| Hotline: 0983.970.780

PGS.TS Dương Nhựt Long, Khoa Thủy sản (ĐH Cần Thơ): Quan tâm nhất đến chất lượng

Thứ Sáu 25/11/2011 , 10:17 (GMT+7)

* Cần các nghiên cứu chuyên sâu.

PGS.TS Dương Nhựt Long
PGS.TS Dương Nhựt Long, Khoa Thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ trao đổi với NNVN về vấn đề về nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL.

Thưa ông, được biết thị trường nước ngoài họ có yêu cầu nghiêm ngặt trong xuất khẩu thủy sản. Vậy những vấn đề họ quan tâm là gì?

Nếu nói thị trường khó tính thì phải kể trước hết là châu Âu, rồi Mỹ, Nhật, bây giờ có Đông Âu, nhẹ nhàng hơn là Ả Rập. Nói chung, người ta quan tâm đến vấn đề chất lượng, mà cụ thể là vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm. Thật ra, nói gọn là vệ sinh, an toàn thực phẩm, chớ chi tiết ra thì cũng có nhiều vấn đề có ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Đơn cử việc nuôi con cá tra. Chất lượng thịt của nó phải trắng thì mới được ưa chuộng, nếu thịt bị vàng thì giá rất rẻ, thậm chí khi nguồn cung nhiều, thì các thị trường sẽ đóng cửa với loại thịt vàng. Ngoài ra, khi kiểm tra chất lượng sản phẩm, điều tối kị là thịt bị nhiễm hóa chất, kháng sinh hại cho sức khỏe con người.

 Vì vậy, việc dùng thức ăn, nhất là thuốc thú y trị bệnh cho các loài thủy sản… người sản xuất và kinh doanh cần thuộc nằm lòng danh mục chất bị cấm sử dụng hoặc hạn chế sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản, trong thú y đã được Bộ NN-PTNT ban hành trong Thông tư số 15/2009/TT-BNN, ngày 17 tháng 3 năm 2009.

Số lượng hóa chất, kháng sinh bị cấm hoặc hạn chế sử dụng lên đến gần trăm chất, không thể dễ nhớ nên không thể nói là đã biết mà cần phải được nhắc nhở thường xuyên để nắm và thực hiện. Đó là chưa kể việc đòi hỏi người nuôi trồng, kinh doanh phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về kĩ thuật nữa.

Vậy hiện nay, sản xuất và kinh doanh xuất khẩu của Việt Nam như thế nào, thưa ông?

 Tôi nghĩ rằng, thế mạnh xuất khẩu thủy sản của ĐBSCL vẫn theo thứ tự là con cá tra, tôm sú, con nghêu và tôm thẻ chân trắng. Con cá tra vẫn có triển vọng, vì đã có thị trường, hơn nữa năng suất rất cao. Tính bình quân những năm gần đây với diện tích trên 5.000ha cũng hơn triệu tấn/năm.

Điều quan trọng là không vì thế mà đẩy diện tích nuôi lên đến mức cao làm mất sự ổn định thị trường vì cung quá thừa. Thà sản xuất ít mà được lợi bền vững, còn hơn để dư thừa sẽ có một lượng sản phẩm không thể tiêu thụ được. Con tôm sú và tôm chân trắng cũng có giá trị xuất khẩu đã được người dân có kinh nghiệm nuôi trồng nên vấn đề hiện nay là làm sao kiểm soát được dịch bệnh để ổn định sản xuất.

Con nghêu cũng có giá trị xuất khẩu cao. Theo chỗ tôi biết, cùng một kích cỡ nghêu ở thị trường Việt Nam có giá 15.000 đồng/kg thì ở bên Nhật là 300 ngàn đồng/kg. Ở con nghêu thì hạn chế là vấn đề quản lí và môi trường nuôi. Có nhiều nhận định về nguyên nhân gây chết nghêu, nhưng theo tôi, cần lưu ý tới chất thải do quá trình sản xuất công nghiệp. Đó là những vật chất hữu cơ lơ lửng trong nước lâu ngày lắng đọng làm nghêu sống trong bùn thiếu oxy để thở.

 Nói tóm lại, vấn đề tồn tại là dịch bệnh dẫn đến việc dùng thuốc không đúng đã gây ra tình trạng ảnh hưởng đến năng suất và cả chất lượng sản phẩm, khiến sản phẩm không đáp ứng yêu cầu an toàn, vệ sinh.

Chung quy lại là còn khá nhiều khó khăn?

 Đúng vậy. Nhất là vấn đề con giống, chất lượng từ người sản xuất và cả người kinh doanh, kể cả những người thu mua trung gian. Vấn đề xử lí dịch bệnh kịp thời, đúng cách. Cuối cùng là chuyện thị trường và giá.

Thế thì theo ông, giải pháp nào khắc phục những khó khăn trên?

 Tôi nghĩ là có 3 giải pháp quan trọng.

Trước hết, Nhà nước đã có những thông tư quản lí rất chặt, nhưng vấn đề là cần có biện pháp để tính hiệu lực của văn bản được phát huy. Chẳng hạn, việc nghiêm cấm các hoạt động làm phương hại môi trường, nhưng rồi chế tài và yêu cầu thực hiện vẫn chưa có bước đi cụ thể. Ở đây, vấn đề được nhìn từ hai phía: hoạt động của các ngành ảnh hưởng đến môi trường chăn nuôi và việc ảnh hưởng của chăn nuôi đối với môi trường khác và xung quanh…

Cần tăng cường hơn nữa sự chuyển giao công nghệ từ viện, trường, các cơ sở nghiên cứu để giúp người chăn nuôi và kinh doanh. Thời gian qua, ở ĐBSCL chúng ta đã làm tốt điều này từ ý thức của hai phía là nhà khoa học và nhà sản xuất nên mới có được kết quả xuất khẩu khá. Vậy, hiện nay cần làm tốt công tác này hơn nữa.

Nhà nước cần cho những chương trình nghiên cứu chuyên sâu các đối tượng được nuôi ở từng vùng để có thể giải quyết những vấn đề dịch bệnh cũ hoặc dịch bệnh mới phát sinh. Chẳng hạn, bệnh gan thận mủ trước đây là vấn đề; nhưng nay thì coi như có hướng xử lí ổn. Bệnh tôm còn là vấn đề, cần phải tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu.

Theo ông, điều cốt yếu trong sản xuất thủy sản ở ĐBSCL là gì?

Tôi nghĩ, các địa phương nên đi theo hướng phát triển bền vững nguồn lợi của mình, nghĩa là phát triển tương đối, phù hợp với tự nhiên, sinh thái của vùng. Đồng thời, chú ý tới chất lượng, nghĩa là phải hướng các sản phẩm sản xuất, kinh doanh đến việc thực hiện GAP. Ngoài ra, cũng nên đa dạng các sản phẩm thích hợp và hướng ra biển để mở rộng diện tích mặt nước để khai thác.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.