| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 25/10/2011 , 09:49 (GMT+7)

09:49 - 25/10/2011

Ông viện sỹ “nhát” cây chuyển gen

Thời gian này, có một ông viện sỹ thường xuyên đăng đàn, trả lời báo nọ báo kia, rằng phải lùi thời hạn cho phép trồng cây chuyển gen ở Việt Nam ít nhất 10 năm nữa. Ông nói thực phẩm từ cây chuyển gen tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe cộng đồng như khả năng gây dị ứng, làm nhờn kháng sinh, có thể tạo ra các độc tố và gây độc lâu dài cho cơ thể.

Ông cứ nói đại vậy vì cho đến thời điểm này trên thế giới vẫn chưa hề có bất cứ một nghiên cứu khoa học nào chứng minh được cây trồng chuyển gen hay sản phẩm từ cây trồng chuyển gen ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ngược lại toàn sản phẩm lợi ích: năng suất cao, chống chịu sâu bệnh, giàu dinh dưỡng...

Thế nên miệng lưỡi đôi khi như thứ tà ma. Nguy hiểm ở chỗ, những phát biểu “chụp mũ” nặng nề cho cây trồng chuyển gen đã làm bạn đọc ghê sợ. Thậm chí có bạn đọc bày tỏ trên mạng rằng, chuyện động trời này sao Bộ NN-PTNT không công bố cho bàn dân thiên hạ biết. Thấy ông hay phát biểu, các báo lập tức nhao vào tận dụng đề tài nóng. Có báo còn mở diễn đàn, phỏng vấn cả các bà đi chợ.

Lập tức các bà đi chợ bảo: tôi tẩy chay sản phẩm chuyển gen! Sẽ không ai trách mấy bà đi chợ, vì họ đâu biết gen giếc, chỉ thấy nghe cứ ghê ghê. Đáng trách là người có trách nhiệm như ông viện sỹ, nói toàn chuyện động trời mà chẳng có căn cứ, số liệu gì! Có nhà khoa học bất bình, bảo phát biểu của ông ngoài chuyên môn vì ông viện sỹ không phải dân sinh học phân tử (molecular biology). Tìm hiểu thêm, thấy hóa ra, ông phát biểu vậy là có căn nguyên của nó.

Những người trong ngành sẽ thấy sự không vô tư trong phát biểu của ông viện sỹ ở chỗ, ông là cổ đông rất lớn, có chân trong hội đồng quản trị 1 Cty kinh doanh giống cây trồng lớn nhất nhì Việt Nam, mà một trong những sản phẩm chính của Cty này là bán giống ngô nội. Bản thân các giống ngô lai nội đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các giống ngô lai của các Cty đa quốc gia như Syngenta, Monsanto, sẽ mất dần thị trường nếu không cải tiến được bộ giống. Ngô lai thường đã thế, một khi ngô chuyển gen được du nhập, chắc chắn cạnh tranh còn gay gắt hơn.

Đương nhiên, sự cạnh tranh này sẽ làm cho một số người lo lắng, trong đó có ông viện sỹ là cổ đông lớn ở công ty nọ. Nói thẳng ra, nỗi lo (sợ) của ông, chẳng phải vì nhân dân, vì đất nước, mà nó liên quan “túi tiền” công ty ông, cơm áo gạo tiền vợ con ông. Khác hẳn chúng ta, mong muốn có được giống tốt du nhập vào, nhân dân, đất nước cùng có lợi, ta chẳng có gì phải sợ.

Công nghệ chuyển gen là thành tựu thế giới đã được thừa nhận. Năm 2010 đã có 29 nước trồng cây trồng biến đổi gen với tổng diện tích lên đến 148 triệu ha (để so sánh diện tích đất lúa của Việt Nam chỉ khoảng 4 triệu ha), bằng 10% tổng diện tích đất trồng trên thế giới và chiếm trên 50% đất trồng của 29 nước có cây chuyển gen. Hơn 50 nước đã cho phép sử dụng sản phẩm của cây trồng biến đổi gen. Tổng diện tích cây trồng chuyển gen trên thế giới từ 1996 đến 2010 cộng dồn lại đã lên đến hơn 1 tỷ ha. Hàng tỷ tấn sản phẩm biến đổi gen đã làm ra và tiêu thụ (Clive James: Global Status of Commercialized Biotech/GM crops: 2010). Hơn 350 triệu người châu Mỹ đã sử dụng thực phẩm biến đổi gen từ 1996, đến nay chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào trong văn y nói về ảnh hưởng bất lợi của cây trồng biến đổi gen đối với sức khoẻ vật nuôi và con người.

Phải xua nỗi sợ cây trồng biến đổi gen như xua đuổi tà ma, đó là thông điệp Bộ trưởng Cao Đức Phát, “tư lệnh” ngành NN-PTNT nói trước công luận.

Ma không có, nhưng cứ nhiều người “nhát” quá cũng làm người ta sợ.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm