| Hotline: 0983.970.780

Phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết

Thứ Năm 24/10/2013 , 10:38 (GMT+7)

Một diện tích cao su rất lớn nữa tại tỉnh Quảng Trị bị bão số 11 tiếp tục quật gãy cho thấy vấn đề quy hoạch chi tiết cũng như các chính sách và biện pháp kỹ thuật bảo vệ cho cao su phát triển bền vững đã bộc lộ nhiều điều chưa an toàn.

* Kiến nghị triển khai bảo hiểm nông nghiệp cây cao su

Một diện tích cao su rất lớn nữa tại tỉnh Quảng Trị bị bão số 11 tiếp tục quật gãy cho thấy vấn đề quy hoạch chi tiết cũng như các chính sách và biện pháp kỹ thuật bảo vệ cho cao su phát triển bền vững đã bộc lộ nhiều điều chưa an toàn.

Thành công khi... không có bão

Sau khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng CP) ra QĐ 327 vào năm 1992 về một số chủ trương chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước, tỉnh Quảng Trị đã cho trồng thí điểm một số diện tích cao su tiểu điền ở hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh.

Đến năm 1996, tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa III đã ra Nghị quyết 7b/NQ-HĐ "về phát triển cây công nghiệp dài ngày bằng vốn vay ngân hàng được ngân sách cấp bù lãi suất". Agribank Quảng Trị được giao trực tiếp thực hiện việc cho vay trồng mới và chăm sóc cây cao su, cà phê theo chương trình cấp bù lãi suất của UBND tỉnh. Kết quả đã cho vay trồng mới trên 4.100 ha, cho vay chăm sóc 4.700 ha cao su với tổng số tiền cho vay bù lãi suất 24 tỷ đồng.

Bước sang năm 2001, toàn bộ diện tích cao su tiểu điền được ngân sách cấp bù lãi suất đã chuyển đổi sang cho vay từ nguồn vốn của dự án Đa dạng hóa nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ với thời hạn cho vay 18 năm, lãi suất ưu đãi là 0,81%/tháng, có ân hạn 8 năm trong thời gian kiến thiết cơ bản.


Cao su là cây lấy mủ nên không thể chịu được bão

Ngoài ưu đãi này cùng với việc giá mủ cao su trên thị trường thế giới tăng cao đã tạo động lực thúc đẩy nông dân Quảng Trị tích cực đầu tư phát triển cây cao su. Theo thống kê của Agribank Quảng Trị, từ năm 1996 đến tháng 9/2008 đã cho vay trồng mới được 7.871 ha với dư nợ (bao gồm cả cho vay phục hồi) là 83 tỷ đồng. Sau khi dự án đa dạng hóa nông nghiệp kết thúc giai đoạn một, Agribank Quảng Trị tiếp tục sử dùng vốn thương mại cho vay trồng mới và chăm sóc cao su. Đến nay dư nợ cho vay trồng và chăm sóc cao su của nông dân Quảng Trị xấp xỉ 160 tỷ đồng.

Trong 17 năm qua, tính từ 1996 đến nay Quảng Trị may mắn không phải hứng chịu một trận bão lớn nào nên cây cao su đã thực sự trở thành “cây xóa đói giảm nghèo” tốt nhất của vùng đất này. Tổng diện tích cao su được trồng tại Quảng Trị đến cuối năm 2012 đạt hơn 19 ngàn ha, trong đó diện tích cho khai thác mủ đến 10.829 ha.

Rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch

Tuy nhiên qua hai cơn bão số 10 và 11, đặc biệt là cơn bão số 10 vào ngày 1/10 đã làm gãy đổ một diện tích cao su rất lớn tại Quảng Trị, đặt ra vấn đề cần nghiên cứu lại đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt với cây công nghiệp dài ngày như cao su để hạn chế thấp nhất về thiệt hại hoặc chuyển đổi một số diện tích đất sang trồng hồ tiêu, trồng màu, trồng cỏ nuôi bò. Người dân đang rất cần các cơ quan chức năng trả lời câu hỏi trồng cao su ở tiểu vùng nào là phù hợp nhất cùng với những chính sách nông nghiệp đầy đủ hơn.

Thực tế cho thấy diện tích cao su trồng ở các xã phía đông huyện Vĩnh Linh bị gãy đổ rất nhiều. Vùng này sát biển lại không có vành đai chắn gió nên khi bão vào cây cao su càng dễ đổ hơn.

Trong khi đó theo thứ tự của địa lý tự nhiên từ hướng biển Đông vào, huyện Cam Lộ nằm sau cả huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, cách biển khoảng 40 km, lại có quy hoạch rõ ràng hai vùng phát triển cây công nghiệp khác nhau, cây lạc ở vùng đông bắc và cây cao su, hồ tiêu ở vùng tây nam, có rừng che chắn. Vậy nên khi bão số 10 vào thì rất ít diện tích cao su ở Cam Lộ bị gãy đổ, cả huyện chỉ có 78 ha cao su hư hỏng.

Tại vùng Cùa với hai xã Cam Chính, Cam Nghĩa của huyện Cam Lộ, nơi núi rừng bao quanh, cây cao su nằm giữa thung lũng lại càng không ảnh hưởng gì. Phân tích tính chất địa hình và khoảng cách địa lý để thấy rõ việc điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết để phát triển cao su ở Quảng Trị cho phù hợp là rất cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Bài - Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết, trong khó khăn của thiên tai chúng tôi xác định phải tìm một giải pháp phù hợp đối với vấn đề cây cao su. Tỉnh sẽ rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết trồng cây cao su tại Quảng Trị, định hướng lại cây trồng phù hợp cho từng địa phương. Tổ chức lại sản xuất trên cơ sở hình thành các vùng chuyên canh phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Tại hội nghị triển khai sản xuất sau bão số 10 mới đây, ông Nguyễn Đức Cường - Chủ tịch tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh phương châm của Quảng Trị là thực hiện sản xuất đa cây, đa con, tập trung, quy mô, chuyên canh, hiệu quả, có tính hàng hóa cao. Trong phát triển cây cao su cũng như cây công nghiệp dài ngày khác phải đề cao tính bền vững, ổn định lâu dài và những biện pháp bảo vệ cho cây trồng. Hết sức chú ý quy hoạch vùng để phát triển bền vững khai thác hết thế mạnh các cây, con phù hợp với các vùng, miền.

Sớm triển khai bảo hiểm nông nghiệp cho cao su

Chúng tôi gặp gỡ nhiều nông dân trồng cao su họ nói rằng phải chi có bảo hiểm nông nghiệp thì nỗi đau sau bão số 10 sẽ nhẹ đi với bà con rất nhiều. Tỉnh Quảng Trị hiện có 56% lao động nông nghiệp, có hàng chục ngàn hộ trồng cao su, là đối tượng cần thiết được hưởng chính sách BHNN.

Nếu không có BHNN cho cao su thì khi có thiên tai xảy ra như vừa qua nông dân chỉ được hỗ trợ thiệt hại theo Quyết định 142/2009 của Chính phủ. Theo đó diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại hơn 70%, được hỗ trợ 4 triệu đồng/ha, thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ 2 triệu đồng/ha. Trong khi đó trị giá mỗi ha cao su đang cho khai thác mủ đến 300 triệu đồng. Do vậy khoản hỗ trợ 142 không đáng bao nhiêu so với thiệt hại mà người dân phải gánh chịu.

Để hạn chế những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp cũng như tìm chỗ dựa cho nhà nông, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 315/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013 tại 21 tỉnh, thành phố, trong đó không có tỉnh Quảng Trị.

Theo đó, sẽ hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Quyết định 315 hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho nông dân nghèo, hỗ trợ 80% cho nông dân cận nghèo và hỗ trợ 60% cho nông dân không thuộc diện nghèo, cận nghèo tham gia thí điểm BHNN. Tức là tất cả các đối tượng tham gia BHNN đều được hỗ trợ.

TS Trần Mạnh Đạt - Giám đốc Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị cho rằng khi có chủ trương về phát triển cây trồng, vật nuôi chiến lược thì cần có chính sách bảo hiểm nông nghiệp đi kèm cho nông dân. Tỉnh Quảng Trị nên kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm triển khai chính sách BHNN cho địa phương nhằm tạo điều kiện cho nông dân an tâm sản xuất. Dù chính sách còn trong giai đoạn thí điểm song rất cần sự linh hoạt với biên độ cho phép bổ sung BHNN với cây cao su để hạn chế tối đa những thiệt hại lớn cho nông dân trước thiên tai, dịch bệnh.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất