| Hotline: 0983.970.780

Paraquat - Cứu tinh hay đao phủ?

Thứ Ba 21/10/2014 , 08:12 (GMT+7)

Không ầm ĩ như Malaysia và châu Âu, việc cấm hay không cấm Paraquat cũng đã âm ỉ nhiều năm nay trong giới quản lý và khoa học ở Việt Nam.

Chưa có loại nông dược nào tạo được nhiều việc làm cho giới luật sư như Paraquat, chưa có hàng hóa nào lại phân hóa người tiêu dùng ra làm 2 phe yêu và ghét mạnh mẽ và sâu sắc như Paraquat, chưa có cuộc tranh luận nào lại giằng co dai dẳng như cuộc tranh luận về Paraquat.

"Dậy sóng" từ Á sang Âu

Malaysia - "Paraquat là sản phẩm giấc mơ"

Đây là câu nói của John McGillivray, Tổng giám đốc Syngenta tại Malaysia vào năm 2003. Không biết hoàn cảnh ra đời của câu nói nổi tiếng trên nhưng nó được những người nông dân trồng lúa bang Penang sử dụng làm thông điệp trong cuộc biểu tình chống lại lệnh cấm Paraquat ở Malaysia dự kiến có hiệu lực vào năm 2005.

Theo nhận định của Baradan Kuppusamy trên thời báo "Asia Times" trong bài báo có tựa đề “Lệnh cấm có thể đảo ngược” thì mặc dù người biểu tình không đông nhưng lại có sức nặng ghê gớm bởi họ đại diện cho 17.000 nông dân, một lượng phiếu bầu rất lớn trong cuộc bầu cử hội đồng sắp xảy ra.

Đấy là chưa kể họ còn sự hỗ trợ của 300.000 hộ trồng lúa, 500.000 hộ trồng cọ dầu và các công ty trồng rừng trên toàn Malaysia.

Paraquat có công thức phân tử (C5H4N)2Cl2 được công ty hóa chất ICI của Anh quốc phát triển thành thuốc diệt cỏ từ năm 1961 (ICI sau đổi tên thành Zeneca, sau đó Zeneca bán phần nông dược cho Novatis lập nên Syngenta) và trở thành thuốc diệt cỏ hàng đầu trên thế giới với doanh số khoảng 400 triệu USD nhờ vào tính hiệu quả và giá rẻ.

Đến nay, Paraquat được phổ biến tại gần 100 quốc gia nhưng lại bị 39 quốc gia cấm hoặc hạn chế sử dụng.

Năm 2002, một số tổ chức phi chính phủ ở Malaysia vận động cho ra đời dự luật cấm thuốc diệt cỏ Paraquat ở thị trường Malaysia được định lượng khoảng 79 triệu USD (trong đó sản phẩm Gramaxone của Syngenta chiếm phân nửa).

Lệnh cấm ấn định có hiệu lực vào năm 2005. Lập luận của bên vận động cho lệnh cấm cho rằng Paraquat phải chịu trách nhiệm đến 70% trường hợp nhiễm độc thuốc cỏ hằng năm tại Malaysia và sức khỏe, sức khỏe sinh sản của 30.000 phụ nữ là công nhân các đồn điền cao su, cọ dầu thường xuyên tiếp xúc với Paraquat.

Đúng như nhận định của thời báo "Asia Times", dự luật bị đảo ngược và Paraquat vẫn được sử dụng bình thường ở Malaysia.

Phía phản đối dự luật cho rằng các dẫn liệu trên không mang tính khoa học, vì việc sử dụng bình phun và kích cỡ các hạt thuốc bắn ra từ béc phun không đủ nhỏ để hít vào phổi cộng với bảo hộ lao động nên khả năng tiếp xúc với Paraquat trên thực tế chỉ bằng khoảng 1% so với các dẫn liệu của phe ủng hộ dự luật cấm Paraquat.

Tuy nhiên, sức mạnh của bên phản đối dự luật nằm ở chỗ hiệu quả kinh tế khi dùng Paraquat. Các so sánh về hiệu quả kinh tế cho thấy không có hóa chất nào, biện pháp khống chế cỏ dại nào rẻ tiền mà hiệu quả như Paraquat.

prqut-42-tc-20-sl135225456

Chấn động ở Brussels

Ngày 11 tháng 7 năm 2007, Tòa án châu Âu, với sự bảo trợ của Thụy Điển cùng Đan Mạch, Áo, Phần Lan đã ra phán quyết mang tính bước ngoặt về việc bán và sử dụng các loại thuốc diệt cỏ Paraquat gây tranh cãi.

Phán quyết rằng việc Ủy ban châu Âu đưa ra chỉ thị 2003/112 chấp thuận cho việc đăng ký thuốc diệt cỏ Paraquat đã không đáp ứng các yêu cầu liên quan đến việc bảo vệ sức khỏe con người, do đó bãi bỏ sự ủy quyền của Paraquat trên toàn Liên minh châu Âu.

Phán quyết của tòa khiến cho thị trường Paraquat phải thu hẹp thêm 15 thành viên của EU mà trước đây họ đã vận dụng chỉ thị của Ủy ban châu Âu cho sử dụng (trừ 4 nước trên vẫn duy trì lệnh cấm ngay cả khi có chỉ thị của Ủy ban EU).

Theo giới phân tích, phán quyết của tòa án cũng rất dễ dàng bị lật ngược như từng xảy ra ở Malaysia (người biểu tình Malaysia đã trưng ra chỉ thị cho đăng ký của Uỷ ban châu Âu năm 2003 để góp phần lật ngược lệnh cấm).

Trước mắt, mặc dù bị cấm ở châu Âu nhưng doanh số toàn cầu của Paraquat suy giảm không đáng kể bởi doanh số toàn châu Âu chỉ chiếm 8%, phần lớn các thuốc diệt cỏ được mua và được sử dụng bởi người nông dân sống ở các nước đang phát triển, trong đó châu Á, Trung và Nam Mỹ chiếm tới gần 75% (khảo sát năm 2003 cho biết Brazil, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Guatemala, Colombia, Malaysia, Mexico là những nước sử dụng Paraquat lớn nhất thế giới).

Tuy nhiên phán quyết của tòa sẽ khích lệ cho các tổ chức toàn cầu vận động cho một lệnh cấm toàn cầu.

Sóng ngầm ở VN

Không ầm ĩ như Malaysia và châu Âu, việc cấm hay không cấm Paraquat cũng đã âm ỉ nhiều năm nay trong giới quản lý và khoa học ở Việt Nam.

Cũng giống như Malaysia, người đứng về phía hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh cho nông sản thì nói “việc tự tử là chuyện riêng của từng cá nhân, không uống Paraquat thì dùng dây thừng”.

Còn những người đứng về phía bảo vệ sức khỏe con người, nhất là giới y khoa, thì bảo “tự tử cũng có năm bảy loại, trong đó có loại chỉ bộc phát nhất thời, nếu loại này mà dùng Paraquat thì quả là oan uổng cho họ vì vô phương cứu chữa”.

Nông dân đồng bằng sông Hồng mới dùng Paraquat trên lúa nước nên mới “dậy sóng”, còn nông dân Nam bộ đã dùng lâu nên xem đấy là bình thường.

Đã hàng chục năm nay, hầu hết người trồng nếp Bè ở Chợ Gạo (Tiền Giang) đều phải dùng “thuốc cháy” (Paraquat), vì thời gian sinh trưởng của nếp dài hơn tẻ nên khoảng thời gian giữa 2 vụ còn lại rất ngắn, buộc họ sau khi thu hoạch vụ trước đều phải để mọc lúa chét bình thường, sau đó dùng thuốc Paraquat phun rồi đốt đồng để sạ (gieo thẳng) tiếp vụ sau.

(tổng hợp)

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất