| Hotline: 0983.970.780

Phải giữ giá trị vốn có của cá tra

Thứ Ba 24/06/2014 , 10:03 (GMT+7)

“Nếu thật sự vì danh dự quốc gia, vì sự phát triển kinh tế đất nước thì phải giữ giá trị vốn có của cá tra” - ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra VN, khẳng định.

Nghị định nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, số 36/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ ký ngày 29/4/2014, có hiệu lực từ ngày 20/6/2014, đang được dư luận quan tâm với nhiều ý kiến khác nhau. Chúng tôi có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra VN Hồ Văn Vàng (ảnh).

09-56-43_1606142

Ông Hồ Văn Vàng nhấn mạnh: Hiệp hội Cá tra Việt Nam gồm các thành viên của chuỗi sản phẩm cá tra, từ sản xuất thức ăn, con giống đến nuôi và chế biến xuất khẩu. Nội dung trả lời phỏng vấn của tôi hôm nay đã được thống nhất trong Thường trực Hiệp hội.

Nghị định quy định các doanh nghiệp phải “đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra với Hiệp hội Cá tra Việt Nam”, một số doanh nghiệp cho rằng, mục đích của việc này chỉ nhằm thu phí?

Một ngành hàng xuất khẩu ra 149 quốc gia và vùng lãnh thổ, nguyên liệu độc quyền 98% mà xuất khẩu do cạnh tranh không lành mạnh, chào bán dưới giá thành sản xuất để bị nước ngoài kiện chống bán phá giá, còn trong nước càng làm càng lỗ là không thể chấp nhận.

Cần có sự quản lý, điều phối hiệu quả để khắc phục. Nên trong Nghị định, Chính phủ giao cho Hiệp hội cá tra điều phối các hoạt động sản xuất chế biến và xuất khẩu đảm bảo minh bạch, khách quan vì lợi ích chung.

Theo luật thương mại, hợp đồng chỉ có thể cung cấp cho cơ quan thuế và hải quan, nay còn phải cung cấp cho Hiệp hội cá tra, nếu lộ thông tin thì ai chịu trách nhiệm? Việc đăng ký này có thêm thủ tục hành chính, mất thời gian cho các đơn hàng xuất khẩu?

Tôi xin nhắc lại, Hiệp hội cá tra gồm cả các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra. Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL, ở TP Cần Thơ, ngày 9/6, các băn khoăn được nêu lên và lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã lắng nghe, sẽ đưa vào thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định, đảm bảo quyền lợi cho cả chuỗi sản phẩm cá tra.

Đăng ký xuất khẩu theo từng lô hàng hay hợp đồng (hợp đồng có thể cho nhiều năm hoặc nhiều lô hang), vì nếu không khéo sẽ gây ách tắc, thưa ông?

Đăng ký từng lô vì còn phải truy xuất nguồn gốc cá tra nguyên liệu.

Quy định hồ sơ đăng ký phải chứng tỏ “hợp đồng có giá mua cá tra nguyên liệu cao hơn hoặc bằng giá sàn cá tra nguyên liệu do Hiệp hội Cá tra Việt Nam công bố”, có phải chỉ quan tâm đến người nuôi và gây khó cho doanh nghiệp?

Vì giá cá tra hay thay đổi và với hàng tồn kho thì áp dụng giá sàn lúc nào, lúc mua nguyên liệu hay lúc xuất khẩu?

Hiện nay, các doanh nghiệp đã nuôi gần 70% sản lượng nên quan tâm người nuôi cũng là quan tâm doanh nghiệp. Việc giá cá tra thay đổi liên tục do trước đây sản xuất tự phát, nay có Nghị định 36 thì hy vọng sản xuất đi vào nề nếp, giá sẽ ổn định. Với hàng tồn kho, có thời gian qui định trong điều khoản chuyển tiếp.

Có doanh nghiệp băn khoăn về quy định sử dụng hóa chất, phụ gia vì cho rằng, hiện tại nước ta không có danh mục hóa chất, phụ gia được phép sử dụng, chỉ có danh mục hóa chất, phụ gia cấm sử dụng và hạn chế sử dụng?

Nước ta đã có 3 loại danh mục, với những quy định giống như các nước khác là dựa vào tài liệu gốc của uỦy ban Codex thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương thế giới (FAO). Nuôi và chế biến cá tra phải tuân theo.

09-56-43_1606141
Cá tra bán dưới giá thành nên người nuôi nghèo khổ

Về qui định tỷ lệ mạ băng không quá 10% và hàm lượng nước không vượt quá 83% (lượng nước trong thịt cá sau khi đã rã băng) có cứng nhắc không?

Vì theo một số doanh nghiệp thì có nước nhập khẩu không quy định về tỷ lệ mạ băng?

Tôi nhận được phản ánh của người tiêu dùng nước ngoài, trước năm 2009, cá tra phi lê của ta rất ngon, được ưa thích nên xuất khẩu tăng nhanh. Từ năm 2010 về sau, nhiều nhà xuất khẩu cạnh tranh bằng cách hạ giá, sau đó mạ băng tỷ lệ cao và còn quay tăng trọng bơm nước vào thịt cá, làm cho cá vừa lạt vừa bở.

“Nếu thật sự vì danh dự quốc gia, vì sự phát triển kinh tế đất nước thì phải giữ giá trị vốn có của cá tra” - ông Hồ Văn Vàng.

Ngày 15/5/2014, chúng tôi tổ chức thảo luận về cá tra, có mặt đại diện tập đoàn Aldi South với trên 8.000 cửa hàng đang hoạt động khắp thế giới. Giám đốc đại diện của tập đoàn ở 8 quốc gia đều bày tỏ sự quan tâm đến chất lượng, họ nói sẵn sàng mua giá cao với sản phẩm có chất lượng tốt như trước đây.

Nên muốn phục hồi ngành cá tra không thể không phục hồi chất lượng. Tôi biết, một số nhà xuất khẩu vì quyền lợi riêng tư đang tỏ ý không đồng tình ở điểm này nhưng đề nghị quí vị nên dừng lại, nếu thật sự vì danh dự quốc gia, vì sự phát triển kinh tế đất nước thì phải giữ giá trị vốn có của cá tra.

Thời điểm này còn những khó khăn do Đạo luật Nông nghiệp Mỹ 2014 khi đi vào thực thi mà Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự đoán, cá tra Việt Nam có thể không còn vào được thị trường Mỹ và phải mất 4-6 năm mới có thể quay lại, ông nghĩ sao?

Cũng là cơ hội để cá tra Việt Nam tăng giá trị. Hiện thị trường Mỹ chiếm khoảng 20% sản phẩm cá tra xuất khẩu, vậy có thể giảm nuôi lại 20% để ngưng xuất khẩu qua thị trường Mỹ. Cùng đó, ta tổ chức hệ thống quản lý nuôi tương tự như Mỹ.

Điều này sẽ nâng chất lượng, tạo thương hiệu và sẽ nâng giá bán cao lên. Thà làm ít mà có lời, còn hơn làm nhiều mà lỗ như 2 năm nay.

VASEP đang kiến nghị nên có quota để hạn chế số lượng và nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, điều này trong Nghị định chưa có?

Chỗ này tôi đồng ý với VASEP, chỉ xác định diện tích, sản lượng nuôi là chưa đủ mà nên có quota để hạn chế sản lượng, cân đối cung cầu, tránh khủng hoảng lúc thừa lúc thiếu.

Vì những băn khoăn, VASEP kiến nghị lùi thời hạn thực hiện Nghị định sang năm 2015, để chỉnh sửa thêm, còn ông?

Hơn 10 năm qua, VASEP điều hành xuất khẩu mà ngành cá tra ngày càng lụn bại. Nghị định 36 cũng đã bàn thảo gần 5 năm rồi. Nên cuộc họp của Ban Chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL, tại TP Cần Thơ ngày 9/6, khẳng định thời điểm có hiệu lực của Nghị định 36 như Thủ tướng đã ký. Nhưng sẽ có lộ trình thực hiện trong thông tư hướng dẫn của Bộ NN-PTNT.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất