Cha đẻ lúa lai Viên Long Bình qua đời tại thành phố Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc do tuổi cao, bệnh nặng, Tân Hoa Xã đưa tin.
Viện sỹ Viên Long Bình sinh năm 1930. Ông đã dẫn đầu các nhà khoa học nông nghiệp Trung Quốc đưa năng suất lúa từ 300 kg/mẫu lên trên 1.000 kg/mẫu. Mỗi mẫu Trung Quốc tương đương 666,6m2.
Thành tích này của ông Viên và các cộng sự được coi là chìa khóa giúp Trung Quốc giải quyết vấn đề an ninh lương thực cho hơn một tỷ dân nước này. Lúa lai sau đó xuất hiện ở hàng chục quốc gia tại châu Phi, châu Mỹ và châu Á, mang lại năng suất cao hơn lúa truyền thống. Trung Quốc đã đặt tên cho 4 thiên thể ngoài vũ trụ mang tên ông Viên.
Viện sỹ Viên Long Bình từng được tặng “Huân chương Cộng hòa quốc”, danh hiệu cao quý nhất mà Trung Quốc dành cho một cá nhân.
Sinh thời, ông Viên nổi tiếng với yêu cầu toàn bộ tiến sĩ do ông đào tạo hoặc công tác tại đơn vị đều phải xuống ruộng. Bản thân ông, thời 88 tuổi, vẫn dành ít nhất mỗi ngày 5 tiếng tại các thửa ruộng.
"Máy tính rất quan trọng, sách vở rất quan trọng, nhưng sách vở không trồng ra được lúa nước, không trồng được lúa mì. Chúng ta hiện nay có một số tiến sĩ nặng về lý luận mà coi nhẹ thực hành, nắm được nhiều kiến thức từ sách vở, nhưng không có thực tiễn thì chẳng làm được gì", ông nói.
Viện sỹ Viên Long Bình tiên đoán việc tận dụng công nghệ sinh học để ươm giống cây nông nghiệp là định hướng phát triển và xu thế tất yếu trong tương lai. Đối với thực phẩm từ công nghệ biến đổi gen, ông nói cần có thái độ thận trọng, không nên phủ nhận hoàn toàn.