| Hotline: 0983.970.780

PGS Văn Như Cương, người tận hiến cho sự nghiệp giáo dục

Thứ Ba 10/10/2017 , 06:55 (GMT+7)

Sáng ngày 9/10, PGS Văn Như Cương (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội) đã qua đời ở tuổi 80 sau hơn 3 năm chống chọi với bệnh ung thư. Nhân dịp này, Báo NNVN xin trân trọng giới thiệu bài viết...

Nhân dịp này, Báo NNVN xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Thiên Sơn về một nhà sư phạm có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà, được các thế hệ học trò tôn vinh, ngưỡng mộ!

6183059265
PGS Văn Như Cương (1937-2017)

PGS Văn Như Cương yêu học trò như con, như cháu mình. Ấy là một tình yêu đã thấm vào xương tủy, cả cuộc đời, không lúc nào ông không nghĩ về nghề giáo, tận tâm, tận lực với nghề nghiệp của mình. Và tình cảm ấy đã dành được sự đến đáp xứng đáng bằng tấm lòng tôn kính của nhiều thế hệ học trò.

Mỗi lần ông xuất hiện ở trường Lương Thế Vinh thì hàng chục, hàng trăm học trò chạy ùa ra, vây quanh thầy. Có em sà vào lòng thầy, có em đứng bên thầy im lặng ngắm dáng hạc mảnh mai, bộ râu dài, trắng muốt và gương mặt hồn hậu như một tiên ông hiện ra từ cổ tích. Những lần như vậy, PGS ân cần hỏi các em: “Các con ăn có ngon không?”, “Các con học có hiểu bài không?”, “Các con đến trường có vui không?”, “Có điều gì khiến các con băn khoăn hoặc không hiểu thì hãy nói với thầy?”. Những lời ấy đã lay động tâm hồn các em. Có em rưng rưng nước mắt...

Tôi nhớ mãi cái buổi sáng sầm sập mưa ấy. Tôi đã hẹn và băng qua một quãng đường ướt át đến thăm ông.

Sau những ngày bệnh nặng, ông gầy hơn nhưng sắc mặt hồng hào. Ở ông toát ra vẻ hiền từ, hồn hậu và sự điềm tĩnh lạ thường.

“Tôi sinh ở Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) trong một gia đình nho học. Cha tôi là hương sư. Mẹ tôi làm nghề dệt, nhuộm lụa…”.

Câu chuyện giữa chúng tôi nhắc lại một thời xa lắc trong trí nhớ của ông. PGS Văn Như Cương từng trải qua một tuổi thơ nghèo khó như hầu hết những gia đình xứ Nghệ thời ấy. Phần lớn thu nhập của gia đình dựa vào nghề dệt và nhuộm lụa của mẹ. Cứ 5 ngày một phiên chợ, mẹ đi bán lụa, lấy tiền lãi mua gạo và thức ăn nuôi sống gia đình. Bố ông thì mải mê đèn sách. Ông cụ là một nhà giáo nổi tiếng ở quê thời đó.

PGS Văn Như Cương kể tiếp: “Từ cuộc đời của cha mình, ngay từ khi còn nhỏ tôi đã hiểu rằng, nghề giáo có ảnh hưởng với xã hội, với con người. Để làm một người có ích thì nên làm thầy giáo”.

dscf4366-copy-dd0f5-dfc3-1441432031164183059440

Năm 1989, công cuộc đổi mới đã có chuyển động khá mạnh mẽ. Một số lĩnh vực của đời sống, nhất là lĩnh vực kinh tế đã cho phép xuất hiện thành phần kinh tế tư nhân với sự ra đời của các doanh nghiệp trong các ngành nghề khác nhau. Tuy vậy, một số lĩnh vực thuộc về văn hóa, giáo dục vẫn còn rất e dè. Một vị lãnh đạo ngành giáo dục đã nói rõ trong một cuộc họp quan trọng rằng, có thể nhiều ngành nghề sẽ tiếp tục được tư nhân hóa, nhưng giáo dục, với tính chất phức tạp và quan trọng của nó, sẽ không có chuyện tư nhân hóa trong tương lai gần. PGS Văn Như Cương không đồng ý với quan điểm này.

Trong những ngày còn nhiều ý kiến trái chiều đó, PGS Văn Như Cương đi đến một quyết định táo bạo. Ông viết đơn gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Minh Hạc đề nghị cho mở trường tư thục, đồng thời gửi đăng lên Báo Giáo dục thời đại với mong muốn thăm dò sự quan tâm của các đồng nghiệp và xã hội, cũng như trình bày trước công luận một quan điểm mới về giáo dục của mình. Điều thú vị là, quan điểm của ông nhận được sự chú ý của nhiều tầng lớp độc giả. Và cũng chính từ bức thư ấy, Bộ Giáo dục đã mời ông lên để trao đổi. Trước những lập luận của PGS Văn Như Cương, lãnh đạo Bộ Giáo dục đồng ý cho phép ông lập trường dân lập mang tên nhà toán học Lương Thế Vinh.

Đối với PGS Văn Như Cương, sự thành công của ngôi trường Lương Thế Vinh có một ý nghĩa to lớn. Trước hết, nó khởi đầu cho loại hình trường dân lập, do tư nhân quản lý, cạnh tranh với hệ thống trường công lập và có sự tự chủ nhất định về mặt chương trình, phương pháp sư phạm, tự chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục. Điều quan trọng là, tại ngôi trường này, PGS Văn Như Cương có điều kiện để thực hiện những gì mà với tư cách một nhà sư phạm ông mong muốn mang lại cho học sinh và đồng nghiệp của mình.

Trong một hồi ức, PGS Văn Như Cương kể lại: “Ngoài giấy phép hoạt động trường Lương Thế Vinh bắt đầu từ những con số không tròn trĩnh: Không tiền vốn, không nhà tài trợ, không cổ đông, không cán bộ, giáo viên, không học sinh, không bàn ghế, không bảng đen…”. Vậy nhưng chỉ sau 2 tháng chuẩn bị PGS Văn Như Cương cùng vợ là cô Đào Kim Oanh và các cộng sự của mình đã tiến hành xây dựng đội ngũ giáo viên, thuê địa điểm, tuyển sinh. Năm đầu tiên, 1.600 hồ sơ đăng ký, sau khi thi đầu vào, trường chọn được 800 thí sinh nhập học. Như một giấc mơ, ngôi trường đã có một sự khởi đầu thành công hơn mong đợi.

Lý giải sự thành công khá ngoạn mục ấy, PGS Văn Như Cương cho rằng: “Sự ủng hộ của giáo viên, của cha mẹ học sinh và của chính các em từ buổi đầu thành lập trường Lương Thế Vinh chính là do sự mong muốn đổi mới từ trong lòng mỗi người. Người ta quan tâm đến một mô hình giáo dục khác, một cách quản lý, một phương pháp khác với những gì đang diễn ra”.

Hiểu được điều đó và phấn đấu để không phụ lòng tin yêu của mọi người, suốt những năm qua, Trường Lương Thế Vinh đã trở thành một trong những trường dân lập có chất lượng cao nhất trong cả nước.

Những người tham dự lễ khai giảng năm học 2014-2015 ở Trường Lương Thế Vinh không thể nào quên được một cảnh tượng đẹp đẽ, đầy thiêng liêng và cảm động hôm đó. Hơn 3.500 học sinh và 500 giáo viên mặc trên mình chiếc áo màu cờ đỏ sao vàng. Trong không khí nghiêm trang, trên khán đài, PGS Văn Như Cương mở đầu bài diễn văn của mình bằng một lời trịnh trọng: “Tôi đề nghị mọi người cùng giơ cao bàn tay phải của mình, và đặt lên lồng ngực bên trái… Chúng ta sẽ cảm nhận tiếng đập của trái tim mình, một trong 90 triệu trái tim Việt Nam, tiếng đập rộn ràng dưới sắc vàng của ngôi sao năm cánh”.

Ông nói tiếp: “Các em học sinh thân yêu! Hôm nay, mở đầu một năm học mới, sân trường chúng ta tràn ngập sắc màu của lá cờ Tổ quốc vinh quang. Buổi tựu trường hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta rất nhiều điều. Chúng ta hãy thể hiện tình yêu nồng thắm và lớn lao đối với đất nước mình. Chúng ta yêu núi cao, sông dài, yêu rừng xanh, biển bạc, yêu đất liền và đảo xa. Một nắm đất ở vùng biên giới, một vốc cát ở Trường Sa, hay Hoàng Sa đều do ông cha ta để lại, đều không thể mất… Chúng ta hãy yêu mến nhân dân mình, gần gũi nhất là yêu gia đình mình, yêu bạn bè, yêu thầy cô… Hãy nhớ rằng chúng ta được nuôi dưỡng bằng dòng sữa MẸ VIÊT NAM, tuy rất ngọt ngào nhưng được chắt lọc từ biết bao nhọc nhằn và cay đắng”.

Đi suốt một cuộc đời tận hiến cho ngành giáo dục, ông chỉ có một niềm mơ ước rằng, tuổi trẻ Việt Nam, lớp này lớp khác hãy biết vươn lên, sẽ tiến bộ không ngừng và bắt kịp những xu thế lớn của thời đại. Ông tin: “Niềm vinh quang sẽ đến với mỗi người, với đất nước khi chúng ta biết sống có tình yêu và mài sắc trí tuệ của mình”.

Năm 1954, sau tốt nghiệp phổ thông trung học một cách xuất sắc, Văn Như Cương vào Đại học sư phạm Hà Nội I. Năm 1966 ông sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Năm 1971, Văn Như Cương hoàn thành luận án PTS và về nước. Từ đó, ông dành tất cả thời gian, tâm sức phấn đấu không ngừng cho ngành giáo dục và trở thành một nhà sư phạm nổi tiếng.

Không chỉ giảng dạy ở Đại học Sư phạm Hà Nội I, PGS Văn Như Cương còn viết bài cho các tạp chí toán học trong và ngoài nước. Đặc biệt, ông là tác giả và đồng tác giả của hơn 60 cuốn sách giáo khoa, sách tham khảo toán (bộ môn hình học) ở bậc Đại học, Trung học được lưu hành khoảng 40 năm nay…

 

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.