| Hotline: 0983.970.780

Về đề xuất con đường tâm linh của Doanh nghiệp Xuân Trường:

Phải hết sức cân nhắc khi nguồn lực đầu tư công có hạn

Thứ Sáu 21/12/2018 , 13:30 (GMT+7)

Mặc dù đề xuất của doanh nghiệp Xuân Trường về việc xây dựng Khu du lịch tâm linh Hương Sơn ở chùa Hương chưa nhận được kết quả trả lời cuối cùng của TP Hà Nội nhưng dư luận gần đây đã có nhiều quan điểm trái chiều.

Tuyến đường tâm linh hay tuyến đường… thu phí?

Trong bản báo cáo tóm tắt dự án Khu du lịch tâm linh Hương Sơn gửi UBND TP Hà Nội, doanh nghiệp Xuân Trường không chỉ đề xuất làm khu du lịch tâm linh hoành tráng như Bái Đính ở chùa Hương với 1500 ha mà còn có tham vọng xây dựng một tuyến đường du lịch tâm linh (có chỗ gọi là đường hành hương) xuyên qua nhiều tỉnh thành.

12-37-32_xt_gio_thong
Đề xuất tuyến đường tâm linh – hành hương của doanh nghiệp Xuân Trường

Doanh nghiệp Xuân Trường còn mong muốn xây dựng một con đường du lịch tâm linh kết nối giữa các khu du lịch Bái Đính (Ninh Bình); Tam Chúc (Hà Nam) và tương lai là Khu du lịch tâm linh Hương Sơn đều của doanh nghiệp này đầu tư.

Trong báo cáo tóm tắt, doanh nghiệp đưa ra những ý tưởng có vẻ rất khiên cưỡng như: “Có thể tổ chức nhiều chương trình du lịch hành hương tìm hiểu về lịch sử, văn hóa dân tộc, đạo Phật, tín ngưỡng dân gian Việt Nam như: Con đường tâm linh theo các di tích thời Đinh –Tiền Lê - Lý – Trần; hành hương theo dấu chân thiền sư Nguyễn Minh Không….”.

Rồi từ đó, doanh nghiệp đề xuất hình thành tuyến đường di sản tâm linh từ cố đô Hoa Lư nối thủ đô Hà Nội với tổng chiều dài 90km, đi qua 10 ngôi chùa chia làm 3 giai đoạn đầu tư:

Giai đoạn 1 kết nối Chùa Hương qua chùa Tam Chúc đến chùa Bái Đính dài 35km.

Giai đoạn 2 từ Chùa Hương đến hồ Quan Sơn (Mỹ Đức): 20km

Giai đoạn 3 từ hồ Quan Sơn huyện Mỹ Đức về Trung tâm hội nghị quốc gia Hà Nội: 35km.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp Xuân Trường gần đây còn so sánh, trên thế giới, các địa danh nổi tiếng về tâm linh, các tín đồ đều có những con đường hành hương của mình và người ta có thể đi bộ cả tháng trời nên ông muốn thực hiện điều đó ở Việt Nam một “con đường tâm linh” sẽ kết nối 10 di sản, gồm: Cổng Tam Quan, chùa Vàng, khu quần thể danh thắng Tràng An, cố đô Hoa Lư – động Am Tiêm, khu tâm linh chùa Bái Đính, khu bảo tồn ngập nước Vân Long, chùa Tam Chúc, chùa Hương, chùa Quan Sơn, di tích lịch sử Hoàng thành Thăng Long. Theo ông Trường thì ý tưởng trên đã được ông “báo cáo lên Thủ tướng”.

Nhìn vào ý tưởng có vẻ mới mẻ trên sẽ ít người hình dung một sự thật nhãn tiền đáng suy ngẫm khác. Đằng sau con đường tâm linh mà ông Trường nói chính là những trạm thu phí mọc lên dọc đường hành hương, tâm linh. Nơi nào đi qua các khu du lịch do doanh nghiệp Xuân Trường triển khai thì hai đầu đều có các trạm thu phí rất lớn.

12-37-32_xt_cong_thu_phi
Mẫu cổng kiểm soát và thu phí ở khu du lịch Hương Sơn

Cụ thể, hiện nay, ở hai đầu Khu du lịch tâm linh Tam Chúc – Ba Sao, doanh nghiệp này đang xây dựng hai trạm thu phí lớn ở đầu giáp Hà Nam và một đầu giáp Hà Nội. Còn tại bản đồ quy hoạch cảnh quan kiến trúc Khu du lịch tâm linh Hương Sơn do doanh nghiệp đề xuất, ở hạng mục thứ 6 và mục số 13 đã thể hiện rõ hai cổng vào đồng thời là hai trạm thu phí án ngữ hai đầu đến chùa Hương từ Hà Nội và Hà Nam.

Theo một số chuyên gia kinh tế, nếu doanh nghiệp thực hiện điều này thì “lợi đơn, lợi kép”. Bởi nếu nhìn trên sơ đồ tuyến đường hành hương của Xuân Trường thì có thể thấy con đường này chạy song song với các tuyến quốc lộ, chỉ có rất ít điểm giao cắt chính vì vậy sẽ “đẩy” du khách vào sự đã rồi, ngại tìm đường nên dễ dàng “nộp” phí cầu đường và hình thành tuyến liên thông thu hút du khách đến các điểm do doanh nghiệp đầu tư.
 

Tuyến đường du lịch tâm linh từng gây dậy ... lãng phí?

Nhìn lại lịch sử tuyến đường tâm linh cho thấy doanh nghiệp Xuân Trường đã có tham vọng từ rất sớm và đến nay vẫn kiên trì ý tưởng này cho dù đã vấp phải rất nhiều phản đối của dư luận. Năm 2012, hai tỉnh Ninh Bình và Hà Nam đã có đề xuất về việc đầu tư tuyến đường đi thẳng từ Bái Đính đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia tại Mỹ Đình, nhưng đề nghị này đã bị Hà Nội từ chối…

Theo đó, hai tỉnh này đề nghị TP Hà Nội có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Ninh Bình, tỉnh Hà Nam và Thành phố Hà Nội đầu tư tuyến đường từ Bái Đính đi Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội (đoạn nối tiếp từ chùa Hương đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia) bằng hình thức đổi đất lấy hạ tầng hoặc kinh phí thực hiện lấy từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch. Hai tỉnh này cũng đề nghị giao UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư đoạn tuyến đường trên và được phép áp dụng cơ chế đặc thù chỉ định thầu tất cả các hạng mục công việc, theo đó đề nghị giao cho doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường được phép tự ứng vốn trước để thi công tuyến đường từ chùa Hương đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Thế nhưng sau đó, UBND TP Hà Nội, Sở KH & ĐT đã tổ chức họp với các đơn vị liên quan và xác định, Hà Nội đã triển khai đầu tư tuyến đường nối từ Khu du lịch, thắng cảnh Hương Sơn (Hà Nội) đến Khu du lịch Tam Chúc - Khả Phong (Hà Nam) với chiều dài khoảng 4,5km, rộng khoảng 25m. Trong các quy hoạch được duyệt không có quy hoạch tuyến đường nối trực tiếp từ Bái Đính đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Trong khi đó, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định một số tuyến giao thông liên kết giữa Trung tâm Hà Nội với Khu du lịch, thắng cảnh Hương Sơn hoặc khu vực lân cận như: Tuyến Quốc lộ 21 (vừa qua đã được Bộ GTVT đầu tư cải tạo với mặt cắt khoảng 12m); tuyến Quốc lộ 1 (gồm tuyến 1A cũ và cao tốc Pháp Vân - cầu Giẽ - Ninh Bình); tuyến Hương Sơn - Miếu Môn - Trúc Sơn; tuyến trục giao thông phía Nam, đường Đỗ Xá - Quan Sơn... thông qua các tuyến VĐ3, VĐ4 với khu vực hệ thống giao thông tại khu vực đô thị trung tâm. Việc xác định tuyến mới chưa có trong quy hoạch nối trực tiếp từ chùa Hương đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia là không cần thiết.

Năm 2013, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất 3 phương án về hướng tuyến để xây dựng đường Mỹ Đình - Bái Đính đã từng gây dậy sóng dư luận phản bác về sự lãng phí. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khi đó đã nhất trí cho phép triển khai tuyến đường sắt trên cao (một ray) nối từ Mỹ Đình (Hà Nội) đi qua Tam Chúc - Ba Sao tới Bái Đính và giao UBND các địa phương phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải bàn về cơ chế vốn. Song chủ trương trên đến nay vẫn chỉ là ý tưởng vì chưa thể có nguồn vốn khả thi để triển khai.

12-37-32_cong_chinh_cu_khu_du_lich_tm_chuc_-_b_so_dng_trong_qu_trinh_khoi_cong_1
Trạm thu phí đang được xây dựng tại Khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tuyến đường nối Mỹ Đình - Bái Đính là một lãng phí cực kỳ lớn, vì hiện nay đã có đến 3, 4 tuyến đường nối hai địa điểm này: đường sắt, đường cao tốc, đường Hồ Chí Minh, đường 1A chồng chéo. Lấy lý do xây dựng đường để phục vụ nhu cầu du lịch của 6,5 triệu dân Hà Nội là không hợp lý.
 

Cần thận trọng khi xem xét đầu tư

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh, Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình trong một lần trả lời báo chí cũng từng nêu quan điểm: Ngay ở Mỹ Đình đã có sẵn tuyến đường từ Mai Dịch-Linh Đàm-Pháp Vân, nối liền đến Cầu Giẽ. Và từ Cầu Giẽ lại có đường cao tốc đi Ninh Bình. Vì vậy, người Hà Nội sẽ chọn đi Bái Đính (Ninh Bình) bằng đường cao tốc cho nhanh chứ không thừa thời gian chọn đi “tuyến du lịch tâm linh” của Tổng Cục đường bộ đề xuất.

Không chỉ vậy, thời gian diễn ra lễ hội chùa Hương và Bái Đính cũng chỉ trong 3 tháng đầu năm, tức là 9 tháng còn lại trong năm tuyến đường hoành tráng này sẽ tạm được “nghỉ ngơi”. Vì vậy, phải cân nhắc khi quyêt định đầu tư.

Với thực tế trên, đề xuất con đường tâm linh của doanh nghiệp Xuân Trường với lời đề nghị Chính phủ tạo điều kiện về cơ chế chính sách và nguồn vốn xây dựng con đường kết nối các ngôi chùa là không thuyết phục.

Đó là chưa kể, trong đề xuất doanh nghiệp lại đề nghị nhà nước bỏ tiền ngân sách ra làm đường, hạ tầng còn doanh nghiệp các công trình tâm linh để kinh doanh, thu phí. Và như đề xuất của hai địa phương Hà Nam và Ninh Bình trước kia, doanh nghiệp Xuân Trường lại được chỉ định thầu để thực hiện các dự án, trong đó có cả dự án làm đường thì sẽ không đúng với quy định của Luật Đầu tư công hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Doanh nghiệp Xuân Trường đầu tư các khu du lịch tâm linh rất lớn, trong đó đề xuất tại chùa Hương là nơi có di tích quốc gia đặc biệt, là dự án nhóm A do Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư nên việc quản lý hết sức cẩn thận. Các thủ tục đầu tư phải đảm bảo đầy đủ quy định, công khai, minh bạch, có sự tham vấn ý kiến ý kiến từ Trung ương đến địa phương tránh tình trạng để một địa phương tự quyết định. Đối với việc thu phí, nếu là xã hội hóa thì doanh nghiệp có quyền thu nhưng phải có sự kiểm soát chặt chẽ không để tình trạng doanh nghiệp dựa vào di sản để “móc túi” người dân. Chúng ta phải rút ra những bài học trong việc đầu tư các dự án dưới hình thức BOT vừa qua.

 

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất