| Hotline: 0983.970.780

Tích tụ đất đai - Đối mặt thực tế:

Phải mạnh dạn đưa ra chính sách cho tích tụ đất đai

Thứ Sáu 30/09/2016 , 08:19 (GMT+7)

Ủy viên Trung ương Đảng, ĐBQH, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn đề nghị như vậy trong cuộc trò chuyện với PV NNVN xung quanh chuyên đề “Tích tụ đất đai – Đối mặt thực tế”.

16-55-05_ong-li-xun-mon-chu-tich-trung-uong-hoi-nong-dn-vn
Ủy viên Trung ương Đảng, ĐBQH, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn

 

Chỉ khi đất nông nghiệp vào tay nông dân chuyên nghiệp, vào tay những doanh nghiệp thực sự đầu tư vào nông nghiệp, thì từ đó mới sinh ra nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả giá trị gia tăng cao.

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, để tích tụ ruộng đất thành công, quá trình thực hiện cần công bằng, bền vững và hiệu quả, hướng tới cải thiện đời sống cho nông dân, xử lý các xung đột liên quan tới đất đai. Ngoài ra, chính sách thúc đẩy tích tụ đất đai cần phải đồng bộ, gắn với mục tiêu phát triển bền vững, với thị trường lao động.

Việc lựa chọn mô hình tích tụ đất đai không được cứng nhắc, phải gắn với điều kiện cụ thể từng địa phương, từng loại cây trồng, thị trường đầu vào, đầu ra, do cộng đồng quyết định và đạt được sự đồng thuận cao của các bên tham gia.

Thưa ông, nhận thức chung là vậy song thực tế đang đặt ra còn quá ngổn ngang để có một cú đột phá cho tích tụ đất đai?

Cứ nhìn thẳng vào thực tế để thấy quá trình tập trung ruộng đất còn chậm. Chúng ta cũng chưa rút được lao động ra khỏi nông nghiệp. Hầu hết các khu công nghiệp, dịch vụ chỉ tập trung ở một số thành phố lớn và ở những ngành mà lao động nông nghiệp rất khó tham gia.

Vì vậy, lao động nông nghiệp chỉ làm được dịch vụ, xây dựng lặt vặt, bấp bênh, mang tính thời vụ và không được bảo vệ về an sinh xã hội, nên chưa khuyến khích nông dân yên tâm chuyển nhượng đất cho người khác, để rút hoàn toàn ra khỏi nông nghiệp.

Bên cạnh đó, bản thân thị trường đất nông nghiệp nước ta cũng còn gặp nhiều khó khăn. Các thủ tục chuyển nhượng đất nông nghiệp vô cùng nhiêu khê và phức tạp. Trên thực tế, các hoạt động chuyển nhượng đất nông nghiệp dù có diễn ra thì cũng chủ yếu ở dạng “lén”. Chưa kể, hiện cũng chưa có cơ chế hỗ trợ tín dụng cho nông dân đi mua đất, thuê đất để sản xuất. Chính vì thế ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nông dân.

Việc Bộ NN-PTNT chủ trương xây dựng 10 sản phẩm quốc gia, sản phẩm thế mạnh địa phương và sản phẩm đặc thù, tôi cho rằng cũng là một hướng đi mới song phải có giải pháp đồng bộ đi kèm. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa ra 3 trụ cột trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và đề cập kỹ đến việc này.

Cá nhân tôi cho rằng, tích tụ đất đai là một lát cắt trong tái cấu trúc ngành nông nghiệp, ngoài ra có hai cái nữa là thị trường và tổ chức lại sản xuất.

18-31-22_ong-li-xun-mon-trong-chuyen-thm-mo-hinh-trong-chuoi-ti-hung-yen
Ông Lại Xuân Môn (người đội mũ cối) trong chuyến đi thực tế tìm hiểu về mô hình sản xuất trồng chuối ở Hưng Yên

 

Đất đai, thị trường và tổ chức lại sản xuất nếu không được xác định rõ cho một chiến lược đầu tư đồng bộ thì lộ trình tái cấu trúc ngành sẽ còn dài và khó thành công. Tôi đã được nghe ông khẳng định điều này trong một hội nghị về tái cơ cấu ngành nông nghiệp do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì. Nhân đây, muốn nghe ông nói rõ hơn về câu chuyện đất đai?

Có thể đất đai không hẳn là quan trọng hơn khi đặt cạnh thị trường và tổ chức lại sản xuất nhưng chính nó lại là “điểm nghẽn” trong việc tạo ra sản phẩm hàng hóa nếu không được quy hoạch đồng bộ, tích tụ lại. Nói gì thì nói, muốn có sản phẩm hàng hóa thì phải có đất để canh tác, làm ở đây là làm lớn, làm để cạnh tranh, làm cho đất sinh ra nhiều tiền. Chứ không đơn thuần, sản xuất ra, trữ lúa đầy bồ, khi cần tiền tiêu thì mang ra bán mấy chục cân như thế không phải là hàng hóa theo nghĩa của thị trường hội nhập.

Nông dân giàu hơn quan chức Chính phủ

Theo ông Lại Xuân Môn, các nước như Úc, New Zealand, EU, Mỹ… nông dân họ giàu hơn quan chức Chính phủ. Ở đó, nông dân tạo ra sản phẩm nông nghiệp ngon, rẻ, chất lượng nhờ có hàng chục, hàng trăm ha đất để canh tác. Có những nông dân họ nuôi hàng nghìn con bò thịt, hàng chục nghìn con cừu.

Người ta lấy sản phẩm nông nghiệp phục vụ công nghiệp và dịch vụ thương mại phát triển để hút lao động. Đất rộng, họ tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nên từ nguyên liệu nông nghiệp họ đã tạo ra các dòng sản phẩm công nghiệp bằng một quy trình sản xuất khép kín.

Tích tụ đất đai đúng là rất khó vì chúng ta đang vướng vào các rào cản từ nhận thức đến pháp lý. Rồi những lo lắng mà tôi nghĩ rằng, lo lắng đó cũng có cái lý sâu xa khi mà tiềm lực kinh tế của mình đang còn có nhiều khó khăn. Song cũng đặt ngược lại một câu hỏi rằng, phải chăng chúng ta không chịu bung ra để cho tiềm lực kinh tế mạnh lên?

Vậy, theo tôi ngay bây giờ phải mạnh dạn làm cái này. Tôi đề xuất lựa chọn một vùng kinh tế để làm, có thể là vùng Đồng bằng sông Hồng hoặc vùng Bắc Trung bộ. Còn muốn thuận hơn thì lựa chọn vùng Đông Nam bộ để đưa ra chính sách cho tích tụ đất đai.

Vì sao lại làm điểm trong khi không ít mô hình làm ăn lớn đã có hình hài thành công, thưa ông?

Rất ghi nhận về những cách làm sáng tạo, có trách nhiệm với cộng đồng đó nhưng để có một cam kết về tính pháp lý cùng với các chính sách hỗ trợ, khuyết khích đi kèm nhằm bền vững trong sản xuất giữa nhà nước và nhà đầu tư (nông dân, doanh nghiệp) ở đây là chưa có. Cho nên, cần làm điểm ở một vùng được đảm bảo hành lang pháp lý.

Khi tích tụ đất đai được bung ra cho một vùng, cởi mở bằng tính pháp lý, tôi tin, chúng ta sẽ hoàn toàn chủ động được trong việc giải quyết các phát sinh có thể xảy ra. Vấn đề là tổ chức thực hiện. Đi kèm với tích tụ đất đai của một vùng như Bắc Trung bộ chẳng hạn thì các giả thiết đặt ra cho vấn đề giải quyết việc làm, an sinh xã hội, phát triển dịch vụ, thương mại vệ tinh như thế nào đều phải có kịch bản cụ thể. Kể cả những kịch bản đối phó khi có các tình huống phát sinh.

Chúng ta cứ mạnh dạn làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, làm theo mô hình, có giám sát, đồng hành cùng nông dân và nhà đầu tư. Sau khoảng thời gian nhất định, Đảng, Nhà nước có đánh giá rút ra kinh nghiệm để thấy được giá trị thực của tích tụ đất đai.

Từ đó chúng ta xét tổng thể được, mất thế nào? Các tình huống phát sinh được giải quyết ra sao? Các tình huống phát sinh mà vùng thực hiện không giải quyết được thì các vùng lân cận như Bắc bộ và Nam Trung bộ có chia lửa được không?

Nếu tất cả cùng giải quyết đồng bộ được mà ổn thỏa thì nên tiếp tục mở rộng thêm khu vực hay làm đại trà luôn. Phải mạnh dạn và quyết tâm làm. Không mạnh dạn làm thì sao biết nó thành công hay thất bại. Cứ làm đi, thực tế bức bí lắm rồi, lẽ nào lại trái quy luật? Có thể thế hệ này chấp nhận hy sinh nhưng lớp lớp thế hệ sau này sẽ có việc làm tốt nhất, thu nhập khá nhất không phải làm ăn manh mún nữa.

Tôi khẳng định rằng, tích tụ đất đai là quy luật tất yếu và là cấp bách hiện nay trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bởi lẽ, thực tiễn chứng minh rằng, chỉ có nhiều đất thì mới thuận cho làm giàu được. Về lý luận tôi cho rằng, ít đất thì không thể giàu được.

Xin cảm ơn ông!

Tạo ra thị trường sản phẩm khan hiếm

Đây là cách mà nông dân Úc, New Zealand làm chủ thị trường thực sự chứ không phải tự bơi như ở ta. Ở Việt Nam khi đến mùa vụ thì thương lái khuynh đảo là sản phẩm bị đẩy giá lên, hoặc dư thừa, hoặc rớt giá.

Chia sẻ điều này, ông Lại Xuân Môn kể, ở Úc ví dụ: một nông dân có 100ha đất SXNN, họ chủ động quy hoạch cây trồng. Chẳng hạn, năm 2015 họ chỉ dùng 50ha để sản xuất còn 50ha trồng cỏ làm phân bón hữu cơ. Sang năm 2016, 50ha trồng cỏ được chuyển sang sản xuất còn 50ha năm ngoái dùng sản xuất, năm nay chuyển sang trồng cỏ. Như thế, nông dân chủ động được thế trận trên thị trường.

Họ bảo 50ha năm nay sản xuất có được giá cao bao nhiêu thì vụ tới vẫn chỉ sản xuất đúng chừng ấy. Họ cho rằng, nếu mở rộng diện tích là nông dân đang chạy theo thương lái và như thế dễ xảy ra cảnh được mùa mất giá. Tôi rất muốn nông dân nước mình có nhiều đất sản xuất để quyết định giá bán và làm chủ được thị trường sản phẩm.

 

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Đại hội đồng cổ đông năm 2024 của Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX diễn ra tại Hà Nội, thông qua báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất