| Hotline: 0983.970.780

“Phải coi dân như đối tác bình đẳng với nhà nước”

Thứ Sáu 13/04/2012 , 15:00 (GMT+7)

Cần thiết phải thỏa thuận với dân trong trường hợp thu hồi đất vì mục đích kinh doanh, thương mại. Nông dân có thể được tham gia ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vì họ là đối tác bình đẳng đối với Nhà nước trong việc sử dụng đất

Cần thiết phải thỏa thuận với dân trong trường hợp thu hồi đất vì mục đích kinh doanh, thương mại. Nông dân có thể được tham gia ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vì họ là đối tác bình đẳng đối với Nhà nước trong việc sử dụng đất. Luật sư Trần Hữu Huỳnh phân tích như vậy với NNVN.


Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Phó TTK Phòng Thương mại và công nghiệp VN

 

>> Chính quyền ngày càng xa rời quyền lợi nông dân
>> Chỗ trên trời, nơi dưới đáy
>> 20 triệu đồng và chuyện 1 thôn có 2 bệnh viện
>> Cái lý của người dân

Lấy đất vì mục đích kinh tế phải vận dụng giá thị trường

Thưa ông, khiếu kiện về đất đai hiện chiếm tỷ lệ lớn trong các vụ khiếu kiện, trong đó liên quan nhiều đến đơn giá đền bù trong thu hồi đất. Là chuyên gia về luật, ông đánh giá thế nào?

Chúng ta phải nhìn vấn đề này trong sự phát triển về pháp luật đất đai của Việt Nam. Điều 23 Hiến pháp Việt Nam quy định, trong trường hợp thật cần thiết và vì lợi ích quốc gia, vì lý do an ninh quốc phòng, Nhà nước có thể trưng thu, trưng mua, nhưng phải bồi thường tài sản của nhân dân theo giá thị trường. Rõ ràng ở đây khoanh lại chỉ có 2 trường hợp lớn: Một là an ninh quốc phòng và hai là lợi ích quốc gia.

Đến Luật Đất đai năm 2003 thì lại đi xa hơn một bước khiến cho nhiều người, đặc biệt là các chuyên gia trong lĩnh vực đất đai, băn khoăn về quy định trong luật là bổ sung thêm các trường hợp về lợi ích công cộng và mục tiêu phát triển kinh tế. Vậy lợi ích công cộng là thế nào? Nó có phải thống nhất với lợi ích quốc gia như quy định trong hiến pháp không? Và thế nào là lợi ích kinh tế? Trên thế giới, người ta có thể thống nhất với nhau là vì an ninh quốc phòng, vì lợi ích công cộng thì người ta mới dùng trưng thu và trưng mua đất đai. Còn về phát triển kinh tế hay mục tiêu dính dáng đến kinh tế thì người ta vận dụng quy luật của thị trường, có nghĩa là những ai muốn trưng thu, trưng mua đất đai thì phải theo nguyên tắc của thị trường. Đấy là nhìn lịch sử và thực tiễn trên thế giới.

Như vậy, rõ ràng nhà đầu tư có thể “nhập nhèm” giữa mục tiêu kinh doanh đơn thuần và mục đích phát triển kinh tế được quy định trong Luật, thưa ông?

Phải nói thế này, Luật Đất đai giải thích mục đích thu hồi đất để phát triển kinh tế trong một số trường hợp xây dựng KCN, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao… và những dự án kinh tế khác theo quy định của Chính phủ. Như vậy là Luật Đất đai đã giới hạn những trường hợp gọi là dự án phát triển kinh tế. Và đương nhiên, trong những trường hợp kể trên, tất cả những trình tự, thủ tục cần được làm chặt chẽ dựa trên cơ sở tạo được sự đồng thuận rất cao từ nhân dân, vì mục tiêu phát triển quốc gia nhưng không làm phương hại đến lợi ích của người dân. Đây không đơn thuần là vấn đề pháp luật, mà còn cả chuyện dân vận, chính trị và tổ chức thực hiện.

Chiếu theo đó, một số trường hợp như dự án bệnh viện tư ở Thiệu Hóa (Thanh Hóa), các dự án thu hồi đất ở Duy Tiên (Hà Nam)… mà báo NNVN đã phản ánh, bản chất của nó là một tổ chức kinh tế, đi làm kinh doanh. Tất nhiên cũng là để phục vụ cho sự phát triển chung, nhưng cần phân biệt rõ, đây không phải là một tổ chức phi lợi nhuận mà vì lợi nhuận. Mà đã kinh doanh thì đương nhiên phải tính toán lời lãi. Còn theo tôi, Nhà nước khuyến khích xã hội hóa một số lĩnh vực cần thu hồi đất có thể bằng những cách khác, ví dụ hỗ trợ về thuế, nguồn cung nhân lực…, chứ không thể hy sinh quyền lợi của một bộ phận cụ thể của nhân dân ở địa phương đó để phục vụ cho một, hai dự án mà bản chất của nó thuần túy là một dự án kinh doanh.

Quy hoạch chạy sau dự án

Chuyện không mới ở nhiều địa phương là khi có dự án mới bổ sung quy hoạch, mà cụ thể là chuyện mở rộng các KCN, chuyện xây dựng các dự án đơn lẻ không có trong kế hoạch sử dụng đất ở địa phương. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Muốn làm một chương trình phát triển tổng thể, thì người ta phải có quy hoạch rõ ràng ngay từ đầu. Và muốn làm được như vậy thì phải chọn những vùng đất ít ảnh hưởng nhất đến lợi ích của người dân. Phải chỉ rõ được nơi nào là nơi phát triển công nghiệp, nơi nào thì phát triển y tế, giáo dục… Tất cả những việc đó cần phải làm minh bạch, công khai. Khi làm được như vậy, chúng ta mới tính toán được rằng, những dự án nào do đầu tư công phụ trách, ví dụ như bệnh viện công thì Nhà nước đầu tư, nhân dân được hưởng lợi bởi khung giá do Nhà nước quy định. Còn bệnh viện tư thì giá cả do thị trường quy định. Cho nên trong trường hợp đó chúng ta cũng phải phân biệt với nhau rõ ràng rằng, cùng là một dự án y tế, nhưng tính chất của các tổ chức đầu tư vào đó khác nhau.

Trên cơ sở quy hoạch như vậy, chính quyền mới tính toán được dự án nào cần phải hy sinh một bộ phận lợi ích của dân chúng, hay dự án nào phải thỏa thuận… Theo tôi, với những dự án nằm đơn lẻ hoặc không có trong quy hoạch, thì nó không nằm trong trường hợp buộc Nhà nước phải đứng ra thu hồi đất, cho nên nhà đầu tư phải thỏa thuận với người dân.

Tôi nói rằng mục đích của nhà đầu tư có thể là tốt, nhưng lợi ích của số đông nhân dân có thể bị ảnh hưởng, thì nó không bảo đảm một cách toàn diện như hiến pháp quy định.

Thưa ông, có một thực trạng chung là, nhiều hộ nông dân bị thu hồi đất trước nhận giá đền bù rẻ mạt, còn hộ giao đất sau thì được giá cao. Như vậy rõ ràng là rất bất hợp lý?

Chúng ta phải nhìn một cách tổng thể. Tôi sẽ không bàn vào những trường hợp cụ thể. Nhưng về nguyên tắc chung là thế này, thứ nhất chúng ta phải thấy rằng, trong những dự án không phải nằm trong quyết định thu hồi để làm “đất sạch” trong mục tiêu phát triển kinh tế của Chính phủ, có hai luồng ý kiến, một số cho rằng đã gọi là thỏa thuận thì phải đạt đến 100% số người dân đồng thuận. Số khác thì cho rằng đó chỉ là lý thuyết, trong thực tiễn không bao giờ thực hiện được, bởi vì “bách nhân bách tính”. Vậy bây giờ giải quyết vấn đề đó thế nào?

Theo tôi, có một số địa phương hiện đã áp dụng, cứ khoảng 80% dân chúng mà đồng thuận thì số còn lại phải theo. Ngoài ra, liên quan đến giá cả, chúng ta cũng không có quy định giá bồi thường trước thế nào, sau cao hơn hay thấp hơn, cho nên về kỹ thuật mà nói thì phải chia ra các giai đoạn. Ví dụ mục đích sử dụng là A thì tuyên bố giá 10 đồng. Nhưng sau đó mà chủ đầu tư thay đổi mục đích sử dụng, thì giá thỏa thuận sẽ phải khác đi. Thứ 2 là giá có thể biến động lên xuống theo thị trường. Chúng ta đang nhìn xu thế thị trường theo chiều hướng đi lên. Như vậy, thường là những người được bồi thường trước sẽ bị thiệt hại, và khiếu kiện từ đó sẽ xảy ra. Như vậy, phải có cơ chế khuyến khích những người tự nguyện thực hiện.

“Nhà nước chính là… tôi”

Đất đai được quy định là sở hữu toàn dân, trong đó Nhà nước thống nhất quản lý. Nhưng với tư cách là chủ sử dụng, nông dân lại không có quyền gì trong việc định đoạt. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

Chúng ta hiểu rằng đất đai theo hiến pháp là sở hữu toàn dân. Bộ luật Dân sự thì coi đó như sở hữu của Nhà nước. Nhưng Nhà nước là ai? Về đến địa phương thì ông đứng đầu chính quyền tự coi mình là Nhà nước. Thực ra cần hiểu Nhà nước là cả một hệ thống gồm thiết chế chính trị và nhân dân. Do vậy, mọi vấn đề đều phải thông qua thiết chế này theo một cách hết sức minh bạch kiểu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tuy nhiên, chỗ này chúng ta thực hiện chưa thật tốt, nên có thể hiểu “Nhà nước ở đây chính là tôi (người đứng đầu địa phương)”. Vì tính chất lạm quyền như vậy, nên nhiều lãnh đạo địa phương sử dụng cái quyền đó để ban phát theo cơ chế xin – cho, mua bán hoặc đổi chác nhằm trục lợi.

Đối với người dân thì thế nào? Họ đang hiểu sở hữu đất đai là sở hữu toàn dân như vậy, nhưng về quyền sử dụng của dân thì chính bản thân họ ít được tham gia vào quá trình phát triển quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Lẽ ra họ là một chủ thể quan trọng, là một đối tác bình đẳng đối với Nhà nước thì lại không được nêu ý kiến.

Vậy phải làm thế nào, thưa ông?

Phải minh bạch trong chuyện chọn các nhà đầu tư. Vì thông thường chúng ta làm theo từng dự án. Theo tôi, chúng ta phải làm “đất sạch” và tổ chức đấu giá để nhiều nhà đầu tư có cơ hội lựa chọn. Khi làm được như vậy thì chúng ta cũng có điều kiện để chọn nhà đầu tư tốt, tránh được những quan hệ theo kiểu “móc ngoặc”.

Khi chúng ta có nhà đầu tư tốt, năng lực tài chính dồi dào, thì họ thỏa thuận đề bù với dân rất nhanh, đồng thời có chính sách hỗ trợ tốt cho dân về tạo việc làm, xây dựng công trình công cộng.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm