đại diện “không chính thức”, có tên gọi là Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (American Institute in Taiwan).

 

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.

Bình luận mới nhất