| Hotline: 0983.970.780

PGS Đặng Bích Hà trong tình cảm thương nhớ của học trò và đồng nghiệp

Thứ Sáu 27/09/2024 , 10:41 (GMT+7)

'Nếu nhân dân Việt Nam là hậu phương của Quân đội nhân dân Việt Nam thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng có một hậu phương nho nhỏ của mình. 'Nữ tướng' cai quản hậu phương là chị Đặng Bích Hà', nhà nghiên cứu Phạm Nguyên Long.

PGS Đặng Bích Hà thời sinh viên (1956). Ảnh: Tư liệu PGS Đặng Anh Đào.

PGS Đặng Bích Hà thời sinh viên (1956). Ảnh: Tư liệu PGS Đặng Anh Đào.

Nghe tin cô Đặng Bích Hà mất, tôi năm nay cũng đã 80 tuổi rồi, sức khoẻ cũng yếu lắm, không lên Hà Nội để thắp nén hương viếng cô và chia buồn cùng gia đình cô được. Rất đáng buồn chỗ đó. Tôi đành gửi qua tình cảm cùng các bạn bè với cô, thương nhớ cô giáo Đặng Bích Hà với một lòng kính trọng, một cô giáo mãi mãi không thể quên được trong cả cuộc đời của tôi”.

Từ thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định), PGS.TS Trần Đức Minh, nguyên Hiệu trưởng trường CĐSP Nam Định, chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Những tượng đài khoa học

Sinh viên Trần Đức Minh cùng các bạn đồng môn nhập học tại khoa Lịch sử trường ĐHSP Hà Nội khi đế quốc Mỹ bắt đầu cho không quân ném bom bắn phá miền Bắc. Mười năm hoà bình xây dựng CNXH ở miền Bắc giờ đây phải bước sang thời kỳ cầm súng chiến đấu với “giặc lái” từ nửa vòng trái đất. Thầy cô giáo cùng sinh viên khoa Lịch sử được sơ tán lên huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Dưới tán rừng của An toàn khu Việt Bắc một thời, giờ đây lại tiếp tục che chở cho những lớp sinh viên mới.

PGS.TS Trần Đức Minh. Ảnh: Viết Dư.

PGS.TS Trần Đức Minh. Ảnh: Viết Dư.

Tiếng giảng bài vẫn vang lên. Trong số đó, sinh viên Trần Đức Minh cùng bạn học rất ấn tượng với những giờ lên lớp vui nhộn của cô giáo Đặng Bích Hà trong những bài giảng về Lịch sử thế giới. “Cô Hà dạy đâu ra đấy, vui lắm. Trong giờ cô dạy, sự đối thoại giữa cô giáo với sinh viên rất thoải mái và chúng tôi cảm thấy là giờ học lôi cuốn”, ông Trần Đức Minh nhớ lại.

Những sinh viên này không hề biết, cô giáo Đặng Bích Hà là “người thân” của ATK Thái Nguyên. Trong 8 năm kháng chiến chống Pháp, cô giáo đã gắn bó với đồng bào nơi đây. Một điều đặc biệt khác, những sinh viên không hề biết rằng, cô giáo Đặng Bích Hà lại chính là phu nhân của Đại tướng - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp. Họ chỉ thấy rằng, có hai cô giáo thân thiết với nhau, san sẻ cùng nhau: Cô giáo Ngô Thị Chính người Huế và cô giáo Đặng Bích Hà.

Trước khi đi sơ tán, bà Đặng Bích Hà mới từ Liên Xô trở về. Cùng với đồng nghiệp Trương Hữu Quýnh, bà được cử sang học nghiên cứu sinh tiến sĩ khoa học lịch sử. Nhưng tình hình chính trị thế giới có những biến động, Liên Xô và Trung Quốc mâu thuẫn, trong nước cũng chịu ảnh hưởng tư tưởng chống chủ nghĩa Xét lại. Hai nghiên cứu sinh được gọi trở về nước. Bà Hà đã mau chóng nhập cuộc với tình hình chiến tranh lan ra miền Bắc. Ở nơi sơ tán, những giờ học vui nhộn của cô giáo Đặng Bích Hà cùng đồng nghiệp và sinh viên khoa Lịch sử đều đặn vang lên.

PGS.TS Nguyễn Duy Thiệu đón tiếp bà Đặng Bích Hà thăm Bảo tàng Dân tộc học. Ảnh: NVCC.

PGS.TS Nguyễn Duy Thiệu đón tiếp bà Đặng Bích Hà thăm Bảo tàng Dân tộc học. Ảnh: NVCC.

Kết thúc khoá học, Trần Đức Minh cùng 11 bạn khác được giữ lại học nâng cao. Sau hơn nửa thế kỷ, ông chia sẻ: “Thật là may mắn chúng tôi được học các cô thầy như tượng đài chúng tôi noi theo.

Sau này, chúng tôi cũng trưởng thành chút chút… Chúng tôi luôn luôn kính trọng cô Hà - thực sự là một cô giáo xứng tầm. Chúng tôi được học cô, được trưởng thành như ngày hôm nay trong đó có sự đóng góp của cô Đặng Bích Hà rất lớn.

Khoan dung, độ lượng

Sinh thời, nhà nghiên cứu Phạm Nguyên Long (1932 - 2022), người bạn đồng môn thời Đại học Sư phạm Hà Nội khoa Lịch sử (1954 - 1957), bạn đồng nghiệp tại Viện Sử học và Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của PGS Đặng Bích Hà đã kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm về bà vào mùa xuân năm 2020.

Làm việc lâu dài với bà Đặng Bích Hà, ông Phạm Nguyên Long đánh giá: “Chị Đặng Bích Hà hội đủ mọi tố chất để trở thành một học giả lớn, tên tuổi, nhưng lịch sử lại đặt lên vai chị một sứ mệnh khác - sứ mệnh làm phu nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiệt xuất. Để hoàn thành sắc sứ mệnh của mình, chị Đặng Bích Hà hy sinh cho khoa học.

Quả thực như vậy, nếu so sánh với các người em khác trong gia đình (PGS Đặng Thị Hạnh, GS Đặng Thanh Lê, PGS Đặng Anh Đào, PGS.KTS Đặng Thai Hoàng và PGS Đặng Xuyến Như), bà Đặng Bích Hà không để lại nhiều công trình khoa học.

Khi còn công tác ở khoa Lịch sử trường ĐHSP Hà Nội, bà Đặng Bích Hà đã chung tay cùng đồng nghiệp viết sách “Tài liệu tham khảo Lịch sử Thế giới cận đại”; dịch chung sách “Chuẩn bị giờ học Lịch sử như thế nào?” của N.G. Đai-ri - Tiến sĩ khoa học Giáo dục Xô viết.

Trong câu chuyện của ông Phạm Nguyên Long cho thấy bà Đặng Bích Hà luôn khiêm nhường và giản dị. Dù là vợ của vị Đại tướng - Tổng Tư lệnh Quân đội nhưng cô sinh viên Đặng Bích Hà vẫn lên giảng đường (Đại học Sư phạm trên phố Lê Thánh Tông - Hà Nội) ngồi nghe các thầy Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Trần Đức Thảo, Phạm Huy Thông… giảng bài như các bạn đồng môn khác.

Trở thành đồng nghiệp từ Viện Sử học rồi sang công tác tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á, không nơi nào ông Long thấy bà Hà tỏ ra là một mệnh phụ phu nhân. Bà sống chan hoà cùng đồng nghiệp đủ mọi lứa tuổi. Bà san sẻ và chia ngọt sẻ bùi cùng đồng nghiệp tại cơ quan.

“Chị Hà có lúc làm Bí thư Chi bộ (tại Viện Đông Nam Á), chị góp ý kiến nhẹ nhàng thôi. Đó là một con người phải nói là một tấm lòng độ lượng, khoan dung lắm đấy”, nhà nghiên cứu Phạm Nguyên Long nói.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, PGS Đặng Bích Hà chụp ảnh lưu niệm tại Đại học Sư phạm Hà Nội kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1994). Ảnh: Tư liệu trường ĐHSP Hà Nội.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, PGS Đặng Bích Hà chụp ảnh lưu niệm tại Đại học Sư phạm Hà Nội kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1994). Ảnh: Tư liệu trường ĐHSP Hà Nội.

Một người đồng nghiệp nhỏ tuổi, một người học trò đặc biệt của bà Đặng Bích Hà ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á là PGS.TS Nguyễn Duy Thiệu, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, vẫn nhớ những chỉ dẫn đầu tiên trong phương pháp nghiên cứu khoa học của bà. Đó là khi chân ướt chân ráo về làm việc tại Viện, Nguyễn Duy Thiệu làm dân tộc học, còn bà Hà nghiên cứu về lịch sử, bà đã chỉ bảo nhiều điều bổ ích.

Kỷ niệm ấn tượng đó là chia sẻ của bà Hà: "Cháu làm dân tộc học thì chất liệu để làm nên các bài viết là tư liệu điền dã. Tuy nhiên khi viết mà chỉ kể câu chuyện điền dã thì bài viết sẽ nhàm chán. Thế nên, cháu phải đọc sách, đọc rất nhiều sách để khi viết phải dùng kiến thức lý thuyết diễn giải nguồn tài liệu điền dã, gọi là viết tương tác, thế thì bài viết mới hấp dẫn”.

Nhưng giữa một biển tài liệu mênh mông, một cá nhân khó lòng có điều kiện để đọc hết, do đó, bà Đặng Bích Hà dặn dò tiếp: “Đọc ai, đọc tác phẩm nào cho tập trung thì cháu phải lựa chọn; khi chưa có đủ phông kiến thức để chọn thì hỏi các bậc thầy. Đặc biệt là khi trích dẫn lại càng phải chọn, bài viết nào trích ai và trích trong tác phẩm nào lại càng cần lựa chọn kỹ lưỡng. Ví dụ, lý thuyết về xã hội cổ đại phải trích Engels, lý thuyết hình thành giai cấp phải trích Karl Marx; về thời kỳ Hùng Vương phải trích của Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng...".

Những lời khuyên chí tình này, PGS.TS Nguyễn Duy Thiệu chia sẻ: “Cho đến nay, tôi cảm thấy những chỉ bảo chuyên môn của cô Hà vẫn còn nguyên giá trị”.

“Tôi học ĐHSP Hà Nội khoa Lịch sử, khoá học của chúng tôi (1964 - 1968) rất vinh hạnh bởi vì hầu như được chọn lọc và được học những thầy cô rất giỏi. Bây giờ các thầy cô đã đi sang bên kia cuộc đời mất rồi. Cô Đặng Bích Hà đối với cá nhân tôi với một vài anh em nữa trong ban cán sự lớp thì chúng tôi rất là quý cô, một con người rất trực tính, thẳng thắn. Cô yêu sinh viên lắm, cô quý chúng tôi lắm… Bây giờ càng nghĩ tôi càng cảm động”, PGS.TS Trần Đức Minh - nguyên Hiệu trưởng trường CĐSP Nam Định.

“Tôi nghĩ như thế này, nếu nhân dân Việt Nam là hậu phương của QĐND Việt Nam thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng có một hậu phương nho nhỏ của mình. “Nữ tướng” cai quản hậu phương là chị Đặng Bích Hà. Đặc biệt nuôi dạy con cái làm sao để không kiêu ngạo, không kiêu căng, không vì danh vọng địa vị. Và ngay cả bản thân chị Đặng Bích Hà cũng thế: rất khiêm nhường”, nhà nghiên cứu Phạm Nguyên Long.

Xem thêm
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến La Habana, bắt đầu thăm Cuba

Tối 25/9 theo giờ địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân cùng đoàn đại biểu Việt Nam đã đến Sân bay quốc tế Jose Marti, Cuba.

Biến mất mát thành thời cơ kiến tạo những ‘cánh đồng chuyển đổi’ giá trị cao

Theo PGS.TS Lê Quốc Thanh, đây là thời cơ để khuyến nông cùng bà con chuyển đổi phương thức sản xuất, cơ cấu cây trồng bằng vật tư, giống mới, kiến thức mới.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Mỏi mòn chờ nước sạch: Sẵn sàng hiến đất, hiến đường cho nước sạch

Ở những địa phương như Xuân Đán là khu vực đồi nên rất ít nước, bà con mong ngóng nước sạch mỗi ngày. Họ sẵn sàng hiến đất, hiến đường để phục vụ nước sạch.

Bình luận mới nhất