| Hotline: 0983.970.780

PGS.TS PHẠM VĂN DƯ, PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC TRỒNG TRỌT: TỰ TIN VỚI SẢN XUẤT LÚA KHI NƯỚC BIỂN DÂNG

Thứ Ba 18/10/2011 , 10:44 (GMT+7)

PGS.TS Phạm Văn Dư vừa có chuyến đi kiểm tra tình hình sản xuất và bảo vệ vụ thu đông (vụ 3) ở các tỉnh ĐBSCL.

PGS.TS Phạm Văn Dư
PGS.TS Phạm Văn Dư vừa có chuyến đi kiểm tra tình hình sản xuất và bảo vệ vụ thu đông (vụ 3) ở các tỉnh ĐBSCL. NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Dư quanh vấn đề này.

 Thưa ông lũ ở ĐBSCL đang ở mức cao, vậy nhiều diện tích lúa thu đông liệu có an toàn không?

Diện tích xuống giống vụ thu đông năm nay trên toàn vùng ĐBSCL là 643.656 ha. Như vậy, năm nay là năm có diện tích cao nhất từ trước đến nay (trước đây, năm 2005 là năm có diện tích vụ thu đông cao nhất, với 520.000 ha). Do nước lũ lên cao, đã có 8.461 ha lúa thu đông bị thiệt hại (chiếm 1,31%).

Diện tích bị thiệt hại chủ yếu ở những nơi không có đê bao hay ở những tuyến đê bao mới làm, chân đê còn yếu, trong khi kinh nghiệm chống lũ cao của chính quyền và người dân địa phương còn hạn chế, nên đê bao đã không đứng vững được trước sức nước quá lớn.

Tuy nhiên, phần lớn các tuyến đê bao còn lại đã được làm khá vững chắc. Bên cạnh đó, ở các tỉnh đầu nguồn là An Giang và Đồng Tháp, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, cùng sự sát cánh rất tận tình của quân đội, nên phần lớn các tuyến đê đã được giữ vững trong điều kiện nước lũ dâng cao, vây ép tứ bề.

 Nhờ đó, dù đang có lũ lớn, đã có 260.000 ha lúa ở An Giang và Đồng Tháp được thu hoạch, với năng suất bình quân 5,3 tấn/ha. Thậm chí ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), một trong những huyện trọng điểm về ngập lũ, năng suất lên tới 7 tấn/ha. Vụ thu đông năm nay, nhìn chung ít sâu bệnh, nông dân không phải chi phí nhiều cho phân bón, thuốc BVTV …, nên giá thành sản xuất không cao. Trong khi đó, giá lúa khô hiện tại đã lên tới trên 7.000 đ/kg, nông dân thu lợi nhuận đáng kể.

Nhìn chung, xét trên toàn cục, vụ này là thành công.

Thưa ông, nếu những năm tới, nước lũ ở ĐBSCL tiếp tục ở mức cao như năm nay, thì triển vọng của vụ thu đông sẽ ra sao?

Trong điều kiện tình hình lương thực trên thế giới ngày càng gay go, quỹ đất lúa của chúng ta hạn hẹp thì chúng ta không thể nào không tiếp tục đẩy mạnh sản xuất vụ thu đông để tăng sản lượng lương thực. Đây là phương án bền bỉ, lâu dài nhất để tăng sản lượng lúa, tăng lợi nhuận cho người nông dân. Bởi lâu nay, vụ thu đông vẫn được coi là vụ phụ, là phần thưởng thêm cho người nông dân sau 2 vụ chính là đông xuân và hè thu.

Có thể nói, với mức nước lũ cao của năm nay mà chúng ta vẫn làm thành công, thì vụ thu đông này sẽ là cái mốc để tiếp tục củng cố, mở rộng vụ thu đông trong những năm tới, kể cả ở những khu vực lũ lớn.

Vừa rồi, khi đi An Giang, Đồng Tháp, là những tỉnh đầu nguồn lũ, tôi đã chứng kiến rất nhiều khu vực đê bao năm lọt thỏm giữa biển nước. Vậy mà bên trong đê bao, người dân vẫn sản xuất lúa một cách rất bình thường. Như vậy, với hệ thống đê bao này, trong những năm tới, chúng ta vẫn hoàn toàn có thể sản xuất vụ thu đông một cách thành công. Và quan trọng hơn là nó cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể chủ động sản xuất được lúa trong điều kiện nước biển dâng.

Nhìn trên tổng thể, diện tích thiệt hại vì lũ ở vụ thu đông năm nay là không lớn, nhưng vẫn gây tổn thất cho nhiều người dân. Chúng ta cần phải làm gì để giảm thiểu thiệt hại đó trong những năm tới?

Để phát triển vụ thu đông một cách bền vững, chúng ta cần phải chú trọng đầu tư về cơ sở hạ tầng, củng cố các tuyến đê bao chống lũ. Theo đó, các địa phương cần phải tính toán, quy hoạch thật kỹ càng.  Xây dựng đê bao nên gắn với phát triển tuyến dân cư giống như mô hình ở xã An Bình B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Mô hình này cho thấy khi nước lũ dâng cao, đã luôn có sẵn người dân sinh sống ngay tại chỗ, sẵn sàng tham gia vào việc giữ đê. Đồng thời, trong mùa lũ, sự hỗ trợ của các đơn vị quân đội là rất cần thiết. Thực tế trong mùa lũ năm nay, chính nhờ có quân đội mà nhiều tuyến đê đã được bảo vệ an toàn hoặc nhanh chóng được khắc phụ sau khi xảy ra sự cố.

Để tránh đất ruộng trong vùng đê bao bị bạc màu vì thiếu sự bổ sung của phù sa từ nước lũ, khi làm các tuyến đê bao, chúng ta sẽ phải tính tới phương án làm sao có thể xả lũ luân phiên ở những vùng trồng lúa 3 vụ.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Cần 114 tỷ USD cho lộ trình phát thải ròng bằng '0' đến năm 2040

Con số trên được chia sẻ tại lễ thành lập Mạng lưới đối tác khí nhà kính Việt Nam tại Hà Nội ngày 12/4. Mạng lưới nhằm thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực để hỗ trợ khối doanh nghiệp, các tổ chức kinh doanh Việt Nam trong kiểm kê khí nhà kính.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

GC Food đặt mục tiêu doanh thu 573 tỷ đồng

TP.HCM Ngày 12/4, Công ty Cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food, mã chứng khoán GCF) tổ chức đại hội cổ đông thường niên, đặt mục tiêu lãi gấp đôi trong năm 2024.