| Hotline: 0983.970.780

Ớt rẻ bèo, cho không ai hái

Thứ Ba 13/04/2021 , 17:48 (GMT+7)

Giá ớt liên tục xuống chỉ còn gần ¼ so với đầu vụ nên nhiều nông dân chán nản không thèm thu hoạch. Thậm chí, cho cũng không ai hái.

Hiện đang là thời điểm chính vụ thu hoạch tại nhiều vùng chuyên canh trồng ớt ở tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Thế nhưng, khắp các cánh đồng chỉ có lác đác vài người dân xuống ruộng để thu hái. Bởi, giá ớt xuống quá thấp, hái cả ngày cũng chỉ đủ tiền công. Hơn nữa, nhiều nơi còn không có thương lái đến thu mua.

Ông Võ Mãnh, trú thôn 2, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, vụ năm nay, ông đầu tư khoảng 6 triệu đồng (không tính công chăm sóc) để trồng 2 sào (sào 500 m2) ớt. Nhờ chăm sóc tốt, ruộng ớt nhà ông rất đạt năng suất, ước tính lên đến hơn 1 tấn/sào.

Người nông dân trồng ớt đang đứng trước nguy cơ thua lỗ vì giá ớt xuống thấp, khó tiêu thụ. Ảnh: L.K.

Người nông dân trồng ớt đang đứng trước nguy cơ thua lỗ vì giá ớt xuống thấp, khó tiêu thụ. Ảnh: L.K.

Những tưởng, vụ này gia đình ông sẽ có 1 khoản thu nhập khá từ loại cây trồng này. Vậy mà, đến thời điểm thu hoạch rộ thì giá lại xuống thấp, chỉ còn 6.000 đồng/kg. Tính ra chỉ đủ bù tiền công. Với cây ớt, giá phải từ 10.000 đồng trở lên mới có lãi. Bởi chăm sóc cây này rất kỳ công và mất rất nhiều thời gian.

"Tính từ lúc trồng cho tới lúc thu hoạch phải mất đến gần 4 tháng. Trong khi đó, lúc thu hoạch thuê công lao động mỗi ngày tính cả tiền nước uống cũng hết 220.000 đồng/người. Mỗi lao động cao nhất mỗi ngày cũng chỉ hái được tầm 30 kg ớt. Thành ra nếu thuê công thì lỗ nên đành phải tự hái, được bao nhiêu tốt bấy nhiêu”, ông Mãnh chua xót. 

Theo người dân ở xã Bình Dương, vào thời điểm đầu vụ, giá ớt lên đến 22.000 đồng/kg. Tuy nhiên, lúc đó trong xã cũng chỉ có một vài hộ trồng sớm có ớt để bán với sản lượng cả xã khoảng 3 – 4 tấn mỗi ngày. Tuy nhiên hiện ớt cả xã đều chín rộ, sản lượng mỗi ngày của toàn xã gần 20 tấn thì ớt cứ rớt giá liên tục, xuống chỉ còn 6.000 đồng/kg và có khả năng còn xuống nữa.

Giá ớt xuống thấp quá nên nhiều đám ruộng người ta không thèm hái, chấp nhận để chín rụng. Một số người còn cho người khác hái được bao nhiêu bán lấy tiền bấy nhiêu mà cũng không ai lấy, bởi với giá này đi làm việc khác còn kiếm được nhiều tiền hơn.

"Hiện cũng ít thương lái đến thu mua, thỉnh thoảng mới có được vài người. Cách đây 2 năm, có một công ty về đây thuê đất rồi dựng nhà xưởng để thu mua ớt của bà con nhưng thấy ớt xuống giá quá, làm ăn không có lời nên bây giờ họ cũng bỏ đi rồi”, ông Nguyễn Thìn (trú thôn 6, xã Bình Dương) chia sẻ.

Tại Quảng Nam, người trồng ớt xanh ở huyện Đại Lộc cũng như “ngồi trên đống lửa” khi đến kỳ thu hoạch nhưng vẫn vắng bóng thương lái đến thu mua. Được biết, sản phẩm ớt xanh tại đây chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc.

Do giá xuống quá thấp nên nhiều người nông dân chấp nhận để ớt chín rụng, không muốn thu hái. Ảnh: L.K.

Do giá xuống quá thấp nên nhiều người nông dân chấp nhận để ớt chín rụng, không muốn thu hái. Ảnh: L.K.

Vào các năm trước, thời điểm này thương lái đã tấp nập về đây nhập ớt của bà con tại ruộng với giá 6.000 đồng/kg, có khi lên đến 10.000 đồng/kg. Nhưng bây giờ, giá ớt xanh hạ xuống chỉ còn 4.000 đồng/kg mà người nông dân vẫn “mỏi mắt” chờ thương lái.

Ông Võ Văn Khoa (trú xã Đại An, huyện Đại Lộc) cho biết, vụ ớt năm nay, gia đình ông đầu tư 7,5 triệu đồng trồng 3 sào ớt xanh ở khu vực bãi bồi ven sông. Hiện, đám ruộng đã vào thời điểm thu hoạch nhưng không bán được.

“Bây giờ như thế này thì chỉ biết để ớt chín, hái phơi khô rồi làm ớt bột bán nhằm vớt vát tiền đầu tư”, ông Khoa buồn bã. 

Ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) cho biết, địa phương có khoảng 200 ha trồng ớt các loại, chủ yếu ở các xã Đại An, Đại Cường, Đại Nghĩa, Đại Minh. Những năm trước đây, trên địa bàn huyện có một doanh nghiệp đứng ra liên kết, mua ớt của nông dân, nhưng đến nay không còn hoạt động.

“Hiện nay, vấn đề liên kết theo chuỗi giá trị còn nhiều hạn chế. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong thời gian vừa qua, một số nông sản liên quan đến xuất khẩu như cây ớt gặp khó khăn đầu ra. Chính vì vậy, năm nay ớt phục vụ cho xuất khẩu không có giá. Người nông dân sản xuất cây trồng này gặp khó khăn, nhất là giá cả và tiêu thụ nội địa”, ông Mẫn nói.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm