| Hotline: 0983.970.780

Phải kiểm định chất lượng trường nghề

Thứ Tư 08/12/2010 , 09:45 (GMT+7)

Kết quả kiểm định 35 trường dạy nghề trực thuộc các Bộ trên cả nước, có 23 trường đạt chất lượng theo tiêu chí kiểm định trường nghề của Mỹ.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại một cuộc triển lãm trưng bày các trang thiết bị đào tạo nghề cần thiết của một số trường quốc tế tổ chức tại Hà Nội

Trao đổi với phóng viên Báo NNVN ngày 7-12, ông Dương Đức Lân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ- TB&XH) cho biết, kết quả kiểm định 35 trường dạy nghề trực thuộc các Bộ trên cả nước, có 23 trường đạt chất lượng theo tiêu chí kiểm định trường nghề của Mỹ. Tại sao phải cần kiểm định và kiểm định theo tiêu chí nào?

“Soi gương” cho các trường nghề

Phó Tổng cục trưởng Dương Đức Lân cho hay, kiểm định để cho chính các cơ sở đào tạo biết họ là ai? Đang ở vị trí nào? Họ có thực sự tốt như những gì cam kết với Tổng cục không? Với 9 tiêu chí, 50 tiêu chuẩn và 150 chỉ số, những thông số trên nhằm thiết lập một hệ thống chuẩn của một trường đào tạo nghề có chất lượng trong thời gian tới. Ngoài ra, hiện còn có 85 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, trong đó có mười bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề xây dựng đã được Bộ Xây dựng ban hành cũng nhằm kiểm định các kỹ năng cần phải đạt được theo trình độ của người lao động. Đây là hai “công cụ” kiểm định sát thực nhằm đánh giá chất lượng lao động trong thời gian tới.

Cũng theo ông Lân, danh tính cơ sở (đạt hay không đạt tiêu chí) sẽ được công bố rộng rãi trên trang website của Tổng cục Dạy nghề để cho cơ sở khác làm bài học. Trong thời gian ngắn, những nơi chưa đủ điều kiện phải tự mình nâng cấp chất lượng đào tạo thì mới mong thu hút được nhiều sinh viên theo học. Cả nước hiện có 1,7 triệu người (trong đó 400.000 sinh viên trung cấp nghề) được đào tạo chủ yếu ở 7 nghề: điện công nghiệp, hàn, công nghệ ô tô, cắt gọt kim loại, quản trị mạng máy tính, điện tử công nghiệp, kế toán doanh nghiệp.

Trả lời báo giới, ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, từng khẳng định, thống kê trong số gần 9.000 sinh viên đỗ tốt nghiệp từ 7 nghề trên đã có trên 83% có việc làm với mức lương bình quân đạt 3,3 triệu đồng/tháng. Cái quan trọng là “sản phẩm ra”, phải như “sản phẩm công nghiệp”.

Ai thẩm định chỉ tiêu đào tạo?

Theo ông Dương Đức Lân, dự báo năm 2011, chỉ tiêu các trường cao đẳng nghề và trung cấp nghề đều tăng 18% so với năm 2010. Bộ GD-ĐT cho biết, chỉ tiêu đào tạo các trường nghề do trường đăng ký xuất phát từ khả năng của trường. Bộ LĐ-TBXH sẽ thẩm định nếu đáp ứng đủ điều kiện thì sẽ giao chỉ tiêu cho các trường.

Còn theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục đang trình Bộ LĐ-TBXH chế độ đãi ngộ đối với những sinh viên học nghề ra trường. Tuy nhiên, khi chưa có quy định bằng văn bản thì sinh viên CĐ và CĐ nghề, Trung cấp và trung cấp nghề khi vào làm các cơ quan hành chính sự nghiệp thì mức lương khởi điểm phải như nhau. Ngoài ra, Bộ đã trình Chính phủ hai đề án Đổi mới phát triển dạy nghề và Đề án dạy nghề ở nông thôn với chỉ tiêu mỗi năm đào tạo 1 triệu lao động và đến năm 2015, 80% số này có việc làm.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đàm Hữu Đắc nhận xét rằng, mạng lưới cơ sở dạy nghề đang tăng nhanh và phát triển rộng khắp trên cả nước với 270 trường trung cấp nghề, 112 trường cao đẳng nghề và trên 800 trung tâm dạy nghề. Qua khảo sát được biết, có khoảng 70% số học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề tỷ lệ này đạt trên 90%. Đội ngũ lao động qua đào tạo nghề đã đảm đương được hầu hết các vị trí trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong nước, thậm chí những vị trí mà trước đây do người nước ngoài đảm nhận trong các công ty liên doanh. Hiện ngành đã đào tạo được trên 200 kiểm định viên chất lượng dạy nghề hầu hết là hiệu trưởng, hiệu phó, trưởng các khoa, bộ môn của các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề. Đây là những bước đệm để phấn đấu đến năm 2020 có 230 trường cao đẳng nghề, 310 trường trung cấp nghề và mỗi quận huyện có 1 trung tâm dạy nghề. Và, đến năm 2020 toàn bộ các cơ sở dạy nghề đều phải được kiểm định.

+ Là người nhiều năm gắn bó với ngành đào tạo nghề, ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT cho hay, cả nước hiện có khoảng trên 600 cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) với quy mô trên 650.000 học sinh, trong số đó có trên 280 trường TCCN còn lại là các trường CĐ và ĐH tham gia đào tạo. Việc “sống còn” của các trường TCCN tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, như chính sách đầu tư phát triển, sự năng động của hệ thống các trường TCCN đặt trong mối quan hệ với các cơ sở dạy nghề và giáo dục đại học, việc làm sẵn có trên thị trường… Tổng ngân sách chi thường xuyên mỗi năm cho lĩnh vực dạy nghề (do Bộ LĐ-TB&XH quản lý) của cả nước khoảng 7.000 tỷ đồng, chưa kể khoảng 1.000 tỷ đồng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia dành cho dạy nghề. Ông kiến nghị, thời gian tới, phải làm tốt hơn nữa chất lượng giáo dục phổ thông, tạo đầu vào tốt cho giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Dạy nghề cần gắn rất chặt với nhu cầu doanh nghiệp, giảm bớt sự trông chờ vào ngân sách eo hẹp của Nhà nước.

+ Theo Tổng cục Dạy nghề, báo cáo của 31 sở Lao động – thương binh và xã hội trong năm 2009 cho thấy mới có 227 trong tổng số 682 cơ sở dạy nghề được cấp giấy chứng nhận hoạt động. Với 455 cơ sở chưa được cấp chứng nhận hoạt động, việc kiểm định sẽ rất khó khăn và chuyện chất lượng đào tạo cũng khó khẳng định là tốt.

+ Đại diện cho nơi trực tiếp đào tạo nghề cho sinh viên, ông Nguyễn Phan Hòa - Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Nhân Đạo bày tỏ, đạt đủ chỉ tiêu được giao không hề đơn giản. Ví dụ như năm nay, nhà trường mới nhận được khoảng 400 em (đạt khoảng ½ chỉ tiêu). Trường CĐ nghề Hàng hải cũng mới tuyển được khoảng 200 HS bậc TC. Nguyên nhân của hiện tượng này là do tâm lý sính mác trường đại học của phần lớn học sinh và phụ huynh. Nỗi niềm của ông Hòa cũng là nỗi niềm chung của phần lớn các cơ sở đào tạo có “dính” chữ “đào tạo nghề” mà phóng viên đã từng tiếp xúc, thăm dò.

Xem thêm
Thả 4,7 triệu con tôm giống ra biển Gành Hào

Bạc Liêu Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Nghinh Ông huyện Đông Hải lần thứ XXI năm 2024.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm